Jataka-Tales-Madras-Courier-04

Sự tương tự và khác biệt

Đến đây biết đâu chúng ta có thể cũng thắc mắc muốn được biết hai sự thật là một thứ hay hai thứ khác nhau? Thắc mắc này cũng đã từng đưa đến nhiều quan điểm khác biệt nhau. Thí dụ như Bouteun (Bouteun Rinpoché, 1290-1364 là một nhà sư và học giả Tây Tạng rất lỗi lạc và cũng đã được nhắc đến trên đây) quả quyết rằng hai sự thật phải mang hai bản chất khác nhau, trong khi đó Tông Khách Ba thì lại cho rằng nếu căn cứ theo quyển Bình giải về tâm thức Giác Ngộ (13) của Long Thụ thì hai sự thật phải có cùng một bản chất như nhau, tuy rằng trên phương diện quy ước thì mỗi sự thật mang một thể tính (identité / identity) riêng biệt. Tương tự như trường hợp khi triết học Phật Giáo xác định một thứ gì đó bao gồm chung cả hai thể dạng, vừa là vô thường lại vừa là một sản phẩm (một vật thể vừa là kết quả phát sinh từ sự tạo tác do điều kiện để hiện hữu – tức là một sản phẩm – đồng thời tự nó cũng lại mang bản chất vô thường và làm nguyên nhân để tạo ra những điều kiện khác). Hơn nữa, hai sự thật cũng chỉ là hai cách diễn đạt dựa trên hai quan điểm (cách nhìn) khác nhau về cùng một thực thể (entity). Hai sự thật chỉ biểu trưng cho một thế giới duy nhất. Chấp nhận hai tầm nhìn (cách nhìn, góc nhìn) khác nhau như trên đây chính là cách giúp chúng ta phân biệt được bản chất (nature) và thể tính (identity) của mỗi sự thật.

Trong Tâm Kinh cũng có nói đến thể tính và bản chất chung của hai sự thật. Chúng ta hãy nêu lên một câu rất nổi tiếng sau đây (trong Tâm Kinh): “Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng; ngoài hình tướng, không hề có trống không; ngoài trống không, không hề có hình tướng”. Bài Kinh này còn cho biết thêm là tất cả mọi vật thể và sự kiện đều hàm chứa đặc tính của Tánh Không. Khi đề cập đến Tánh Không của hình tướng cũng như các hiện tượng khác thì chúng ta không nên nghĩ rằng Tánh Không là một thứ đặc tính từ bên ngoài được đem áp đặt lên các sự vật. Đúng hơn chỉ nên xem Tánh Không của các sự vật thuộc vào bản chất tự tại của chúng và bản chất ấy chính nó cũng bị chi phối bởi hiện tượng tạo tác tương liên (Tánh Không là bản chất tự tại và đích thật, thuộc “bên trong” của mọi sự vật, thế nhưng đồng thời bản chất ấy cũng bị chi phối bởi hiện tượng tạo tác tương liên khiến làm phát sinh ra đủ mọi hình tướng tức là các biểu hiện “bên ngoài” của chúng, và đấy cũng chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng đa dạng của thế giới).

Nếu phân tích thật cẩn thận thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng sự hiện hữu vật chất của một hình tướng và kể cả thể tính (identity) của nó đều nhất thiết lệ thuộc vào những yếu tố khác, chẳng hạn như tổng thể các nguyên nhân và điều kiện đã tạo tác ra nó. Chỉ khi nào đã hiểu được điều ấy thì khi đó chúng ta mới sẽ hiểu rằng không thể nào còn có thể nêu lên sự hiện hữu hay thể tính độc lập và tự chủ của bất cứ một hiện tượng nào nữa. Tuy nhiên không phải vì thế mà hình tướng không hề hiện hữu, bởi vì thật hết sức rõ ràng là chúng ta vẫn cảm nhận được nó, nhận biết được nó, và riêng về phần nó thì nó vẫn tiếp tục gây ra tác động đối với chúng ta. Trong lĩnh vực đa dạng tức là ở cấp bậc thuộc vào lĩnh vực của các kinh nghiệm cảm nhận thường nhật thì đúng là có hình tướng, thế nhưng các hình tướng ấy không hề hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào, cũng không hề mang một thực thể riêng biệt và độc lập nào cả. Các hình tướng đó chỉ có thể hiện hữu nhờ vào sự tương kết với các yếu tố khác, chẳng hạn như các nguyên nhân và điều kiện đã làm phát sinh ra chúng, hoặc là các thành phần cấu hợp đã tạo ra chúng. Tóm lại hình tướng hoàn toàn không mang một vị thế tự chủ nào cả: nhất thiết nó phải lệ thuộc vào các yếu tố khác (để có thể hiện ra như là một hình tướng). Vì lý do luôn ở trong tình trạng bị biến đổi và lệ thuộc vào sự tác động của các yếu tố khác cho nên hình tướng mang rất nhiều đặc tính (sắc thái) khác nhau (tùy theo các thành phần và điều kiện đã tạo tác ra chúng, và đấy cũng chính là tính cách đa dạng của thế giới như vừa được giải thích trên đây). Sự vắng mặt của bản chất độc lập – tức là sự trống không về mọi sự hiện hữu nội tại – của mọi hình tướng là sự thật tối hậu của chúng. Cũng chính vì lý do đó mà Đức Phật đã nêu lên trong Tâm Kinh rằng “Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng”.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông