mnmn

Sự hiểu biết là gì

Theo cách hiểu thông thường thì vô minh có nghĩa là các thể dạng tâm thức hoặc tiêu cực hoặc trung hòa. Thế nhưng vô minh căn bản (cội rễ hay nguyên thủy), ít ra với ý nghĩa là nguyên nhân đầu tiên trói buộc chúng ta trong chu kỳ hiện hữu, phải được hiểu như là một thể dạng tâm thức méo mó (nói vắn tắt nguyên nhân sâu xa nhất trói buộc chúng ta trong chu kỳ hiện hữu chính là thể dạng vô minh của tâm thức. Thể dạng vô minh đó không nhất thiết chỉ đơn giản có nghĩa là “không-hiểu-biết” hay “thiếu-hiểu-biết” về hiện thực mà đúng hơn là một sự “hiểu biết lệch lạc” và kết quả mang lại là một sự quán thấy hoàn toàn sai lầm về bản chất của hiện thực). Vì tâm thức bị méo mó nên sự nhận biết về bản chất của hiện thực cũng theo đó mà trở nên lệch lạc. Do đó chỉ có một cách duy nhất có thể sửa chữa được sự lệch lạc đó: đấy là cách phải tái tạo lại sự hiểu biết đúng thật về bản chất của hiện thực hầu giúp mình tránh khỏi những sự quán thấy lừa phỉnh do vô minh tạo ra. Sự hiểu biết ấy chỉ có thể đạt được khi nào chúng ta đã ý thức được sự quán thấy của mình là hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Nếu chỉ biết cầu nguyện suông: “Xin cho tôi loại bỏ được vô minh cội rễ” thì nhất định chúng ta sẽ không bao giờ có thể thực hiện được mục đích mong cầu. Tóm lại chúng ta phải đạt cho bằng được chính sự hiểu biết ấy (sự “hiểu biết” ở đây có nghĩa là “trí tuệ”, bởi vì trong các ngôn ngữ Tây Phương không có từ nào tương đương với thuật ngữ “trí tuệ” (prajna) trong giáo lý Phật Giáo).

Chỉ khi nào phát huy được sự hiểu biết giúp mình tìm hiểu thật sâu xa bản chất của hiện thực thì khi đó chúng ta mới có thể hội đủ khả năng đánh tan những cảm nhận sai lầm cội rễ mà thôi. Thay vì gọi đấy là sự hiểu biết hay trí tuệ (trong nguyên bản là sagesse / wisdom. Các từ này trong các ngôn ngữ Tây Phương thường được dùng để dịch chữ “trí tuệ” trong Phật Giáo, thế nhưng thật ra đấy chỉ là một cách dịch gượng ép, bởi vì các từ này chỉ có nghĩa là sự khôn ngoan, khôn khéo, thận trọng…, do đó không thể nào nói lên được ý nghĩa của thuật ngữ “trí tuệ” (prajna) trong Phật Giáo), thì tôi nghĩ rằng nên sử dụng một thuật ngữ đặc thù khác của Phật Giáo để gọi đấy là sự hiểu biết Tánh Không (nên hiểu rằng trí tuệ trong Phật Giáo không nhất thiết chỉ là sự hiểu biết sáng suốt mà đúng hơn là một sự hiểu biết siêu nhiên giúp quán thấy được bản chất đích thực của hiện thực tức là Tánh Không) tức có nghĩa là không-có-cái-tôi hay vô ngã, một khái niệm được giải thích khác nhau tùy theo các học phái triết học. Trong trường hợp mà chúng ta đang bàn thảo với nhau thì tôi chỉ muốn nói đến sự trống không của sự hiện hữu nội tại (existence intrinsèque / intrinsec existence / sự hiện hữu nội tại hay tự tại. Các hiện tượng luôn biến động và đổi thay, chúng hiện ra và biến mất, vì thế chúng không hề hàm chứa một sự hiện hữu thật mang tính cách nội tại và trường tồn nào cả, và đấy cũng chính là Tánh Không của mọi sự hiện hữu mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma muốn nói đến trong trường hợp này). Nếu cứ tin rằng mọi vật thể và hiện tượng hiện hữu thật sự và mang tính cách độc lập (mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữu là do nhiều nguyên nhân và điều kiện tác tạo ra chúng, sự hiện hữu ấy còn gọi là sự tạo tác do điều kiện mà có. Vì thế nên chúng không thể nào độc lập được, có nghĩa là không thể nào tự hiện hữu được nếu bị tách rời ra khỏi các nguyên nhân và điều kiện đã tạo ra chúng) thì đấy chính là vô minh căn bản. Ngược lại, sự hiểu biết sâu xa về sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại (intrinsec existence) sẽ được chỉ định bằng thuật ngữ “sự thật của con đường” (cũng xin mạn phép mượn dịp này để lưu ý người đọc là “sự thật của con đường” chính là trí tuệ giúp chúng ta quán thấy được bản chất đích thật của hiện thực. Sự thật ấy của con đường chính là sự Giác Ngộ và giải thoát. Tất cả các hình thức màu mè khác chỉ biểu trưng cho một vài khái niệm luân lý thường tình và sơ đẳng – không có gì là Phật Giáo cả – hoặc là những phương tiện thiện xảo giúp chúng ta đến gần hơn với con đường do Đức Phật nêu lên mà thôi).

Trong lần chuyển bánh xe Đạo Pháp thứ hai, nhất là qua các kinh sách nói về sự hoàn thiện trí tuệ, Đức Phật có giảng rằng vô minh chính là nguyên nhân chủ yếu nhất làm phát sinh ra tất cả những thứ xúc cảm bấn loạn và mọi sự hoang mang – nói cách khác là các thứ tư duy và cảm nhận tiêu cực cũng như mọi thứ khổ đau do chúng gây ra. Đức Phật khẳng định rằng vô minh căn bản và các sự bấn loạn do nó tạo ra không phải là bản chất đích thật của tâm thức. Các khả năng giúp nhận biết mọi vật thể và sự kiện cũng chỉ là một sự vận hành tự nhiên (sự nhận thức sai lầm của chúng ta về hiện thực không phải là bản chất nội tại hay có sẵn của tâm thức mà đúng hơn chỉ là kết quả vận hành tự nhiên của tâm thức mỗi khi lục giác – gồm ngũ giác và tri thức – tiếp xúc với các đối tượng của chúng. Sự hiểu biết do chúng mang lại có vẻ hoàn toàn “tự nhiên”, thế nhưng sự “tự nhiên” ấy thật ra là một sự lệch lạc và méo mó, không hề phản ánh được bản chất đích thực của hiện thực). Tâm thức nguyên sinh mang bản chất tinh khiết phải được hình dung như một thể dạng “rạng ngời và tràn đầy trí tuệ”. Cách mô tả tâm thức trên đây được nêu lên trong các kinh sách nói về sự hoàn thiện trí tuệ (chính yếu nhất là bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa). Các kinh sách này mô tả bản chất chủ yếu của tâm thức như một thể dạng ánh sáng trong suốt. (Kim Cương Thừa cũng mô tả Tánh Không hay Phật Tính, Chân Như… là một thể dạng ánh sáng trong suốt hiện ra trong giai đoạn trung gian giữa hai kiếp sống tức trong quá trình của cái chết khi ngũ uẩn đã tan biến hết).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông