nnnn

Không theo các phe phái

Ngày này, bằng nhiều cách, con người bị sức ép phải chọn một tư thế hay lập trường nào đó. Tâm trí chúng ta thường chạy đi tìm một lập trường đã có sẵn nào đó rồi bám chặt vào đó. Lập trường này có thể là một quan điểm chính trị, tôn giáo, quốc gia, hay quan điểm cá nhân nào đó. Đó cũng có thể là quan điểm về giai cấp, màu da, hay giới tính. Cũng có người liều lĩnh tuyệt vọng chạy đi tìm lập trường trên những vấn đề xằng bậy và rồ dại nhất. Chúng ta có nhu cầu phải chọn một lập trường nào đó để cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa và mục đích. Nếu không, có lẽ người đời sẽ xem chúng ta là một kẻ khù khờ đáng chán và không thuốc chữa.

Nhưng khi đã chọn lập trường — nghĩa là khi bị dính mắc vào một quan điểm nào đó — chúng ta sẽ có khuynh hướng bị ám ảnh bởi lập trường đó, và không nhìn mọi việc rõ ràng nữa. Chúng ta sẽ bị kẹt trong những quan điểm và tác phong tự cho mình là đúng đến nỗi chúng ta không còn khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với tập thể và gia đình của chúng ta, đó là chưa kể đối với kẻ thù của chúng ta. Chúng ta có thể mù quáng đấu tranh cho quan điểm chính trị của mình đến nỗi có thể sẵn sàng hủy diệt cả thế giới này hầu bảo vệ quan điểm của mình.

Dĩ nhiên, chỉ có những người cực đoan mới làm việc này. Đa phần chúng ta đều có một cái nhìn rỏ ràng nhất định nào đó về cuộc đời, nhưng chúng ta lại thường do dự và dao động. Chúng ta bối rối không biết nên theo phe nào — nên theo hẳn phe tả hay phe hữu — và chao đảo giữa hai phe. Thỉnh thoảng chúng ta ganh tỵ với những người cả tin và cả quyết, luôn cho lập trường của ông ta là tuyệt đối đúng; và chúng ta muốn mình cũng có được niềm tin mạnh mẽ và quyết đoán như ông ta. Chúng ta nghĩ là tâm chúng ta sẽ yên ổn nếu mọi việc được trắng đen rạch ròi như thế.

Nhưng phần lớn cuộc đời của chúng ta đều nằm trong vùng tranh tối tranh sáng “không hữu cũng không tả.” Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng duy trì thân mạng của mình, sống hòa hợp với những người chung quanh, sống yên ổn và có một số thân bằng quyến thuộc nào đó. Ngay cả những người cuồng tính nhất cũng phải trực diện với những sự thật của cuộc đời. Họ cũng phải tìm thực phẩm để ăn, nhà cửa để ở, và quần áo để mặc; họ cũng phải già, khổ vì bịnh, và mất đi người thân của mình. Tất cả chúng ta đều đau khổ khi không đạt được những gì mình mong muốn. Và tất cả chúng ta đều phải đi qua một kinh nghiệm mà không ai có thể tránh được, đó là sự chết.

Đức Phật dạy chúng ta về cuộc đời thật như chính nó. Đạo Phật giúp ta mở rộng tâm thức để tiếp nhận cuộc đời, mà không buộc chúng ta phải chọn một lập trường. Điều này không có nghĩa là chúng ta không được phép có những nhận định và ý kiến; chúng ta phải có những quan kiến để sống trên đời. Nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ về việc chúng ta dễ bị dính mắc trong các lập trường và quan điểm. Khuynh hướng dính mắc này là một vấn nạn đặc biệt trầm trọng ở các nước phương Tây: chúng ta quá duy tâm và hoàn toàn bị trói buộc bởi những lý thuyết và quan điểm về những gì xảy ra trong cuộc đời.

Con người ngày này có những tiêu chuẩn rất cao; họ biết sự diễn biến và vận hành của mọi việc. Tôi hiếm khi gặp người chủ tâm làm những việc xấu ác, sống ích kỷ và không quan tâm gì đến người khác; những người như thế rất ít. Phần đông những người mà tôi gặp đều muốn mọi việc phải được tối ưu — cho dù chữ “tối ưu” này được hiểu theo nghĩa là đáp ứng tối ưu cho quyền lợi của riêng họ. Chúng ta động não để định nghĩa thế nào là tối ưu, và chính vì thế mà tâm chúng ta trở nên rất phán đoán. Chúng ta cho là xã hội không diễn biến như chúng ta mong đợi: nó phải tốt hơn. Chúng ta rất chú tâm đến những vấn đề tiêu cực đang xảy ra chẳng hạn như nền kinh tế phát triển chậm, bộ máy nhà nước nặng nề, và những bất công còn tồn đọng. Những vấn đề này chiếm lĩnh tâm tư chúng ta vì chúng ta hình dung ra một xã hội không tưởng trong đó mọi việc diễn ra tốt đẹp như ý chúng ta muốn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một thiên đàng đầy công bằng, bình đẳng, tử tế, và tình thương yêu. Nhưng trong thực tế, những gì chúng ta kinh nghiệm chính là cuộc đời thật như chính nó. Cuộc đời này đang xảy ra cho bạn như thế nào? Thật sự nó là gì?

Đây chính là điều mà chúng tôi gọi là mở rộng tâm thức để tiếp nhận cuộc đời hay các pháp như chính nó, đừng phê phán và cũng đừng khẳng định điều gì cả, hãy thật sự cảm nhận cái thiện và bất thiện, công lý và bất công, ban ngày và bóng đêm, trời nắng và trời mưa, cái nóng bức và lạnh lẽo. Trong ngữ học Phật giáo, đó là hãy chánh niệm. Chánh niệm là con đường giúp chúng ta đi ra khỏi khổ đau. Khi chúng ta sống trọn vẹn với thực tại mà không phán đoán, tâm chúng ta sẽ tròn đủ, cởi mở, tỉnh giác, và tiếp nhận.

Với chánh niệm, chúng ta không phải lấy lập trường, chạy theo các phe phái, hay bị kẹt trong những cuộc cãi vã và những vấn đề của gia đình, cơ quan, và xã hội. Ngược lại, chúng ta có thể mở rộng tâm thức trước những xung đột. Tâm con người có khả năng tiếp nhận cả hai phe đối lập; nó mẫn cảm với mọi việc. Nó có thể cởi mở, tiếp nhận, và rõ ràng với phe hữu lẫn phe tả, với cái xấu lẫn cái tốt.

 

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng