69419847_969119563427920_1747980315705475072_n

Nguồn gốc tương liên giữa mọi sự vật

Trong một bài kinh giải thích về quy luật tương liên (còn gọi là lý duyên khởi, nêu lên trong Tương Ưng Bộ Kinh, Samyutta Nikaya, II, 28) Đức Phật có nói như sau:

Nếu cái này có thì cái kia sinh ra;

Vì cái này sinh ra nên cái kia sẽ hiển hiện.

Chính vì thế, nên từ vô minh sẽ phát sinh ra tác ý…

Nói một cách khác, nếu muốn cho một sự kiện hay một sự cảm nhận có thể xảy ra được thì nhất định phải có một số nguyên nhân nào đó làm phát sinh ra nó, và đồng thời các nguyên nhân ấy tự chúng cũng phải là hậu quả phát sinh từ các nguyên nhân khác trước đó – nếu như nó không phải là hậu quả sinh ra từ một nguyên nhân đã có trước đó thì nó cũng sẽ không hàm chứa một tiềm năng hay hiệu năng nào để nó có thể gây ra bất cứ một hậu quả nào khác. Đức Phật có nói rằng nếu đã có một nguyên nhân thì nhất định hậu quả phát sinh từ nguyên nhân ấy sẽ không sao tránh khỏi phải sinh ra. Chẳng những nguyên nhân ấy phải được sinh ra từ một nguyên nhân khác (đã có trước đó), mà chính nó cũng lại phải tương quan với hậu quả do chính nó làm phát sinh ra (sau này). Nếu cho rằng một nguyên nhân có thể làm phát sinh ra bất cứ một hậu quả nào cũng được thì đấy là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm, bởi vì một nguyên nhân nhất định nào đó chỉ có thể làm phát sinh ra một hậu quả liên hệ và tương quan với nó mà thôi (hậu quả luôn luôn tương hợp và liên đới với nguyên nhân đã làm phát sinh ra nó).

Căn cứ trên nguyên tắc này Đức Phật cho biết rằng vô minh đã ăn sâu nơi mỗi cá thể sẽ làm phát sinh ra nghiệp tức là các “hành động”. Những thứ cảm nhận khổ đau mà chúng ta không hề mong muốn, chẳng hạn như đau đớn, sợ sệt và cái chết, tất cả đều là hậu quả phát sinh từ những nguyên nhân liên đới với chúng. Nếu muốn loại bỏ những khổ đau đó thì nhất thiết chúng ta phải làm cho chuỗi dài lôi kéo giữa nguyên nhân và hậu quả phải chấm dứt. Đức Phật cho biết rằng trong số mười hai mối dây trói buộc giữa nguyên nhân và hậu quả (10) thì thành phần thứ nhất sẽ làm phát sinh ra thành phần sau cùng (mối dây thứ nhất sẽ tuần tự đưa đến sự hình thành của mười một mối dây tiếp theo sau). Ngoài ra Đức Phật lại còn nêu thêm một quá trình khác ngược lại với quá trình trên đây và có thể hóa giải hoàn toàn được mười hai mối dây trói buộc của quá trình ấy. Nói cách khác là nếu chúng ta loại bỏ được mối dây xảy ra trước thì cũng có nghĩa là sẽ loại bỏ được mối dây sẽ phải xảy ra sau đó. Khi nào nhổ bỏ được tận rễ nguyên nhân thứ nhất của quá trình trên đây – tức là vô minh nguyên thủy đã ăn sâu vào sự hiện hữu của mình – thì khi đó chúng ta cũng sẽ tự giải thoát cho mình khỏi mọi thứ khổ đau và cả nguồn gốc của khổ đau.

Trong số mười hai mối dây tương liên giữa nguyên nhân và hậu quả thì vô minh được xem là nguyên nhân đầu tiên đứng ra khởi động chuỗi dài níu kéo của mười hai nguyên nhân tạo nghiệp. Theo tôi thì sự kiện này đã nói lên cả một sự thật vô cùng quan trọng nhằm chứng minh cho thấy từ bản năng mỗi người trong chúng ta đều mong cầu đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau (sự trói buộc của mười hai mối dây tương liên sở dĩ phát sinh là vì chúng ta luôn mong cầu đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, thế nhưng sự mong cầu ấy thật ra chỉ là một sự bám víu phát sinh từ tác động của vô minh, tức có nghĩa là không được hướng dẫn bởi trí tuệ). Sự mong cầu này mang tính cách nội tại nơi mỗi con người, không cần bất cứ ai dạy bảo cả. Dù rằng chúng ta lúc nào cũng ấp ủ những ước vọng thật tự nhiên ấy thế nhưng đồng thời thì chúng ta cũng nhận thấy rằng niềm phúc hạnh lâu bền lúc nào cũng vượt thoát khỏi tầm tay của mình và mình thì cũng cứ vẫn tiếp tục bị rơi vào mạng lưới kiềm tỏa của khổ đau. Đấy chính là bằng chứng cho thấy có một thứ gì đó không được suông sẻ trong sự hiện hữu của chúng ta, và chúng ta thì lại không tìm thấy được một phương pháp nào khả dĩ có thể giúp mình thực hiện được ước vọng tự nhiên ấy hầu mang lại hạnh phúc cho mình. Chính vì lý do đó mà giáo huấn về mười hai mối dây tương liên giữa nguyên nhân và hậu quả đã được nêu lên nhằm mang lại một sự hiểu biết đích thật nhằm giúp chúng ta nhận thấy rằng vô minh chính là nguyên nhân đầu tiên tạo ra đủ mọi thứ khổ đau cho con người.

Vô minh căn bản hay nguyên thủy là một chủ đề đã từng được các vị luận sư Phật Giáo như Vô Trước (Asanga) và Pháp Xứng (Dharmakirti, 600?-660, một đại luận sư thuộc học phái Duy Thức) giải thích với ít nhiều khác biệt. Dù sao thì chúng ta cũng không nên hiểu vô minh như là một sự thiếu-hiểu-biết (hay không hiểu biết) đơn thuần mà phải xem nó như là cả một sự lầm lẫn trong sự quán thấy của mình – thí dụ như chúng ta tưởng là mình hiểu đúng, thế nhưng thật ra thì mình hiểu sai. Vô minh căn bản phát sinh từ sự tiếp cận méo mó về hiện thực của chúng ta và cũng vì thế đã khiến chúng ta nghĩ rằng mỗi vật thể và mỗi sự kiện xảy ra tự chúng đều hàm chứa một sự hiện hữu nội tại và độc lập.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông