cung-dien-potala-tay-tang-du-lich-trung-quoc1

Khám phá con đường giải thoát – Luân hồi

Tại sao chúng ta cần phải có một đạo pháp để tu tập? Chúng ta đang sống trong một thời đại bận rộn, cuộc đời của chúng ta đầy dãy những hoạt động với nhiều tính chất sung sướng và đau khổ, thỏa mãn lẫn bất mãn.  Tại sao phải dành thì giờ để tu tập?

Người ta thường kể về một người ở miền Bắc Tây Tạng cùng với bạn hữu đi hành hương đến Điện Potala, chỗ của các vị Dalai Lama tại thủ đô Lhasa, một địa điểm rất thiêng liêng mà người Tây Tạng nào cũng muốn tới thăm một lần trong đời.

Thời đó ở Tây Tạng không có xe cộ, người ta đi bộ hoặc cưỡi ngựa, mất nhiều thời gian, đi xa rất nguy hiểm vì có nhiều trộm cướp rình rập những lữ khách không cảnh giác.  Vì các lý do này mà đa số người dân Tây Tạng suốt đời không bao giờ rời xa quê hương của mình.  Họ chưa bao giờ trông thấy một căn nhà, vì họ chỉ sống trong lều vải dệt bằng lông trâu “Yak”.

Khi nhóm người hành hương này tới Lhasa, người dân miền Bắc của chúng ta sững sờ nhìn Điện Potala cao nhiều tầng, có vô số cửa sổ cũng như quang cảnh ngoạn mục thành phố Lhasa nhìn từ bên trong.  Anh ta thò đầu qua một cửa sổ hẹp rồi quay bên phải, bên trái để ngắm thành phố bên dưới.  Khi các bạn gọi ra về, anh rút đầu vô, nhưng đầu bị kẹt ở cửa sổ, làm cho anh bối rối kéo lung tung.  Rốt cuộc thấy mình bị kẹt luôn ở đó, anh nói với các bạn:  “Các anh cứ về nhà, và nói với gia đình là tôi chết ở đây, nhưng cái điều may mắn là tôi chết ở Điện Potala. Còn chổ nào khác vinh dự hơn để chết?”

Vốn là những người dân chất phác nên không suy nghĩ gì nhiều, các bạn anh đồng ý ra về.  Một lát sau, một nhân viên trông coi cung điện đi qua, thấy anh ta liền hỏi: “Thằng ăn mày kia làm cái gì đó ?”

Anh trả lời: “Tôi sắp chết đây”

“Tại sao anh nghĩ là mình sắp chết?”

“Vì cái đầu của tôi bị kẹt.”

“Anh đã thò đầu ra như thế nào?”

“Tôi thò đầu ra như vầy.”

“Vậy anh cứ đúc đầu vô cùng một cách như đã thò đầu ra !”

Anh ta làm theo lời viên quản thủ, và kéo được đầu của mình ra khỏi cửa sổ.

Giống như người dân quê này, nếu chúng ta nhận thấy mình đang bị kẹt thì ta cũng có thể thoát ra và giúp người khác cùng thoát ra.  Nhưng trước hết chúng ta cần phải biết là mình đã bị kẹt như thế nào.

Trong suốt cuộc đời, dù mỗi người chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc, và đôi khi đã tìm được, nhưng hạnh phúc đó luôn luôn chỉ có tính cách tạm thời, và chúng ta không thể làm cho nó vĩnh cửu.  Như vậy cũng giống như bắn nhiều mũi tên, nhưng lại bắn nhằm mục tiêu.  Để tìm thấy hạnh phúc miên viễn, chúng ta cần phải thay đổi mục tiêu, phải nhắm vào việc xóa bỏ đau khổ của mình và của người khác, không phải tạm thời mà là mãi mãi.

Tâm của chúng ta là nguồn cội của cả đau khổ lẫn hạnh phúc.  Có thể sử dụng nó một cách tích cực để tạo ra lợi ích, hay tiêu cực để gây ra tai hại.  Dù bản thể của mỗi người là thanh tịnh vô sinh bất tử – cái mà chúng ta gọi là Phật tính – nhưng chúng ta không nhận ra nó.  Trong khi đó, chúng ta bị phàm tâm điều khiển, phát ra đầy những ý nghĩ tốt cũng như xấu, vui cũng như buồn.  Theo luật nhân quả thì chúng ta gieo nhân với mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và mỗi hành động.  Cũng như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, hành động xấu sẽ sinh ra đau khổ, việc làm tốt sẽ đem lại hạnh phúc.

Hành động của chúng ta trở thành nhân, và nhân này sẽ sinh ra quả.  Một vật được tác động sẽ sinh ra động lực.  Liệng một viên sỏi xuống hồ nước, những đợt sóng tròn sẽ sinh ra, đụng vào bờ, và quay trở về chỗ viên sỏi rơi.  Vì vậy khi một ý nghĩ phát sinh, thì những làn sóng tư tưởng sẽ lan ra và quay trở lại với người nghĩ.  Khi hậu quả của những ý nghĩ đó trở về, chúng ta cảm thấy mình là những nạn nhận vô phương tự vệ.  Chúng ta đang sống một cách vô tội, vậy tại sao những điều xấu đó lại tới với mình? Sự thật là những làn sóng đã quay trở lại trung tâm.  Đó là nghiệp quả.

Phàm tâm luôn luôn dao động và đầy rối loạn.  Nếu không được chế ngự nó sẽ ảnh hưởng tới lời nói và việc làm, chúng ta sẽ bị nó xô đẩy tới lui, lên xuống, và như vậy giống như quay một cái bánh xe.  Với tư tưởng, lời nói và việc làm, chúng ta làm bánh xe xoay chuyển, và mỗi lần phản ứng, chúng ta lại đẩy cho nó quay thêm thế là chúng ta bị kẹt trong vòng quay bất tận của nó.  Như vậy, kinh nghiệm về thực tại của chúng ta, đa tạp và luôn xoay chuyển, sẽ tiếp tục hết kiếp này sang kiếp khác.  Đó là luân hồi.  Chúng ta không biết là mình đang lãnh chịu hậu quả của những nghiệp do chính mình tạo ra, và càng phản ứng đối với nghiệp quả đó sẽ càng gây thêm nhiều nhân khác nữa để rồi có thêm nhiều hậu quả, cứ như thế không ngừng.  Vì chính chúng ta đã tạo ta tình trạng khó khăn cho mình, nên việc thay đổi tình trạng này cũng tùy thuộc vào chính chúng ta.  Một người soi gương thấy đầu tóc dơ bẩn không thể làm sạch hình ảnh đó bằng cách chùi sạch gương.  Người bệnh đau gan sẽ thấy đỉnh núi tuyết hay một tấm vải trắng có màu hơi vàng.  Muốn nhìn đúng màu trắng, người đó phải chữa bệnh.  Nếu chúng ta chỉ tìm cách thay đổi hoàn cảnh bên ngoài thì không có lợi gì cả.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có Thượng Đế hay Đức Phật mới giải quyết được mọi đau khổ; họ trông cậy vào những thần tượng ở bên ngoài họ.  Nhưng không có chuyện đó.  Chính Đức Phật đã nói với các đệ tử: “ Ta đã chỉ cho các người con đường giải thoát.  Các ngươi hãy tự đi trên con đường đó”

Khi tâm được dùng một cách tích cực, thí dụ để phát tâm từ bi, nó sẽ có thể tạo ra ích lợi lớn.  Người ta có thể cho rằng ích lợi này là do trời Phật ban cho, nhưng thật ra đó chỉ là kết quả của các hạt giống lành mà chúng ta đã gieo trồng.  Nhờ giáo lý Đức Phật mà chúng ta được biết phương pháp thay đổi, nhiếp phục và tu tâm, nhưng chúng ta phải tự mình thâm nhập tâm, khám phá Phật tính của mình và mọi khả năng vô hạn của nó.

Kinh nghiệm sống hiện tại của chúng ta là sự khá may mắn, so với nhiều người phải chịu những tai họa như chiến tranh, thiên tai, bệnh tật hay nạn đói.  Họ không thể thay đổi được tình trạng và có vẻ không có lối thoát.

Nếu suy nghĩ về nỗi khổ của những người đang chịu tai họa như vậy, lòng từ bi sẽ xuất hiện trong chúng ta.  Chúng ta sẽ cảm thấy không muốn bỏ phí hoàn cảnh may mắn của mình và cho người khác, thứ lợi ích vượt lên trên cái hạnh phúc tạm thời thoạt đến thoạt đi trong vòng luân hồi đau khổ không dứt.  Chỉ bằng cách giác ngộ trọn vẹn về tính chất thật của tâm, hay thực hiện chân tâm, chúng ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc lâu dài và giúp người khác làm như mình.  Đó là mục tiêu của đạo pháp.

Đức Chagdud Tulku Rinpoche

Trích: Phật giáo thực hành