cung-anh-sang2

Thế giới bên ngoài

Trong phần này chúng ta sẽ đề cập đến một phân đoạn trong tác phẩm của Tịch Thiên nêu lên sự phủ nhận của nhóm Trung Quán về các quan điểm của học phái Duy Thức hay Cittamatra (một học phái cho rằng tất cả đều do tâm thức mà có và không công nhận tính cách hiện thực của các sự vật bên ngoài). Tịch Thiên nêu lên quan điểm của mình bằng các câu hỏi sau đây:

Tiết 15c,d. (quan điểm Duy Thức) Nếu tâm thức ảo giác không hiện hữu, vậy thì cái gì sẽ cảm nhận ảo giác?

Nói một cách khác thì nếu những người thuộc học phái Trung Quán cho rằng tất cả mọi hiện tượng cũng chỉ như ảo giác, vậy thì các khái niệm, mọi sự cảm nhận và cả tri thức cũng sẽ phải tương tự như ảo giác. Nếu đúng như thế thì thứ gì sẽ nhận biết ảo giác? (bởi vì tất cả đều là ảo giác như nhau).

Có thể phủ nhận cách lập luận trên đây của học phái Duy Thức bằng nhiều cách. Trước nhất là cách dựa vào các luận cứ mang tính cách song hành (parallel / có nghĩa là các quan điểm khác biệt nhau và không thể trùng hợp với nhau hay “gặp nhau” được). Trong số bốn học phái triết học Phật Giáo có hai học phái thuộc Phật Giáo Tiểu Thừa là Kinh Lượng Bộ (Sautrantika) và Đại Tỳ Bà Sa Luận (Vaibhashika), và hai học phái thuộc Phật Giáo Đại Thừa là Trung Quán (Madhyamaka) còn gọi là Con Đường Trung Dung, và Duy Thức (Cittamatra) còn gọi là Tâm Thức Duy Nhất (tất cả chỉ là tâm thức). Cả hai học phái Đại Thừa trên đây đều chủ trương tính cách vô ngã của tất cả mọi hiện tượng, thế nhưng khái niệm này lại được định nghĩa khác nhau giữa hai học phái.

Theo học phái Duy Thức, hiện thực hiện ra trong tâm thức dưới ba thể loại hay bản chất khác nhau là: 1) bản chất hoàn toàn mang tính cách tưởng tượng, 2) bản chất lệ thuộc, 3) bản chất được thiết lập một cách hoàn hảo còn gọi là bản chất tối hậu. Dựa vào khái niệm này nhóm Duy Thức giải thích về tính cách “vô ngã” của mọi hiện tượng bằng cách cho rằng cái ngã (hay là “cái tôi”) hay thể tính (identity) bị phủ nhận của một cá thể, nhất thiết chỉ liên hệ đến những gì mà ngôn từ và khái niệm hình dung ra nhằm để chỉ định các đối tượng muốn nói đến mà thôi. Những người Duy Thức cho rằng hình tướng hay các sự vật trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như chiếc bình, cây cột nhà, cái bàn… không tự chúng hiện hữu (có nghĩa là không thật sự hiện hữu) với tư cách là các cơ sở giúp cho ngôn từ dựa vào đấy để chỉ định chúng. Nếu căn cứ vào quan điểm đó của họ (tức là những người Duy Thức) thì tất cả mọi hiện tượng bên ngoài sau khi quán xét đến chỗ tột cùng sẽ nhất thiết đều là những phóng ảnh của tâm thức – trên phương diện tối hậu thì chúng chỉ là những phóng tưởng (extension) đơn thuần của tâm thức mà thôi. Dựa vào quan điểm đó nhóm Duy Thức phủ nhận hoàn toàn hiện thực của thế giới bên ngoài, bởi vì họ cho rằng nếu quán xét cẩn thận các sự vật trong cuộc sống thường nhật thì sẽ nhận thấy chúng dường như chiếm giữ một vị thế (status / quy chế) độc lập nào đó – tương tự như chúng hiện hữu thật “ở bên ngoài” (tâm thức) – thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là những phóng ảnh hay phóng tưởng thuộc bên trong tâm thức, hay những tạo dựng tâm thần hoàn toàn không hàm chứa một thực thể khách quan và độc lập nào cả. Khái niệm vô ngã trên đây về các hiện tượng có thể giúp làm giảm bớt đi sự bám víu của chúng ta vào những gì mà chúng ta xem như thuộc vào một thế giới vững chắc bên ngoài tâm thức mình. Trọng tâm của học thuyết do Duy Thức chủ xướng là thế giới bên ngoài chỉ toàn là ảo giác và mọi sự cảm nhận của chúng ta nhất thiết chỉ là những tạo dựng tâm thần, ảnh hưởng bởi các xu hướng có sẵn và đã ăn sâu vào tri thức chúng ta (tức là những kinh nghiệm hiểu biết mang lại từ các cảm nhận của lục giác, giáo dục – tức sự hiểu biết quy ước – và các xung năng của nghiệp. Tất cả những thứ ấy góp phần diễn đạt những gì thuộc thế giới bên ngoài).

Trong tiết sau đây tác giả tập Hành trình đến Giác Ngộ cho biết rằng nếu căn cứ vào quan điểm của học phái Duy Thức thì ngay cả thực tại của thế giới bên ngoài cũng không mang một tính cách vững chắc nào.

Tiết 16a. (quan điểm Trung Quán) Nếu dựa vào quan điểm của quý vị thì ngay cả ảo giác cũng không hiện hữu, vậy thì cái gì đã được nhận biết? (tất cả chỉ là ảo giác kể cả ảo giác cũng là ảo giác, vậy thì nhận biết cái gì?).

Tiết 16b. (quan điểm Duy Thức) Các vật thể hiện hữu bằng một phương cách khác (khác hơn với thể dạng hiện thực thô thiển): tức là bằng hình ảnh và hình ảnh thì cũng chính là tâm thức.

Những người Duy Thức cho rằng các sự vật bên ngoài không thật sự hiện hữu mà chỉ là những phóng tưởng và do đó họ công nhận rằng có một sự sai lệch nào đó giữa sự cảm nhận của chúng ta và thực tại bên ngoài. Những người Trung Quán viện dẫn rằng nếu đúng như thế thì với tư cách là những người Duy Thức đương nhiên quý vị cũng phải chấp nhận khái niệm cho rằng bản chất của thực tại cũng chẳng khác gì như ảo giác, ít ra là đối với thế giới bên ngoài. Trong trường hợp này tất nhiên quý vị cũng phải chấp nhận khái niệm cho rằng các vật thể bên ngoài không hàm chứa một sự hiện hữu đích thật và nội tại – có nghĩa là không mang một bản thể đích thật nào cả. Do đó quý vị cũng phải bắt buộc phủ nhận luôn tính cách hiện thực của cả ảo giác (trong tâm thức của quý vị) nữa.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông