Không gây thêm đau khổ trong hiện tại

Đối với Phật giáo nguyên thủy, kinh nghiệm chết có quan trọng hay không?

Quán tưởng về sự chết được xem là một cách quán sát về sự vận hành của các pháp, về quy luật của thế giới tự nhiên. Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ lễ tang của người Thái lan vì đó là một dịp để những người tham dự quán tưởng về pháp. Người ta không suy đoán là linh hồn người chết đang ở đâu. Người ta chỉ quán tưởng trên kinh nghiệm của một người nào đó đang chết. Người ta sẽ nhìn tử thi, và quán tưởng về một thân xác đã mệnh chung. Người ta không gán cho nó một ý nghĩ nào hết như chết là đáng sợ và ghê tởm chẳng hạn. Chỉ cần quán sát phản ứng của bạn với tử thi. Nếu bạn chưa bao giờ thấy tử thi, và nếu tử thi đó đang thối rữa, bạn sẽ nói: “Xác chết thật xấu xa ghê tởm. Tôi không chịu nổi mùi hôi thối. Thật là khủng khiếp.” Nhưng khi vượt qua giai đoạn đó, và khi không còn tiêu cực nữa, bạn sẽ thấy sự hiện diện của tử thi thậm chí có thể đem lại sự bình yên cho bạn. Đó là một quá trình thối rữa tự nhiên, và rất kỳ diệu. Bạn sẽ thấy là thiên nhiên, ngay cả trong trạng thái hoại rữa của nó, cũng là một phần của sự toàn hảo. Không có cái gì là xấu xa hay hôi thối, ngoài những ý nghĩa bạn gán cho nó.

Có một lần tôi vào một bệnh viện ở Băng Cốc vì ở đây người ta cho phép chư tăng đến quán niệm các tử thi. Lần đó, họ để một tử thi sình chương mới vớt từ một trong những kênh đào chảy quanh thành phố. Xác đã chết một tuần lễ, hôi nồng nặc và đã thối rữa, tử khí bốc lên, và dòi bọ bò lúc nhúc trong hai tròng mắt. Mới thoạt nhìn, mùi hôi và hình thù của tử thi rất là dễ sợ. Phản ứng bình thường của con người là hoàn toàn ghê tởm và chỉ muốn chạy thoát ra khỏi căn phòng ngay. Nhưng bạn phải tiếp cận với tử thi; bạn phải dùng ý chí để ở lại. Và rồi bạn phải đứng đó để chấp nhận xác chết như chính nó, ngay cả mùi hôi thối và hình hài của nó.

Nhưng rồi bạn sẽ thay đổi. Khi mà tình cảm chống ghét và tiêu cực không còn nữa, khi mà bạn đã vượt qua phản ứng trốn chạy đầu tiên đó, bạn sẽ bắt đầu quán sát tử thi như Pháp và chiêm ngưỡng nó. Bạn sẽ chiêm ngưỡng sự toàn hảo của quá trình hoại rữa, và đó chính là sự toàn hảo của thế giới tự nhiên. Đó là một tiến trình tự nhiên, không xấu xa hay ghê tởm. Nó là biểu hiện của cuộc sống và là sự vận chuyển và thay đổi của các pháp. Khi bạn có thể thấy tiến trình hoại diệt một cách bình tĩnh và sáng suốt, bạn sẽ thấy thế giới tự nhiên này chính là Pháp.

Ở Thái Lan, người ta gọi thiên nhiên hay thế giới tự nhiên là “Dhammachat” hay Pháp. Dhammachat có nghĩa là tiến trình phát triển tự nhiên của vạn vật, hay quy luật của thiên nhiên. Nhưng ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng xem thế giới tự nhiên là cái gì đó nằm ngoài tôn giáo. Cấu trúc giáo lý siêu hình của đạo Kitô không liên hệ chút nào đến quy luật tự nhiên cả. Vì thế, trong Kitô Giáo, con người có được cứu rỗi hay không là tùy thuộc vào việc họ có tin tưởng vào những giáo lý siêu hình, chứ không tùy vào việc họ có hiểu biết của những quy luật tự nhiên hay không. Theo cách mà tôi đã được huân tập ở phương Tây, thiên nhiên là cái gì nằm ở bên ngoài chúng ta; là cái mà chúng ta có thể thấy được. Có núi non, cây cỏ và những quy luật tự nhiên, nhưng chúng không liên quan gì đến bạn cả, vì thế bạn thường cảm thấy rất xa lạ với chúng.

Nhưng thân xác của bạn vận hành theo quy luật tự nhiên; nó là một phần của cấu trúc hành tinh này. Và toàn bộ quá trình vận động tự nhiên là bộ phận của một tổng thể toàn hảo. Trong Đạo Phật, thấy Pháp là thấy được sự vận hành tự nhiên của vạn vật, lúc đó bạn đang mở rộng tâm để tiếp cận với thế giới tự nhiên. Đó chính là những gì Đức Phật khám phá ra khi Ngài đại ngộ: Ngài nhận chân được sự vận hành tự nhiên của vạn vật. Và ngay lúc ấy, tất cả những nhận định sai lầm về cái ngã và nền văn hóa dựa trên vô minh, sợ hãi, và tham ái đã tự nhiên biến mất trong tâm của Ngài.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng