mnmn

Hai thể loại cá thể con người

Sau phần trên đây thì tác phẩm của Tịch Thiên nêu lên quan điểm về các thể loại cá thể khác nhau liên quan đến khả năng lĩnh hội của họ cả về lý thuyết cũng như thực hành trong phép tu tập Phật Giáo về hai sự thật.

Tiết 3-4b. Có hai thể loại người tương quan với nhau: thể loại thứ nhất gồm những người biết suy tư và thể loại thứ hai gồm những người bình dị. Những người biết suy tư trội hơn hẳn so với những người bình dị, và đối với những người biết suy tư thì họ lại còn được phân chia theo nhiều đẳng cấp khác nhau căn cứ vào trí thông minh của họ.

Như đã nói đến trên đây, thật hết sức hệ trọng là phải thấu triệt được hai sự thật là gì. Tập Hành trình đến Giác Ngộ nêu lên hai nhóm người với các phản ứng khác nhau khi phải đối đầu với khái niệm về hai sự thật: một nhóm là những người biết suy tư và một nhóm là những người bình dị. Tiếng Tây Tạng gọi những người bình dị là jigtenpa, và những người biết suy tư là naljorpa có nghĩa là những người quán thấy được mọi sự vật qua một tầm nhìn sâu xa hơn. Từ Jig (trong chữ jigtenpa) có nghĩa là phù du và nhằm để nói lên một thứ gì đó đang bị hủy hoại, và từ ten có nghĩa là nền tảng hay cơ sở. Tóm lại chữ jigten có nghĩa là sự vắng mặt của sự trường tồn, và jigtenpa là thuật ngữ chỉ định một nhân dạng hay một chúng sinh phù du. Chữ jig nói lên sự suy thoái và sự phủ nhận mọi thể dạng bất biến hay trường tồn (éternité / eternity, infinity). Suy tư về ý nghĩa của thuật ngữ trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu rằng không có một “cái tôi” (hay cái ngã) mang tính cách nhất thể, tuyệt đối và bất diệt (éternel / eternal, perpetual) nào cả.

Khi nêu lên những người bình dị theo như trên đây thì đấy là cách nhằm để chỉ định những người chấp nhận một tầm nhìn mang tính cách thực thể (perspective réaliste / realistic view) nào đó về bản chất tối hậu của hiện thực. Trong số này gồm có các môn đệ của tất các học phái (tín ngưỡng) xưa của Ấn độ ngoài Phật Giáo, và một một số môn đệ của một vài chi phái nhỏ thuộc các học phái Phật Giáo, chẳng hạn như chi phái Đại-tì-bà-sa luận (Vaibhashica). Chi phái này cho rằng thế giới mang bản chất “nguyên tử” tức là được cấu tạo bởi các hạt nguyên tử (đơn vị) không thể phân cắt nhỏ hơn được nữa, và thế giới đó mang tính cách khách quan và độc lập (xem thế giới bên ngoài là thật). Tóm lại là chi phái này tin vào tính cách thực thể (réalité substentielle / substantial reality) của mọi vật thể và sự kiện. Quan điểm này đã bị chi phái Kinh Lượng Bộ (Sautantrika) bác bỏ hoàn toàn, bởi vì theo chi phái này thì một số thể dạng nào đó của hiện thực – chẳng hạn như các tạo tác tâm thần gồm toàn những thứ cấu hợp trừu tượng – chỉ có thể hình dung được trong lãnh vực tư duy và khái niệm mà thôi. Điều này cho thấy rằng không thể nào gán cho tất cả các vật thể và sự kiện bất cứ một quy chế tuyệt đối và khách quan nào cả (thí dụ như tư duy và khái niệm không thể nào là những thứ cấu hợp gồm những hạt nguyên tử được). Các quan điểm trên đây cũng được các học phái Phật Giáo khác đưa ra bàn thảo, và sự tranh luận cứ tiếp tục tiếp diễn như thế. Đấy cũng chính là những gì mà Tịch Thiên muốn nêu lên để chứng minh quan điểm của ông cho rằng chủ trương của trường phái này cũng có thể bị phủ nhận hay bác bỏ bởi trường phái khác. Ngay cả đối với những người biết suy tư đã đạt được nhiều trình độ tu tập khác nhau thì quan điểm của những người thuộc các cấp bậc cao vẫn vượt xa hơn quan điểm của những người thuộc các cấp bậc kém hơn.

Vậy chúng ta hãy thử phân tích cẩn thận hơn sự nhận định cho rằng quan điểm của những người bình dị thiếu vững chắc và không thể theo kịp được quan điểm của những người biết suy tư. Theo tôi thì sự đối chiếu các quan điểm như trên đây cũng chỉ nằm trong khuôn khổ hạn hẹp của sự so sánh giữa các cấp bậc suy luận khác nhau. Đương nhiên, trong việc bàn thảo về các quan điểm do các học phái Phật Giáo đưa ra đôi khi cũng cần phải căn cứ vào tính cách chính thống trong các kinh sách ghi chép những lời giảng huấn của chính Đức Phật. Dầu sao đi nữa thì chúng ta cũng phải dựa vào sự lý luận; và do đó tất nhiên là quan điểm của những người biết suy tư sẽ vượt xa hơn và vững chắc hơn so với quan điểm của những người bình dị, bởi vì sự suy luận của họ được cân nhắc cẩn thận hơn. Chẳng hạn như một số người chấp nhận vài nguyên tắc giáo lý do các chi phái, chẳng hạn như Kinh Lượng bộ và Đại Tì Bà Sa Luận, đưa ra và cho đấy là đúng, thì thật ra họ cũng chỉ lựa chọn và trích dẫn các tác phẩm nào đưa ra các luận cứ phù hợp với lập trường của họ mà thôi. Dầu sao đi nữa ngay cả trường hợp nếu chấp nhận kinh sách như là nền tảng chính thống duy nhất và bắt buộc phải căn cứ vào đấy để phát biểu đi nữa thì chúng ta cũng có thể nhận thấy vô số lập trường khác nhau (tùy theo trình độ hiểu biết, xu hướng, giáo dục và xung năng có sẵn – tức là những gì ảnh hưởng từ nghiệp – mà mỗi cá thể sẽ diễn đạt hay đánh giá với ít nhiều khác biệt về những gì đã được ghi chép trong kinh sách).

Đối với Phật Giáo nói chung và nhất là đối với Đại Thừa Phật Giáo thì thật hết sức quan trọng là phải phân biệt được hai loại kinh sách của Đức Phật. Một loại gồm các kinh sách có thể hiểu thẳng như thế – có nghĩa là hiểu một cách từ chương và không cần phải suy xét gì cả – và một loại gồm các kinh sách cần phải được bình giải tường tận hơn. Một khi đã chấp nhận có sự khác biệt trên phương diện chú giải các văn bản cổ xưa thì chúng ta cũng sẽ có đầy đủ lý do để phủ nhận sự thật ghi chép bằng chữ nghĩa của một văn bản, nhất là nếu văn bản ấy đi ngược lại với những kinh nghiệm cảm nhận của chính mình, dù đấy là những lời giáo huấn của Đức Phật cũng thế (nếu nhận thấy rằng khoa chú giải các kinh sách cổ mang tính cách thiêng liêng – hermaneutic – đưa ra nhiều cách diễn đạt khác nhau về một chủ đề ghi chép trong cùng một văn bản thì chúng ta cũng có thể căn cứ vào sự kiện đó như là một bằng chứng để không chấp nhận một sự giải thích hay một quan điểm nào đó đã được ghi chép bằng chữ viết trong các kinh sách chính thống). Điều này cho thấy vai trò vô cùng chủ yếu của sự suy luận và hiểu biết trong việc tu tập Phật Giáo (thật vậy nếu muốn tu tập Phật Giáo một cách nghiêm chỉnh thì phải thấu hiểu tường tận và sâu xa giáo huấn của Đức Phật, nếu không thì chẳng những việc tu tập của mình không có lợi ích gì mà còn có thể mang lại cho mình thêm nhiều hoang mang. Thí dụ như làm lễ cầu an, cầu siêu… mà tụng niệm câu sau đây trong Tâm Kinh: “hình tướng là trống không, trống không là hình tướng” thì có phải là mâu thuẫn và khôi hài lắm chăng?). Trong một quyển Kinh Đức Phật có giảng rằng người tu tập không nên chỉ vì kính trọng Ngài mà chấp nhận những lời thuyết giảng của Ngàì. Người tu tập phải biết đắn đo cẩn thận với một tinh thần chỉ trích cao độ và phải căn cứ vào các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình, tương tự như người thợ kim hoàn nhiều kinh nghiệm đem vàng ra để thử bằng các phương pháp gắt gao nhất như rạch, nung hay chà xát.

Chẳng hạn như khi Tịch Thiên cho rằng quan điểm của những người tu tập ở cấp bậc thấp sẽ bị phủ nhận và vượt lên trên bởi quan điểm của những người tu tập ở bậc cao hơn, thì trường hợp này có thể hiểu như là một sự thật hiển nhiên dựa vào những kinh nghiệm nhận biết cá nhân của chính mình. Nếu ước tính về sự hiểu biết hiện nay của mình về các chủ đề như vô thường hay vô ngã của mọi vật thể và sự kiện nhằm để so sánh với khả năng lĩnh hội trước đây của mình thì sự hiểu biết hiện nay của mình nhất định là phải thâm sâu hơn, kể cả trường hợp có thể hoàn toàn thay thế được sự hiểu biết trước đây của mình. Vì thế khi đã đạt được một tầm nhìn mới thì nó cũng sẽ mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm cảm nhận mới và cả những sự hiểu biết mới về thế giới.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông