mnmn

Văn bản cội nguồn

Phật Giáo Tây Tạng gọi các kinh điển su-tra và tan-tra ghi chép những lời thuyết giảng của Đức Phật là các “văn bản cội nguồn”. Ngoài số văn bản này ra còn có cả một kho tàng kinh sách mênh mông gọi là Tengyour gồm các tập luận do các học giả lỗi lạc người Ấn trước tác và hàng ngàn tập bình giải do các đại sư Tây Tạng thuộc bốn trường phái Phật Giáo biên soạn. Tài liệu mà chúng ta sẽ mang ra bàn thảo là chương IX của một tác phẩm mang tựa đề Hành trình đến Giác Ngộ (Bodhicaryâvatâra) do một vị đại sư người Ấn là Tịch Thiên trước tác vào thế kỷ thứ VIII. Tựa của chương IX này là Sự hiểu biết siêu nhiên.

Tôi được thụ giáo về tác phẩm này qua ngài Khounou Rinpoche – Tenzin Gyalsen, một vị thầy tâm linh và cũng là một vị đại thiền sư đã quá vãng. Vị này tu tập bằng cách phát huy tâm linh tỉnh thức dựa vào trước tác của Tịch Thiên, và chính vị này cũng đã được thụ giáo với một vị đại sư lừng danh khác là Djé Patrul Rinpoche.

Tôi sẽ thuyết giảng về tập Hành trình đến Giác Ngộ dựa vào hai cách bình giải trong các kinh sách Tangyour trên đây. Cách thứ nhất do Khenchen Kunzang Palden bình giải bằng cách sử dụng các thuật ngữ đặc thù của học phái Ninh-mã (Nyingmapa) và cách thứ hai là do Myniak Kunzang Seunam bình giải. Tuy vị này là học trò của Patrul Rinpoche nhưng lại đứng về phía học phái Cách-lỗ (Guélougpa) (5) và đã bình giải bằng cách sử dụng các thuật ngữ chuyên biệt của học phái này. Trong phần thuyết trình dưới đây tôi cũng sẽ nêu rõ sự khác biệt giữa cách bình giải của hai vị học giả trên đây.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông