blogger-image-1124438225

Luận giảng về Ba điểm tinh yếu của Đường Tu Giác Ngộ

Chúng ta đã có được kiếp sống lý tưởng, hỗ trợ cho các tự do và thuận lợi rất khó tìm. Ta đã gặp được giáo huấn quý báu vốn khó gặp của Đức Phật, đã tìm ra các vị thầy tâm linh khó tìm của Đại thừa. Ở một thời điểm như vậy, ta nên hành động khá hơn loài thú, bằng cách hành trì giáo pháp thanh tịnh. Tuy nhiên, nếu như chỉ nỗ lực vì những sinh hoạt hiển nhiên trong cuộc đời này, chẳng hạn như để có được thực phẩm và y phục, ta sẽ không khác với loài thú bao nhiêu, vì ngay cả thú vật cũng có cách tránh được sự đói lạnh. Vì đã có được một thân người, ta nên hành động khác với loài thú. Ta sẽ khác với loài thú nếu có thể kiến tạo lợi lạc cho những kiếp sau, bằng cách hành trì Phật pháp. Khi thực hành Pháp, ta cũng có được lợi lạc trong kiếp này. Tuy nhiên, [119] bất cứ bạn bè, tài vật và sự giàu sang nào ta có được trong kiếp này chỉ có mặt với ta trong khoảng thời gian của cuộc đời này mà thôi. Bởi vì ta phải tiếp tục hành trình sang kiếp sau, chỉ có Pháp là điều duy nhất làm lợi lạc cho những kiếp tương lai, cũng như trong kiếp này.

Ta phải thấu hiểu giáo pháp để thực hành Pháp. Để hiểu được Pháp, ta phải tu học. Thêm vào đó, giáo pháp phải đầy đủ và không sai lạc. Nếu giáo pháp mà [ta nương tựa vào] sai lầm và không đầy đủ, sự nương tựa của ta sẽ không thích đáng.

Tôi sẽ thuyết giảng Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ mà Đức Văn Thù Sư Lợi đã trao truyền cho Je Rinpoche, người đã làm sáng tỏ giáo pháp này1. Ba [điểm] tinh yếu của đường tu giác ngộ là (i) tâm xả ly; (ii) bồ đề tâm; và (iii) tri kiến chứng ngộ tánh Không.

Dù trên thực tế, Je Rinpoche chính là hiện thân của Đức Văn Thù Sư Lợi, nhưng về mặt phàm thân, ngài đã sanh ra ở Tsongkha, tại Amdo. Ngài khác hẳn với những đứa trẻ khác và đã dấn thân vào Phật pháp từ lúc trẻ. Ngài đã đến miền Trung Tây Tạng để theo đuổi sự học và đã hoàn tất việc tu học tất cả các hệ thống kinh sách thuộc về Kinh điển và Mật điển. Sau khi tu tập những giáo pháp này, ngài đã có những linh kiến về Đức Văn Thù Sư Lợi và [120] lãnh giáo toàn bộ những lời khuyên từ Đức Văn Thù Sư Lợi, giống như trực tiếp gặp gỡ một người. Ngài quảng bá giáo lý của Phật đà về mặt giảng giải và hành trì viên mãn. Đức Thế Tôn cũng đã tiên đoán [về Je Rinpoche]:

Khi giáo pháp của ta suy tàn trên thế giới này và không còn hiện hữu trên mặt đất, con sẽ xuất hiện như một đứa trẻ bình thường và tiếp tục các hoạt động của một vị Phật về mặt giảng dạy Phật pháp.

“Các hoạt động của một vị Phật” chủ yếu nói về hoạt động giảng dạy, khi [các bổn sư] thuyết pháp cho đệ tử của mình. Trong Bộ Sưu Tập Tác Phẩm của ngài, Je Rinpoche đã sáng tác mười tám tập giáo pháp cho chúng ta, các đệ tử của thế hệ tương lai. Nếu chỉ liệt kê hai trong số các tác phẩm của ngài, ta có Đại Luận về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ Đại Luận về Trình Tự của Mật Chú Cao Cả.2 Bản văn Đại Luận về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ tương tự như một bản sưu tập tinh túy của tất cả các giáo huấn. Hơn nữa, đây là một bản văn đầy đủ và không sai lạc về trình tự tu tập, từ trình độ của những người sơ cơ cho đến giác ngộ. Các giai đoạn này đi theo đúng thứ tự và được trình bày theo cách mời gọi ta dấn thân vào việc tu tập. Nguồn gốc của bài luận này là Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ.

Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ đã được Đức Văn Thù Sư Lợi giảng giải. Nó gồm có ba phần sơ khởi của một bài luận, đó là thể hiện lòng tôn kính ở đoạn đầu của tác phẩm, lời nguyện sáng tác, [121] và phần khuyến tấn các đệ tử lắng nghe.

 

Thể hiện lòng tôn kính

Về phần thể hiện lòng tôn kính ở đoạn đầu, bản văn đã viết:

Kính lễ các bổn sư thù thắng!

Trong câu này, lòng tôn kính được thể hiện đối với các bổn sư. Tuy ta có nhiều đối tượng để bày tỏ lòng tôn kính như chư Phật và chư Bồ tát, ở đây, lòng tôn kính được cúng dường cho các bổn sư. Vì sao? Bởi vì bổn sư giống như người đại diện cho tất cả chư Phật, nên thể hiện lòng tôn kính với bổn sư trở thành sự thể hiện lòng tôn kính đối với toàn thể chư Phật và chư Bồ tát. Hơn nữa, nếu ta chỉ thể hiện lòng tôn kính với một vị Phật cụ thể nào đó, sự bày tỏ này chỉ hướng về vị Phật đó, mà không phải là lòng tôn kính đối với toàn thể chư Phật. Vì lý do này mà ở đây, lòng tôn kính được bày tỏ với vị bổn sư.

Vấn: Ta hiểu được điều gì qua sự thể hiện lòng tôn kính ở đoạn đầu?

Đáp: Ta hiểu rằng Je Rinpoche là một thánh nhân xuất chúng.

Vấn: Làm thế nào để hiểu như vậy?

Đáp: Khi các bậc thánh nhân dấn thân vào một hoạt động cao cả, trước tiên [122], các vị sẽ bày tỏ lòng tôn kính đối với các đối tượng đặc biệt cho sự cúng dường. Bởi vì Je Rinpoche cũng thể hiện lòng tôn kính với các bổn sư khi ngài bắt đầu sáng tác bản văn này, điều này tương tự như các bậc thánh nhân thường làm. Ta hiểu rằng điều này được gọi là hành vi phù hợp với hoạt động của bậc thánh nhân xuất chúng.

Vấn: Khi người khác hiểu rằng cách hành xử của ngài phù hợp với hoạt động của thánh nhân thì có điều gì gọi là phi thường?

Đáp: Sau khi đã chiêm nghiệm rằng ý nghĩa của bản văn là phi thường, bởi vì bài luận này do một thánh nhân sáng tác, nên việc tu học và tư duy về ý nghĩa của nó là điều thiết yếu.

Để khởi đầu, ý nghĩa của tâm xả ly là gì?

Khi hành giả nhận ra rằng toàn bộ kiếp luân hồi mang tính chất khổ đau, tâm bất dụng công mong thoát khỏi luân hồi là tâm xả ly. Khi không còn ngưỡng mộ bất cứ trạng thái huy hoàng nào có thể xảy ra trong luân hồi, ngay cả những gì mà các vị Trời Phạm Thiên hay Đế Thích thụ hưởng, ta nên xem chúng [123] đều mang bản chất khổ đau. Khi trở nên quen thuộc [với điều này] và thường xuyên nghĩ đến nó như mục đích của riêng mình, đây là sự tư duy về tâm xả ly.

Tâm xả ly là tinh yếu trong tất cả những bài pháp của các đấng chiến thắng. Đó là vì khi Đức Thế Tôn thuyết Pháp, tất cả các giáo pháp đều được tuyên thuyết với mục đích duy nhất là giúp chúng sanh thoát khỏi luân hồi. Vì giáo pháp đã được giảng dạy để giúp chúng sanh thoát khỏi luân hồi, nên tâm xả ly là đường tu chính yếu để đạt được giải thoát. Vì thế, nó biểu lộ ý nghĩa then chốt trong toàn bộ giáo pháp của đấng chiến thắng. Tất cả những giáo huấn mà các đấng chiến thắng đã trao truyền là để giúp cho các đệ tử đạt được tự do, thoát khỏi luân hồi.

Một số tôn giáo không thừa nhận sự giải thoát này. Một vài hệ thống tín ngưỡng ngoại đạo công nhận có giải thoát, nhưng “giải thoát” theo nghĩa của họ bắt đầu từ lúc một chúng sanh sinh ra ở cõi Hiện Hữu Tột Đỉnh, tức cõi trời cao nhất của chư Thiên trong cõi luân hồi, cho đến khi họ gần kề cái chết ở cõi đó. Trong suốt thời gian đó, các chúng sanh này nhập định trong một thời thiền dài, họ không chỉ an trú trong cực lạc của thiền định, mà còn không trải qua bất cứ nỗi khổ nào. Họ gọi điều này là “giải thoát” và nỗ lực tu tập để đạt được nó. [124] Theo cách này, sự cố gắng tu tập chỉ đưa đến tái sanh trong luân hồi, trong khi bất cứ điều gì Đức Thế Tôn giảng dạy là nhằm giúp chúng sanh thoát khỏi luân hồi. Với hiện thực này, đây là cách để ta phân định giữa [giáo pháp] của Phật giáo và các tôn giáo khác, giữa một loại giáo pháp nhằm mục đích lánh xa luân hồi, trong khi loại kia khiến cho chúng sanh đi vào luân hồi.

 Về bồ đề tâm

Bồ đề tâm được khơi dậy từ tâm bi không thể chịu đựng cảnh chúng sanh bị dày vò vì nỗi khổ, cũng như từ tâm từ, mong ước chúng sanh có được hạnh phúc. Đó là tâm nguyện đạt được Phật quả để có thể giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau và mang lại hạnh phúc cho họ. Đó là ý nghĩ ta sẽ mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sanh và giúp họ thoát khổ, khi mình thành tựu Phật quả. Như đã nêu ra trước đây, khi tâm nguyện này phát sinh tự nhiên trong mọi lúc, không cần phải suy xét bằng bất cứ lý lẽ nào, thì đó là bồ đề tâm.

Bồ đề tâm là đường tu được những đứa con thanh tịnh của đấng chiến thắng ngợi khen3. Nó cũng là tu tập chính của những đứa con thanh tịnh của đấng chiến thắng, và là chiều sâu trong tâm thức thánh thiện của họ. [125] Hơn nữa, khi chư Phật và chư Bồ tát tự hỏi điều gì sẽ nhanh chóng kiến tạo Phật quả thì các ngài không thấy phương tiện nào vượt trội hơn bồ đề tâm. Vì lý do này, chư vị đã khẳng định rằng không có điều gì thù thắng hơn bồ đề tâm. Chư Bồ tát tích lũy công đức và tịnh hóa nghiệp tiêu cực cũng nhờ vào sự phát khởi bồ đề tâm. Với chủ đích nhanh chóng thành tựu Phật quả, bồ đề tâm là tu tập chánh của chư Bồ tát, vì vậy, đường tu mà những đứa con thanh tịnh của đấng chiến thắng ngợi khen là tâm xả ly và bồ đề tâm.

Về trí tuệ chứng ngộ tánh Không,

trong câu: khúc sông cạn của những chúng sanh may mắn, mong cầu giải thoát,

“khúc sông cạn” nói về một con đường dẫn đến thành phố mà ta muốn viếng thăm. Theo ý nghĩa đó, con đường đó là khúc sông cạn để đi vào thành phố. Tương tự như thế, khi ta cần đạt được giải thoát, con đường chứng ngộ tánh Không là con đường dẫn đến giải thoát, và ta phải đi qua con đường đó, bởi vì ngoài nó ra, không có con đường nào khác, nên trí tuệ chứng ngộ tánh Không là khúc sông cạn của sự giải thoát cho những ai mong cầu giải thoát, [cụ thể là] những chúng sanh may mắn có đủ công đức.

Vấn: Tại sao nếu không có trí tuệ chứng ngộ tánh Không thì ta không thể đạt được giải thoát? [126]

Đáp: Khi còn trầm luân trong luân hồi, cội nguồn của vô minh là tâm chấp ngã. Nếu không nương tựa vào pháp đối kháng với tâm vô minh chấp ngã, ta sẽ không đạt được giải thoát. Ta phải dựa vào trí tuệ chứng ngộ tánh Không, đó là pháp đối kháng với tâm vô minh chấp ngã, đó là “khúc sông cạn của những chúng sanh may mắn, mong cầu giải thoát”.

Tâm quy y là sự phân biệt giữa Phật tử và người ngoại đạo. Nhóm người thứ hai là các Triết gia ngoại đạo (Tirthikas), nương tựa vào năm ngọn lửa để làm lắng dịu nghiệp tiêu cực và đạt được giải thoát. Họ nói rằng nếu nhảy vào cây đinh ba, bạn sẽ được giải thoát. Họ khẳng định rằng nếu nhịn đói và lõa thể, bạn sẽ có được giải thoát, và nếu chịu hành hạ thân xác, nghiệp tiêu cực sẽ được tịnh hóa. [Tuy nhiên], để tịnh hóa nghiệp xấu, Phật tử sẽ sử dụng một động lực đặc biệt để tịnh hóa tâm mình. Khi tâm thức trở nên tích cực thì nghiệp tiêu cực sẽ được tịnh hóa. Nghiệp tiêu cực không được tịnh hóa nhờ sự hành hạ thân xác.

Ta đã nói rằng trí tuệ chứng ngộ tánh Không là khúc sông cạn đưa đến giải thoát. Khi hiện ra trước mắt ta, vạn pháp có vẻ như được thiết lập từ phía chúng. “Tánh Không” có nghĩa là các pháp không hề được thiết lập như cách chúng hiện ra. Tuy nhiên, một số hệ thống ngoại đạo nhận thức rằng vạn pháp có vẻ được thiết lập từ chính phía chúng [127], và khi xem cách hiện hữu này là nền tảng triết lý của mình, họ đã củng cố thêm tâm vô minh chấp ngã. Khi điều này được củng cố, nền tảng của luân hồi, chính là tâm vô minh chấp ngã, sẽ được củng cố rất mạnh mẽ. Đức Phật dạy rằng tuy vạn pháp có vẻ như được thiết lập từ chính phía chúng, chúng không hề tồn tại như cách chúng hiện ra.

Trong khi tâm vô minh chấp ngã này nhận thức rằng các pháp được thiết lập theo cách chúng hiện ra, nếu ta nói rằng chúng không được thiết lập như thế, tâm vô minh chấp ngã sẽ suy giảm. Một khi tâm vô minh chấp ngã đã kiệt quệ vì bị tổn hại, chúng ta sẽ xa rời sanh tử luân hồi. Trong trường hợp ngược lại, một khi nhận thức về các pháp tồn tại như cách chúng xuất hiện hỗ trợ tâm vô minh chấp ngã này, ta sẽ đi vào luân hồi. Thí dụ, điều này giống như khi [một nhà ảo thuật] biểu diễn một màn ảo thuật về voi và ngựa. Tuy các thú vật này có xuất hiện, nhưng trên thực tế, chúng không hề tồn tại. Tâm vô minh chấp ngã sẽ suy giảm nếu ta nghĩ rằng tuy vạn pháp có vẻ như được thiết lập một cách cố hữu, trên thực tế, chúng không hề hiện hữu như cách chúng hiện ra.

Đây chính là lời nguyện sáng tác bằng cách trình bày [ý nghĩa của bản văn] một cách ngắn gọn. Trong vai trò vị thầy tâm linh, Đức Văn Thù Sư Lợi đã trao truyền lời khuyên này cho Je Rinpoche. Je Rinpoche đã không tỏ vẻ tự hào mà bảo rằng, “Tôi biết những điều này. Tôi là một học giả”. Thay vì vậy, ngài đã nói rằng, “Tuy [128] không rõ các pháp thật sự hiện hữu ra sao, tôi sẽ tận lực giải thích vấn đề này bằng sự hiểu biết của mình,” và ngài đã viết như sau:

Tôi sẽ giải thích bằng bất cứ cách nào, theo khả năng của mình.

Nhận diện đệ tử và khuyến khích họ lắng nghe

Vấn: Hạng đệ tử nào sẽ tu tập ba [điểm] tinh yếu của đường tu giác ngộ?

Những ai không có tâm bám chấp vào lạc thú của cuộc đời,

Đáp: Họ phải có tâm tìm cầu giải thoát, không bám chấp vào lạc thú của luân hồi. Những người rất khao khát và ham muốn lạc thú của kiếp sống [thế gian] sẽ không nhớ đến Pháp. Những ai không bám chấp vào lạc thú của cuộc đời và có chủ đích tìm cầu sự giải thoát là những người

nỗ lực để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời đầy tự do và thuận lợi này, là [các đệ tử] may mắn có niềm tin vào Pháp với tâm trong sáng, lắng nghe về đường tu làm hài lòng các đấng chiến thắng.

Các đệ tử này không lãng phí và khiến cho sự thành tựu của một kiếp người không trở nên vô nghĩa, bởi vì nó hỗ trợ tám sự tự do và mười điều thuận lợi, họ sẽ khiến cho nó có ý nghĩa. Để cuộc đời này có ý nghĩa, những ai được phú cho niềm tin vào đường tu làm hài lòng các đấng chiến thắng, hay [129] vào ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ của đấng chiến thắng, sẽ được khuyến khích lắng nghe bằng tâm trong sáng.

Tâm xả ly, bồ đề tâm và chánh kiến được đề cập đến như ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ. Chúng được gọi là những điểm tinh yếu của đường tu, vì chúng là những điểm chánh, so với những điểm phụ hay nhánh phụ của đường tu giác ngộ.

Vì sao ta nên tìm cầu tâm xả ly

Nếu không có tâm xả ly thanh tịnh, không có cách nào an định được tâm

mãi lo tìm kiếm kết quả lạc thú trong đại dương của sự sống này. Bởi vì chúng sanh có thân thể hoàn toàn bị ràng buộc

vì khát khao sự sống, nên trước tiên, tôi phải tìm cầu tâm xả ly.

Để phát tâm xả ly, trước tiên, ta phải tu tập nhiều pháp tu phụ như hành trì sơ khởi. Chúng gồm có pháp quán chiếu giá trị to lớn của các tự do và thuận lợi, lẽ vô thường, nghiệp và nghiệp quả, quy y, v.v…

Chủ đề chính được giải thích trong Đại Luận về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ là ba điểm tinh yếu của đường tu, trong khi các chủ đề phụ trong bản văn bắt đầu từ các tự do và thuận lợi, cho đến tâm xả ly. Các chủ đề phụ liên quan đến trí tuệ chứng ngộ tánh Không [130] gồm có chín tầng thiền định, cùng với những chủ đề khác. Giữa thiền chỉ và nội quán thì trí tuệ chứng ngộ tánh Không là điểm tinh yếu của đường tu liên quan đến nội quán. Đại Luận về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ đã được sáng tác bằng cách biến những yếu tố này thành nền tảng cơ bản và [trình bày chúng] qua nhiều chủ đề phụ. Tương truyền rằng khi Je Rinpoche đang sáng tác Lamrim, Đức Văn Thù Sư Lợi đã hiện ra và hỏi ngài một cách nhẹ nhàng rằng, “Cách trình bày ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ của ta có gì sai lầm chăng?”. Je Rinpoche đã trả lời rằng, “Con đang sáng tác Đại Luận về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ, bằng cách dùng ba điểm tinh yếu như đề mục chánh và phác họa thêm về chúng bằng các chủ đề phụ.”.

Khi đã nhận ra toàn bộ kiếp luân hồi mang tính chất khổ đau, ta sẽ phát tâm mong cầu thoát khỏi luân hồi. Để đảo ngược tâm thức mà cho đến nay vẫn thích thú tìm kiếm một tái sanh cao của chư Thiên trong kiếp vị lai, ta phải có khả năng đảo ngược tâm ưa thích theo đuổi hạnh phúc và phúc lạc trong kiếp hiện tại. Ta sẽ không thể nào đảo ngược sự lôi cuốn của những kiếp tương lai, nếu như không đảo ngược được sự lôi cuốn của kiếp hiện tại.

Vấn: Ta cần áp dụng điều gì để đảo ngược sự lôi cuốn của cuộc đời này? [131]

Chánh văn về tâm xả ly

Các tự do và thuận lợi rất khó tìm, cuộc đời lại ngắn ngủi

Bằng cách tư duy về điều này, ta sẽ chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này.

Đáp: Trước hết, ta cần phải thiền quán về các tự do và thuận lợi của kiếp người khó tìm ra sao, cũng như về cái chết và vô thường. Vì vậy, ta phải thiền quán về các tự do và thuận lợi để chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này. Thuật ngữ tự do và thuận lợi nói về tám sự tự do và mười điều thuận lợi. Ta đã có được một kiếp [người] lý tưởng, sở hữu được mười tám pháp này.

Vấn: Khi đã nhận diện ra sự tồn tại như thế này, làm cách nào để nghĩ rằng nó khó tìm được và tràn đầy ý nghĩa?

Đáp: Tự do nói về thời gian mà ta được tự do tu tập Pháp. Thuận lợi nói đến sự tập hợp của những điều kiện thuận lợi bên trong lẫn bên ngoài, về mặt các điều kiện tiên quyết hoàn hảo để hành trì Pháp. Ta đã có được thân người đặc biệt với bao nhiêu là tự do và thuận lợi. Tự do chính là không gặp phải tám hoàn cảnh thiếu tự do trong việc tu tập. Sự thiếu tự do này nói về bốn hoàn cảnh thiếu tự do đối với con người và bốn hoàn cảnh đối với chúng sanh không phải là người (phi nhân).

Bốn hoàn cảnh thiếu tự do đối với các chúng sanh phi nhân nói về ba loại tái sanh bất hạnh là tái sanh trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh và tái sanh thành chư Thiên có thọ mạng vô cùng lâu dài. Khi tái sanh trong ba cảnh giới bất hạnh, ta sẽ bị nỗi khổ dày vò và không có dịp may để tu tập Pháp. [132] Hơn nữa, những chúng sanh này không có vị thầy tâm linh. Dù họ có được thầy, họ cũng không có cơ hội để hành trì Pháp, vì nỗi khổ của họ quá mãnh liệt. Khi nhận ra mình quá may mắn, đã không sanh ra trong các cõi này, lại có được thân người lý tưởng và khả năng tu tập Pháp, ta nên thiền quán về tâm hỷ lạc.

Chư Thiên có thọ mạng vô cùng lâu dài là những chúng sanh bình thường trong vô sắc giới, và chúng sanh bình thường trong vô sắc giới thì không tu tập Pháp. Chúng sanh trong vô sắc giới không có dịp [may] được nghe giáo pháp, vì [vô sắc giới] không có âm thanh. Ở trong hoàn cảnh này, họ cũng được xem là “chư Thiên không có tâm phân biệt”. Khi sanh ra, họ nghĩ, “Ta đã ra đời” và vào lúc chết, họ nghĩ rằng, “Ta sắp chết”. Ngoài hai ý tưởng này ra, họ không hề nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Nhờ các thiện hạnh tích tập trong quá khứ, họ không phải chịu khổ, nhưng khi kết quả của các thiện nghiệp kéo dài qua nhiều a tăng kỳ kiếp đã cạn kiệt, họ sẽ rơi vào những tái sanh bất hạnh. Vì thế, nói chung, họ không có cơ hội tu tập Pháp. Không những công đức tích lũy trước đây bị cạn kiệt, mà họ còn không [tạo được công đức mới]. Khi nhận thức rằng mình đã may mắn không có một tái sanh như thế, ta nên quán chiếu rằng mình đã may mắn thoát khỏi bốn hoàn cảnh thiếu tự do trong các cõi phi nhân.

Về bốn hoàn cảnh thiếu tự do trong cõi người, một a tăng kỳ kiếp đen tối là thời kỳ mà một vị Phật chưa hạ sanh trong thế gian này, trong khi [133] một a tăng kỳ kiếp sáng ngời là thời kỳ một vị Phật đã giáng thế. Giữa hai loại thời kỳ này thì có nhiều a tăng kỳ kiếp đen tối hơn, nên [thậm chí] dù có được thân vật chất của con người, ta [vẫn] khó sanh ra trong thời kỳ của một a tăng kỳ kiếp sáng ngời. [A tăng kỳ kiếp hiện tại] là một a tăng kỳ kiếp [sáng ngời] mà Đức Phật đã giáng thế, và bởi vì thời gian hiện nay cũng là lúc mà pháp âm của Phật có mặt trên thế gian, ta nên nghĩ rằng mình thật sự vô cùng may mắn.

Ngay cả [hiện nay,] vào a tăng kỳ kiếp mà Đức Phật đã giáng thế, nếu ta sanh ra ở biên địa, [nơi mà] giáo pháp chưa hề có mặt, ta cũng sẽ không có dịp được nghe Pháp. Hãy suy niệm rằng mình đã không rơi vào trường hợp này và may mắn gặp được Phật pháp vào thời điểm này.

Hơn nữa, thậm chí nếu như Đức Phật giáng thế và Phật pháp đã lan truyền [đến nơi ta sanh ra], nhưng tâm trí ta trì độn hay thiếu sáng suốt, không những ta sẽ không thể phân biệt được những gì nên tu tập và nên từ bỏ, mà dù có nghe người khác giảng giải pháp bao nhiêu lần, ta vẫn không thể nào hiểu được. Nếu như lâm vào cảnh ngộ này, ta sẽ không có được may mắn để hành trì Pháp. Nên thiền quán và quán chiếu rằng mình ở trong hoàn cảnh khác với [cảnh ngộ này], và may mắn có sự nhận thức, phân biệt được những gì đúng và sai.

Dù tâm trí không trì độn, ta vẫn có thể sanh ra làm người có tà kiến. Người có tà kiến là người đã quen thuộc với tà kiến trong những kiếp trước, họ phủ nhận sự hiện hữu của những kiếp quá khứ và vị lai, cũng như luật nhân quả. [134] Nếu như có tà kiến này, ta sẽ không có cơ hội tu tập Pháp. Ta nên quán chiếu rằng mình rất may mắn, không rơi vào trường hợp này. Phải nghĩ rằng: “Sự thật là mình đã không rơi vào bốn hoàn cảnh thiếu tự do và thuận lợi của chúng sanh phi nhân và con người, đã có một kiếp [người] lý tưởng và không bị ràng buộc vì thiếu sót tám sự tự do, đó là nhờ lòng nhân từ của Bổn Sư Tôn Quý (Guru Jewel). Vì vậy, điều trên hết là ta phải rút tỉa tinh túy [của cuộc đời này.]”.

Về các thuận lợi thiết yếu cho việc tu tập Pháp, có năm điều thuộc về cá nhân và năm điều do chúng sanh khác mang lại, vì thế, chúng được xem là liên quan với họ hơn với ta. Ta có được cả mười điều này.

Năm điều thuận lợi  thuộc về cá nhân

(1) [Thứ nhất chính là kiếp người.]

(2) Câu sanh ra trung thổ cho thấy chúng ta đã sanh ra ở nơi có đủ tứ chúng, gồm có chư tăng, ni và thiện nam, tín nữ trong giới cư sĩ.

(3) Câu có đủ các căn cho thấy ta có đủ các căn thuộc về [giác quan và tâm thức], tâm trí ta không trì độn hay thiếu sáng suốt, như đã giải thích ở trên.

(4) Câu không phạm cực trọng nghiệp [cho thấy là hoàn cảnh của ta đối nghịch với điều sau đây]: nếu đã tạo những nghiệp xấu ác như ngũ nghịch, là những nghiệp vô cùng tiêu cực, tạo ra sự che chướng trong tâm thức, ta sẽ không thể nào đạt được các thực chứng, dù có thiền quán về đường tu giác ngộ. Nên quán chiếu mình rất may mắn, không ở trong cảnh ngộ này.

(5) [Sau cùng], khi có được niềm tin xác tín vào luật nhân quả, ta sẽ có niềm tin vào những điểm trọng yếu.

Đây là toàn bộ năm điều thuận lợi cá nhân. Nếu giải thích danh từ “trung thổ” từ khía cạnh của giáo pháp, ta có quyền cho rằng đó là một nơi mà tứ chúng du hành đến, [thay vì là nơi toàn bộ tứ chúng luôn luôn được tìm thấy].

Năm điều thuận lợi liên quan đến tha nhân [135] được giải thích từ quan điểm của dịp may mà một vị Phật đã giáng thế. Mặc dù không có được toàn bộ những điều thuận lợi theo như sự diễn giải [nghiêm túc] này, ta vẫn có được tất cả những điều phù hợp vừa đủ với nó. Thí dụ như bốn điều sau đây được giải thích từ quan điểm một vị Phật đã thật sự giáng thế, và chúng ta đã trực tiếp gặp ngài:

(1) Đức Phật đã thật sự giáng thế;

(2) Đức Phật đã thuyết Pháp;

(3) có các hành giả đã thành tựu kết quả bằng cách tu tập Pháp; và

(4) có người ngưỡng mộ các hành giả đã thể nhập vào đường tu, mặc dù các vị này chưa đạt được kết quả tu tập.

Bốn điều thuận lợi phù hợp với những yếu tố ở trên là:

(i) một vị thầy tâm linh giảng dạy giáo pháp đã đến với ta, tương tự như Đức Phật đã giáng thế;

(ii) tương tự như Đức Phật thuyết Pháp, khi vị thầy tâm linh thuyết Pháp, vị thầy biểu lộ hành vi giảng dạy tựa như Đức Phật đang thuyết giảng, đến mức ngay cả Đức Phật cũng không thể bổ sung thêm điều gì nữa, vì vậy khi vị thầy giảng dạy như thế, ta cũng có được giáo pháp;

(iii) có những người đã đạt được thực chứng cao cả bằng cách tu tập giáo pháp;

(iv) khi có người ngưỡng mộ các hành giả này, bốn điều thích hợp đã hội đủ. [136]

(5) Câu có sự hỗ trợ là điều thứ năm, cho thấy người khác hỗ trợ ta bằng cách cung cấp điều kiện thuận lợi để ta tu tập. Đây là năm điều thuận lợi liên quan đến người khác.

Ta nên quán chiếu về kiếp người] lý tưởng, được biểu thị bằng tám sự tự do và mười điều thuận lợi thật khó tìm và tràn đầy ý nghĩa.

Vấn: Kiếp người lý tưởng này khó tìm ra sao?

Đáp: Nói chung, hiện nay chúng ta đã tập hợp được mười tám điều kiện [thuận tiện], đó là một điều rất khó thực hiện. Nếu như chỉ cần có một hay hai điều kiện thì rất dễ. Tuy nhiên, vì phải tập hợp mười tám điều kiện khác nhau, đây là điều khó khăn về khía cạnh bản chất. Hơn nữa, khi phải tạo ra mỗi một trong những điều kiện này bằng nhân của nó, rất khó tạo ra được nhân của tập hợp này. Để có được kiếp người lý tưởng với tự do và thuận lợi, nền tảng căn bản là đức hạnh thanh tịnh. Điều thiết yếu là giữ gìn đức hạnh thanh tịnh bằng cách từ bỏ mười nghiệp bất thiện. Thêm vào đó, lục độ ba la mật như bố thí v.v…, đóng một vai trò hỗ trợ, vì vậy mà ta cần phải hành trì lục độ ba la mật. Hơn nữa, công phu này phải được thực hành song song với những lời cầu nguyện thuần khiết. Câu khó tạo được nhân là điều thích hợp trong trường hợp của chúng ta, vì ta khó có thể tạo ra những điều kiện này.

Một thí dụ minh họa là chúng rất khó tìm. Đức Thế Tôn để một hạt cát trên ngón tay ngài và hỏi rằng: “Các người nghĩ nơi đâu có nhiều cát hơn, trên ngón tay ta [137] hay trên trái đất to lớn này?”. Vì trái đất rộng lớn có nhiều cát hơn, điểm chánh ở đây là số chúng sanh có được tái sanh may mắn so với chúng sanh rơi vào tái sanh bất hạnh chỉ là một con số [vô cùng nhỏ bé], như một hạt cát trên ngón tay.

Trong khi đó, số chúng sanh có tái sanh bất hạnh so với các chúng sanh có được tái sanh may mắn được xem là ngang hàng với [vô lượng] cát trên trái đất to lớn này. Bởi vì đây là hiện thực, việc có được thân người hiện nay là một cơ hội may mắn không thể tưởng tượng. Thí dụ này cho thấy rằng có rất nhiều tái sanh trong những cảnh giới bất hạnh.

Dù đã trải qua nhiều lần tái sanh trong các cảnh giới bất hạnh, ta hiện đang có một tái sinh với thân người và được lắng nghe một ít giáo pháp. Dù có giả vờ tu tập, nếu suy niệm một cách đúng đắn, ta sẽ nhận ra rằng] ngay cả những người hành trì Pháp cũng không thực hành đủ ba yếu tố của một hành vi trọn vẹn, đó là sự chuẩn bị, hành trì chánh và kết thúc. Dù ta có động lực tốt ở lúc đầu, nó sẽ kết hợp với những lỗi lầm ở thời điểm của hành trì chánh, hay những lời cầu nguyện ở phần kết thúc chỉ hướng đến những điều như thọ mạng lâu dài và đời sống khỏe mạnh. Vì vậy nên hành trì này không trở thành Pháp. Những ai tu tập theo cách này không thể thiết lập được giáo pháp có phẩm chất cao quý.

Tuy nhiên, điều không may là cả ba yếu tố chuẩn bị, hành vi chánh và kết thúc rõ ràng đều hiện diện ngay cả trong một hành vi bất thiện không đáng kể. Trước tiên, khi phát khởi động lực, ta nghĩ về cách mình sẽ hành động như thế này và thế kia đối với người khác. Ở thời điểm thực hiện, ta hoàn toàn tập trung vào hành động. Vào lúc cuối, khi đã hoàn tất hành động, ta nghĩ rằng, “Tốt lắm!”. [138] Cả ba yếu tố, chuẩn bị, hành vi chánh và kết thúc đều có mặt theo cách này, và lúc nào nó cũng xảy ra như thế. Kết quả là ta có nhiều tái sanh trong cảnh giới bất hạnh, trong khi tái sanh trong cõi may mắn thì hiếm có.

Kiếp người lý tưởng này không những khó tìm mà còn tràn đầy ý nghĩa. Nếu tu tập dựa trên nền tảng của các tự do và thuận lợi, ta có thể thành tựu Phật quả trong một kiếp duy nhất. Thậm chí nếu không đạt được điều này, dựa vào nền tảng của một thân người như thế, ta có thể thoát khỏi luân hồi, tuy không thành tựu được Phật quả.

Ngoài ra, nhờ thân người này, ta có thể tránh các cảnh giới tái sanh bất hạnh. Nếu giữ gìn đức hạnh thanh tịnh bằng cách từ bỏ mười nghiệp bất thiện trong kiếp này, ta sẽ không tái sanh trong cảnh giới bất hạnh trong những kiếp tương lai, mà sẽ có được tái sanh trong cảnh giới may mắn, có được nền tảng thể chất lý tưởng. Tuy nhiên, chỉ có một điều này thôi thì không có lợi lạc gì. Đa số chúng sanh phải trải qua một dòng tái sanh liên tục từ đời này sang đời khác, kết quả là họ phải nếm trải những nỗi khổ khác nhau. Nhờ vào nền tảng thân người này, ta có thể đạt được giải thoát, thoát khỏi nỗi khổ của kiếp luân hồi.

Ta nên nghĩ rằng không những ta có thể giải thoát cho chính mình, mà còn có thể đưa tất cả chúng sanh đến giải thoát và giác ngộ. Khi đã nghĩ như thế, ta nên quán chiếu rằng các tự do và thuận lợi là những điều tràn đầy ý nghĩa. [139]

Một sự hiện hữu hỗ trợ cho tự do và thuận lợi như thế thì thù thắng hơn cả ngọc như ý. Nếu cầu nguyện trước một viên ngọc như ý, ta sẽ có được nhiều thứ trong kiếp này như thực phẩm, bằng hữu và của cải. Tuy nhiên, những thứ này chỉ hữu dụng trong kiếp này, một viên ngọc như thế không có tiềm năng cung cấp cho ta điều gì ngoài những thứ thuộc về cuộc đời này. Vì đây là hiện thực, và ta có thể thành tựu Phật quả nhờ vào nền tảng của thân người với tự do và thuận lợi như đã giải thích ở trên, một kiếp người lý tưởng như thế thì thù thắng hơn cả ngọc như ý.

Nếu như có được một viên ngọc như ý và mỗi người trong chúng ta sẽ cầu nguyện trước viên ngọc, tất cả ước muốn riêng tư của ta sẽ biến thành sự thật. Nếu có được một viên ngọc như vậy, ta thật sự sẽ nghĩ mình nên viết một bài cầu nguyện. Nếu ta không cầu nguyện lúc có viên ngọc như ý ở trong tay, mà lại nghĩ rằng mình sẽ cầu nguyện sau này, khi có được một viên ngọc như ý khác giống như vậy, rồi lại vứt bỏ viên ngọc đầu tiên, thì đó là điều không thích đáng. Tương tự như thế, hiện nay, ta đã có được một kiếp người lý tưởng với tự do cùng thuận lợi, về tiềm năng thì thù thắng hơn cả viên ngọc như ý, ta [không nên bỏ qua việc tu tập. Nếu như không hành động như vậy ngay bây giờ mà hành xử như người nói rằng “Tôi sẽ cầu nguyện trong một kiếp tương lai,” điều này giống như vứt đi viên ngọc và cơ hội cầu nguyện như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai. Vì vậy, khi đã suy niệm rằng các tự do và thuận lợi tràn đầy ý nghĩa và khó tìm, ta nên hành trì Pháp thanh tịnh trong kiếp này. [140] Nếu không thể bắt tay vào việc tu tập, ta nên cảm thấy hối hận và buồn thảm.

Nhờ gieo nhân trong những kiếp trước bằng nỗ lực lớn lao mà ta mới có được một kiếp người lý tưởng đầy tự do và thuận lợi như thế này. Đây là cách ta có được một thân người. Nếu như phí phạm nó thì tất cả công sức mà ta đã bỏ ra trong những kiếp trước sẽ trở nên vô ích. Khi đã thiết lập một sự hiện hữu lý tưởng như thế trong hiện tại nhờ công sức của mình trong những kiếp trước, và vì vẫn có được sự hiện hữu lý tưởng này cho đến ngày hôm nay, ta không nên để cho kiếp tương lai của mình rơi vào một hoàn cảnh xấu hơn. Ta nên tạo thêm nghiệp tốt, dựa vào nền tảng của kiếp người hiện tại này, và khi có được kiếp người lý tưởng với tự do và thuận lợi một lần nữa trong tương lai, ta nên tiếp tục tu tập giáo pháp thanh tịnh. Sau đó, ta nên hoàn thiện hơn nữa và thành tựu Phật quả, nhờ có dòng tái sinh lý tưởng liên tục. Vì hiện thực là như thế, một đạo sư Kadampa trong quá khứ đã nói:

Vị tăng tôn quý trong quá khứ của ông,

đã ban cho [ông] một tái sanh quý báu trong hiện tại. Vì thế, hỡi vị tăng tôn quý hiện tại,

đừng ném tương lai của ông xuống vực thẳm.

Ta đã có một kiếp sống lý tưởng trong quá khứ. Đây là kết quả của nghiệp tích cực được tích tập. Giờ đây, nếu không chịu tu tập thì giống như ta đang ném tương lai của mình xuống vực thẳm. Những lời này khuyên ta không nên hành động như vậy. Dù đã có được [141] một nền tảng thể chất lý tưởng như thế hiện nay, nếu ta không hành trì Pháp thì đó là một điều thảm hại.

Vấn: Tại sao chúng ta bị hạnh phúc và lạc thú của đời sống này lừa gạt và sao lãng tâm trí vì phim ảnh, cùng các loại giải trí khác?

Đáp: Điều này xảy ra là vì ta không suy niệm rằng các tự do và thuận lợi tràn đầy ý nghĩa và khó tìm ra sao. Khi ta tin tưởng vào sự thật rằng chúng tràn đầy ý nghĩa và khó tìm, những vấn đề trên sẽ không xảy ra. Nếu dấn thân tu tập trong khi có được một nền tảng lý tưởng như thế, ta sẽ có tiến bộ vượt bực. Mỗi ngày, nên tu tập càng nhiều càng tốt, bởi vì khi bắt đầu nghĩ rằng mình được phép nghỉ ngơi thì cuộc đời sẽ trôi qua và chấm dứt nhanh chóng. Vì vậy, không nên hoang phí thời gian bằng việc trì hoãn tu tập. Như Gungthang Rinpoche4 đã nêu ra trong tác phẩm của ngài:

Hai mươi năm đầu trôi qua trong khi bạn không hề biết đến việc tu tập,

hai mươi năm sau lại trôi qua trong khi bạn nghĩ “Tôi sẽ tu tập, tôi sẽ tu tập”,

hai mươi năm nữa trôi qua trong khi bạn nói “Tôi không có dịp tu tập, tôi không có dịp tu tập” –

đây là câu chuyện của một cuộc đời chấm dứt trong sự trống rỗng.

Từ lúc còn trẻ thơ cho đến năm hai mươi tuổi, ta chẳng biết gì về Pháp. Rồi dù nghĩ rằng mình sẽ tu tập, hai mươi năm nữa trôi qua mà ta không hề thực hiện được điều gì. Sau đó, hai mươi năm nữa lại qua đi, trong khi ta nói rằng mình không có dịp tu tập. Lời kệ nói rằng nếu hành xử như thế, cuộc đời ta sẽ trở nên trống rỗng và kiệt quệ. [142] Vì vậy, nên tu tập mỗi ngày càng nhiều càng tốt, với khả năng của mình. Nên rút tỉa tinh túy của cuộc đời này càng sớm càng tốt.

Thiền Quán Về Vô Thường

Nên thiền quán về vô thường để khẩn trương tu tập. Khi đã quen thuộc với đề mục về cái chết và vô thường một cách sâu sắc, các ý tưởng về hiện tướng của cuộc đời này sẽ chấm dứt. Khi không suy niệm về cái chết và vô thường, bất cứ bạch nghiệp hay hắc nghiệp nào ta tạo ra đều sẽ chịu sự tác động của cuộc đời này. Thậm chí khi lễ lạy, cúng dường v.v…, nếu động lực của ta bị tác động vì những lo âu về đời sống này thì những hoạt động này không trở thành Pháp, dù ta có dấn thân vào việc hành trì Pháp đi chăng nữa. Nếu chịu suy niệm về cái chết và vô thường, thì dù điều gì có xảy ra trong đời này đi nữa, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến ta. Khi có ý nghĩ rằng kiếp sau quan trọng hơn kiếp này, ta đã hoàn tất lý do thiết yếu để suy niệm về cái chết và vô thường.

“Chắc chắn mình sẽ chết” là điều tất cả mọi người đều nghĩ đến. Dù trước đó đã thành tựu thân bất tử, tựa như thân kim cang, Đức Thích Ca Mâu Ni đã giáng thế và thị hiện việc nhập niết bàn vì lợi lạc cho các đệ tử. Tương tự như thế, tất cả những người trở thành hoàng đế và bộ trưởng cũng không tồn tại đến ngày nay, chỉ còn lại tên tuổi của họ. Không ai có thể trường sanh bất tử và chắc chắn là mọi người đều phải chết. Ta cũng phải suy niệm rằng mình chắc chắn sẽ chết.

Không những cái chết là điều chắc chắn, mà thời khắc của nó thì bất định. Điều quan trọng nhất ta cần nghĩ đến là thời khắc của cái chết thì bất định. [143] Nó không chắc chắn bởi vì không ai biết được người già hay trẻ, những người có thân xác già nua hay trẻ trung, hoặc người có hạnh kiểm tốt hay xấu [sẽ là người chết trước]. Chính ta đã chứng kiến người trẻ chết trước người già, y tá chết trước bệnh nhân v.v…

Ta có thể thấy nhiều trường hợp như thế xảy ra. Khi đã suy ngẫm rằng mình cũng phải đối diện với cái chết, tương tự như vậy, ta phải nghĩ rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Khi tâm niệm về thời khắc bất định của cái chết phát sinh mạnh mẽ, ước nguyện tu tập Pháp sẽ nảy sinh.

Vấn: Điều gì sẽ xảy ra sau khi chết?

Đáp: Sau khi chết, bất cứ của cải vật chất gì ta có được cũng trở nên vô dụng, và ta phải tiếp tục cuộc hành trình, bỏ chúng lại sau lưng. Bằng hữu, thân quyến, những vật sở hữu, người phục dịch, ngay cả các uẩn của ta, tất cả đều bị bỏ lại, chỉ có tâm thức ra đi một mình. Tóm lại, trước khi ra đi, ta phải bỏ lại bất cứ những gì mình sở hữu, và không có quyền năng để mang theo bất kỳ điều gì. Điều duy nhất sẽ theo ta trên tử lộ là thiện hạnh và ác hạnh. Bất cứ những thiện hạnh và ác hạnh nào ta đã tạo ra trong kiếp này sẽ đi theo ta. Vì lý do này mà Pháp là điều duy nhất có thể tạo ra lợi lạc cho mình. Vì thế, việc tu tập bất kỳ giáo pháp nào theo khả năng của mình là điều vô cùng quan trọng.

Để thiền quán về vô thường, [144] ta phải thiền quán về sắc thái của cái chết. Đó là điều có lợi. Câu thiền quán về sắc thái của cái chết nói về việc tạo dựng kinh nghiệm hấp hối một cách đúng đắn. Để thực hiện điều này, nên quan sát kỹ tình trạng của những người yếu ớt và khó thở. Tiếp theo, bằng cách nhớ lại những gì đã xảy ra cho những người đang hấp hối, ta mường tượng mình đang lâm trọng bịnh, thậm chí không thể nói năng v.v… Khi tạo dựng lại kinh nghiệm biểu lộ mọi khía cạnh của cái chết, điều này được gọi là pháp thiền quán về sắc thái của cái chết. Khi thiền quán về khía cạnh này, ta sẽ cảm thấy hối hận.

Vấn: Ta cảm nhận sự hối hận này ra sao?

Đáp: Khi nghĩ rằng mình sẽ tái sanh vào cảnh giới bất hạnh vì đã tạo ra nghiệp ác, ta sẽ hối hận. Nếu đang tạo ra thiện hạnh mạnh mẽ trong hiện tại, ta sẽ không hối hận vào phút lâm chung. Vì vậy, khi đã suy xét tất cả các phương cách để phát khởi thiện tâm, ta nên thiết lập đức hạnh. Theo cách này, nếu suy niệm về ý nghĩa lớn lao của các tự do và thuận lợi, việc có được chúng khó khăn ra sao, về cái chết và vô thường, giờ phút của cái chết thì bất định, v.v…, thì niềm phúc lạc, hạnh phúc và thanh danh sẽ kết trái tự nhiên trong kiếp này. Khi xem giá trị của những kiếp sau quan trọng hơn kiếp hiện tại, rồi nhờ quán chiếu về những đề mục này [145], ta đã có được thực chứng của một hành giả thuộc phạm vi nhỏ. Những đề mục này có tác dụng chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này.

Trước tiên, ta phải chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này để phát tâm xả ly. Kế đến, ta phải chấm dứt sự lôi cuốn của những kiếp tương lai.

Cách chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này là:

(1) ý nghĩa lớn lao của các tự do và thuận lợi,

(2) những điều này khó tìm được

(3) cái chết và vô thường.

Khi đã tư duy và vững tin vào những điều này, ta sẽ có cái gọi là chấm dứt sự lôi cuốn của cuộc đời này, bởi vì ta đã chấm dứt được tâm chấp thủ. Vào lúc đó, ta sẽ xem những kiếp tương lai quan trọng hơn kiếp hiện tại.

Phương cách chấm dứt sự lôi cuốn của những kiếp tương lai

Nếu thường xuyên quán chiếu nhân quả không hề sai lạc,

cùng nỗi khổ của luân hồi, [thì] ta sẽ chấm dứt sự lôi cuốn

của những [kiếp] tương lai.

Từ kiếp này, ta phải tái sanh một lần nữa, vì ta sẽ không trở thành bất hiện hữu. Chỉ có hai sự chọn lựa: tái sanh may mắn hay tái sanh bất hạnh. Các nghiệp tiêu cực và che chướng mà ta đã tích tập từ vô thủy được tàng trữ trong dòng tâm thức, giống như kho tàng của một vị vua. Vì mãnh lực của chúng, ta sẽ không cách xa một tái sanh bất hạnh bao nhiêu. Đối với các chúng sanh sinh ra trong ba cõi bất hạnh, chúng sanh trong địa ngục phải chịu nỗi khổ nóng và lạnh, các ngạ quỷ thì đói khát [146] và súc sanh thì bị câm và lầm lạc. Nỗi khổ của những súc sanh sống trong cõi người là điều chúng ta đều thấy tận mắt: chúng bị giết bằng nhiều cách để lấy thịt, xương và da. Nếu phải trải nghiệm nỗi khổ ấy, ta sẽ không chịu đựng nổi.

Vấn: Ta nên làm gì để không phải trải qua những nỗi khổ ấy và bất cứ sự tái sanh nào trong cõi bất hạnh?

Đáp: Bằng cách áp dụng bốn lực đối kháng,5 ta có thể tịnh hóa các nghiệp bất thiện mình đã tích tập trong quá khứ. Thậm chí nếu điều này không xảy ra, một khi đã khởi tâm e sợ và kinh hãi đối với những tái sanh bất hạnh, nếu sau đó, ta quy y Tam Bảo, với tín tâm rằng Tam Bảo sẽ giúp ta thoát khỏi nỗi khổ, thì Tam Bảo không thể nào không bảo vệ ta. Vì thế, ta phải quy y Tam Bảo. Có hai điều thiết yếu khi quy y: ta phải biết kinh sợ những kinh nghiệm trong tương lai và có niềm tin vào các đối tượng của sự quy y.

Những ai quy y Tam Bảo bằng cách khởi tâm e sợ và kinh hãi đối với nỗi khổ trong những cõi bất hạnh sẽ có được tâm quy y của một hành giả thuộc phạm vi nhỏ.

Những ai quy y với tín tâm rằng Tam Bảo có thể bảo vệ họ không những tránh được các tái sanh bất hạnh, mà còn thoát khỏi luân hồi mang bản chất khổ đau, [147] sẽ có được tâm quy y của một hành giả thuộc phạm vi trung bình.

Những ai quy y Tam Bảo để giải thoát khỏi nỗi khổ trong các cảnh giới bất hạnh và luân hồi vì lợi lạc của tất cả chúng sanh – vì không chỉ có chúng ta mà tất cả chúng sanh khác cũng đều trải qua nỗi khổ như thế – sẽ có được tâm quy y của một hành giả thuộc phạm vi lớn.

Có một sự khác biệt to lớn về số lượng và sự rộng lớn của công đức tích tập được trong trường hợp cuối cùng này so với hai trường hợp kia. Những ai quy y sẽ không trải qua nỗi khổ của những tái sanh bất hạnh trong những kiếp tương lai, thay vì vậy, sẽ có được tái sanh ở một cảnh giới cao.6

Dù sao đi nữa, ngày nào chưa thoát khỏi luân hồi, dù sanh ra ở đâu, ta vẫn chưa vượt thoát bản chất của nỗi khổ. Trong quá khứ, ta đã sanh ra làm những chư Thiên đầy uy lực như Đế Thích và Phạm Thiên trong vô lượng kiếp, nhưng khi phóng nghiệp cao quý từ những tái sanh trước đây đã cạn kiệt, ta lại tái sanh vào những cảnh giới bất hạnh một lần nữa, khi quả của nghiệp xấu trổ. Vì nghiệp và nghiệp quả không hề sai chạy, chừng nào chưa có khả năng tiêu diệt nguồn gốc của luân hồi thì ta không thể xem một nền tảng thân vật chất lý tưởng có được bằng nghiệp và nghiệp quả là đáng tin cậy. Thậm chí khi có được một thân thể lý tưởng, [148] nó cũng không đáng tin cậy. Dù có kết giao với ai đi nữa, mối quan hệ sẽ chuyển biến thành bản chất đau khổ. Khi đã quán chiếu như thế, ta nên nghĩ rằng ngay cả khi có được một tái sanh cao như một vị Trời hay con người, sự hiện hữu này không đáng tin cậy.

Về phía chư Thiên, có các vị thuộc về sắc giới và vô sắc giới. Dù họ không có nỗi khổ hiển nhiên như chúng ta, họ vẫn trải nghiệm nỗi khổ thâm nhập khắp cùng, vì thế, khi nghiệp của họ cạn kiệt, họ lại gần kề kinh nghiệm khổ đau. Vì vậy mà họ chưa vượt thoát được bản chất của nỗi khổ thâm nhập khắp cùng, và bất cứ nơi chốn luân hồi nào trong tam giới vẫn còn là chốn khổ. Ta phải trưởng dưỡng ý niệm là ngay cả chư Thiên cũng không thể vượt thoát bản chất khổ đau, những tái sanh như thế không thể nào mang lại lợi lạc cho đến khi ta thoát khỏi luân hồi, cho dù ta có được tái sanh cao từ kiếp này sang kiếp khác trong tương lai. Vì vậy, ta phải có khả năng chấm dứt sự lôi cuốn của những kiếp tương lai.

Phương cách phát tâm xả ly

Bằng cách thiền quán như vậy, bạn sẽ không khởi tâm mong muốn những sự thù thắng của luân hồi, dù chỉ trong khoảnh khắc, và phương cách để phát khởi tâm xả ly là khi tâm tìm cầu giải thoát phát sinh liên tục ngày đêm.

[149] Ta nên quán chiếu nhiều lần về bản chất không sai lạc của nghiệp quả và nỗi khổ của luân hồi. Khi ta khởi tâm bất dụng công, mong cầu thành tựu (i) tâm từ bỏ tất cả các loại phiền não và (ii) giải thoát khỏi luân hồi mang bản chất khổ đau, đó là lúc tâm xả ly đã phát khởi. Hơn nữa, một khi đã thấy rằng kiếp luân hồi mang bản chất khổ đau nói chung, và phát tâm tìm cầu giải thoát, đó là tâm xả ly. Tuy nhiên, để phát tâm xả ly thanh tịnh, ta nên liên tục nhận thức rằng luân hồi mang bản chất khổ đau trong mọi lúc, cả ngày lẫn đêm, thậm chí không một giây phút nào khởi tâm mong cầu bất cứ sự thù thắng nào trong luân hồi sanh tử. Khi tâm thức mong đạt được giải thoát khỏi luân hồi phát sinh một cách tự nhiên, lúc đó, ta đã phát tâm xả ly thanh tịnh và bất dụng công. Khi đã phát tâm xả ly như thế và quen thuộc với ba sự tu tập giới, định, tuệ, không những ta sẽ có khả năng đạt được giải thoát khỏi luân hồi cho bản thân, mà tâm xả ly này còn là nhân của Phật quả. Tuy nhiên, nếu không có bồ đề tâm đi kèm thì tâm xả ly này không trở thành nhân hoàn hảo. Dù có quen thuộc với tâm xả ly đến mức nào đi nữa, nếu không có sự tác động của bồ đề tâm [150], ta sẽ đi lệch hướng, ra khỏi con đường dẫn đến Phật quả, và một khi đã đi vào đường tu Tiểu thừa, ngay cả con đường này cũng không an lạc. Vì vậy, để tâm xả ly trở thành nhân hoàn hảo của Phật quả và đường tu an lạc trực tiếp đưa đến Phật quả, tâm xả ly phải đi kèm với bồ đề tâm.

Chánh văn Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ

(Lam-gtso rnam-gsum)

Jey Tsongkhapa (rJe Tsong-kha-pa Blo-bzang grags-pa)
Alexander Berzin chuyển Anh ngữ, 1983
duyệt lại 2003
Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính

Xin đảnh lễ các đạo sư đáng tôn kính nhất!

(1) Tôi sẽ hết lòng giảng giải,
Các điểm trọng yếu trong tất cả Kinh điển của Đấng Chiến Thắng,
Đường tu được tất cả chư Bồ tát thiện hảo tán thán,
Cửa ngõ cho những người may mắn mong cầu giải thoát.

(2) Những ai không tham luyến thú vui của luân hồi,
Nỗ lực khiến cho cuộc đời có tự do và thuận lợi tràn đầy ý nghĩa,
Và đặt niềm tin vào đường tu làm vui lòng các Đấng Chiến Thắng,
Hỡi những người may mắn, hãy lắng nghe với tấm lòng mở rộng.

(3) Nếu không có tâm xả ly thanh tịnh thì không có cách chế ngự
Lòng khao khát niềm vui và hoa trái của biển luân hồi,
Và khi bị trói chặt vì lòng tham đắm vào sự hiện hữu,
Trước tiên, hãy tìm cầu tâm xả ly chân thật.

(4) Bằng cách trưởng dưỡng ý tưởng kiếp người thật khó tìm
Lại không còn thời gian để phung phí, mối bận tâm với cuộc đời này sẽ chấm dứt.
Bằng cách tư duy nhiều lần về chân lý của nghiệp và nỗi khổ trong luân hồi,
Mối bận tâm về kiếp tương lai sẽ chấm dứt.

(5) Khi đã quen thuộc với điều này, tâm mong muốn
Những sự thù thắng của luân hồi sẽ không phát sinh, dù chỉ trong khoảnh khắc,
Và khi ý tưởng mong cầu giải thoát phát khởi ngày đêm,
Khi ấy, tâm xả ly chân thật đã phát sinh.

(6) Tâm xả ly này cũng sẽ không trở thành nhân
Của tâm cực lạc hoàn hảo của giác ngộ vô song
Nếu như không có sự duy trì của bồ đề tâm thanh tịnh,
Vì vậy, hỡi những người thông tuệ, hãy phát tâm bồ đề.

(7) Chúng sanh bị bốn giòng sông chảy xiết cuốn trôi liên tục,
Bị xiềng xích của nghiệp ràng buộc chặt chẽ khó mà thoát khỏi,
Bị mắc bẫy trong lưới sắt của tâm chấp ngã,
Bị bao bọc trong sương mù dày đặc của vô minh từ mọi phía.

(8) Họ tái sinh trong luân hồi không có kết cuộc,
Nơi mà họ bị ba nỗi khổ dày vò.
Bằng cách quán chiếu tất cả bà mẹ khổ đau trong cảnh ngộ ấy,
Hãy phát tâm bồ đề vô thượng.

(9) Nếu không có trí tuệ thực chứng bản tánh tối hậu,
Dù có quen thuộc với tâm xả ly và bồ đề tâm,
Con sẽ không thể nào cắt đứt cội nguồn của hiện hữu luân hồi,
Vì vậy, hãy nỗ lực bằng các phương tiện chứng ngộ lý duyên khởi.

(10) Khi thấy luật nhân quả không bao giờ sai chạy,
Đối với vạn pháp trong luân hồi và niết bàn,
Và bất cứ đối tượng quan sát nào cũng bị tiêu diệt,
Khi ấy, con đã thể nhập con đường làm vui lòng chư Phật.

(11) Ngày nào hai sự thấu hiểu – về hiện tướng,
Là duyên khởi không sai chạy,
Và tánh Không xa lìa mọi luận điểm – còn tách rời nhau,
Con vẫn chưa chứng ngộ tâm ý của bậc Hiền Thánh.

(12) Tuy nhiên, khi cả hai được xem là không tách rời nhau và đồng hiện khởi ,
Sự xác định đơn thuần thấy lý duyên khởi không lầm lạc
Sẽ tiêu diệt mọi cách bám chấp vào đối tượng.
Khi ấy, con đã hoàn tất việc phân tích về tri kiến.

(13) Hơn nữa, khi hiện tướng tiêu diệt cực đoan thường kiến,
Và tánh Không tiêu diệt cực đoan đoạn kiến,
Nếu hiểu được tánh Không sinh khởi như nhân và quả,
Con sẽ không bao giờ bị quyến rũ vì quan kiến bám chấp các cực đoan.

(14) Vì vậy, khi đã thấu hiểu các trọng điểm
Của ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ là như thị,
Hỡi con trai, hãy tìm nơi cô tịch và gia tăng lực tinh tấn,
Để nhanh chóng thành tựu ước nguyện tối hậu của mình.


Đức Choden Rinpoche

Luận giải tác phẩm Ba Điểm Tinh Yếu của Đường Tu Giác Ngộ – Je Tsongkhapa

Việt dịch: Thanh Liên, Mai Tuyết Ánh và Chân Thông Tri hiệu đính