Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Khi nhân thể trở thành chủ thể

Khi nói đến nhân cách, tôi muốn nói về cái tổng thể gồm những quan điểm, ý kiến, trí nhớ và tất cả những gì được sinh khởi và hun đúc từ cuộc sống vào trong tâm của con người. Nhân cách là một điều kiện được nhiều điều kiện khác nhau hợp lại và tạo thành. Nó không phải là một sự thật tuyệt đối, một cái gì có thật; nó không phải là một chủ thể thật sự. Ngược lại, nó là một đối tượng để chúng ta xem xét và tìm hiểu.

Nếu chúng ta để cho nhân cách, cùng với những quan điểm và ý kiến của nó, trở thành chủ thể, chúng ta sẽ kinh nghiệm cuộc đời qua nhân cách đó. Vì nhân cách biểu hiện dưới nhiều hình thức nên chúng ta có thể cảm thấy hưng phấn hoặc chán nản — thành công hay thất bại. Chúng ta sống trong nền văn hóa luôn nhấn mạnh rằng nhân cách chính là tự ngã. Vì thế, để có một nhân cách, để là một con người, để có quyền làm người, để là một người đàn ông hay đàn bà, để là thành viên của một nhóm người, một giai cấp, một gia đình, một quốc gia, hay một hội đoàn nào đó là những vấn đề hết sức riêng tư đối với chúng ta. Ngay cả những gì không thuộc về nhân cách — như những chức năng tự nhiên của thân thể chẳng hạn, chúng ta cũng biến nó thành của riêng. Chúng ta chỉ thích những gì đẹp đẽ và dễ chịu và chối bỏ những gì xấu xa và khó chịu của cơ thể. Nhiều người xem quá trình già nua, bệnh tật, và đau đớn của cơ thể là cái gì hết sức riêng tư. Ngay cả những nhu cầu tự nhiên và thuộc về bản năng của cơ thể như đói hay khát khao tình dục cũng được xem là của riêng. Chúng ta đánh giá những nhu cầu tự nhiên này theo tiêu chuẩn cá nhân như tốt hay xấu, được phép làm hay không nên làm, vi tế hay thô thiển.

Trên đây là những quan điểm của nhân cách. Khi thấy dễ chịu, chúng ta sẽ hân hoan; khi thấy khó chịu, chúng ta sẽ buồn phiền. Bất cứ sự thành công nào xảy đến cũng là của riêng ta và bất cứ sự thất bại nào cũng là của riêng mình. Bất cứ lời khen hay tiếng chê nào cũng là của riêng ta; vì thế nên ai khen thì chúng ta vui, ai chê thì chúng ta khổ. Nhưng khi tâm chánh niệm bắt đầu làm việc thì những quan điểm của nhân cách về hạnh phúc và khổ đau, lời khen và tiếng chê sẽ ngừng hoạt động và nhường chỗ cho một chủ thể khác. Đó là tâm tỉnh thức hay tâm giác ngộ.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng