om-mani-padme-hum-stephen-humphries 1

Tác động mang lại từ sự hiểu biết siêu nhiên

Đức Phật giảng rằng kết quả luôn luôn liên đới với nguyên nhân tạo ra nó. Đấy cũng chính là nguyên tắc tổng quát của quy luật nhân quả. Vô minh – là nguyên nhân – sẽ khích động một cá thể thực thi đủ mọi hành động. Các hành động ấy có thể mang tính cách tiêu cực hay tích cực, và sẽ tạo ra vô số hậu quả khác nhau, chẳng hạn như tái sinh vào nhiều cảnh giới khác nhau. Chỉ cần một sự tái sinh duy nhất cũng đủ cho thấy là có vô số hậu quả, chẳng hạn như bối cảnh trong đó một cá thể sẽ tái sinh (chỉ cần một kiếp người thế nhưng cũng có khi khổ sở, đau buồn, có lúc lại được hạnh phúc, khoẻ mạnh. Kiếp sống đó lại được liên hệ với đủ mọi bối cảnh, chung đụng và tiếp xúc với không biết bao nhiêu chúng sinh khác. Đấy là sự phức tạp của hậu quả phát sinh từ vô số những nguyên nhân đa dạng và phức tạp phát sinh trước đó, và đấy cũng là cách phải nhìn vào quy luật nguyên nhân và hậu quả). Chúng sinh thật hết sức đa dạng, chẳng qua đấy là vì các nguyên nhân và điều kiện tạo ra chúng cũng hết sức đa dạng. Tất cả các thể dạng hiện hữu khác biệt ấy đều chất chứa toàn là khổ đau. Nếu chỉ cần một nguyên nhân, chẳng hạn như tâm thức vô minh, có thể tạo ra sự đa dạng của các hậu quả, thì cũng có thể hình dung các nguyên nhân của trí tuệ cũng có thể mang lại thật nhiều kết quả khác biệt. Dầu sao đi nữa nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ cần đến tác động duy nhất của trí tuệ cũng đủ để đưa đến thể dạng Giác Ngộ hoàn hảo, và dù điều đó không hề mang lại sự an vui cho các chúng sinh khác đi nữa, thì chúng ta cũng sẽ có thể nghĩ rằng vô minh có thể là nguyên nhân quan trọng nhất trong số các nguyên nhân khác có thể mang lại thật nhiều kết quả khác biệt nhau. Các điều này hoàn toàn không mang ý nghĩa gì cả! (câu trên này có nghĩa là trí tuệ không phải là một nguyên nhân “duy nhất” mang lại sự Giác Ngộ, và vô minh cũng không phải là nguyên nhân “duy nhất” đưa đến sự tái sinh. Trí tuệ cũng như vô minh là kết quả mang lại từ sự kết hợp của thật nhiều nguyên nhân và điều kiện khác, hai thể dạng tâm thức đó cũng sẽ mang lại đủ mọi thứ hậu quả khác nhau. Nguyên tắc về sự “đa dạng” về nguyên nhân và cả hậu quả rất quan trọng trong Phật Giáo: không thể có một nguyên nhân duy nhất nào có thể tạo ra được thật nhiều hậu quả mang tính cách đa dạng. Khi đã thấu hiểu được nguyên tắc ấy thì cũng sẽ hết sức khó cho chúng ta có thể hình dung ra một vị Sáng Tạo “duy nhất”, tức là độc tôn và không do bất cứ một nguyên nhân hay hậu quả mang tính cách đa dạng nào làm phát sinh ra Vị ấy, và như thế nếu Vị ấy đúng thật là một nguyên nhân “duy nhất” thì Vị ấy cũng sẽ không thể nào lại có thể “sáng tạo” ra cả thế giới vô cùng đa dạng và phức tạp này. Nói cách khác, nếu như chúng ta có thể hình dung ra được một vị Sáng Tạo theo ý nghĩa trên đây, thì đấy chính là do “thật nhiều” nguyên nhân vô cùng phức tạp và đa dạng phát sinh trong đầu của mình: đấy là vô minh).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông