bàn-bạc-với-tâm

Vượt lên trên cuộc đời

“Vượt lên trên cuộc đời” (tiếng Anh là transcendence) nghĩa là gì? Cụm từ “vượt lên trên cuộc đời” hình như gợi cho chúng ta ý nghĩa về sự lìa bỏ toàn bộ thế giới này để đi đến một trú xứ khác. Đối với nhiều người, “vượt lên trên cuộc đời” này có nghĩa là rời bỏ, không còn mảy may để ý hay quan tâm đến thế giới này, và hoàn toàn sống trong một cảnh giới khác.

Tuy nhiên trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta hãy quán tưởng thêm về cái mà chúng ta gọi là thế gian hay thế giới. Do huân tập của nhà trường và các khoa học địa lý tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng xem trọng thế giới vật chất và từ đó, chúng ta xem thế giới là những gì được vẽ trên bản đồ hay là quả địa cầu gồm những quốc gia mà chúng ta biết được. Chúng ta cho thế giới này là cái hành tinh có tên là Trái Đất, và vì thế, muốn vượt lên trên thế giới này, bằng cách nào đó chúng ta phải thoát ly khỏi nó — thí dụ như đi lên mặt trăng chẳng hạn. Tuy nhiên, khi nói về thế giới, người Phật tử không nói về cái thế giới ở bên ngoài mà chúng ta thường biết. Trái lại, họ nói về cái thế giới bên trong, hay nói khác đi, họ nói về tâm, bởi vì tâm mới thật sự là cái thế giới mà chúng ta đang sống. Ngay cả khái niệm về thế giới hay thế gian mà chúng ta đang thảo luận hiện này cũng là một khái niệm xuất phát từ tâm. Tất cả những quan điểm về thế gian, bản thân con người, những chúng sinh khác, và các hành tinh khác thật ra cũng chỉ là những khái niệm được tạo tác và sinh khởi trong tâm; chúng sinh rồi diệt trong tâm. Chúng ta thường cho thế giới là cái chỉ có ở bên ngoài; chẳng hạn như khi nói, “Chúng tôi sẽ đi học và nghiên cứu về thế giới,” chúng ta muốn nói là chúng ta sẽ đi đến những nước trên thế giới để học. Nhưng sự thật không phải thế. Bạn không cần phải đi đâu hết để thấy được thế giới và vượt lên trên chính nó. Bạn chỉ cần mở rộng tâm thức của mình, rồi bạn sẽ thấy thế giới đang vận hành như chính nó, và bạn sẽ thấy là tất cả các pháp thế gian đều do duyên khởi, chúng đến rồi đi, sinh rồi diệt không ngừng.

Ngay trên thế gian này, khi mở rộng tâm thức, chúng ta sẽ thấy được sự toàn hảo của các pháp. Bạn hãy tưởng tượng ra tất cả những màu sắc toàn hảo hơn màu sắc của các loài hoa trên trái đất này. Bạn sẽ thấy là chúng ta thường thiết lập những tiêu chuẩn toàn hảo dựa trên những gì mình đã thấy và biết được: Thước đo thẩm định của chúng ta thường dựa vào kinh nghiệm quá khứ. Nhưng cái đẹp tự nó luôn thay đổi; nó không đứng yên một chỗ. Thời tiết bốn mùa cũng thay đổi. Tất cả lá cây rồi sẽ phải lìa cành, tất cả bông hoa rồi sẽ héo úa. Mọi vật đều ảm đạm và buồn tẻ trong mùa đông khi không gian không có màu sắc gì khác ngoài những nét đậm và nhạt, đen và trắng. Bây giờ, nếu chúng ta yêu thích những màu sắc rực rỡ, những bông hoa xinh đẹp, và sức sống mới mẻ của mùa xuân, chúng ta sẽ cho là mùa xuân đẹp hơn mùa đông. Nhưng nếu biết mở rộng tâm thức để tiếp nhận mùa đông, chúng ta cũng sẽ thấy được vẽ đẹp tinh tế của nó. Rồi chúng ta sẽ chiêm ngưỡng sự vắng bóng của các sắc màu rực rỡ và sự tĩnh lặng của mùa đông giống y như chúng ta đã ngưỡng mộ các sắc màu rực rỡ và sinh lực tràn đầy của mùa xuân.

Chúng ta chiêm ngưỡng sự toàn hảo không phải vì thấy nó trong tư thế đứng yên và bất biến. Chúng ta chiêm ngưỡng sự toàn hảo vì thấy được nó trong dòng vận động của các pháp giống như chúng ta thấy sự toàn hảo của đóa hồng trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nếu muốn có một sự toàn hảo cố định và bất biến, chúng ta không cần phải mất công sức chi hết; chỉ cần tìm một hoa hồng bằng nhựa để ngắm, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng về đóa hoa nhựa này. Quán tưởng theo cách này, tâm của chúng ta sẽ mở rộng và tiếp cận với sự toàn hảo của thiên nhiên và thế giới hữu vi. Quan điểm của chúng ta về sự toàn hảo sẽ không còn đứng yên và cố định nữa. Chúng ta sẽ thấy là không có một tiêu chuẩn duy nhất cho sự toàn hảo, và khi mọi việc không xảy ra như ý chúng ta muốn, sự toàn hảo vẫn có mặt trên thế gian này. Chúng ta không chấp chặt vào một tư tưởng bất biến và cố định là thế giới phải như thế này. Ngược lại, chúng ta sẽ thấy thế giới này một cách sinh động, thật sự như nó đang là và đang xảy diễn.

Vượt lên trên thế gian (transcendence) có nghĩa là không chấp hay bám víu vào thế giới này; tuy nhiên, nó cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ bồng bềnh trôi nổi trên bầu trời hoàn toàn cách ly với trái đất. Nó có nghĩa là chúng ta vẫn sống trong thân xác con người này, giữa thế giới hữu vi này mà vẫn không bị nhiễm ô hay hiểu sai lạc về nó. Khi chúng ta quán chiếu và suy tưởng về cuộc sống đến mức độ có thể thấy nó rõ ràng như chính nó, lúc đó, có thể nói là chúng ta đã “vượt lên trên thế giới này.” Vì thế, trong tiến trình vượt lên trên thế gian, chúng ta vẫn có thể làm việc và sống ngay trong cuộc đời này, nhưng cuộc sống chúng ta sẽ rất trong sáng và thanh tịnh vì lúc đó chúng ta không còn bất kỳ một ảo tưởng nào về nó. Chúng ta không thể đòi hỏi thế giới này phải là cái gì khác ngoài những gì nó đang là — và thế giới đó chính là tâm của chúng ta.

Trong tiếng Pali, từ “Arahant” hay A La Hán có nghĩa là người đã tận diệt tất cả nhiễm ô hay những quan kiến sai lạc về bản chất của thế gian. Đó là từ mà chúng tôi dùng để mô tả một con người hoàn hảo và toàn bích — con người đã vượt lên trên thế gian này, nhưng vẫn sống trong thế gian này, và làm việc vì lợi lạc của tất cả chúng sinh khác. Nếu bạn đã từng nhìn thế gian này qua nhãn quan của tự ngã và đã buông bỏ những quyền lợi ích kỷ của mình trong thế gian, thì còn gì phải làm nữa chứ? Nếu đã vượt lên trên bản ngã, chắc chắn là bạn sẽ không còn sống cho cái bản ngã hoang tưởng đó nữa. Người mà hoàn toàn vượt lên trên bản ngã sẽ không đòi hỏi gì hết, dù đó chỉ là sự biết ơn hay một lời khen ngợi. A La Hán là một người sống vì lợi lạc của người khác và xã hội. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng xã hội toàn hảo là xã hội của những người giác ngộ, xã hội của những vị A La Hán đã “vượt lên trên thế gian này”.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng