nnnn

Tâm thức và ảo giác

Tiết 26. (quan điểm Duy Thức) Nếu cho rằng một đối tượng ảo giác là một thứ gì đó khác với tâm thức thì đấy là một điều sai; hoặc nếu cho rằng nó cũng chỉ đơn thuần là tâm thức thì cũng sai nốt.

(quan điểm Trung Quán) Nếu quý vị nói rằng tâm thức là thật, làm thế nào đối tượng lại có thể mang một bản chất khác hơn được, bởi vì theo quý vị thì đối tượng không thật? Nếu tâm thức có cùng một bản chất với đối tượng mang tính cách không thật thì làm sao tâm thức lại có thể thật cho được?

 Theo sự khẳng định của nhóm Duy Thức, thì ảo giác không khác với tâm thức, thế nhưng cũng không hoàn toàn giống với nó – ảo giác không phải là tâm thức; nó không thuộc cùng thể loại với tâm thức, thế nhưng cũng không tách rời ra khỏi tâm thức, do đó nó chỉ có thể là phóng ảnh của tâm thức mà thôi (các khám phá khoa học ngày nay giúp tìm hiểu sự kiện này chi tiết hơn. Thí dụ đối với thị giác chẳng hạn: chúng ta không “nhìn thấy” một vật thể mà chỉ duy nhất “trông thấy” ánh sáng phản chiếu từ vật thể ấy hắt vào mắt và lọt vào con ngươi của mình, các tia sáng ấy xuyên qua thủy tinh thể – tương tự như xuyên qua ống kính của một chiếc máy ảnh – và tạo ra hình ảnh thu nhỏ và đảo ngược của vật thể rồi in vào võng mạc của mắt. Các tia sáng tạo ra hình ảnh thu nhỏ và đảo ngược ấy sẽ tác động đến các tế bào nhạy sáng của võng mạc, các tế bào này sẽ chuyển các tác động ấy thành các tín hiệu điện, các tín hiệu này sẽ được truyền lên não bộ nhờ vào các dây thần kinh thị giác. Não bộ sẽ phối kiểm và diễn đạt các tín hiệu nhận được để tái tạo lại hình ảnh của vật thể mà các tia sáng đã phản chiếu trên đó. Hai con mắt nhìn một vật thể từ hai góc cạnh khác nhau do đó cũng sẽ truyền lên não bộ hai hình ảnh hay đúng hơn là hai nhóm tín hiệu khác nhau, não bộ tiếp nhận và phối kiểm các tín hiệu truyền lên từ hai mắt để tạo ra một hình ảnh nổi tức là “ba chiều” của vật thể. Gần hai ngàn năm về trước Long Thụ và Vô Trước không hề được thừa hưởng những hiểu biết khoa học trên đây và do đó dù đã phạm vào một vài sai lầm thứ yếu – sẽ giải thích bên dưới – thế nhưng cả hai đã đưa ra các học thuyết Trung Quán và Duy Thức với nhiều khía cạnh liên quan đến tính cách vô-thực-thể của hiện thực mà ngày nay khoa học và triết học vẫn chưa theo kịp. Dầu sao những hiểu biết khoa học hiện đại mà chúng ta hiện đang có cũng đã thừa đủ để chứng minh tính cách ảo giác và chủ quan của những vật thể mà chúng ta cảm nhận được bằng mắt cũng như các cơ quan giác cảm khác). 

Tịch Thiên cho rằng nếu ảo giác chỉ hiện hữu bên ngoài thì làm thế nào để có thể xác định được rằng đấy là một phóng ảnh của tâm thức? Trên một khía cạnh khác, nếu ảo giác không hàm chứa một thực tại bên ngoài và chỉ đơn giản là sản phẩm của tâm thức thì làm thế nào chúng ta có thể xác định được các vật thể trong cuộc sống thường nhật dưới dạng hình tướng, chẳng hạn như cái lọ, cái bàn có thể hiện hữu thật, khi mà quan điểm trên đây (của học phái Duy Thức) xem chúng không hề biểu trưng cho một sự hiện thực nào?

(Thật ra quan điểm của cả hai học phái đều đúng:

a)- quan điểm Trung Quán: vật thể bên ngoài đúng thật là “hiện hữu” bởi vì nó phải “có” thì ánh sáng mới có thể phản chiếu – khúc xạ – từ vật thể ấy để hướng vào con ngươi và thủy tinh thể của mắt, và hình ảnh của vật thể ấy do não bộ tạo ra chỉ là một ảo giác. Sự kiện một vật thể phải có thật trong bối cảnh bên ngoài thì ánh sáng mới có thể từ đó phản chiếu vào mắt cho thấy quan điểm của Trung Quán là đúng thêm một lần thứ hai. Thế nhưng tại sao Trung quán lại cho rằng các vật thể bên ngoài thật ra cũng chỉ là ảo giác, vậy đấy có phải là một sự mâu thuẫn hay không? Dưới một góc nhìn khác thì vật thể bên ngoài dù có thể hiện ra dưới dạng hình tướng để ánh sáng phản chiếu vào đấy, thế nhưng thật ra hình tướng ấy là một thể dạng cấu hợp phức tạp và luôn biến động. Sau khi não bộ nhận được tín hiệu phát sinh từ hình tướng của vật thể ấy thì vật thể ấy cũng đã đổi thay vì bản chất vô thường của nó, và do đó đã khiến nó không còn hiện hữu đúng như trước nữa, và đấy chính là bản chất ảo giác của nó, tóm lại quan điểm này cho thấy Trung Quán đúng thêm một lần thứ ba. Tính cách ảo giác và “không thật” ấy cũng chính là Tánh Không của mọi hiện tượng nói chung. Điều này cho thấy toàn bộ quan điểm của Trung Quán về thế giới hiện tượng rất chính xác, minh bạch và không có gì mâu thuẫn cả.

b)- quan điểm Duy Thức: hình ảnh mà mắt trông thấy thật ra chỉ là một sự diễn đạt chủ quan của tâm thức căn cứ vào các tín hiệu mà nó nhận được từ mắt, vì thế những hình ảnh đó chỉ là “ảo giác”. Điều này cho thấy quan điểm của Duy Thức là đúng. Thế nhưng nếu cho rằng có một cơ sở mang tính cách rất “thật” đứng ra giữ vai trò chủ động để nhận biết các tín hiệu ấy thì không đúng. Tri thức (consciousness) phát sinh từ sự vận hành của năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn, tất sẽ phải mang tính cách cấu hợp và vô thường, nói cách khác là nó “không thật”. Điều này cho thấy quan điểm của Duy Thức cho rằng tri thức hay tâm thức hiện hữu thật là không đúng. Tuy nhiên cũng xin hiểu rằng Duy Thức nêu lên một thể dạng của tri thức gọi là a-lại-da thức (alayavijnana) mang tính cách “rất thật” vì đó là “cơ sở” cất chứa và chuyển tải các vết hằn của nghiệp xuyên qua không gian và thời gian. Khái niệm về a-lại-da thức cho thấy một sự hữu lý nào đó hay ít ra là không hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm cho rằng duy nhất chỉ có tâm thức là thật. Đây là điểm độc đáo và siêu việt của Duy Thức).

Các người thuộc học phái Duy Thức khẳng định rằng: ngay cả trong trường hợp nếu các vật thể bên ngoài chỉ tương tự như ảo giác và không hề hiện hữu thì cũng vẫn có thể quan sát được chúng.

Tiết 27. (quan điểm Trung Quán) Quý vị cho rằng một vật thể ảo giác, không hàm chứa một sự hiện hữu thật, cũng có thể nhận biết được: vậy thì một tri thức ảo giác, không thật sự hiện hữu, cũng phải có khả năng giúp nó nhận biết.

(quan điểm Duy Thức) Thế giới luân hồi được chống đỡ bởi một thứ gì đó có thật (tức là tâm thức), nếu không thì thế giới đó cũng chỉ là một khoảng không gian trống không (tâm thức tạo ra thế giới, nếu không có tâm thức mang tính cách rất thật thì thế giới cũng sẽ trống không hay là không có).

 Tịch Thiên đáp lại rằng cũng tương tự như thế, mặc dù tâm thức không hiện hữu trong lĩnh vực của sự thật tối hậu, thế nhưng chúng ta vẫn có thể bảo rằng nó phải là một thứ gì đó có thể quán thấy được. Nhóm Duy Thức phản kháng lại và cho rằng trên thực tế cõi luân hồi phải có một nền tảng mang tính cách thực thể và khách quan nào đó, nếu không thì nó cũng sẽ chẳng khác gì như không gian trống không tức là mang tính cách hoàn toàn trừu tượng (hay tưởng tượng). Tác giả tập Hành trình đến Giác Ngộ lại nhấn mạnh thêm một lần nữa là nếu dựa vào quan điểm của những người Duy Thức thì chỉ có tâm thức mới hàm chứa một sự hiện hữu thật mà thôi.

Tiết 28. (quan điểm Trung Quán) Tại sao một thứ gì đó không thật (cõi luân hồi) khi dựa vào một thứ gì khác mang tính cách rất thật (tức là tâm thức, bởi vì theo học phái Duy Thức duy nhất chỉ có tâm thức là thật) lại có thể hàm chứa một chức năng nào đó? Vậy tâm thức của quý vị chỉ có thể tìm thấy một người bạn đồng hành (compagnon / companion) duy nhất: là hư vô.

Tiết 29. Nếu tất cả các đối tượng được loại bỏ khỏi tâm thức thì tất cả chúng sinh cũng sẽ đều là Phật (bởi vì tính cách nhị nguyên – tức chủ thể / đối tượng – sẽ không còn nữa). Do đó nếu bảo rằng tất cả chỉ là tâm thức thì phải chăng cũng chỉ là vô ích mà thôi? (nếu đã cho rằng tất cả chỉ là tâm thức thì tất nhiên sẽ không còn tính cách nhị nguyên nữa, và nếu không còn tính cách nhị nguyên nữa thì đương nhiên tất cả chúng sinh đều là Phật, vậy bày ra Duy Thức để làm gì?)

Nếu muốn tránh mọi sự mâu thuẫn thì học phái Duy Thức bắt buộc phải chấp nhận quan điểm cho rằng tâm thức hiện hữu một cách tự chủ, không liên hệ gì với bất cứ một đối tượng nào khác, bởi vì ở cấp bậc tối hậu duy nhất chỉ có tâm thức là hiện hữu. Nếu đúng thật như thế thì điều ấy sẽ gợi lên thể dạng Pháp Thân (Dharmakaya / còn gọi là Thân Đạo Pháp hay Thân Tối Thượng của một bậc Giác Ngộ), và trong thể dạng đó tất cả các quá trình tư duy thuộc thế giới bên ngoài đều tan biến hết và không còn lưu lại bất cứ một dấu vết nhị nguyên nào (dấu vết nhị nguyên có nghĩa là dấu vết tạo ra bởi sự phận biệt giữa chủ thể và đối tượng và đấy chính là tác động của nghiệp).

Tóm lại nếu những người Duy Thức cho rằng ngoài tâm thức ra chẳng có gì hiện hữu cả thì bắt buộc họ cũng phải chấp nhận rằng trong trường hợp đó tâm thức sẽ phải hoàn toàn tự chủ và thoát ra khỏi mọi sự tạo dựng nhị nguyên, bởi vì những sự tạo dựng ấy chỉ đơn giản là ảo giác nên không hề hiện hữu. Vậy nếu dựa vào quan điểm ấy thì đương nhiên cũng có nghĩa là phải chấp nhận rằng tất cả các chúng sinh có giác cảm và hàm chứa một tâm thức đều thoát khỏi các thứ cảm nhận nhị nguyên và các khái niệm sai lầm: nói cách khác họ đều là Phật và đều đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo. Thiết nghĩ những gì trình bày trên đây phải chăng cũng đã thừa đủ để chứng minh rằng các quan điểm của học phái Duy Thức đưa đến những kết luận mâu thuẫn và phi lý?

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông