Buddha turn dharma 1

Phật Tính và khái niệm về Tam Thân

Theo kinh sách sou-tra của Tiểu Thừa (soutra là tiếng Pa-li. Theo quy ước chung thì khi nào gọi kinh sách là “sou-tra” thì đấy có nghĩa là các kinh sách Tiểu Thừa bằng tiếng Pa-li, khi nào gọi là “su-tra”, tiếng Phạn là sutrạ, thì đấy có nghĩa là các kinh sách bằng tiếng Phạn của Đại Thừa) thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong khoảng thời gian từ thuở ấu thơ đến năm hai mươi chín tuổi, chỉ là một vị hoàng tử (như những vị hoàng tử bình thường khác). Sau khi bắt đầu tu tập thiền định và sống khổ hạnh trong suốt sáu năm ròng rã thì Ngài mới đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo vào lúc ba mươi lăm tuổi. Kể từ đó và suốt trong bốn mươi lăm năm liên tiếp Ngài không ngừng xả thân vì sự an vui của tất cả chúng sinh có giác cảm. Cho đến một hôm, lúc ấy Ngài đã tám mươi tuổi và ở nơi thị trấn Câu-thi-na (Kushinagara) cảnh giới bát-niết-bàn (parinirvana) vụt hiện ra với Ngài. Nếu hiểu theo kinh sách Tiểu Thừa, thì Ngài biến mất trong hư vô, đánh dấu sự chấm dứt của dòng tiếp nối liên tục của tri thức Ngài. Nếu đúng thật như thế thì chúng ta phải chấp nhận quan điểm theo đó sau khi gom góp những điều đạo hạnh và phát huy trí tuệ suốt trong ba khoảng thời gian vô tận (tức là kalpa hay “kiếp” là một khái niệm Phật Giáo chỉ định một khoảng thời gian rất dài, tương quan với một chu kỳ tiến hóa rất lớn và kéo dài rất lâu của vũ trụ) thì Đức Phật chỉ thuyết giảng về con đường giải thoát cho các chúng sinh có giác cảm khác chỉ được vỏn vẹn bốn mươi lăm năm tròn thế thôi! Theo sự tin tưởng của tôi thì tôi không nghĩ rằng dòng tiếp nối liên tục của tri thức sẽ chấm dứt sau khi hòa nhập vào thể dạng phi-hiện-hữu – tức là niết bàn – mà đúng hơn vẫn còn tiếp tục luân lưu, dù cho điều đó có nghĩa là vẫn còn lưu lại trong chu kỳ hiện hữu (Đức Phật tiếp tục hiện hữu dưới các thể dạng Tam Thân).

Trái lại theo kinh sách Đại Thừa thì hoàng tử Tất-đạt-đa đã đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo từ trước. Thân xác của của vị hoàng tử ấy chỉ là một hình thức Ứng Thân (Nirmanakaya), còn gọi là Hóa Thân (hay Ứng Hóa Thân) của một vị Giác Ngộ (tức là thân hình tướng của một vị Phật hiển hiện trở lại trong thế giới luân hồi với mục đích cứu độ chúng sinh). Hiện thân của Vị ấy biểu trưng cho bản thể đích thật của một vị Phật (hay Phật Tính) và được gọi là Pháp Thân (Dharmakaya) hay Thân Đạo Pháp. Trong khung cảnh đó (tức trong phạm vi của khái niệm Tam Thân) vị ấy còn mang một thân khác nữa gọi là Báo Thân (Sambhogakaya / hay Thụ Dung Thân) tức là thân tái sinh, nhờ vào thân này một vị Phật có thể hiện ra dưới nhiều hình tướng vật chất thật đa dạng (xin lưu ý Tam Thân không có nghĩa là ba thể dạng thân xác khác nhau mà đấy chỉ là ba phương tiện hay ba cách diễn đạt khác nhau nhằm chỉ định một Vị Giác Ngộ). Dưới một khía cạnh nào đó thì cách diễn đạt trên đây về bản thể của Phật tỏ ra khó có thể hình dung được (inconceivable / không thích nghi, khó để chấp nhận vì tính cách đa dạng trong sự biểu trưng một vị Phật). Tuy nhiên dưới một góc nhìn khác thì cách diễn đạt ấy lại cho thấy một sự hợp lý thật tuyệt vời khi chúng ta đã hiểu rằng phải cần có một sự kết hợp vô cùng phức tạp của thật nhiều nguyên nhân và điều kiện mới có thể đưa đến thể dạng Giác Ngộ hoàn hảo (có nghĩa là sự Giác Ngộ của một vị Phật là kết quả của một sự kết hợp gồm thật nhiều nguyên nhân và điều kiện. Sự đa dạng của nguyên nhân và điều kiện tất sẽ phải đưa đến sự đa dạng của kết qua. Một vị Phật Giác Ngộ sẽ có thể hiện ra dưới muôn hình tướng khác nhau). Theo tôi, khái niệm trên đây về Phật Tính mang nhiều ý nghĩa hơn so với thể dạng phi-hiện-hữu nêu lên trong kinh sách Tiểu Thừa (sự Giác Ngộ không nhất thiết chỉ đơn giản là một sự đình chỉ (nirodha) theo quan điểm Tiểu Thừa; khái niệm Tam Thân nói lên sự mở rộng của thể dạng Giác Ngộ hay Phật Tính: các vị như A-dục, Long Thụ, Vô Trước, Huệ Năng, Đạo Nguyên… cho đến Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV ngày nay, hoặc đơn giản hơn chỉ là những hình tướng mang tính cách biểu trưng chẳng hạn như một nhịp cầu, một con đò, một bóng mát, đều là những cách hiển lộ hay là những biểu hiện của Tam Thân, nói một cách khác thì đấy chính là các Ứng Thân của một vị Phật. Khi chúng ta trông thấy một nhịp cầu, một dòng suối, một bóng cây bên vệ đường, một pho tượng…, hoặc nghe một tiếng chuông hay một lời tụng niệm, thì cũng có nghĩa là chúng ta trông thấy Phật và nghe thấy tiếng nói của Phật).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông