mahabharat-high-quality-wallpapers

Vai trò truyền thống

Tôi muốn trình bày tóm tắt cho các bạn những lời dạy của Đức Phật trong Tạng Kinh Pali về bổn phận của con người trong xã hội. Đây là những lời dạy nền tảng của nền văn hóa truyền thống Á châu cách đây hơn 2,500 năm. Kinh Sigalaka nêu lên bổn phận của gần như tất cả quan hệ xã hội trong cuộc sống, bao gồm quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy giáo và học trò, chồng và vợ, bạn bè, người chủ và người giúp việc trong nhà, đạo sư và đệ tử.

Lời dạy đầu tiên là về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ nên ngăn con không làm việc ác và khuyến khích con làm việc thiện. Cha mẹ nên giúp con học một nghề nào đó về nghệ thuật hay khoa học, tìm người chồng hoặc vợ thích hợp, và tùy thời nhường lại gia tài cho con. Ngược lại, con cái nên giúp cha mẹ trông coi việc làm ăn, bảo đảm gia tộc được tồn tại lâu dài, có tác phong đứng đắn để xứng đáng thừa hưởng tài sản gia đình, cúng dường và tưởng nhớ đến cha mẹ sau khi cha mẹ qua đời.

Tôi không nhớ là khi lớn lên ở Bắc Mỹ, tôi đã có bao giờ được dạy dỗ như thế. Trái lại, cha mẹ tôi nói, “Cha mẹ muốn con lớn lên và hoàn toàn độc lập với cha mẹ. Về phần cha mẹ, cha mẹ hy vọng sẽ để dành đủ tiền, để khi tuổi già, cha mẹ sẽ không bao giờ phải tùy thuộc vào con.” Cả hai bên cha mẹ và con cái đều muốn độc lập. Rõ ràng là mô hình về quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại của chúng ta là khác hẳn.

Lời dạy thứ nhì là về quan hệ giữa thầy giáo và học trò. Khi gặp thầy, học trò phải đứng lên chào để tỏ lòng tôn kính, phục vụ và hầu hạ thầy, chú ý lắng nghe những điều thầy dạy dỗ, và học hỏi với thái độ kính cẩn. Khi được tôn kính như thế, thầy giáo phải hướng dẫn tốt học trò, không dấu diếm bất cứ điều gì mình biết, khen thưởng học trò trước mặt bạn bè, che chở và săn sóc học trò. Buồn thay, ngày này chúng ta thấy rất ít học trò được thầy giáo dưỡng dục như thế, và về phần các thầy, đa phần chắc sẽ vô cùng kinh ngạc nếu có một học trò nào đó tỏ lòng kính trọng họ theo những điều dạy vừa nêu trên.

Lời dạy thứ ba là về quan hệ giữa vợ chồng. Người chồng nên khen ngợi vợ, khẳng định với mọi người là người đàn bà này thật sự là vợ mình; không được coi thường vợ; không được phản bội vợ; người chồng nên trao trách nhiệm quản lý nhà cửa, gia đình, tiền bạc cho vợ; và nên tặng vợ mình các đồ trang sức. Ngược lại, người vợ nên quán xuyến việc nhà chu đáo, giúp đỡ bà con và bạn bè bên nhà chồng, chung thủy với chồng, trông coi tài sản gia đình, và siêng năng làm tròn bổn phận của mình. Đây là những lời dạy của Đức Phật về quan hệ hôn nhân truyền thống; nó nêu lên vai trò lý tưởng mà mỗi người trong cuộc phải thực hiện. Đây là những lời chỉ dẫn cho một hôn nhân dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp tác, trong đó các thành viên hỗ trợ và kính trọng lẫn nhau, thay vì chỉ biết sống độc lập, bảo quyền lợi cá nhân, và tranh chấp lẫn nhau.

Lời dạy thứ tư là về quan hệ giữa bạn bè. Một người được gọi là bạn phải chia sẻ những gì mình có với bạn, nói lời từ ái, giúp đỡ bạn, bình tĩnh, từ tốn, không kiêu mạn, nói điều chân thật không giả dối. Ngược lại, người bạn kia phải che chở, bảo vệ tài sản của bạn mình khi vị này lơ đễnh và chểnh mảng, bảo bọc khi bạn mình bị lâm nguy, không bỏ rơi bạn trong nghịch cảnh, và đề cao bạn trước mặt thân bằng quyến thuộc của vị đó.

Lời dạy thứ tư là về quan hệ giữa người chủ và người giúp việc. Người chủ phải giao công việc thích hợp và vừa sức cho người giúp việc, cung cấp thức ăn và khen thưởng, chăm sóc và nuôi dưỡng khi người giúp việc lâm bệnh, chia sẻ món ngon vật lạ, nếu có, và cho phép người giúp việc nghỉ ngơi để họ có thể phục hồi sức khỏe. Mỗi buổi sáng, người giúp việc phải thức dậy sớm và làm việc trước khi chủ thức dậy, và ở lại muộn sau khi người chủ đã đi nghỉ để làm nốt việc của mình, chỉ đem về nhà những gì người chủ cho (nói khác đi, không trộm cắp tài sản của chủ,) luôn tìm cách tăng năng xuất trong công việc, và ngợi khen những đức tính tốt của chủ mình.

Lời dạy cuối cùng là về quan hệ giữa vị đạo sư và người đệ tử. Vị đạo sư nên khuyến khích đệ tử của mình làm điều thiện lành, giúp đỡ đệ tử với tâm từ bi, dạy cho đệ tử những gì họ chưa biết, soi sáng những gì mà đệ tử đã nghe được, và dạy cho đệ tử cách tu tập để được sanh về các cõi trời. Người đệ tử nên hỗ trợ và phục vụ đạo sư với tâm từ, thể hiện qua hành động, lời nói, và ý nghĩ. Thêm vào đó, người đệ tử nên thỉnh đạo sư về nhà, và cúng dường tứ vật dụng như thức ăn, chỗ ở, y phục, và thuốc men.

Đây là những lời dạy dựa theo tinh thần Phật giáo truyền thống nhằm giúp con người ứng xử trong xã hội. Thế mà hiện này, trong nền văn hóa phương Tây, chúng ta đặt và tìm hiểu lại từ đầu những vấn đề như “Thế nào là quan hệ xã hội? Làm sao để quan hệ với nhau? Chúng ta mong đợi gì từ các quan hệ này? Chúng ta đòi hỏi gì? Và chúng ta sẵn sàng hiến dâng gì? Chúng ta phải tự mình tìm hiểu những vấn đề này và không biết chắc là mình có xử lý đúng đắn trong quan hệ với người khác hay không.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng