Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Vượt thoát khỏi mọi sự bám víu vào cái tôi

Nếu muốn hiểu được vô minh căn bản, tức tình trạng bám víu vào sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng, đã nô lệ hóa chúng ta như thế nào, thì thật hết sức quan trọng phải theo dõi được quá trình vận hành của các tư duy bấn loạn của mình trên phương diện hiện tượng học và tâm lý học. Thí dụ mỗi khi chúng ta cảm thấy các thứ xúc cảm tiêu cực phát lộ, chẳng hạn như sự giận dữ, hận thù và bám víu thì phải quán xét ngay xem các đối tượng của chúng hiện ra với chúng ta như thế nào, nói cách khác là tình trạng tâm thần của chúng ta khi cảm nhận chúng. Qua sự tương tác bình thường giữa chúng ta và thế giới, tức là cách mà chúng ta liên kết với thế giới xuyên qua những sự cảm nhận nhị nguyên của mình, thì chúng ta luôn có xu hướng quán nhận mọi sự vật dường như hàm chứa một vị thế độc lập và khách quan: chúng cứ hiện hữu “sờ sờ ra đó trước mặt chúng ta”. Chúng ta tự giam mình trong sự kiềm tỏa của các thứ cảm nhận ấy bằng cách bám vào các hình ảnh do chúng tạo ra và cho rằng các hình ảnh ấy hàm chứa một sự hiện hữu thật, nội tại và khách quan. Hiện tượng này thật dễ nhận thấy khi chúng ta bị chi phối bởi những thứ xúc cảm thật mạnh (thí dụ khi chúng ta nổi nóng với một người nào đó thì chúng ta có cảm giác rằng con người ấy và mọi sự “biển lận”, “xấu xa”, “ti tiện” của người ấy đều rất thật, rất đáng ghét, chúng ta chỉ muốn xông vào để đánh người ấy và tố giác những điều xấu xa “rất thật” của người ấy).

Thí dụ như khi chúng ta phát lộ một sự thèm muốn mãnh liệt đối với một người hay một vật nào đó thì đối tượng lôi cuốn (thu hút, mê hoặc) chúng ta sẽ hiện ra rất hoàn hảo và đáng để cho chúng ta thèm muốn. Tính cách đáng để thèm muốn đó có vẻ như hiện hữu độc lập với sự cảm nhận của chúng ta. Cũng tương tự như thế, mỗi khi sự giận dữ hay hận thù nổi lên thật mãnh liệt thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy các nguyên nhân làm phát sinh ra chúng có vẻ như là bản chất nội tại của chúng (rất thật). Khi đã rơi vào vòng kiềm tỏa của những thứ xúc cảm mãnh liệt ấy thì chúng ta cũng sẽ có xu hướng nhìn thấy tất cả mọi sự hoặc là đen hay trắng, có nghĩa là xem chúng hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu (hoặc thương hay ghét, hoặc đúng hay sai…, tất cả mọi khả năng phán đoán đều mất hết). Chúng ta nên dựa vào các kinh nghiệm trên đây để ý thức được sự tương tác giữa chúng ta với thế giới chung quanh xảy ra như thế nào, và cũng nhân đó để nhận thấy thế giới ấy đã bị bóp méo ra sao bởi các thứ cảm nhận sai lầm của chúng ta về các vật thể và sự kiện xảy ra khi chúng ta cố tình xem chúng như hàm chứa một sự hiện hữu nội tại.

Nếu phân tích cẩn thận các xúc cảm mãnh liệt, chẳng hạn như sự giận dữ, bám víu hay ganh ghét, thì chúng ta cũng sẽ nhận thấy ngay một thứ cảm tính rất mạnh về “cái tôi” hay là “cái ngã” tàng ẩn bên trong quá trình nguyên nhân hậu quả mang lại các xúc cảm ấy. Những thứ cảm tính như “Tôi không thích cái này”, “Tôi cảm thấy yêu thích cái kia”, hoặc “Điều đó khiến tôi kinh tởm”…, sẽ không tránh khỏi mang lại cho chúng ta các kinh nghiệm cảm nhận trên phương diện xúc cảm. Vậy phải làm thế nào để có thể nhận biết và ngăn chặn các cảm tính thật mạnh ấy về “cái tôi”? Trước hết là phải phân tích cảm tính ấy; sau đó là tìm cách làm giảm bớt sức mạnh bám víu vào khái niệm cho rằng các đối tượng của xúc cảm mang tính cách vững chắc.

Chúng ta hãy nêu lên một thí dụ thật thông thường, chẳng hạn như khi bạn được làm sở hữu chủ một vật có một giá trị nào đó: một chiếc xe hay một cái đồng hồ chẳng hạn. Nếu bạn hiện đang phát lộ một sự bám víu thật mạnh vào cái đồng hồ (đang hãnh diện và quý cái đồng hồ của mình) thì bạn cũng nên cố nhớ lại xem cảm tính của mình ra sao trước khi mua nó, tức là khi mà nó còn bày trong tủ kính của cửa tiệm, và sau đó bạn hãy so sánh cảm tính của bạn vào lúc ấy (thích cái đồng hồ thế nhưng chưa phải là sở hữu chủ của cái đồng hồ) với sự bám víu hiện nay tức là sau khi đã mua xong cái đồng hồ xem sao. Trong lúc này nó là của bạn, cái đồng hồ được gắn chặt với sự phát lộ thật mạnh về “cái ngã” của bạn, cái ngã ấy biểu lộ sự hiện hữu của “cái tôi” của bạn. Khi còn đang đứng trong cửa tiệm thì nhất định là bạn còn đang bị thu hút bởi cái đồng hồ, thế nhưng lúc đó nó vẫn chưa thật sự gắn chặt với cảm tính về “cái tôi” của bạn, bởi vì nó chưa phải là của bạn. Tóm lại thật hết sức dễ thấy là cùng một vật thể thế nhưng nó lại có thể tạo ra nhiều thứ cảm tính khác nhau đối với mình.

Thói thường các xúc cảm như giận dữ và bám víu có thể phát lộ ở những cấp bậc khác nhau, tương xứng với sức mạnh bám víu vào “cái tôi” hay là ý nghĩ về sự “hiện hữu của tôi” (phía sau mỗi hành động bám víu đều tàng ẩn thật kín đáo “cái tôi” hay “cái ngã” như là một chủ thể giữ vai trò phát lộ sự bám víu đó. Bám víu và phát lộ “cái tôi” chính là nguyên nhân sâu xa nhất buộc chặt chúng ta vào vòng luân hồi, tức là vào chu kỳ bất tận của sự tái sinh, vì đấy là cách tạo ra các điều kiện cần thiết hầu giúp cho chúng ta có thể tiếp tục bám víu. Do đó càng bám víu chúng ta lại càng buộc chặt mình hơn vào vòng tái sinh để tiếp tục bám víu. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, nào chỉ có cái đồng hồ đâu! Chúng ta còn bám víu vào muôn ngàn các thứ khác nữa!). Nói chung chúng ta có xu hướng hình dung “cái tôi” như một thực thể độc lập với thân xác và tâm thức, tương tự như một kiểm soát viên hàm chứa một thực thể độc lập và tự chủ (autosuffisant / self-sufficient / tự lập, riêng biệt, nói một cách bình dân hơn thì đấy là một thứ “linh hồn” giữ vai trò điều khiển chúng ta). Chúng ta bám víu vào cảm tính về cái tôi ấy tương tự như là một thứ bản năng. Hãy lấy thí dụ trường hợp phải ghép tim hay cắt bỏ một phần tứ chi thì chúng ta sẽ nhận thấy phẫu thuật ấy tất sẽ mang lại lợi ích cho mình và chúng ta sẽ chấp nhận nó một cách dễ dàng, kể cả trường hợp phải thay toàn bộ thân xác mình bằng thân xác của người khác (xinh đẹp và khỏe mạnh hơn) nếu như chuyện ấy có thể thực hiện được. Cũng thế, biết đâu chúng ta cũng có thể sẵn sàng trao đổi tâm thức mình với tâm thức của người khác, nếu việc ấy tỏ ra có lợi cho mình (tâm thức của người khác thông minh hơn tâm thức của mình chẳng hạn)? Sự bám víu đó cho thấy chúng ta hình dung ra một “cái tôi” tương đối độc lập với thân xác và cả tâm thức (một thí dụ thật hết sức đơn giản và dễ hiểu: “cái tôi” trú ngụ ở chỗ nào trong cơ thể, ở tim, tứ chi, toàn bộ thân thể hay là trong tâm thức? Nếu trao đổi tất cả những thứ ấy với người khác thì “cái tôi” hay “linh hồn” của mình có còn phải là “của mình” nữa hay không? Thế nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục nhận thấy “cái tôi” của mình xuyên qua thân thể và tâm thức của người khác mà mình muốn được trao đổi) Tịch Thiên qua tác phẩm của mình đã hùng hồn chứng minh cho thấy là “cái tôi” ấy chỉ hiện hữu trong khuôn khổ của một sự cấu hợp mà thôi; nó không hề mang một thể tính (identity) nào có thể gọi là “cái tôi” thuộc bên ngoài thân xác và tâm thức (nó chỉ đơn giản là kết quả vận hành của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn).

Những gì vừa được trình bày trên đây cho thấy là sự kiện ý thức được sự vắng mặt của “cái tôi” sẽ làm giảm bớt đi sự bám víu vào “cái tôi” ấy, nói cách khác là bám víu vào cảm tính về sự vững chắc mà chúng ta đã áp đặt cho “bản ngã” của mình. Như tôi đã nói đến trên đây, sự kiện biết xem tất cả mọi sự vật bên ngoài đơn giản chỉ là những phóng ảnh của tâm thức – tức có nghĩa là những thứ sáng tạo tâm thần mang đầy sai lầm – sẽ làm giảm bớt đi thật nhiều sự bám víu của chúng ta vào những thứ ấy. Cũng tương tự như thế, khi khởi sự nhận biết được sự vắng mặt của “cái tôi” mang tính cách độc lập, tự chủ, thì sức mạnh bám víu mang tính cách bản năng của mình vào “cái tôi” của mình cũng sẽ theo đó mà suy yếu dần.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông