nnnn

Khi tâm tỉnh thức trở thành chủ thể

Khi hành thiền nhiều hơn, chúng ta sẽ biến tâm tỉnh thức thanh tịnh thành chủ thể của ý thức. Với tâm tỉnh thức và thanh tịnh này, chúng ta sẽ quán sát những điều kiện hay nhân duyên như là những nhân duyên, thế thôi, thay vì phán đoán và phản ứng lại với cái nhìn cá nhân riêng lẻ. Vì thế, Đức Phật nhấn mạnh việc tu tập tâm chính niệm, trong đó chúng ta tập buông bỏ và tỉnh thức với sự diễn tiến của tất cả sự vật chung quanh mình, mà không phán đoán; Khi chánh niệm, chúng ta không phán đoán hay đánh giá mà chỉ thuần quán sát. Thậm chí, chúng ta có thể quán sát những phản ứng của chính chúng ta.

Chánh niệm đi đôi với trí tuệ. Trí tuệ là khả năng thấy và biết được quy luật phát triển và vận hành của các pháp. Để làm được việc này, chúng ta có thể dựa vào những lời dạy của Đức Phật như phương tiện thiện xảo giúp chúng ta nhìn và quan sát. Và khi có chánh niệm và trí tuệ, chủ thể không còn là cái gì riêng tư nữa. Chủ thể không còn là của tôi hay của chúng ta, nó không có tên gọi, nó không còn là đàn ông hay đàn bà. Tất cả những điều kiện và dính mắc thuộc nhân cách sẽ chấm dứt. Bạn sẽ thấy nhân cách không còn vận hành nữa mà chỉ có tâm tỉnh thức. Tâm tỉnh thức vẫn tiếp tục làm việc và công năng quan sát với trí tuệ trên sự vận hành của các pháp thế gian vẫn tiếp tục. Dưới con mắt của tâm tỉnh thức, sự đau đớn hay khoái lạc chỉ là những pháp hay những sự vật diễn biến như nó đang diễn biến. Khi có trí tuệ soi sáng, chúng ta không còn lựa chọn cái này hay cái kia nữa — đau khổ hay khoái lạc đều có giá trị như nhau. Chúng ta chỉ quán sát chúng như chúng đang hiện hữu mà thôi.

Thế giới của giác quan luôn vận hành theo nguyên tắc nhị nguyên. Chúng ta là những chủ thể quan sát sự vật như là những khách thể. Với đôi mắt, chúng ta sẽ thấy tất cả những gì trước mắt; chúng ta sẽ nhận thức về những sự vật đó, cho dù nó là đẹp nhất hoặc xấu xa nhất. Những giác quan còn lại cũng vận hành như thế. Tâm tỉnh thức không đóng kín và loại trừ những cảm nhận này, nó cũng không chỉ phản ứng theo thói quen và điều kiện. Nó biết cách ứng xử và tìm những giải pháp thích hợp cho những kinh nghiệm cụ thể. Chúng ta chỉ có thể ứng xử một cách hồn nhiên và thích hợp khi tâm không phản ứng, bởi vì phản ứng là hành động bị thôi thúc bởi những xung lực tâm lý mù quáng. Phản ứng đi liền theo sau những xung lực tâm lý mù quáng, nhưng sự hồn nhiên và hợp lẽ đạo đến từ tâm tỉnh thức thanh tịnh, từ tâm chánh niệm và trí tuệ. Cách ứng xử hồn nhiên và thích hợp không có quan hệ gì đến nhân cách, loại người, hay cá tính nào cả. Bất cứ ai có tâm chánh niệm và tỉnh thức đều có khả năng ứng xử thích hợp với tất cả những gì đang xảy ra chung quanh.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng