last-dalai-lama-mickey-lemle-6

Hành trình đến Giác Ngộ

Cách suy tư trên đây về ý nghĩa của sự trống không/Tánh không sẽ dần dần giúp các bạn thăng tiến trên đường Giác Ngộ. Sự thăng tiến đó được nêu lên trong câu man-tra (câu chú mang tính cách thiêng liêng) sau đây trong bản Tâm Kinh về sự Hoàn thiện Trí tuệ (là bản ngắn nhất trong tập kinh Prajna Paramita Hridaya Sutra/Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh, tại Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản, bản kinh này thường được tụng niệm nhằm làm tan biến các chướng ngại trong việc tu tập của mình):

                                     TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA

Câu man-tra bằng tiếng Phạn trên đây có nghĩa là:

Hãy bước lên, bước lên, bước lên phía bên kia, của bên kia bờ Giác Ngộ!

Vậy thì ai “bước lên”? Có phải đấy là cái tôi thuộc vào dòng luân lưu/continuum của tri thức hay không? Các bạn bước lên, nhưng để đi đâu? Phải chăng là để lánh xa cõi hiện hữu chu kỳ này, tức là tình trạng đang bị chi phối bởi ảnh hưởng tạo ra bởi các hành động ô nhiễm và xúc cảm kém lành mạnh của mình hay không? Các bạn đang bước, nhưng để đi đâu? Phải chăng là để bước vào thể dạng của một vị Phật, mang thân xác Dharma (Dharmakaya/Thân Đạo Pháp” hay “Thân Hiển Lộ” của một đấng giác ngộ, dưới nhiều thể dạng và hình thức khác nhau. Thuật ngữ tiếng Phạn Dharmakaya – tiếng Tây Tạng là Chos-Sku – được dịch bằng nhiều cách: “Thân Đạo Pháp”, “Thân tuyệt đối”, “Thân hiện thực” hay “Thân Sự Thật”… Trong phép tu tập Đại hoàn thiện, thì Dharmakaya là sự hiển lộ của bản chất tinh anh của sự trống không và sự tinh khiết nguyên sinh của tâm thức. Có thể xem thêm về ý nghĩa của thuật ngữ này trong phần cuối của chương 4, trong tiết mục “Các phẩm tính của thể dạng một vị Phật”), có nghĩa là đã vĩnh viễn thoát ra khỏi khổ đau và các nguồn gốc mang lại khổ đau (tức là các xúc cảm bấn loạn và tàn phá), kể cả các xu hướng tạo ra bởi các xúc cảm đau buồn đã có từ trước. Vậy sự thăng tiến đó của các bạn sẽ tùy thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện nào? Đó là lòng từ bi và trí tuệ, sự kết hợp giữa hai thứ ấy sẽ giúp các bạn thăng tiến trên đường tu tập (nên hiểu rằng nếu không có từ bi thì trí tuệ sẽ không thể sinh ra được, cũng vậy thiếu trí tuệ thì từ bi cũng sẽ chỉ là một sự quờ quạng, vô nghĩa, chẳng ích lợi gì và cũng chẳng mang lại một kết quả thiết thực nào).

Đức Phật bảo các đệ tử của mình hãy bước lên để đến bờ bên kia. Đối với một người [còn đang] tu tập thì bờ bên này là samsara/ta-bà hay là “sự hiện hữu chu kỳ”, sẽ rất gần với mình, trong tầm tay của mình. Bờ bên kia rất xa, nơi đó là nirvana/niết-bàn và cũng có nghĩa là “thể dạng của một người đã vượt được sang phía bên kia của khổ đau”.

Khi Đức Phật nói lên: “TADYATHA GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA” (Ga-tê, ga-tê, pa-ra ga-tê, pa-ra-săn-ga-tê, bồ-đề tát-bà-ha) thì đấy là cách mà Ngài khuyên các đệ tử của mình hãy bước vào năm con đường:

            GATE, con đường của sự tích lũy,

            GATE, con đường của sự chuẩn bị,

            PARAGATE, con đường của sự quán thấy,

            PARASAMGATE, con đường của thiền định,

            BODHI SVAHA, con đường đưa đến phía bên kia của sự tu tập.

(năm con đường tiếng Phạn gọi là panchamarga tương quan với năm giai đoạn tu tập tâm linh, qua năm giai đoạn này trí tuệ sẽ được sinh ra từ Tánh không và sẽ tinh khiết hóa các luồng khí tinh tế, các kinh mạch và các luân xa (chakras))

Vậy thì chúng ta hãy tìm hiểu nội dung chủ yếu của các cấp bậc thăng tiến trên năm con đường đó:

Con đường thứ nhất hay con đường của sự tích lũy là gì? Đấy là con đường biểu trưng cho giai đoạn mà các bạn bắt đầu phát huy động cơ thúc đẩy (lòng quyết tâm của mình) hướng vào kẻ khác nhằm mang lại cho mình thật nhiều phẩm hạnh. [Trong giai đoạn này] dù các bạn đã bắt đầu thực hiện được sự kết hợp giữa động cơ thúc đẩy (lòng quyết tâm hướng vào kẻ khác) và trí tuệ, thế nhưng vẫn chưa có thể thực hiện được sự trống không/Tánh không do sự kết hợp giữa phép thiền định thăng bằng (sự chú tâm tĩnh lặng) và phép thiền định phân giải (sự suy tư về hiện thực và sự hiện hữu của cái tôi và mọi hiện tượng) tạo ra, được gọi là “thể dạng sinh ra từ thiền định”. Trên con đường này (tức con đường của sự tích lũy) các bạn chỉ mới bắt đầu nhờ vào việc luyện tập thiền định để phát huy một sự chú tâm thật mạnh nhằm tạo ra “thể dạng sinh ra từ thiền định” giúp thực hiện sự trống không/Tánh không mà thôi. Do đó trên con đường thứ nhất này và cả con đường tiếp theo sau đó, các bạn chỉ mới thực hiện được sự trống không/Tánh không qua các hình thức đối nghịch của nó (nhờ vào sự phân biệt giữa hiện hữu và phi-hiện-hữu), bằng cách kết hợp giữa trí tuệ và sự trống không vẫn còn đang trên đường thực hiện.

Chỉ khi nào đạt được “thể dạng trí tuệ sinh ra từ thiền định” với sự trống không đã thực hiện được đầy đủ, thì khi đó các bạn mới có thể bắt đầu bước vào được con đường của sự chuẩn bị (tức con đường thứ hai) một cách đúng đắn. Càng tập cho quen dần với thể dạng đó (tức thể dạng trí tuệ sinh ra từ thiền định) và càng phát huy động cơ thúc đẩy của lòng từ bi ngày càng mạnh hơn, thì lúc đó các bạn mới dần dần cảm nhận được sự hiển lộ của sự trống không/Tánh không một cách thật minh bạch, xuyên qua toàn bộ bốn giai đoạn của con đường chuẩn bị là: sức nóng, đỉnh cao, sự kiên nhẫn và các phẩm tính tối thượng của thế giới (bốn giai đoạn này của con đường chuẩn bị không thấy giải thích chi tiết trong sách, có thể chỉ là thứ yếu và dài dòng).

Khi nào sự trống không/Tánh không được thực hiện một cách trực tiếp [như trên đây], thì khi đó mọi sự ô nhiễm tinh tế mang tính cách đối nghịch cũng sẽ tan biến hết. Và đấy cũng là giai đoạn mở đầu của con đường thứ ba, là con đường của sự quán thấy – đánh dấu sự thực hiện trực tiếp và tiên khởi nhất về sự thật liên quan đến bản chất sâu xa của các hiện tượng, vượt lên trên cấp bậc thường tình, và cũng có nghĩa là đã đạt được giai đoạn siêu-trần-tục trên con đường quán thấy. Trong giai đoạn này tất cả mọi sự hiển hiện mang tính cách đối nghịch (nhị nguyên) đều biến mất. Theo Đại thừa Phật giáo thì đấy cũng là điểm khởi đầu của mười cấp bậc của người Bồ-tát/Bodhisattva, còn gọi là “Mười Địa giới” (“Thập địa”).  Các cấp bậc này sở dĩ được gọi là “địa giới” là để nêu lên hình ảnh các phẩm tính tâm linh nảy sinh trong các cấp bậc đó cũng tương tự như cây cỏ mọc trên đất. Suốt trên con đường quán thấy và cả con đường thiền định, hai thể loại chướng ngại (sự đờ đẫn và bồn chồn) sẽ tuần tự được loại bỏ, trước hết là sự đờ đẫn nhờ khả năng trí thức và sau đó là sự bồn chồn sẽ tự động tan biến một cách tự nhiên.

Các thể dạng tâm thức đạt được bằng trí thông minh đều phát sinh từ các hệ thống tư duy sai lầm. Hãy nêu lên trường hợp của những người tu tập theo một số các học phái Phật giáo cho rằng các hiện tượng đều hiện hữu một cách quy ước, nhờ vào các đặc tính chuyên biệt của chúng (mỗi hiện tượng đều có các đặc tính và chức năng riêng, các đặc tính và chức năng đó “chứng minh” và “bảo đảm” cho sự hiện hữu của chúng). Quan điểm này được dựa vào sự lý luận cho rằng nếu các hiện tượng không được tạo dựng đúng là như thế thì chúng sẽ không thể nào hàm chứa một chức năng rõ rệt được, sự lý luận này hoàn toàn thiếu vững chắc (thí dụ về hai hiện tượng con bò và chiếc xe: nếu con bò không mang các đặc tính của con bò thì nó sẽ không phải là con bò, đối với chiếc xe cũng vậy, nếu nó không mang chức năng chuyển tải của một chiếc xe thì nó sẽ không phải là chiếc xe, do đó con bò và chiếc xe đều hiện hữu một cách quy ước với tư cách là con bò và chiếc xe. Thế nhưng chiếc xe hay con bò trên phương diện sâu xa chỉ là kết quả của những sự cấu hợp mang tính cách tạm thời, luôn chuyển động và đổi thay, do đó sự lý luận cho rằng chúng hiện hữu – dù chỉ là với tư cách quy ước – nhất thiết chỉ mang tính cách hời hợt). Thể loại lý luận lầm lần đó, bị ô nhiễm bởi một hệ thống nguyên lý thiếu vững chắc, được gọi là “giả tạo” hay “đạt được bằng phương tiện trí thức”.

Mặc dù không tạo ra thêm bất cứ một xu hướng mới mang tính cách sai lầm nào bởi các khái niệm lẩm lẫn phát sinh trong kiếp sống hiện tại, thế nhưng mỗi cá thể đều cất chứa trên dòng luân lưu/continuum của tâm thần mình các xu hướng đã có từ trước (tức là nghiệp), chẳng qua vì trong các kiếp sống trước đây, mình từng tiếp nhận các quan điểm sai lầm (lưu lại các vết hằn trên dòng tri thức của mình). Các thể dạng tâm thần tiêu cực mang tính cách tự tại (có sẵn từ trước) trên đây đều hiện hữu nơi tất cả chúng sinh (đã giải thích trên đây, đó là nghiệp và cũng là nguyên nhân trói buộc chúng sinh trong cõi luân hồi), từ côn trùng cho đến con người, và (từ những thời gian không khởi thủy (time without beginning or end, timeless). Các thể dạng đó tự vận hành bởi chính chúng, không liên hệ gì đến các chuyện trong Thánh Kinh cũng như các cách lý luận vô căn cứ (những gì trên đây nêu lên một tầm nhìn thật bao quát về sự chuyển động tự nhiên của sự sống nói chung dưới tác động của các xu hướng thúc đẩy nơi mỗi chúng sinh, dù là côn trùng hay con người, dù trong một không gian nào hay một thời gian nào. Sự chuyển động tự nhiên đó phản ảnh sự tiến hóa của toàn bộ sự sống trong toàn thể thế giới hiện tượng. Tầm nhìn rộng lớn và siêu phàm trên đây, vượt khỏi thời gian và không gian, xuyên qua sự sống và mọi hiện tượng, không khỏi mang lại cho chúng ta một sự bàng hoàng nhất là khi nhìn lại vị trí của mình trong thế giới đó, và nếu nhìn vào các câu chuyện trong Thánh Kinh thì quả khó tránh khỏi cảm thấy một sự thật thà và dễ thương nào đó).

Các chướng ngại tạo ra bởi sự hiểu biết trí thức (tức là sự hiểu biết mang tính cách khái niệm và quy ước) hoặc giả tạo (các ảo giác và tính cách lừa phỉnh của các hiện tượng) sẽ bị loại bỏ trên con đường của sự quán thấy (tức con đường thứ ba). Các chướng ngại tự tại (có thể hiểu như là các thứ bản năng của sự sống, dưới các hình thức xu hướng nơi mỗi cá thể) sẽ khó vượt thoát hơn bởi vì chúng được tạo ra bởi các thể dạng tiêu cực của tâm thức từ những thời gian không khởi thủy (khi nói rằng “nghiệp được ghi khắc hay lưu lại từ các kiếp sống trước” thì đấy chỉ là cách mượn một hình ảnh đã được đơn giản hóa và cụ thể hoá để nêu lên các hiện tượng qua các hình thức tương liên và tương tác vô cùng phức tạp và tinh tế, bắt nguồn từ thật lâu đời trong quá khứ, đưa đến sự sống của mỗi cá thể, gồm thân xác và cả tâm thức của cá thể ấy trong hiện tại). Phải loại bỏ các chướng ngại mang tính cách tự tại đó ngay khi nó mới hiện ra với mình lần đầu tiên trên con đường của sự quán thấy, nhờ vào sự luyện tập thiền định thật kiên trì về sự trống không/Tánh không, và cũng vì lý do đó mà giai đoạn này được gọi là con đường của sự thiền định. Thật ra trước cả giai đoạn này các bạn cũng đã bắt đầu luyện tập thiền định về sự trống không/Tánh không, thế nhưng với con đường của sự thiền định thì các bạn phải kiên nhẫn và cần đến một thời gian luyện tập lâu dài hơn để quen dần với phép thiền định đó. Ở cấp bậc này các bạn sẽ bắt đầu bước vào chín Địa giới còn lại của người Bồ-tát. Trong số mười Địa giới thì bảy Địa giới đầu tiên được xem là “chưa tinh khiết” bởi vì trong bảy Địa giới này các bạn vẫn còn phải loại bỏ các chướng ngại đau buồn, chỉ có ba Địa giới sau cùng mới được xem là “tinh khiết”. Ngay cả khi mới bước vào Địa giới thứ tám, các bạn cũng vẫn còn phải loại bỏ các xúc cảm đau buồn cuối cùng. Chỉ có sự tĩnh lặng đạt được trong Địa giới thứ tám, và sau đó là các Địa giới thứ chín và thứ mười, mới có thể giúp các bạn vượt được tất cả các hình thức ngăn chận sự hiểu biết toàn năng (để trở thành một vị Phật. Vượt hết mười Địa giới cũng có nghĩa là vượt sang bờ bên kia của sự tu tập).

Đến đây các bạn sẽ sử dụng phép thiền định tập trung [rắn chắc] tương tự như kim cương mà mình đã đạt được sau khi vượt hết mười Địa giới của người Bồ-tát, tức là toàn bộ các chướng ngại phải vượt qua trên đường tu tập, hầu giúp mình hội đủ khả năng loại bỏ dứt khoát các sự cản trở tinh tế [sau cùng] ngăn che sự hiểu biết toàn năng. Vào chính thời điểm mà tâm thức các bạn đạt được thể dạng tri thức toàn năng, thì tức khắc bản chất sâu kín của thể dạng tri thức ấy cũng sẽ biến thành Thân Tinh Anh của một vị Phật. Đấy là con đường thứ năm và cũng là con đường cuối cùng gọi là “con đường đưa đến phía bên kia của sự tu tập”.  Luồng khí nội tâm thật tinh tế, còn gọi là khí lực, sẽ hòa nhập với cấp bậc đó của tâm thức (tức là tri thức toàn năng) để trở thành một thực thể duy nhất. Các hình tướng vật chất khác nhau, tinh khiết và cả không tinh khiết, tất cả sẽ hiển lộ một cách tự nhiên nhằm trợ giúp chúng sinh. Người ta gọi các sự hiển lộ ấy là “Thân Hình Tướng của một vị Phật” hay “Thể dạng của một vị Phật”, nói lên cội nguồn của mọi sự giúp đỡ và niềm hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Đến đây tôi xin chấm dứt phần giải thích ngắn gọn về sự trống không/Tánh không mà người tu tập căn cứ vào đó để phát huy trí tuệ tiên khởi bằng cách nghe giảng. Sau đó người tu tập sẽ tiếp tục thực hiện sự trống không/Tánh không bằng trí tuệ sinh ra từ sự suy tư, và sau cùng là nhờ vào phép thiền định về sự trống không/Tánh không giúp mình thăng tiến qua các chặng đường. Vậy các bạn cần phải luyện tập đều đặn hầu giúp mình phát huy trí tuệ ngày càng cao rộng hơn. Dầu sao cũng còn phải tùy vào cấp bậc tu tập của mình trong các kiếp sống quá khứ mà mình mang theo với mình trong kiếp sống hiện tại này (trình độ, xu hướng, cơ duyên và cả sự thăng tiến trong việc tu tập của mình trong kiếp sống này mật thiết liên hệ đến các hành động và sự tu tập của mình trong các kiếp sống quá khứ của mình).

Đức Dalai Lama XIV 

Trích: Tâm điểm của Thiền Định – Hoang Phong chuyển ngữ