81dd2cb39c2227f7fb3ec8e7daaca149_original

Con đường tu tập Phật giáo

Thiết nghĩ có lẽ cũng nên trình bày thêm một vài nét đại cương về các đường hướng tu tập khác nhau cho những người mới bắt đầu tu học hoặc chưa hề biết gì về Phật Giáo.

Đã là con người thì tất cả chúng ta đều hàm chứa tri thức và các khả năng giác cảm như nhau, và tất cả cũng đều mong cầu đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau trên phương diện đó. Thật vậy, dù bằng cách này hay cách khác và dù có đạt được kết quả hay không thì mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người cũng đều hướng vào chủ đích thực hiện ước vọng căn bản trên đây. Phải chăng đấy cũng là trường hợp của các quý vị nào trong số chúng ta hôm nay đang ước mong tìm thấy một lối thoát tâm linh cho mình, dù đấy là niết bàn hay sự cứu rỗi, và dù cho mình có tin hay không tin vào sự tái sinh cũng vậy. Thật hết sức hiển nhiên là tất cả mọi cảm nhận đau đớn hay thích thú, sung sướng hay bất hạnh đều phát sinh từ cách hành xử của chúng ta, tức là từ tư duy và xúc cảm của chính mình. Thật vậy, có thể nói rằng tất cả những thứ ấy đều là những sản phẩm do tâm thức tạo ra. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều chủ trương một con đường tu tập tâm linh hướng vào chủ đích biến cải con tim và tâm thức của mỗi người. Thế nhưng chỉ có giáo huấn Phật Giáo là chủ trương cho rằng toàn bộ con đường tu tập tâm linh đều xoay quanh một nguyên tắc duy nhất: đấy là sự sai lầm căn bản giữa sự cảm nhận của chúng ta về hiện thực và bản chất đích thực của chính nó (chúng ta cho rằng tất cả những gì cảm nhận được từ giác cảm và tâm thức của mình là hiện thực, thế nhưng bản chất đích thực của hiện thực lại hoàn toàn khác hẳn với những thứ ấy, và đấy cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất mang lại khổ đau cho con người). Sự sai lệch đó bám sâu vào sự hiện hữu của chúng ta khiến cho tâm trí chúng ta lâm vào tình trạng hoang mang và tạo ra đủ mọi thứ xúc cảm bấn loạn, kể cả những niềm thất vọng và chán chường: nói một cách vắn tắt đấy là khổ đau. Trong cuộc sống thường nhật, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể rơi vào cảnh huống thất vọng và ảo mộng vỡ tan (vì bản chất của hiện thực là vô thường). Một trong những liều thuốc hoá giải hiệu nghiệm nhất để chống lại tình trạng đó là phải phát huy sự hiểu biết, nói cách khác là phải hành xử thật đúng đắn, tức là phải phát huy sự quán thấy và mở rộng tầm nhìn của mình hầu tạo ra một mối dây thân thiện hơn với thế giới chung quanh (có nghĩa là đến gần hơn với hiện thực, quán thấy được các quy luật tương liên và vô thường của mọi hiện tượng hầu giúp mình hòa nhập với sự chuyển động của hiện thực được dễ dàng hơn). Đấy là cách mang lại cho chúng ta nhiều khả năng hơn để đối phó với nghịch cảnh và tránh cho mình khỏi phải thường xuyên rơi vào những cảnh huống bất toại nguyện và ảo mộng tan vỡ.

Trên phương diện tâm linh cũng thế, thật hết sức hệ trọng là phải mở rộng tầm nhìn hầu giúp mình cảm nhận bản thể đích thật của hiện thực chính xác hơn. Nhờ đó mà sự sai lầm căn bản – còn gọi là vô minh – từng ăn sâu vào sự cảm nhận của chúng ta về thế giới và cả sự hiện hữu của chính mình, mới có thể xóa bỏ được. Chính vì thế nên Phật Giáo đã nêu lên khái niệm về bản chất của hai sự thật và xem đấy như là cấu trúc cơ bản của thực tại. Các cấp bậc thăng tiến – còn gọi là các địa giới (khái niệm “thập địa” của người Bồ-tát, tiếng Phạn là dasabhumi) – trên đường tu tập tâm linh đều được xác định căn cứ vào trình độ hiểu biết về bản chất sâu kín ấy của thực tại (tức là các mức độ hay cấp bậc quán thấy khác nhau về bản chất của hai sự thật). Tất cả chúng ta đều có thể đạt được các cấp bậc thăng tiến trên đây nhờ vào thể dạng sâu xa của sự hiểu biết (tức là trí tuệ). Do đó khi quyết tâm bước vào con đường hướng về thể dạng Giác Ngộ thì nhất thiết chúng ta cũng phải phát động một sự quán thấy đúng đắn về bản thể sâu kín của hiện thực. Nếu không làm được điều đó thì nhất định chúng ta cũng sẽ không bao giờ hội đủ khả năng để mang lại cho mình một sự thực hiện tâm linh cao độ, và công trình tu tập của mình thì cũng sẽ là phù du mà thôi.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông