img-t12099

Tu tập trong đời sống hằng ngày

Để giới thiệu đề tài tu tập trong đời sống hàng ngày, tôi xin kể một số kinh nghiệm bản thân về việc tu tập của tôi ở Tây Tạng. Vào năm hai tuổi, tôi được công nhận là một “Tulku”, một người tình nguyện tái sinh liên tiếp vì lợi ích của người khác. Điều này có nghĩa là người ta trông đợi tôi sẽ trở thành một người khá đặc biệt. Lên năm tuổi, tôi học đọc và viết.  Thật may mắn tôi được dạy dỗ riêng biệt bởi một vị thầy dù khi phạm lỗi hay không thuộc bài, tôi vẫn bị ăn roi.

Ngay từ khi còn thơ ấu tôi đã được dạy giáo lý chung với các trẻ khác hay một mình với vị thầy của tôi.  Tôi học hỏi tính chất của sự thật tuyệt đối và sự thật tương đối (chân đế và tục đế), và đó là khoảng thời gian tôi được biết về lý vô thường. Trước kia vũ trụ của chúng ta chưa có. Dần dần vũ trụ thành hình, và qua thời gian nó trưởng thành, già đi, rồi tới một lúc nào đó sẽ tiêu tan. Thể xác của chúng ta cũng sinh, lão, bệnh, tử như vậy.  Mỗi ngày chúng ta mỗi già hơn cho tới lúc không còn nữa.  Mọi vật trong kinh nghiệm của chúng ta biết, đều có tính chất vô thường. Sự hiểu biết về lý vô thường là nền tảng của sự phát triển quan kiến tâm linh hay đạo tâm.

Khi mới gặp giáo lý này, tôi rất nghi ngờ và không muốn nghe. Tôi nghĩ rằng tất nhiên các mùa thay đổi, người ta thay đổi, đời sống thay đổi; biết chuyện đó để làm gì đó? Tôi không quan tâm nhiều tới lý vô thường. Nhưng đến năm chín tuổi, sau khi nghe giáo lý này nhiều lần, tôi bắt đầu suy gẫm về vô thường, vì đã hiểu biết phần nào bản chất của nó.

Lúc đầu sự hiểu biết về vô thường không tạo được biến chuyển lớn lao nào nơi tôi. Tôi chỉ bớt một chút tính bám giữ, một chút tham muốn đối với những gì mà người đời thường luyến chấp. Sự thay đổi này rất tinh tế, và phát xuất tự việc tỏ hiểu rằng sự vật không hẳn có thật như chúng ta vẫn nghĩ.

Sự thay đổi quan điểm này, giúp đỡ tôi rất nhiều lúc mẹ tôi, anh tôi và người bảo hộ đã thờ là người thầy rất thân yêu của tôi lần lượt qua đời khi tôi được mười một, mười hai và mười ba tuổi.

Các kinh nghiệm về sự chết và phân ly này không phải là dễ chịu đựng, nhưng do quán tưởng về vô thường chúng ta thay đổi quan niệm và bớt đau khổ hơn. Về sau quan kiến này cũng giúp đỡ tôi khi tôi bị mất tu viện và tổ quốc của mình.

Càng bám giữ vào của cải và những mối liên hệ trên thế gian, chúng ta càng cho chúng là quan trọng và cần thiết, và chúng ta càng đau khổ khi chúng không còn. Chỉ nội lý do này cũng đủ để cho chúng ta suy gẫm về vô thường.

Có được thân người là điều may mắn, chúng ta cần phải hiểu như vậy. Hầu hết người đời không coi kiếp người là quan trọng, vì vậy chúng ta không thấy có gì đáng vui mừng khi mình có thân người. Những người có huệ nhãn nói cho chúng ta biết về các cõi khác tốt đẹp hơn thế gian của chúng ta. Vậy mà điều may mắn vào bậc nhất chính là được sinh làm người thế gian. Trong cõi khác có lẽ chúng ta có thân thể tốt đẹp hơn, nhưng nơi đó không bao giờ có thể thành tựu những gì có thể đạt được ở thế gian này, vì chúng ta không có khả năng như của loài người.

Có nhiều khi người ta không biết là mình có cơ hội tốt nhất, vì cuộc đời của họ rất đáng chán hay rất khó khăn, và họ không còn hứng thú để tận dụng khả năng làm người của mình. Như vậy là sai lầm lớn. Các cơ hội tốt mà thân người cung cấp, ngay bây giờ, là rất lớn không nên bỏ phí chỉ vì bất mãn với cuộc sống hay hoàn cảnh khó khăn.

Việc này cũng giống như mượn một chiếc thuyền để vượt sông, thay vì dùng chiếc thuyền ngay, bạn cứ tà tà, quên rằng chiếc thuyền không phải của mình mà của người khác cho mượn. Nếu không dùng ngay, có lẽ bạn không bao giờ qua sông được, vì sớm muộn gì người ta cũng đòi lại, thế là lỡ cơ hội.

Thân xác chúng ta là một chiếc thuyền hiếm có, cần phải biết cách dùng cho tốt, và không chậm trễ.  Mục đích cao cả nhất của kiếp người quý báu là tiến hóa về mặt tâm linh.  Nếu không thể tiến xa thì ít nhất chúng ta cũng có thể đi tới một mức nào đó; hơn nữa chúng ta có thể giúp người khác cùng tiến.  Tối thiểu chúng ta cũng không làm điều gì có hại cho người khác.

Cuộc đời không lâu dài, giống như buổi dạo chơi ngày chủ nhật. Chỉ hưởng ánh sáng mặt trời ngắm cây cỏ và thú vật, hít thở không khí trong lành cũng là một niềm vui. Nhưng nếu chúng ta chỉ lo cãi nhau xem ai ngồi ăn trưa chổ nào trên bãi cỏ, ai ăn cánh gà, ai hưởng đùi gà, thì thật là phí thời giờ! Sớm hay muộn gì mây đen cũng kéo tới, trời tối, cuộc đi chơi chấm dứt. Thế mà chúng ta chỉ mãi lo tranh với cãi. Nghĩ thử coi chúng ta đã thiệt thòi như thế nào!.

Bạn có thể thắc mắc, nếu sự vật là vô thường, không có gì lâu bền cả, thì làm sao người ta có thể sống hạnh phúc? Chúng ta không thể giữ cái gì lâu dài cả, đúng thế, nhưng có thể dùng sự hiểu biết về lý vô thường để nhìn cuộc đời một cách khác, coi cuộc đời như một cơ hội ngắn hạn và quý báu. Lúc đó chúng ta sẽ thấy kinh nghiệm sống của mình phong phú hơn, những mối liên hệ của chúng ta với người khác thành thật hơn, chúng ta thưởng thức và hưởng thụ sâu xa hơn những gì tới với mình.

Chúng ta cũng kiên nhẫn hơn. Dù sự việc hiện tại có xấu xa tới đâu chúng ta cũng biết rằng mọi hoàn cảnh ngang trái không thể tồn tại mãi, và do đó có thể chịu đựng cho tới khi chúng qua đi. Với tính kiên nhẫn lớn hơn trước, chúng ta sẽ đối xử hiền hòa hơn với người khác. Khi biết rằng mình sẽ không được sống cùng những người thân mãi mãi, chúng ta sẽ thương yêu và tử tế với họ hơn.

Hiểu lý vô thường và thành thực muốn làm cho người khác hạnh phúc trong cuộc đời ngắn ngủi này, đó chính là bước đầu của việc tu tập tâm linh thật sự.  Với sự thành tâm như vậy chúng ta có thể chuyển hóa tâm và con người, không cần phải đầu tròn, áo vuông, ly gia, cắt ái hay ngủ trên giường đá.  Việc tu tập không đòi hỏi điều kiện khắc khổ, chỉ cần lòng tốt và một chút già giặn để hiểu tính vô thường của sự vật, như vậy cũng đủ để bạn tiến triển trên con đường đạo.

Nếu chỉ tu trình diễn, thắp nhang, tọa thiền đúng cách, thuộc lòng kinh kệ, chúng ta dễ trở nên kiêu ngạo, tự tôn, và hay tìm lỗi lầm của người khác. Lối tu tập giả dối như vậy không ích lợi cho mình cũng như người khác. Mục đích của tu tập không phải là làm cho mình có nhiều lỗi lầm hơn.

Khi biết được những điều này, chúng ta có thể hứng khởi, cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc.  Nhưng việc này cũng giống như vá một chổ rách trên áo, nếu vá không kỹ, miếng vá có thể rơi ra.

Đây là chổ chúng ta nói tới quán tưởng và thiền quán. Dù những giáo lý đó có làm cảm động và hứng khởi, nhưng thói quen cố hữu của chúng ta rất mạnh và thế gian cũng còn khó khăn cho chúng ta đối phó.  Để việc tu tập có hiệu quả, những chân lý mà chúng ta được biết phải được ôn tập liên tục.

Thiền quán là tiến trình khâu đường chỉ, là tiến trình nhắc nhở mình về sự thật sâu xa, như vô thường và từ bi, cho tới khi miếng vá được khâu vững chắc, trở thành một phần của chiếc áo.

Lúc đó chúng ta không bị lay động bởi ngoại cảnh. Khi hiểu tính chất giả ảo của thực tại, tính chất mộng huyễn của cuộc đời, tính chất vô thường của sự vật, chúng ta cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng hơn. Như vậy, không có nghĩa là chúng ta từ chối tham dự đời sống; chúng ta chỉ không coi đời sống với nhãn quan quá nghiêm trọng; chúng ta đến với đời sống với ít hy vọng, mong cầu và lo sợ hơn trước.

Giống như người lớn cùng chơi với trẻ em trên bãi biển, chúng ta không buồn như đứa trẻ khi tòa lâu đài cát bị sóng phá tan mà lại phát khởi từ bi vì thấy đứa trẻ đau khổ.

Từ bi là bản chất tự nhiên của mỗi con người chúng ta, nhưng vì đã nhiễm nhiều thói quen vị kỷ nên chúng ta phải trưởng dưỡng từ bi bằng cách suy gẫm về sự đau khổ của những người còn bị giấc mộng đời lôi cuốn. Chúng ta cần phát triển ý nguyện thành thật và từ bi muốn sự đau khổ của họ sẽ chấm dứt, họ sẽ hiểu tính chất ảo mộng của cuộc đời để không bám giữ vào những sự vật được coi là có giá trị lâu dài.

Đại học giả cũng là đại hành giả Ấn Độ tên là Atisha, sau mười hai năm liền nghiên cứu nhiều kinh luận Phật giáo đi tới kết luận rằng tất cả các pháp môn tu tập đều có thể tóm tắt thành một điểm là lòng tốt.

Nói tới lòng thanh tịnh thì nghe có vẻ mơ hồ, nhưng trong thực tế thì không dễ dàng chút nào. Nếu phải gặp một người ghét bạn, một người muốn xúc phạm bạn, bạn sẽ khó giữ bình tĩnh để không nổi giận và không mất lòng từ bi.

Đức Phật và Thánh Nhân dạy rằng con người chúng ta đã trải qua vô số kiếp. Đối với một số người điều này có vẻ khó tin, nhưng đó là vì chúng ta chưa đạt trình độ trí huệ cao nhất để biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai như các ngài; chúng ta không biết mình từ đâu tới trước khi mình ra đời hay mình sẽ đi đâu sau khi chết. Sự thật, kiếp này là kết quả của kiếp trước và là nguyên nhân của kiếp sau, giống như cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta là kết quả của hôm qua và hôm nay quy định cuộc sống ngày mai.

Nếu trí huệ vốn của chúng ta được hiển lộ trọn vẹn hơn, chúng ta sẽ thấy trong vô số kiếp sống của mình, chúng sinh đã có lúc là cha mẹ của mình.  Họ đã có lúc cho chúng ta thân người, nuôi nấng và dạy bảo chúng ta. Có thể chúng ta không biết vai trò của họ trong kiếp này; Có thể chúng ta đang có liên hệ khó khăn với họ, nhưng chúng ta phải coi như mình đã chịu ơn chúng sinh trong các kiếp trước.

Hiểu biết mối liên hệ giữa mình và mọi người, chúng ta sẽ thanh thản hơn. Chúng ta sẽ đối xử một cách hiểu biết hơn với người khác, dù là bạn bè hay thù địch.

Khi thấy một người đã có lúc là cha hay mẹ của mình thống khổ, lòng từ bi của chúng ta sẽ trở nên sâu đậm. Chúng ta vẫn nghĩ: “ Thật đáng buồn, người đó không biết như vậy. Nếu mình là người hiểu biết, mình phải hết sức giúp đỡ người đó.”

Khi gặp cảnh ngộ khó khăn, chúng ta sẽ chín chắn thay vì phản ứng theo thói quen sân giận, chúng ta chỉ ứng đáp bằng sự nhẫn nhục và lòng từ bi.  Chúng ta cố gắng tử tế và có lòng tốt, tránh những hành động tiêu cực, vị kỷ, đụng chạm như bắt lỗi chẳng hạn.

Thực hành tu tập trong đời sống hằng ngày bắt đầu khi bạn thức dậy vào buổi sáng. Hãy vui mừng vì đêm qua mình không chết, biết là mình có thêm một ngày hữu ích dù không chắc mình sẽ có thêm một ngày nữa.  Rồi bạn tự nhắc mình phải làm việc với động lực tốt. Thay vì khởi sự đuổi theo tiền của danh vọng hay những mục tiêu vị kỷ nào khác, bạn hãy bắt đầu làm công việc ngày hôm nay với ý nguyện từ bi giúp đỡ người khác; bạn sẽ lập lại ý nguyện này vào mỗi buổi sáng. Bạn hãy tự nhủ: “Với ngày hôm nay, mình sẽ hết sức làm điều tốt. Trong quá khứ khi thì làm tốt, khi thì làm xấu. Nhưng vì hôm nay có thể là ngày cuối cùng của mình, mình hãy làm những điều tốt nhất cho người khác.”

Mỗi đêm trước khi ngủ, bạn nên duyệt lại ngày hôm đó. Hãy tự hỏi: “Mình đã làm được những gì?  Mình không muốn làm hại ai, nhưng mình có làm được như vậy hay không? Mình quyết định phải vui vẻ, từ bi, yêu thương, bình thản, nhưng mình có làm được như vậy không?” Không chỉ trong ngày hôm nay, mà bạn hãy tự hỏi mỗi ngày trong đời “mình có gây tạo được tính tốt nào không? Mình đã là người căn bản đạo đức chưa? Hay mình thường làm điều xấu, thường có những hành động không đạo đức?”  Bạn hãy tự hỏi những điều này một cách nghiêm chỉnh và thành thật. Bạn thấy gì sau khi tổng kết?

Nếu thấy mình khiếm khuyết, bạn không nên tự trách cho mình là tội lỗi, làm như vậy không có lợi gì cả. Mục đích của việc này là quan sát những gì bạn đã làm, và những hành vi xấu của bạn có thể được thanh lọc. Mọi tính chất tiêu cực không in dấu mãi trong tâm thức, mà có thể được sửa đổi. Khi thấy mình phạm lỗi lầm, bạn hãy yêu cầu một đấng cao cả. Đấng hoàn hảo đó có thể là Thượng Đế, Đức Phật hay các Bổn Tôn , thánh, tùy theo tín ngưỡng mà bạn tin theo. Bạn không cần phải đi đến một nơi đặc biệt nào, vì không có chỗ nào mà lời cầu nguyện của bạn không được nghe thấy. Từ đấng hoàn hảo bạn sẽ nhận được ơn lành, thanh lọc tâm thức mình.

Bạn hãy sám hối với sự chứng giám của đấng cao cả, thành tâm ăn năn những việc mà mình đã làm và nguyện không tái phạm. Khi ngồi thiền, bạn hãy quán tưởng ánh sáng tỏa ra từ đấng hoàn hảo, thanh tịnh hóa bạn và tất cả những tội lỗi mà bạn đã phạm trong ngày, trong đời, và trong các kiếp mà bạn đã sống.

Khi nhìn lại như vậy, có lẽ bạn thấy mình có khả năng làm cho người khác hạnh phúc, có thể bạn đã bố thí và kiên nhẫn với người khác cũng như với loài vật. Nhưng bạn không nên tự mãn, mà hãy quyết định là ngày mai mình sẽ làm tốt hơn, sẽ khéo léo hơn và từ bi hơn trong các mối giao tiếp với người khác. Hãy dâng thành quả tốt của những việc bạn làm cho chúng sinh, dù họ là ai, tình trạng của họ như thế nào, và hãy nghĩ: “Nguyện công quả này làm giảm đau khổ và mang lại mọi hạnh phúc cho chúng sinh.”

Bạn hãy kiểm soát nội tâm mỗi ngày. Cư xử ra sao? Ý định thực sự là gì. Bạn không thể biết rõ tâm trí của người khác, nhưng bạn biết rõ tâm trí của bạn.  Khi nào có thể, bạn hãy suy gẫm về những ý niệm này: thân người quý, vô thường, nghiệp quả, sự đau khổ của người khác.

Trong thực hành tu tập hàng ngày chúng ta làm việc với hai phương diện của tâm: lý trí, hay khả năng lý luận và tạo ý tưởng, và tính chất bất khả tư nghị, bí ẩn và siêu lý luận  Bạn quán tưởng bằng lý trí, rồi để cho tâm an tĩnh.  Suy gẫm và an tĩnh.  Không chỉ quán tưởng hay chỉ giữ tâm yên lặng, mà cả hai việc cùng với nhau, giống như đôi cánh của một con chim (trong thiền gọi là quán và chỉ).

Bạn không chỉ làm phương pháp này khi ngồi trên tọa cụ, mà bạn có thể thực hành ở bất cứ đâu, đang làm một công việc gì hay khi lái xe, không cần phải có hoàn cảnh đặc biệt hay những món phụ tùng nào, và hành giả có thể thuộc bất cứ ngành nghề nào trên đời.

Có người nghĩ rằng chỉ cần hành thiền mười lăm phút mỗi ngày là sẽ giác ngộ trong một hay hai tuần. Không có chuyện đó đâu. Ngay cả khi bạn thiền quán và cầu nguyện một tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng như vậy là một giờ bạn tu tập còn hai mươi ba giờ kia thì không. Một người kéo co với hai mươi ba người thi sẽ đi tới đâu?

Không thể sửa đổi những ý nghĩ trong tâm thức với một giờ hành thiền. Trọn ngày bạn hãy để ý tới tiến trình tâm linh của mình, dù đang làm việc, giải trí hay ngủ. Tâm trí phải luôn luôn được thúc đẩy hướng tới mục tiêu tối hậu là giác ngộ.

Trong mọi sinh hoạt thế gian, bạn hãy chăm chú vào việc mình đang làm, khi viết bạn hãy chăm chú vào cây bút, đang may quần áo, hãy tập trung vào đường kim mũi chỉ. Đừng xao lãng. Đừng nghĩ tới đủ thứ chuyện cùng một lúc. Đừng nghĩ tới những gì đã xảy ra hôm qua, hay những gì có thể xảy ra ngày mai. Trong bất cứ công việc gì, bạn cứ tập trung tâm vào nó, chăm chú làm việc và thỏa mản với công việc của mình, đó chính là cách luyện tâm.

Luôn luôn kiểm soát kỹ bản thân, giảm bớt những ý nghĩ, lời nói và hành vi tiêu cực, tăng cường những điều tích cực. Suy gẫm một cách thận trọng và luôn luôn tái tập trung vì bạn dễ bị hôn trầm. Kết quả của thiền quán là sự tái tập trung liên tục. Bạn phải sẵn sàng mang trở lại tâm những ý tưởng thanh cao. Và sau đó hãy để tâm thư thới để nó có thể cảm nhận tinh tế và trực tiếp những gì ở bên ngoài ý nghĩ.

Các trung tâm Phật giáo là nơi bạn có thể nghe giảng giáo lý để biết những quan niệm sống khác với lối nghĩ cố hữu của mình, nơi bạn có thể tham thiền hay chiêm nghiệm trong một khung cảnh có nhiều người khác cũng đang làm như mình.  Nếu chỉ nghe nói về giáo lý một lần thì việc tiến tới trên đường đạo một mình sẽ rất khó. Thăm viếng các trung tâm đó rất ích lợi, nhưng dù sao điều quan trọng nhất cũng vẫn là tìm hiểu và ứng dụng những lời dạy bất cứ lúc nào.

Chúng ta có thể sửa đổi ý nghĩ, dù việc này mất nhiều thời gian.  Ngày xưa ở Ấn Độ có người muốn đánh giá những ý nghĩ của mình.  Việc này không dễ vì ngay cả khi người ta cương quyết theo dõi ý nghĩ, vẫn có nhiều ý nghĩ thoát khỏi họ, những ý nghĩ mà người ta không nhận ra, đến rồi mà không ai biết.  Tuy nhiên, người này đã quan sát ý nghĩ bằng cách đặt xuống đất một viên sỏi trắng khi một tư tưởng tốt xuất hiện, một viên sỏi đen cho những ý nghĩ không đạo đức.  Lúc đầu đống sỏi đen lớn hơn đống sỏi trắng, nhưng dần dần qua nhiều năm tháng, đống sỏi trắng lớn hơn hẵn đống sỏi đen.  Đó là lối tiến bộ mà chúng ta có thể đạt được bằng sự cố gắng một cách thành tâm.  Chuyển hóa tâm không phải chuyện tùy hứng mà là một việc làm đòi hỏi sự thi hành có suy nghĩ và điều đặn, phải có sự tinh tấn, chuyên tâm, kiên nhẫn và nhiệt thành.

Có nhiều giáo lý sâu xa trong Phật giáo, tuy nhiên điều chúng ta vừa xét tới là chất cam lộ tinh yếu nhất hơn tất cả. Vậy hãy trưởng dưỡng lòng tốt trong đời sống hàng ngày, làm những việc đạo đức, từ bi, bình thản, thương yêu, và vui vẻ đó là con đường dẫn tới giác ngộ.

Đức Chagdud Tulku Rinpoche

Trích: Phật Giáo Thực hành