2

Nền tảng mang lại sự thành công

Mục đích tu tập của người Phật Giáo là nhằm đạt được niết bàn, tức là thực hiện được một thể dạng tâm thức đã loại bỏ được mọi sự nhận thức sai lầm và bấn loạn. Việc tu tập nhất thiết phải mang lại một sự thăng tiến tuần tự thì mới mong đạt được mục đích trên đây, do đó yếu tố thời gian thật cần thiết. Nếu quý vị thật sự mong muốn mang lại cho mình một sự thăng tiến trên đường tu tập tâm linh thì ngay khi mới bắt đầu bước vào con đường hướng đến niết bàn và sự giải thoát, phải nhìn lại chính mình xem phong cách hành xử và phương tiện sinh sống của mình có phù hợp với việc tu tập Đạo Pháp hay không (có nghĩa là phải tự xét xem cuộc sống của mình có thật sự phù hợp với Con Đường của Tám Điều Đúng Đắn – tức là Bát Chính Đạo – hay không. Nóí một cách đơn giản hơn là hãy tự nhìn lại xem mình có sống xa hoa, lòe loẹt, thèm khát, mưu đồ, tính toán, tham lam, ăn nói hồ đồ… hay không? Phương kế sinh nhai của mình có lương thiện hay không? Trong từng giây phút mình có suy nghĩ và hành động ngay thật và biết giữ sự yên lặng cần thiết để suy tư hay không?).

Trong tập luận “Bốn trăm tiết” (Catushataka) của Thánh Thiên (Aryadeva, là một đệ tử của Long Thụ, sống vào khoảng từ giữa thế kỷ thứ II đến giữa thế kỷ thứ III) có đưa ra một phương pháp tu tập thật cụ thể mang lại một sự thăng tiến tuần tự trên đường Giác Ngộ. Việc tu tập này được quy định bởi các cấp bậc thăng tiến rõ rệt. Trước hết là không được phạm vào các hành động tiêu cực và phải noi theo một cuộc sống đạo đức. Thánh Thiên còn cho biết thêm rằng trong giai đoạn đầu tiên này, tức là khi vừa mới đặt chân vào con đường, thì nhất thiết chúng ta phải tránh các cách hành xử có thể mang lại cho mình những thể dạng tâm thức tiêu cực và bấn loạn, đấy là cách giúp mình không tái sinh trong những điều kiện bất thuận lợi khiến cho việc thăng tiến trên đường tâm linh phải bị chậm lại. Giai đoạn tiếp theo là phải thực hiện sự quán nhận về tính cách vô ngã hay là Tánh Không (của “cái tôi” và cái “của tôi“). Giai đoạn cuối cùng là phải loại trừ các thứ chướng ngại tinh tế ngăn chặn không cho phép mình đạt được sự hiểu biết (tức là phát huy trí tuệ và Tánh Không ở các cấp bậc cao hơn nữa).

Nếu thấu triệt được giáo lý về bốn sự thật cao quý (Tứ Diệu Đế) thì chúng ta cũng sẽ hiểu được dễ dàng hơn sự cần thiết của Tam Bảo là Đức Phật, Đạo Pháp và Tăng Đoàn. Khi đã nắm vững được căn bản đó thì chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng niết bàn và sự giải thoát đích thực là những gì mà mình có thể đạt được. Khi nào hiểu được rằng các thể dạng tâm thức tiêu cực và bấn loạn là những gì có thể loại bỏ được thì khi đó chúng ta cũng sẽ hiểu rằng mình có thể thực hiện được sự giải thoát đích thật – sự giải thoát đó không phải chỉ mang ý nghĩa bao quát mà còn có nghĩa là sự giải thoát khỏi cái ngã của chính mình (sự giải thoát không chỉ có nghĩa là một thể dạng tâm thức thảnh thơi và tràn đầy hạnh phúc, mà đúng hơn sự giải thoát do Phật Giáo nêu lên là để nhắm vào một mục đích thật rõ rệt và cụ thể: đó là sự giải thoát khỏi sự kiềm tỏa của “cái tôi” và cái “của tôi”). Với tư cách cá nhân con người tất chúng ta sẽ cảm thấy rằng sự tự do đó không vượt quá tầm với của mình và nhất thiết chỉ tùy thuộc vào việc thực hiện sự hiểu biết của chính mình (tức là việc phát huy trí tuệ của mình). Khi nào đã quán nhận sâu xa được sự thật ấy thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng mình có thể tự tháo gỡ các sơ đồ quen thuộc phát sinh từ những ý niệm sai lầm (chúng ta quen nhìn hiện thực qua những “sơ đồ quen thuộc” tức là những hình tướng biến động và xem đấy là thật. Khi nào phát huy được trí tuệ để nhận biết được các “sơ đồ quen thuộc” ấy chỉ là ảo giác, nghĩa là những thứ “cấu hợp” phát sinh từ điều kiện – conditioned production – thì khi đó chúng ta cũng sẽ tháo gỡ được các điều kiện trói buộc sự hiện hữu tạm thời của chúng để nhìn thấy chúng thật ra chỉ là trống không. Sau đó nếu quay nhìn vào các thứ cấu hợp tạo ra chính mình – từ thân xác đến tâm thức – thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng chúng cũng chỉ là trống không. Quán thấy được sự trống không toàn diện và mênh mông đó chính là sự Giác Ngộ). Nhờ đó chắc chắn chúng ta sẽ đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo. Khi nào đã vững tin vào sự quán thấy ấy thì khi đó chúng ta cũng sẽ hiểu được việc quy y nơi Đức Phật, Đạo Pháp và Tăng Đoàn thật hết sức là quan trọng (nên hiểu rằng quy y tam bảo là cách nương tựa vào Đức Phật, Giáo Huấn của Ngài và sự giúp đỡ của Tăng Đoàn hầu giúp mình đạt được trí tuệ, và đấy cũng là cách xem hành động quy y của mình là “nguyên nhân” sẽ góp phần mang lại “hậu quả” là sự Giác Ngộ của mình).

Sau khi đã quy y Tam Bảo thì phải thực hiện ngay lời nguyện thứ nhất tức là phải sống một cuộc sống đạo đức, phải luôn nhớ đến quy luật nguyên nhân hậu quả để tránh tạo nghiệp và đồng thời phải tự nhắc nhở mình không được vi phạm vào mười hành vi thiếu đạo hạnh là: ba hành vi thuộc thân xác – sát sinh, trộm cắp, phạm vào những hành vi tính dục bất chính; bốn hành vi thuộc ngôn từ – nói dối, dèm pha, nói những lời làm tổn thương người khác, thốt ra những lời thô bỉ, hay nịnh hót hoặc ăn nói ba hoa vô tích sự; và ba hành vi thuộc tâm thức – tham lam hay thèm muốn, ác ý và nuôi dưỡng những quan điểm sai lầm. Sau hết là phải tự giải thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của “cái tôi” tức là cái ngã của mình, nói cách khác là vượt thoát khỏi cảm tính về sự hiện hữu nội tại của mình. Tóm lại có tất cả ba cấp bậc luyện tập thuộc vào ba giai đoạn khác nhau: trước hết là tuân thủ giới luật (tu giới), sau đó là luyện tập thiền định (tu định: để thoát ra khỏi “cái tôi”) và sau cùng là phát huy trí tuệ tối thượng (tu tuệ: để quán thấy Tánh Không của hiện thực). Trong giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng chúng ta phải nhất thiết khắc phục được tất cả các thể dạng tâm thức bấn loạn và tiêu cực, và cả những xu hướng cũng như những thói quen phát sinh từ sự sai lầm của các thể dạng tâm thức ấy.

Kết quả cao nhất mang lại từ việc tu tập thuộc vào giai đoạn thứ ba là sự hiểu biết Tánh Không – tức là bản chất tối hậu của thực tại – kết hợp với lòng từ bi rộng lớn. Nhằm đạt được mục đích đó chúng ta còn cần phải ghép thêm vào việc thực hiện Tánh Không một số các yếu tố khác nữa, chẳng hạn như ước nguyện đạt được Phật Tính hầu hội đủ khả năng mang lại an vui cho tất cả chúng sinh có giác cảm, hoặc phải phát lộ lòng từ bi rộng lớn và tình nhân ái, v.v… Chỉ khi nào sự hiểu biết siêu nhiên được hỗ trợ thêm bởi các yếu tố trên đây thì khi đó chúng ta mới có thể thật sự đạt được một trí tuệ khả dĩ đủ sức giúp chúng ta loại bỏ được các xu hướng và thói quen phát sinh từ những thứ tư duy và xúc cảm bấn loạn của mình. Kết quả mang lại từ những cố gắng trên đây sẽ giúp chúng ta đạt được thể dạng cuối cùng, tức là thể dạng của một vị Phật.

Khi đã đạt được thể dạng Tánh Không nhờ vào toàn bộ các phép luyện tập sơ khởi trên đây thì khi đó thể dạng Tánh Không ấy cũng sẽ trở thành một liều thuốc hóa giải hiệu nghiệm giúp loại trừ tất cả những thứ u mê cản trở sự Giác Ngộ hoàn hảo của mình. Ngay trong đoạn đầu của chương IX, Tịch Thiên cũng đã cho biết rằng Đức Phật đã nêu lên đầy đủ tất cả các khía cạnh khác nhau trong việc tu tập Đạo Pháp, và tất cả cũng đều hướng vào việc thực hiện trí tuệ. Do đó dù mục đích tu tập của quý vị chỉ nhắm vào việc loại trừ khổ đau đi nữa thì nhất thiết quý vị cũng phải thực hiện được sự hiểu biết Tánh Không (sự hiểu biết Tánh Không chỉ có thể thực hiện được bằng trí tuệ).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông