bàn-bạc-với-tâm

Ba loại khổ đau

Sự thật về khổ đau không nhất thiết chỉ là những thứ khổ đau có thể trông thấy được hay là những sự cảm nhận gây ra sự khó chịu, chẳng hạn như các thứ đau đớn trên thân xác. Đối với các loại khổ đau này thì hàng thú vật cũng cảm nhận được và đồng thời chúng cũng ý thức được là chúng không muốn phải nhận chịu những thứ ấy. Thể loại khổ đau thứ hai gọi là khổ đau phát sinh từ sự đổi thay. Thế nhưng thông thường thì chúng ta lại cứ xem loại khổ đau này như là một sự thích thú. Phải chăng trong cuộc sống thường nhật chúng ta vẫn thường nhận thấy tính cách phù du của những sự thích thú hay chăng? Sớm muộn chúng cũng sẽ mang lại sự bất toại nguyện. Phù du và bất toại nguyện chính là các nguyên nhân sâu kín đưa đến thể loại khổ đau thứ hai trên đây.

Loại khổ đau thứ ba gọi là loại khổ đau thường xuyên và cùng khắp, loại khổ đau này chỉ có thể nhận biết được bằng cách suy tư sâu xa. Chúng ta cưu mang đủ mọi thứ thành kiến, thiển cận, sợ sệt và ước mơ. Các thứ tư duy và xúc cảm ấy tất nhiên sẽ mang lại một số thể dạng tâm thần nào đó và các thể dạng này tất sẽ phải phát lộ ra bằng hành động. Hầu hết các hành động này đều mang bản chất tàn phá khiến cho những sự lầm lẫn tâm thần của chúng ta càng trở nên trầm trọng hơn và sau cùng sẽ đưa đến mọi thứ lo âu và sợ hãi. Các loại tư duy và xúc cảm chính là nguồn gốc của đau buồn, và chúng sẽ phát lộ qua hành động trên thân xác, hoặc qua ngôn từ hay tâm ý. Tuy nhiên tất cả các tư duy và xúc cảm ấy không nhất thiết là phải được kích động bởi các thể dạng tâm thần tích cực hay tiêu cực, mà thông thường hơn chỉ phát sinh từ những thể dạng vô tình hay trung hòa (trong cuộc sống thường nhật, tư duy và xúc cảm của chúng ta thường chỉ là hậu quả phát sinh từ những hành động, ngôn từ và tâm ý mang tính cách máy móc và quy ước. Tuy chúng có thể mang lại đau buồn thế nhưng không gây ra những tai hại lớn lao). Các hành động này (tức là các hành động phát sinh từ sự vô tình và các xúc cảm trung hòa) không quan trọng lắm vì chỉ tạo ra những ảnh hưởng nhỏ. Trái lại các hành động phát sinh từ những sự khích động và xúc cảm mãnh liệt – dù là tích cực hay tiêu cực – sẽ để lại những vết hằn thật sâu đậm trong tâm thức và ảnh hưởng đến cả cách hành xử của chúng ta (chẳng hạn như tham lam, đau buồn vì mất mát của cải, hận thù chính trị, đam mê tính dục…, hoặc ngược lại là lòng từ bi vô biên, sự rộng lượng, quyết tâm hy sinh đời mình vì một lý tưởng cao đẹp…, là những thứ xúc cảm rất mạnh). Nhất là đối với các hành động tiêu cực thì các vết hằn do chúng lưu lại trên thân xác và trong tâm thức thường rất sâu đậm. Các kinh nghiệm thường nhật cũng cho thấy sự tương quan chặt chẽ giữa nguyên nhân và hậu quả: thí dụ như tư duy và xúc cảm của mình tất sẽ phát lộ qua phong cách hành xử của chính mình. Các quá trình tư duy và xúc cảm mang lại một thái độ tiêu cực sẽ lôi kéo theo với chúng các tư duy khác và xúc cảm khác làm nguyên nhân đưa đến những thứ đau buồn khác. Các quá trình ấy tự động diễn tiến và lôi kéo nhau bất tận, không cần đến một sự cố gắng đặc biệt nào của chúng ta cả. Thể loại khổ đau thứ ba ấy luôn kết chặt với sự hiện hữu của chúng ta, một sự hiện hữu trói buộc vướng mắc trong quá trình lôi kéo bất tận của các thể dạng bất toại nguyện. Phật Giáo cho rằng khổ đau thuộc thể loại thứ ba trên đây có thể loại bỏ (đau đớn trên thân xác có thể làm cho vơi bớt bằng cách xoa bóp, bôi dầu hay chữa chạy được, đau buồn trong tâm thức cũng có thể nguôi ngoai không cần đến một sự tu tập nào. Tuy nhiên vẫn còn những thứ khổ đau khác mang tính cách nội tại, nằm sâu trong từng tế bào và trong mỗi tư duy của chúng ta, chẳng hạn như những sự bất toại nguyện thường xuyên và sâu kín, kể cả sự sinh và cái chết. Đối với thể loại khổ đau này thì chỉ có trí tuệ mới hóa giải được mà thôi, và trí tuệ thì chỉ có thể phát huy được bằng sự tu tập. Đấy cũng chính là quan điểm và mục đích của Phật Giáo).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông