om-mani-padme-hum-stephen-humphries 1

Các giai đoạn diễn tiến tuần tự trong việc tìm hiểu hai sự thật

Nhằm có thể giúp tìm hiểu quá trình diễn tiến giúp định nghĩa khái niệm về hai sự thật được dễ dàng hơn chúng ta hãy thử nêu lên một thí dụ về một vật thể thật đơn giản, chẳng hạn như một cánh hoa. Trước hết cánh hoa hiện ra như là một đối tượng trong tâm thức, và căn cứ vào sự hiển hiện đó trong tâm thức chúng ta sẽ khảo sát xem bản chất đích thực của nó là gì. Tập Giản Yếu về Giáo Huấn của Tịch Thiên nêu lên đầy ắp những trích dẫn từ các kinh sách su-tra ghi chép những lời thuyết giảng của Đức Phật về các tác động của quy luật nguyên nhân hậu quả trong bối cảnh thiên nhiên – và đã cho thấy rằng một sự kết hợp giữa một số nguyên nhân và điều kiện nhất định nào đó tất sẽ phải mang lại một số hậu quả hay đưa đến một số cảnh huống nhất định nào đó. Các kinh sách này (tức là các kinh sách đã được Tịch Thiên trích dẫn) phân tích thật chi tiết khía cạnh quy ước của hiện thực. Nếu cứ tiếp tục phân tích để tìm hiểu tại sao một số các nguyên nhân và điều kiện cá biệt nào đó lại chỉ có thể làm phát sinh ra các sự kiện cá biệt liên hệ với chúng, thì chúng ta cũng sẽ quen dần với sự vận hành của thế giới đa dạng này, và các kinh nghiệm thu nhận được cũng sẽ trực tiếp tác động đến sự cảm nhận của chúng ta (nếu quán xét tường tận và suy tư thường xuyên về sự vận hành của các hiện tượng xảy ra xuyên qua quy luật nguyên nhân hậu quả thì đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ quán thấy được sự vận hành chung của cả thế giới này. Khi đã thấu triệt được sự vận hành đó thì chúng ta cũng sẽ bớt hoặc không còn thắc mắc nữa trước những biến động thật đa dạng xảy ra quanh ta). Chỉ khi nào chúng ta hiểu được mọi sự vật vận hành như thế nào trong thế giới hiện tượng tức thế giới của hiện thực quy ước, thì khi đó chúng ta mới nên nghĩ đến việc tìm hiểu bản chất tối hậu của hiện thực là gì (tất nhiên là như thế, bởi vì nếu chưa hội đủ khả năng để nhận thấy được bản chất lôi kéo và biến động của thế giới hiện tượng này thì làm thế nào chúng ta có thể quán nhận được bản chất tối hậu của nó là Tánh Không). Và cũng chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể hội đủ khả năng để nhận thấy được sự sai lệch (non-coincidence / sự-bất-trùng-hợp) giữa sự cảm nhận của mình về thế giới và bản chất đích thực của mọi sự vật.

Nếu muốn suy đoán được mức độ sai lệch giữa sự cảm nhận của mình và hiện thực quan trọng như thế nào thì nhất thiết cần phải nhìn lại xem thói thường chúng đã áp đặt khái niệm thực thể về hiện thực (notion de réalité concrète / concrete notion of reality / tức là những kinh nghiệm cảm nhận thông thường của mình về thế giới và xem nó đúng thật như thế) để áp đặt lên mọi sự vật và biến cố như thế nào (đem gán cho các vật thể và biến cố những gì mà mình cảm nhận được bằng lục giác và cho đấy là hiện thực). Thật vậy sự tin tưởng (conviction / sự đoan chắc, sự cả tin hay sự tin tưởng cho là đúng như thế) cho rằng các kinh nghiệm cảm nhận của mình là đúng sẽ khiến cho mình nhìn thấy mọi sự vật và biến cố tự chúng hiện hữu một cách tự tại và hàm chứa một thực thể hay là một sự hiện hữu nội tại nào đó (khi nhìn vào một vật thể, một con người, một sự kiện, một tư duy hay xúc cảm thì chúng ta tin rằng chúng đúng thật là như vậy, thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là kết quả mang lại từ sự kết hợp của thật nhiều nguyên nhân và điều kiện. Bản chất đích thật của chúng chỉ là hậu quả hay một sự cấu hợp tạm thời gồm nhiều thành phần và điều kiện để hiện hữu. Chẳng những các nguyên nhân và điều kiện tạo tác ra chúng đều vô thường mà ngay cả chúng cũng vô thường và cũng đang biến động để tạo ra những nguyên nhân và điều kiện khác nhằm làm phát sinh ra các vật thể, sự kiện, con người cũng như các tư duy và xúc cảm khác. Sự biến động liên tục đó cho thấy thật rõ ràng là các hiện tượng không hàm chứa một sự hiện hữu cố định, tự tại hay nội tại nào cả, nói một cách khác là chúng “không thật”, chỉ là “ảo giác” và luôn tìm cách để “lừa phỉnh” chúng ta). Chỉ khi nào hội đủ khả năng để phủ nhận sự tin tưởng (tức là không còn cố tình tin rằng mọi hiện tượng có thật và hiện hữu đúng như thế) thì khi đó chúng ta mới có thể đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về sự thật tối hậu hay là Tánh Không.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông