Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Khắc phục tình trạng bất toại nguyện dai dẳng

Kinh sách nêu lên bốn loại ma vương biểu trưng cho bốn sức mạnh đày đọa con người. Con ma đứng đầu là cái chết. Con ma thứ hai là sự tan rã của các cấu hợp vật chất và tâm thần (theo Phật Giáo Tây Tạng cái chết theo cách hiểu thông thường hay cách thẩm định của y khoa chỉ là giai đoạn đầu của một quá trình kéo dài từ khi hết thở, tim hết đập, năm thứ cấu hợp – ngũ uẩn – tan rã, cho đến khi bắt đầu một sự cấu hợp mới đưa đến một sự hình thành mới, đánh dấu một “sự sinh” mới – còn gọi là thụ thai). Con ma thứ ba biểu trưng cho sự tiếp nối liên tục (continuum) của các cấu hợp tâm thần tồn lưu từ kiếp sống này sang kiếp sống khác (tức là nghiệp ghi khắc trên dòng tri thức). Nguyên nhân tạo ra sự luân lưu đó chính là các thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn của chúng ta (các xúc cảm và tư duy bấn loạn tác động và ghi khắc dấu vết của chúng trên dòng tri thức của mỗi cá thể chính là nguyên nhân tạo ra vòng luân hồi của cá thể ấy, và đấy là tên ma vương thứ ba và cũng là tên ma vương kín đáo nhất). Con ma thứ tư là sự bám víu làm gia tăng thêm sức mạnh cho các yếu tố bấn loạn mang lại các khổ đau trên đây. Nếu muốn tu tập Phật Giáo thì trước hết phải phát huy được lòng ước vọng chân thành chiến thắng bốn thứ ma ấy. Khi nào thực hiện được điều này thì tự nhiên người tu tập cũng sẽ phát lộ được lòng quyết tâm bước vào con đường đưa mình đến sự thành công. 

Tóm lại người tu tập chính là phải phấn đấu chống lại các thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn tức là các nguyên nhân đầu tiên tạo ra vô minh căn bản của chính mình – nói cách khác thì đấy là tình trạng bám víu vào các vật thể và sự kiện và xem chúng như hàm chứa một hiện thực tự tại. Nếu muốn loại trừ thể dạng tâm thần đó thì nhất thiết phải bước vào con đường tâm linh gồm ba phép tu tập chủ yếu là: giữ giới, thiền định và phát huy sự hiểu biết thượng thặng (tu giới, tu định và tu tuệ).

Phép luyện tập thứ nhất nhằm mục đích mang lại cho mình một lối sống phù hợp với đạo đức, nhờ biết suy tư về vô thường. Khi còn bám víu vào các cảm tính về sự trường tồn thì chúng ta vẫn sẽ không sao hội đủ được các khả năng cần thiết hầu mang lại cho mình một cuộc sống đạo đức (khi nào vẫn còn cảm thấy mọi sự vững bền và mang một giá trị nào đó thì khi ấy chúng ta cũng sẽ còn tiếp tục bám víu vào đấy và xem chúng là “cái tôi” và “cái của tôi”. Mọi thứ xúc cảm bấn loạn theo đó sẽ phát sinh và khổ đau sẽ xảy đến không sao tránh khỏi được). Tóm lại điều quan trọng hơn cả là phải luôn suy tư về bản chất phù du của sự hiện hữu này của chính mình. Chúng ta không nên chỉ biết đơn giản sử dụng các thuật ngữ liên quan đến vô thường để bàn thảo với nhau về cái chết mà phải nêu lên các khía cạnh thật tinh tế của nó hầu quán thấy bản chất biến đổi liên tục của các hiện tượng, nhằm khám phá ra sự vắng mặt của sự hiện hữu độc lập nơi các vật thể và sự kiện. Sự vận hành của bất cứ một hiện tượng nào cũng đều bị chi phối bởi sự kết hợp giữa một số nguyên nhân và điều kiện nào đó. Hiện tượng này tỏ ra hết sức đúng đối với các thứ cấu hợp vật chất và tâm thần của chúng ta, bởi vì chúng luôn bị chi phối và điều khiển bởi nghiệp và các nhân tố bấn loạn của chúng ta (xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay đần độn, hung dữ hay hiền lành, rộng lượng hay keo kiệt… tất cả đều do nghiệp và các nhân tố tâm thần – tác ý – của mình tạo ra, chúng không hàm chứa một sự hiện hữu tự tại nào cả. Các phẩm tính cũng như các khuyết điểm ấy đều mang tính cách tạm thời, và do đó có thể loại bỏ được chúng, hoặc ngược lại có thể làm cho chúng tăng thêm sức mạnh hay biến đổi khác đi).

Do đó những cảm nhận sai lầm, tức là vô minh của mình là những gì sẽ chi phối và điều khiển sự hiện hữu của chúng ta, một sự hiện hữu phải nhờ vào nhiều điều kiện mà có. Vì thế hễ còn bị khống chế bởi các thể dạng tâm thần méo mó ấy thì chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục bị đày đọa trong cảnh giới luân hồi, và cuộc sống cũng chỉ gồm toàn các thể dạng bất toại nguyện và khổ đau mà thôi. Chính vì thế sự thiếu hiểu biết căn bản (tức là vô minh) trên đây chính là nguyên nhân chính yếu nhất làm phát sinh ra tất cả mọi thứ xúc cảm và tư duy bấn loạn (vô minh không phải là một sự đần độn mà đúng hơn là một sự hiểu biết sai lầm về hiện thực. Thí dụ một người rất thông minh thế nhưng tâm thức của người ấy mang đầy lo âu, sợ hãi, nuôi dưỡng những mưu đồ, tính toán… thúc đẩy người ấy phạm vào những việc xằng bậy. Những thứ xúc cảm bấn loạn ấy sẽ trở nên nguy hiểm và đưa đến những tai hại rộng lớn hơn nhiều đối với những người thông minh so với những người đần độn. Một vị lãnh đạo thông minh nhưng tàn bạo và biển lận có thể hủy hoại cả một quốc gia, còn những kẻ đần độn thì cùng lắm là chỉ biết đánh nhau ngoài đường phố. Cả hai đều vô minh). Khi đã ý thức được sự kiện đó thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng một khi chúng ta vẫn còn bị thống trị bởi tên bạo chúa ấy (tức là vô minh) thì nhất định chúng ta cũng sẽ không sao tìm thấy được một khoảng trống nào trong tâm thức hầu giúp cho sự an bình và thanh thản (tức là trí tuệ) có thể nảy nở và tồn tại lâu bền hơn. Chính vì thế chúng ta phải luôn khởi động lòng ước vọng chân thành mong sao đạt được sự giải thoát từ nơi sâu kín nhất trong tim mình.

Mong cầu hạnh phúc và lẫn tránh khổ đau là những gì thật tự nhiên và sâu kín nơi mỗi con người, thế nhưng sự hiện hữu của chúng ta thì lại mang đầy khổ đau. Trong chuỗi dài níu kéo của khổ đau ấy hạnh phúc chỉ thoáng hiện thật mong manh. Tại sao chúng ta lại phải gánh chịu tình trạng ấy? Chẳng qua vì đấy là tình trạng phát sinh từ vô minh căn bản của mình. Vậy phải làm thế nào để có thể quán nhận được rằng sự thiếu hiểu biết ấy (tức vô minh) chính là nguồn gốc mang lại mọi thứ khổ đau, và phải luyện tập như thế nào để có thể loại trừ được nó? Tất nhiên là không thể nào chỉ hy vọng rằng một ngày nào đó nó sẽ tự biến mất, và cũng không thể chỉ biết cầu nguyện rồi đây mình sẽ có đủ khả năng làm cho nó tan biến đi. Cố gắng giữ vững tâm thức trong trạng thái trung hòa, phi khái niệm (có nghĩa là tìm cách lẩn trốn hoặc không nghĩ đến hay quan tâm đến thể dạng vô minh của mình) cũng không đúng. Chỉ khi nào ý thức được là các thứ ảo giác đều phát sinh từ những thể dạng méo mó tâm thần thì mới có thể xóa bỏ được tấm màn vô minh mà thôi. Vì thế sau khi đã giảng về vô thường thì Đức Phật mới giảng về bản chất của khổ đau hay sự bất toại nguyện là gì, và sau cùng thì Ngài mới giải thích thế nào là không có cái tôi (vô ngã).

Sau đây là bốn thuộc tính (attributes / các đặc tính) của khổ đau: thuộc tính thứ nhất là vô thường, khi đã thấu hiểu được vô thường là gì thì sau đó chúng ta sẽ hiểu được dễ dàng hơn tầm quan trọng của thuộc tính thứ hai là sự bất toại nguyện (bất toại nguyện là khổ đau sâu kín và dai dẳng nhất, và nguyên nhân tạo ra nó chính là vô thường); thuộc tính thứ ba là Tánh Không (vì không chấp nhận tính cách vô thực thể của mọi sự vật nên chúng ta bám víu vào đấy và để tự mang lại khổ đau cho mình); và thuộc tính thứ tư là bản chất vô ngã của con người, của mọi vật thể và sự kiện (không chấp nhận vô ngã nên “cái tôi” và cái “của tôi” sẽ hành hạ mình). Nếu muốn quán triệt được ý nghĩa của bốn thuộc tính của khổ đau thì phải suy tư theo một quá trình diễn tiến theo nhiều cấp bậc tuần tự: cấp bậc đầu tiên là phải quán nhận minh bạch về thuộc tính thứ nhất (vô thường).

Khi nào phát huy được sự hiểu biết Tánh Không (thuộc tính thứ ba) thì khi đó chúng ta cũng sẽ ngăn chặn được sức tác động của vô minh nguyên thủy. Dầu sao sự hiểu biết đó còn phải cần đến sự hỗ trợ của một số yếu tố hữu hiệu khác nữa, chẳng hạn như lòng từ bi và tình nhân ái (bodhicitta / bồ-đề tâm). Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố trên đây – sự hiểu biết siêu nhiên (trí tuệ) và phương pháp luyện tập (thiền định)thì mới có thể mang lại cho chúng ta khả năng loại trừ hoàn toàn các thể dạng méo mó tâm thần và cả các thói quen mang tính cách bản năng, phát sinh từ những tư duy bấn loạn. Đối tượng của sự hiểu biết tối thượng ấy chính là Tánh Không và cũng là chủ đề chính yếu nhất trong chương thứ IX tác phẩm của Tịch Thiên (xin lưu ý đến ý nghĩa của câu này: “đối tượng của trí tuệ chính là Tánh Không “).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông