bliss-mindfulness-blog

Hai loại vô ngã

Sự thật tối hậu chính nó cũng gồm có hai thứ: vô ngã của con người (có nghĩa là không có “cái tôi” và cái “của tôi“) và vô ngã của mọi hiện tượng (Tánh Không của hiện thực). Trong tập Luận Giải về Con Đường Trung Quán (Madhyamakavatara / Introduction to Middle Way / Nhập Trung Luận Thích, một quyển sách của Nguyệt Xứng bình giải về tập Nhập Trung Quán của Long Thụ) Nguyệt Xứng xác nhận rằng sự phân chia trên đây (vô ngã của cá thể con người và vô ngã của mọi hiện tượng) không hề được căn cứ vào hai loại vô ngã hoàn toàn khác biệt nhau, mà đúng hơn là dựa vào khái niệm cho rằng thế giới gồm có hai thể loại hiện tượng chính yếu – một làm chủ thể và một làm đối tượng (“cái tôi” là hiện tượng giữ vai trò chủ thể, “hiện tượng” nhận biết được bởi “cái tôi” giữ vai trò đối tượng, cả hai đều là vô ngã tức là Tánh Không). Do đó trong trường hợp trên đây thuật ngữ “hiện tượng” sẽ chỉ định cho thế giới tức cho mọi vật thể và sự kiện, và thuật ngữ “con người” sẽ chỉ định tất cả các sinh linh có giác cảm (chúng sinh). Kinh sách cũng đã dựa vào cách phân chia hiện thực thành hai thể loại như trên đây để nêu lên hai loại sự thật mang tính cách tối hậu khác nhau (Tánh Không của cá thể con người và Tánh Không của thế giới hay là của tất cả mọi hiện tượng khác).

Quan điểm trên đây là do chi phái Trung Quán – Cụ Duyên Tông đưa ra. Chi phái Trung Quán – Y Tự Khởi Tông (xin nhắc lại Trung Quán Tông được phân chia thành hai chi phái là Trung Quán – Cụ Duyên Tông và Trung Quán – Y Tự Khởi Tông) và các tông phái triết học khác của Phật Giáo thì lại chủ trương cho rằng có một sự khác biệt thật căn bản giữa vô ngã của con người và vô ngã của mọi hiện tượng, trong khi đó Trung Quán – Cụ Duyên Tông chỉ xác nhận rằng có nhiều cấp bậc nhận thức tinh tế khác nhau về tính cách vô ngã của con người tùy theo khả năng hiểu biết của mỗi cá thể và cho biết thêm rằng nếu phân tích đến chỗ cùng cực thì tính cách vô ngã của cá thể con người cũng như vô ngã của mọi hiện tượng tất cả sẽ đều ở vào một cấp bậc tinh tế tương tự như nhau. Sự thật tối hậu đôi khi còn được phân chia thành bốn, mười sáu hay hai mươi thể loại Tánh Không khác nhau. Các cách phân loại này cho thấy là có nhiều phương pháp xác định Tánh Không khác nhau, chẳng hạn như phân biệt Tánh Không thành các thể loại thuộc bên trong và bên ngoài, hoặc vừa bên trong và vừa bên ngoài…, và tiếp tục như thế cho đến chỗ tột cùng, và ở cấp bậc này thì Tánh Không thường được gọi là Tánh Không của Tánh Không. Cách quy định Tánh Không của Tánh Không như là một thể loại riêng biệt tỏ ra rất hữu ích, bởi vì Tánh Không nếu chỉ được định nghĩa như là một sự thật tối hậu thì cũng sẽ dễ gây ra sự hiểu lầm cho rằng Tánh Không là một thực thể tuyệt đối (khi nêu lên “Tánh Không của Tánh Không” thì đấy là cách cho thấy Tánh Không thật sự là trống không và không hề hàm chứa hay biểu trưng cho một “giá trị tuyệt đối” hay một “thực thể tối hậu” nào cả. Tánh Không chỉ là một “sự trống không” và Tánh Không của Tánh Không tức là sự “trống không” của “sự trống không” ấy). Chính vì thế mà Đức Phật đã xác nhận rằng Tánh Không tự nó không hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào cả.

 

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông