Buddha turn dharma 1

Bối cảnh Phật giáo và khung cảnh lịch sử

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tức là vị Phật lịch sử sống ở Ấn độ vào khoảng hơn 2500 năm về trước. Ngài giảng dạy về các phương pháp và các phép luyện tập nhằm giúp người nghe biến cải tâm linh của họ tùy theo năng khiếu, xu hướng và tâm linh của chính mình.

Từ những lời giảng huấn đó một tín ngưỡng thật phong phú mang nhiều nét triết học đã được hình thành và đã được các dòng đại sư người Ấn – trong số họ có thể kể ra Long Thụ và Vô Trước – tiếp tục bảo trì và khai triển thêm. Tín ngưỡng này đã đạt đến mức phát triển thật cao trên đất Ấn trước khi được truyền bá sang các quốc gia khác ở Á Châu. Ở Tây Tạng thì Phật Giáo chỉ bắt đầu phát triển từ thế kỷ thứ VII và thứ VIII. Nhiều nhân vật lịch sử đã góp phần vào công trình này, trong số đó có thể kể ra Shantarakshita, Padmasambhava và một quốc vương thời bấy giờ là Trisong Detsen. Kể từ đó Phật Giáo phát triển cực kỳ nhanh chóng tại Tây Tạng. Tương tự như trên đất Ấn, nhiều dòng đại sư Tây Tạng đã tích cực quảng bá giáo huấn của Đức Phật trên toàn lãnh thổ. Suốt trên dòng lịch sử của xứ Tây Tạng bốn học phái chính đã được hình thành khá biệt lập với nhau, lý do là vì lãnh thổ Tây Tạng quá hiểm trở và rộng lớn. Sự khác biệt giữa các trường phái thật ra chỉ thuộc vào lĩnh vực thuật ngữ và những cách xác định khác nhau về tầm quan trọng của các khái niệm chính yếu trong giáo lý cũng như các phương pháp và kỹ thuật luyện tập về thiền định.

Học phái lâu đời nhất là Ninh-mã phái (Nyingmapa) còn gọi là học phái của các “Người Xưa”. Học phái này do Liên-Hoa-Sinh (Padmasambhava) thành lập (thế kỷ thứ VIII). Sau đó và kể từ thời đại của nhà dịch thuật kinh sách nổi tiếng của Tây Tạng là Rinchen Zangpo (958-1055) người ta lại thấy xuất hiện thêm ba học phái mới là Ca-nhĩ-cư phái (Kagyupa) (thế kỷ XI), Tát-ca phái (Sakyapa) (thế kỷ XI) và Cách-lỗ phái (Guélougpa) (thế kỷ XIV). Tất cả ba học phái này được gọi chung là “tân học phái”. Trong tất cả bốn học phái đây trên, mỗi học phái đều có thể được xem như một tông phái Phật Giáo toàn vẹn, bởi vì mỗi học phái chẳng những đã phản ánh trung thực được phần tinh anh trong giáo lý nguyên thủy của Phật Giáo Theravada mà còn bao hàm toàn bộ giáo lý của Đại Thừa và Kim Cương Thừa.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông