tumblr_m4yposw4wa1rwqykco8_1280

Sống quân bình mà không dựa vào truyền thống

Nếu cho “tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, tất cả mọi người đều giống nhau, không khác nhau chút nào hết,” thì trong nhiều tình huống, chúng ta khó mà xác định được quan hệ giữa con người với nhau, phải không các bạn? Ai sẽ rửa chén? Ai sẽ đổ rác? Ai sẽ lãnh đạo? Ai sẽ được lãnh đạo? Nếu tất cả đều giống nhau, chúng ta sẽ lúng túng vì không biết phải quan hệ với nhau như thế nào trong một cơ cấu xã hội dựa trên cấp bậc với những nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau. Do đó, nếu cứ chấp chặt vào quan điểm cho mỗi người đều có quyền bình đẳng và tự do tuyệt đối, chúng ta sẽ rất hoang mang, bất bình, và thậm chí lo sợ, ngại ngùng trước thực tế cuộc đời.

Khi thực hành giáo Pháp, chúng ta mở rộng tâm để đón nhận thực tại như nó đang xảy diễn. Chúng ta sẽ thấy thế giới tự nhiên là một hệ thống dựa trên cấp bậc, mọi vật đều có sắc tướng và cơ cấu của nó, và khi có sắc tướng, mọi vật đều do nhân duyên cấu thành theo một thứ tự nào đó. Số hai phải luôn đi theo số một, và số ba phải luôn đi theo số hai. B theo sau A, và theo sau B phải là C. Bạn không thể nói A và B là một. Bạn không thể đặt tên cho mọi vật bắt đầu bằng vần A vì làm như vậy là vô lý, phải không các bạn? Thế giới hữu vi là thế giới của những quan hệ dựa trên nhân duyên không ngừng nối tiếp nhau.

Nếu khăng khăng giữ chặt một cơ cấu dựa trên quan hệ cấp bậc, chúng ta sẽ trở thành cứng nhắc, áp đặt, và độc đoán. Ai chủ trương phải luôn có một ông chủ tối cao — phải luôn luôn có một người lãnh đạo độc nhất vô nhị — người đó sẽ trở thành độc tài. Ngược lại, nếu ai đó tin tưởng vào sự bình đẳng tuyệt đối của mọi vật và tuyên bố chúng ta phải luôn bình đẳng và mãi mãi sẽ bình đẳng, người ấy sẽ tạo ra một tình huống mà cuối cùng chỉ dẫn đến rối loạn và tranh chấp. Đến giờ ăn, mọi người đều tranh nhau là người đầu tiên nhận thức ăn. Nhưng nếu chúng ta sẵn sàng tạo ra một trật tự dựa trên cấp bậc, chúng ta có thể dựa vào đó mà làm việc. Đó chính là quan hệ nhân duyên. Bạn sẽ quan hệ với nhau như một cụ già hay thanh niên, một người thầy giáo hay học trò, bậc cha mẹ hay con cái. Hệ thống cấp bậc dựa trên nhân duyên sẽ tạo ra một cơ cấu gồm những quan hệ xã hội, để chúng ta dựa vào đó mà sống với nhau mà không phải hoang mang và không ngừng tranh chấp lẫn nhau.

Trong đời sống tu viện, chúng tôi đồng ý với nhau về một hình thức và cơ cấu xã hội đặc thù để quan hệ với nhau. Đó là cơ cấu xã hội dựa trên sự tự nguyện. Nếu bị ép buộc phải trở thành tu sĩ và sống trong cơ chế của tu viện, chúng tôi sẽ sống trong một cơ chế độc tài. Nhưng vì các tu sĩ tự nguyện ép mình vào đời sống tu viện, không ai ép buộc ai cả; đó là cuộc sống dựa trên sự hòa đồng và hợp tác.

Chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc này vào đời sống gia đình. Nếu bạn là mẹ và cha, hay là chồng và vợ, mà không đặt ra những nguyên tắc rõ ràng về bổn phận và trách nhiệm trong gia đình, thì ai sẽ làm việc này? Ai sẽ đi làm để nuôi gia đình? Ai sẽ ở nhà? Ai sẽ rửa chén? Ai sẽ săn sóc trẻ con khi chúng bị bệnh? Bổn phận và nghĩa vụ của mỗi người trong gia đình là gì?

Ở Mỹ, không có cơ chế củng cố gia đình, và người ta hoàn toàn phá bỏ quan hệ dựa trên thứ bậc. Người Mỹ rất duy tâm và không tưởng. Họ cho tất cả mọi người đều bình đẳng. Ở Anh, ít nhất người ta còn tôn trọng cơ cấu xã hội dựa trên thứ bậc. Văn hóa Anh còn chịu ảnh hưởng của chế độ quân chủ và xã hội giai cấp. Dù còn nhiều khuyết điểm, xã hội dựa trên thứ bậc vẫn có một số thuận lợi nào đó. Nó giúp bạn hiểu rõ hơn cách quan hệ với nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.

Trong thời gian hai năm sống ở miền bắc đảo Borneo, lần đầu tiên trong đời, tôi có người giúp việc trong nhà, và là người Mỹ, tôi không biết phải đối xử với họ như thế nào. Nói chung, người Mỹ rất tệ và dốt khi quan hệ với người giúp việc trong nhà, trong khi người Anh thì rất quen thuộc và ứng xử rất tốt; Người giúp việc trong nhà rất hài lòng với các ông chủ người Anh. Nhưng là người Mỹ, tôi không biết cách ứng xử trong quan hệ giữa người chủ và người giúp việc. Tôi không thể hình dung mình là người chủ. Đối với tôi, làm chủ là đồng nghĩa với sự áp đặt, cao mạn và tự phụ.

Nhưng lỗ hỏng nằm phía sau quan điểm cho “tất cả mọi người đều bình đẳng” là trạng thái tâm lý bất an. Và trạng thái bất an này sẽ thúc đẩy con người ganh tỵ và tranh chấp lẫn nhau. Trên một mặt nào đó, bạn có thể rất thân mật và gần gũi với người bạn chung sống, nhưng cùng lúc đó, bạn vẫn cảm thấy phải chứng tỏ mình hơn người ấy. Đây là một loại đạo đức giả. Nếu không có một cơ cấu thứ bậc dựa trên những giá trị rõ ràng, con người sẽ rất đố kỵ và tranh chấp lẫn nhau; Xã hội chúng ta có một cơ cấu thứ bậc tiềm ẩn dựa trên giá trị tiền bạc và của cải vật chất. Người được xem là thành công và giỏi trong cơ cấu đó là người có nhiều tiền hơn — nói khác đi, có nhà đẹp hơn, xe hơi tốt hơn, và mọi thứ đều nhiều hơn — vì đó là cách mà con người liên hệ nhau trong một cơ cấu dựa trên thứ bậc.

Ngày này, quan hệ giữa nam và nữ thường dựa trên sự ganh đua và tranh chấp, vì không ai hướng dẫn họ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Khi quan sát một số hôn nhân, bạn có thể thấy người chồng và vợ cạnh tranh với nhau. Họ cảm thấy phải chứng tỏ là họ giỏi hoặc giỏi hơn người vợ hoặc người chồng của mình. Nhưng làm sao chúng ta có thể xây dựng một mái ấm gia đình với người mà lúc nào cũng tìm cách cạnh tranh với mình? Gia đình phải là nơi mà chúng ta sống trong tinh thần hòa hợp, nơi mà chúng ta có thể đồng ý với nhau như vợ chồng, nơi mà mỗi ngày mình đều đối xử tử tế với nhau.

Trong các xã hội truyền thống, những cách thức quan hệ giữa vợ chồng đều được xác định sẵn. Nhưng trong xã hội hiện đại, tất cả chúng ta đều tự mình lựa chọn bạn đời — người mà chúng ta sẽ cưới hỏi, sống chung, và quan hệ với nhau. Trong lúc lựa chọn bạn đời, chúng ta thường dựa trên sở thích cá nhân nhất thời, thay vì dùng trí tuệ để xem người nào có thể sống thích hợp nhất với mình. Ở một thời điểm nào đó, chúng ta có thể chọn người xinh đẹp và quyến rũ nhất, duyên dáng nhất, giàu sang nhất, và đặc biệt lý thú nhất. Hay chúng ta có thể chọn người đó vì họ đáp ứng nhu cầu của chúng ta trong cuộc sống: thí dụ người đàn ông có thể tìm một người đàn bà mang nhiều tính chất của một bà mẹ, để thay thế người mẹ của ông ta; người đàn bà đang cần một người cha, cô ta có thể đi tìm một người đàn ông mạnh mẽ thích bảo vệ người khác để chăm sóc và che chở mình.

Với cái nhìn không tưởng, chúng ta thường không thể thấy được sự thôi thúc của những tham muốn này trong tâm thức. Chúng ta cho hôn nhân của mình là toàn hảo, và hoàn toàn dựa trên sự chân thật. Cụm từ “hoàn toàn chân thật” thường được người đời hiểu như là nghĩ sao nói vậy và nói bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng đối với tôi, chỉ có ở cảnh giới địa ngục, con người mới nghĩ sao nói vậy một cách bừa bãi! Tôi rất hoan hỷ và biết ơn là không phải nói lên tất cả suy nghĩ của mình. Nhiều lúc chúng ta không nên lập đi lập lại những suy nghĩ của mình với người chung quanh; vì điều đó chỉ làm cho họ khổ sở, hoang mang, sợ hãi, và suy sụp mà thôi.

Tâm chánh niệm sẽ giúp chúng ta cởi mở và tiếp thu mọi tình huống. Thay vì đi tìm một người hoàn toàn như ý muốn, hay tìm cách bỏ rơi người không còn thích hợp nữa, hay tìm một người khác tốt hơn, bạn hãy suy nghĩ là mình nên xử lý như thế nào trong tình huống này. Thay vì mong muốn người khác thay đổi hay tự trách là đã không tìm đúng mẫu người lý tưởng, bạn có thể xem đây là thực tế cuộc đời Từ đó, bạn sẽ ý thức rõ hơn về cuộc đời như chính nó, như nó phải xảy ra như vậy, cho dù bạn thích hay không thích. Đây là cách quán sát thực tại hay chánh niệm. Bạn không đòi hỏi cuộc đời phải mang lại hạnh phúc và toại nguyện cho bạn, nhưng bạn sẵn sàng đón nhận thách thức trước mắt bằng cách tiếp cận và ứng xử với nó. Chỉ có bạn mới làm được việc quán tưởng này — không ai có thể làm thế cho bạn, vì quan hệ gia đình rất phức tạp. Chỉ có bạn mới biết được hết những gì nằm trong quan hệ giữa bạn và người khác.

Có nhiều người tự hỏi, “Tôi có nên sống cho riêng tôi, cho sự phát triển con người của tôi, cho dù phải hy sinh hạnh phúc của người khác? Hay tôi nên quên đi con người của mình và chỉ lo mang lại hạnh phúc cho người khác?” Đây là hai tư tưởng cực đoan: một bên là ích kỷ, một bên là xóa bỏ hẳn bản thân mình. Hy sinh cá nhân hình như là một hành động cao thượng, phải không các bạn? Dường như đó là điều chúng ta nên làm. Trong khi đó, sống ích kỷ hình như là điều nên tránh. Chúng ta cho rằng sống ích kỷ là không tốt và sai lầm. Nhưng tư thế của người Phật tử không phải là tư thế của kẻ tự cho mình là cao thượng, đòi hỏi con người phải hoàn toàn hy sinh vô vị lợi; Đạo Phật khuyến khích chúng ta mở rộng tâm thức để tiếp cận với chính cái tâm ích kỷ, hay với ước muốn hy sinh bản thân mình.

Chúng ta có thể suy tưởng về điều này cho chính mình. Thí dụ, thay vì cho mình là ích kỷ và cảm thấy tội lỗi, hay đứng ở cực đoan kia, cứ tiếp tục hiến dâng, nuôi dưỡng, và lo cho người khác mà quên hẳn bản thân mình, chúng ta có thể quán tưởng để nhận ra những xu hướng tâm lý này, cho dù nó là gì đi nữa. Rồi, sau khi đã nhận ra được điều này, chúng ta có thể nhìn nó mà không phán đoán và tìm ra một giải pháp trung dung và quân bình nào đó.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng