Buddhism-820x410

Con người và đời sống gia đình

Hiện này lịch sử loài người đang ở giai đoạn mà hình như toàn bộ cơ cấu và nền tảng xã hội đang trên đà sụp đổ. Chúng ta đã từng cảm nhận sự ổn định của đời sống gia đình và cho rằng gia đình là nền tảng xã hội. Nhưng hiện này, dường như ngay cả bản chất và mục đích của gia đình cũng đang bị đả kích, và con người đang bối rối không biết phải làm gì trước tình hình này. Xã hội đang đặt lại vấn đề, “Mục đích của gia đình là gì? Gia đình có đáng được khôi phục lại không? Có nên tìm cách cải thiện và phát huy đời sống gia đình không? Hay gia đình là cái đã lỗi thời mà chúng ta không cần nữa? Những điểm mạnh và yếu của gia đình là gì? Đây là tất cả những vấn đề chúng ta cần suy ngẫm.

Tôi không muốn đưa ra một mẩu gia đình lý tưởng mà mọi người nên theo đó mà sống. Tôi cũng không muốn khuyên bạn phải làm gì như một thành viên trong gia đình hay bạn phải xây dựng gia đình như thế nào. Làm như thế là chủ quan và áp đặt. Là tu sĩ Phật giáo, tôi không phải sống với những áp lực và đòi hỏi của một gia đình bình thường. Nhưng là thiền sư, tôi thường được các thiền sinh tin tưởng và chia sẻ những cảm nghĩ của họ về vấn đề này. Điều này đã giúp tôi có một cái nhìn đặc thù về những vấn đề và kinh nghiệm của các gia đình mà tôi được biết. Vì thế, tôi muốn trình bày với các bạn những suy nghĩ của riêng tôi về các vấn đề liên quan đến gia đình.

Hiện nay, chúng ta có xu hướng quan tâm đến cuộc sống cá nhân riêng lẻ hơn là cuộc sống gia đình. Đây là thời đại mà trong đó chủ nghĩa cá nhân được nhấn mạnh đến độ gần như phi lý. Khả năng để chúng ta phát triển thành những cá nhân riêng lẻ trong thế giới ngày này là nhiều và đa dạng đến độ làm chúng ta sửng sốt phải không các bạn? Mỗi người đều được thả lỏng để trở thành một người tự lập và độc lập. Xã hội khuyến khích chúng ta phải có cá tính, phát huy sự sáng tạo, và phát triển cuộc sống bằng cách nào cũng được để trở thành những cá nhân tự do. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì theo sở thích riêng mà không cần để ý đến sự bằng lòng hay không của gia đình.

Tuy nhiên, việc ngợi ca và biến chủ nghĩa cá nhân thành một đích tối hậu của đời người đang trở thành một vấn nạn. Nó khuyến khích và nuôi dưỡng một cuộc sống mất phương hướng, bệnh hoạn, và vô nghĩa. Thật ra, được sống như một người tự do — nghĩa là một cá nhân có thể làm bất cứ điều gì theo ý muốn — có thể mang lại cho chúng ta những khoảnh khắc dễ chịu nào đó, và chúng ta có thể thưởng thức sự dễ chịu đó bằng nhiều cách. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy thật buồn nản vì không thể thật sự liên hệ, gắn liền, chia sẻ hay phục vụ bất cứ ai khác ngoài chính mình. Trong tất cả chúng ta, cả nam lẫn nữ, ai cũng có một ước mơ thầm kín nào đó nhằm chia sẻ đời mình cho người khác. Tất cả chúng ta đều có ước mong hy sinh hay hiến dâng bản thân mình cho một người khác hay sống cho một lý tưởng, một sự nghiệp nào đó, hay cho một cái gì đó nằm ngoài và vượt lên trên cá nhân mình.

Đi tu là để hiến dâng cuộc đời — cho Phật Pháp, cho Thượng đế, hay cho bất cứ chân lý tối thượng của một tôn giáo nào đó. Mục đích của việc xuất gia là để hiến dâng hoàn toàn cuộc đời của chúng ta. Chúng ta buông bỏ tất cả ham muốn lợi lạc cá nhân hay danh vọng để trở thành một tu sĩ có đức hạnh, và hoàn toàn hiến dâng cuộc đời cho Phật, Pháp và Tăng.

Trong khi đó, mục đích lý tưởng của gia đình là để cho một người nam và một người nữ cùng sống chung nhau và cống hiến cuộc đời cho nhau. Vì thế, trong gia đình, cuộc sống cá nhân riêng lẻ phải hy sinh cho cuộc sống lứa đôi. Và khi có con cái, đôi nam nữ đó xây dựng mái gia đình, và đến lượt họ phải hy sinh tất cả vì con cái.

Tôi đã thấy các bậc cha mẹ hy sinh tất cả để phục vụ con cái và rất cảm phục điều này. Gần như suốt hai mươi bốn giờ một ngày, các bậc cha mẹ không ngừng quên mình để phục vụ một người khác: đó là con của mình. Một mặt nào đó, cuộc sống như thế rất căng thẳng, đầy bực bội và phiền muộn, nhưng mặt khác, nó cũng mang lại hạnh phúc và mãn nguyện khi cha mẹ cảm thấy là họ đã hoàn thành nhiệm vụ và lý tưởng của mình. Các bậc cha mẹ có thể sáng suốt, ý thức và tự nguyện hiến dâng đời họ cho con cái, họ cho không phải vì có nhu cầu phải cho, mà vì đã suy nghĩ và hiểu biết thật sự hoàn cảnh của con cái. Và vì thế, dù phải hy sinh tất cả sở thích cá nhân, cuộc sống riêng tư, quyền lợi, và nhiều thứ khác nữa để lo cho đứa con bé bỏng của mình, họ vẫn cảm thấy tràn đầy hạnh phúc.

Hiện này, người ta rất hoang mang về vai trò của người vợ và chồng trong gia đình vì xã hội đang đặt lại vấn về vai trò truyền thống. Chúng ta không thể tự tiện cho “đây là bổn phận của các ông” và “kia là bổn phận của các bà” nữa. Thế hệ của mẹ tôi chấp nhận vai trò truyền thống của nam giới và nữ giới dễ dàng vì lúc đó vai trò của họ được xác định rõ ràng. Ngay bây giờ, tại các xã hội truyền thống sống về nông nghiệp ở miền đông bắc Thái Lan, người ta cũng không đặt lại vấn đề này. Mọi người đều biết rõ vai trò xã hội của mình. Họ chấp nhận cơ chế và toàn bộ nếp sống xã hội một cách tự nhiên và sống hòa thuận với thiên nhiên, không ai đặt lại vấn đề cả.

Nhưng rồi, nhất là khi bạn rời khỏi cuộc sống ổn định của gia đình và đến trường để học, bạn sẽ bắt đầu đặt vấn đề. Bạn đọc sách và bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng của người khác. Bạn được nghe những quan điểm và ý kiến khác nhau, và bắt đầu nghi vấn. Bạn tự hỏi, “Đời sống có phải như thế này hay không? Hay có một cách nhìn khác về cuộc đời? Phải chăng phụ nữ chỉ sống như thế này? Và nếu phụ nữ thay đổi cách sống, điều đó đúng hay sai? Nam giới phải sống như thế nào? Bổn phận của cha và mẹ là gì?”

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng