mnmn

Khách thể và chủ thể

Dĩ nhiên chúng ta có thể xem xét vũ trụ một cách khách quan và khoa học. Vào một đêm trời đầy sao, chúng ta có thể ngắm nhìn vũ trụ như là một cái gì tồn tại bên ngoài và tách biệt hẳn với chúng ta. Chúng ta cũng có thể nhìn vũ trụ như một hệ thống hành tinh mà trong đó chúng ta là một bộ phận; nhưng riêng tôi, tôi chưa bao giờ nhìn vũ trụ như thế. Trước khi xuất gia, tôi nhìn vũ trụ như cái gì đó tách biệt và nằm ngoài tôi, và sự chia cách đó luôn làm tôi đau xót vì tôi cảm thấy như bị cắt đứt và mất liên lạc với một cái gì đó. Nếu chỉ thấy quan hệ của chúng ta với vũ trụ là như thế, thì cuộc sống của chúng ta quả thật là đáng thương, và chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được nó. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra được cái bí mật, bao la và vi diệu của vũ trụ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chỉ biết cố gắng duy trì tấm thân vật lý này. Chúng ta có thể phí cả đời lo tìm một nơi an toàn để sống hầu không ai làm hại mình.

Chúng ta hãy cùng nhau xem xét sự chia cách giữa chúng ta như một chủ thể và vũ trụ như một khách thể. Chúng ta là những chúng sanh có ý thức; Có ý thức nghĩa là có khả năng làm chủ thể để hiểu khách thể. Nhưng nếu ý thức của chủ thể bị tác động bởi những quan điểm, thành kiến, và cái nhìn xuyên tạc thì chúng ta sẽ hiểu sai khách thể. Điều này xảy ra khi chúng ta chấp vào một tư tưởng rồi dùng nó để áp dụng chung cho tất cả trường hợp — nghĩa là chúng ta sử dụng những quan điểm cứng nhắc, thành kiến và xuyên tạc. Vì thế, nếu chúng ta cho một người nào đó là xấu thì chúng ta sẽ tiếp tục giữ quan điểm ông ta là xấu. Và bất cứ khi nào người đó, tên đó, hay hình ảnh đó hiện lên trong ý thức, chúng ta liền nghĩ đến tất cả những gì xấu xa về ông ta. Do đó, khi chấp vào những quan điểm và ý kiến về chúng ta và người khác, chúng ta tự biến mình thành kẻ thiếu tế nhị. Chúng ta mất nhạy cảm với thực tế và từ đó thiếu tỉnh thức; chúng ta sẽ chỉ biết phản ứng lại với thực tế mà thôi.

Chúng ta có thể sống cả đời để chỉ biết phản ứng — phản ứng với thành kiến về chủng tộc và màu da chẳng hạn. Nhiều người thường không thể thấy rằng chủng tộc hay màu da chỉ là những nhận định chủ quan của tâm thức, vì thế họ cho là có một chủng tộc nào đó ưu việt hơn các chủng tộc khác, và áp dụng cùng cái nhìn thành kiến này vào những vấn đề giai cấp, giới tính, quốc gia và tôn giáo. Vì không thật sự xem xét bản chất của tư tưởng và những giới hạn của nó, chúng ta sẽ bị kẹt trong những suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, thay vì chỉ biết phản ứng với những quan điểm và ý kiến bồng bột và sai lầm, chúng ta có thể quán sát tư tưởng, vì tư tưởng thay đổi. Nó sinh rồi diệt. Quá trình suy nghĩ tự nó luôn luôn thay đổi. Nó diễn tiến rất nhanh, hết chập tư tưởng này đến chập tư tưởng khác. Chúng ta quen suy nghĩ theo cách liên tưởng: khi một tư tưởng vừa chấm dứt, tư tưởng khác lại xuất hiện, tạo thành một dòng suy nghĩ không bao giờ dứt. Chúng ta dính mắc vào dòng tư tưởng này và dùng nó để đánh giá hay đồng hóa chúng ta với nó. Nhưng thay vì làm như thế, chúng ta có thể tập quán sát tư tưởng như một cái gì đó vô thường, luôn biến đổi, như cái gì đó đến rồi đi trong tâm, cho dù nó hợp lý hay không hợp lý, thông minh hay ngu ngốc, đúng hay sai. Chúng ta có thể quán sát nó như là tư tưởng, như là cái đến rồi đi, thay vì suy nghĩ hay tìm cách phân tích nguồn gốc và động cơ của tư tưởng đó. Phân tích như thế sẽ chỉ củng cố cảm tưởng về sự có mặt của một cái ngã cô đơn và biệt lập trong con người chúng ta.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng