nnnn

Tiềm năng mang lại sự giải thoát

Chúng ta có thể tự hỏi như sau: “Có thể thật sự thay đổi được bản chất của sự hiện hữu này của chúng ta hay không, trong khi mà các cấu hợp thể xác và tâm thần tạo ra sự hiện hữu ấy đã bị ô nhiễm (có nghĩa là thân xác đang phải chịu khổ đau, già nua và bệnh tật, và tâm thức thì đang rơi vào tình trạng vô minh không nhìn thấy được bản chất đích thực của hiện thực)? Có thể thật sự thoát khỏi sự hiện hữu trói buộc phát sinh từ nguyên nhân và điều kiện này hay không?” Nếu đã nêu lên vấn đề chấm dứt khổ đau thì tất nhiên Phật Giáo cũng đã phải có sẵn một giải pháp: đấy là cách phải loại bỏ hoàn toàn các thể dạng tâm thần tiêu cực hầu giúp mình hóa giải mọi khổ đau. Nếu là những người tu tập trung kiên thì chúng ta lúc nào cũng phải suy tư thật sâu xa về vấn đề này.

Tuy rằng ngay từ vòng quay thứ nhất của bánh xe Đạo Pháp Đức Phật cũng đã nói đến sự chấm dứt khổ đau, thế nhưng phải chờ đến vòng quay thứ hai và thứ ba thì bản chất của sự chấm dứt khổ đau và sự giải thoát đích thật mới được nêu lên thật đầy đủ qua giáo huấn của Đại Thừa. Khi khởi động vòng quay thứ hai và nhất là qua bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa (Prajnaparamita-sutra) tức là bộ kinh đề cập đến sự hoàn thiện trí tuệ thì Đức Phật mới bắt đầu nêu lên thể dạng tinh khiết và nguyên sinh của tâm thức. Dựa vào khái niệm này chúng ta cũng sẽ hiểu rằng mọi thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn không phải ngẫu nhiên mà có (có nghĩa là được phát sinh từ một số điều kiện nào đó. Bản chất nguyên sinh của tâm thức không hề hàm chứa những thứ tư duy và xúc cảm mang tính cách bất loạn ấy), có nghĩa là chúng không phải là các thành phần cố hữu thuộc vào bản thể đích thật của tâm thức, và do đó có thể loại bỏ chúng được.

Là những người tu tập trung kiên chúng ta phải luôn suy tư và tìm hiểu các chủ đề như: “Các thể dạng tâm thức làm nguyên nhân mang lại mọi thứ đau buồn – nhất là các thứ cảm nhận sai lầm và thể dạng vô minh ẩn nấp phía sau những cảm nhận sai lầm ấy nhằm thúc đẩy chúng ta bám víu vào ý nghĩ cho rằng mọi hiện tượng hiện hữu một cách tự tại – có phải thật sự thuộc vào bản chất của hiện thực hay không? Phải chăng đấy cũng chỉ là những thứ tư duy bấn loạn phát sinh từ những thể dạng tâm thần méo mó, không hề mang tính cách vững chắc và cụ thể nào và cũng hoàn toàn khác hẳn với hiện thực hay không?”. Nếu biết suy nghĩ như thế thì tất chúng ta cũng sẽ hiểu rằng trước hết cần phải xem xét xem các hiện tượng – tuy thường tỏ ra có vẻ đúng thật như thế – có thực sự hàm chứa một thực thể tự tại và độc lập nào hay không? “Nhân dạng và các vật thể cũng như các biến cố có phải là những thực thể tự chủ có thể tự chúng hiện hữu một cách độc lập hay chăng?”. Các loại kinh sách đặc biệt nêu lên chủ đề về sự hoàn thiện trí tuệ (các phép luyện tập để phát huy trí tuệ) đều có đưa ra nhiều cách giải thích chi tiết chứng minh sự vắng mặt của sự hiện hữu thật của mọi hiện tượng, và đồng thời cũng cho thấy rằng mặc dù chúng ta có cảm giác hiện thực đúng là như thế, tuy nhiên sau khi phân tích cẩn thận thì chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng sự cảm nhận ấy hoàn toàn méo mó và sai lầm. Tóm lại chúng ta sẽ nhận thấy rằng sự cảm nhận trước đây của mình là hoàn toàn sai lầm và không mang một nền tảng vững chắc nào cả đối với thế giới hiện thực (chúng ta nhìn thấy mọi hiện tượng chung quanh và cả trong tâm thức mình đúng là như vậy, thế nhưng thật ra thì đấy cũng chỉ là những thứ ảo giác luôn biến động, lúc thì hiện ra lúc lại biến mất, chúng không hề hàm chứa một sự hiện hữu thật nào cả).

Do đó tất cả các thể dạng tâm thần phát sinh từ các cảm nhận sai lầm trên đây, chẳng hạn như các thứ xúc cảm bấn loạn – như giận dữ, hận thù, ham muốn, ganh ghét, v.v…- không hề có một sự tương quan đúng thật nào đối với thực tại. Nếu nguyên nhân làm phát sinh ra các thể dạng tâm thần đó – tức là sự u mê căn bản đưa đến những sự cảm nhận sai lầm cho rằng mọi vật thể và hiện tượng hàm chứa một sự hiện hữu nội tại – chỉ là hậu quả mang lại từ sự cảm nhận méo mó của tâm trí thì nhất định sự méo mó đó có thể sửa chữa được nhờ dựa vào sự hiểu biết đúng đắn (trí tuệ). Hơn nữa sự sửa chữa ấy còn có thể đưa đến cả sự chấm dứt hoàn toàn chu kỳ lôi kéo của những sự hiện hữu thiếu tỉnh thức phát sinh từ vô minh của chúng ta. Kết quả mang lại là những thứ cấu hợp ô nhiễm thuộc thân xác và tâm thức đang trói buộc chúng ta trong kiếp sống thiếu tỉnh thức này cũng sẽ được loại bỏ. Khi nào đã hoàn toàn thoát khỏi được vòng luẩn quẩn phát sinh từ những thứ cảm nhận sai lầm tự tại ấy thì tất chúng ta cũng sẽ đạt được niết bàn, tức là một thể dạng giải thoát thật sự. Đấy là những gì mà Đức Phật muốn nói lên khi Ngài thuyết giảng về bốn sự thật cao quý. Dù sao thì sau đó Ngài cũng còn tiếp tục phân tích và triển khai sâu rộng hơn nữa về các chủ đề này qua các bài thuyết giảng về mười hai mối dây trói buộc của quy luật tương liên (còn gọi là thập nhị nhân duyên).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông