nnnn

Độ thân ái

Tôi đã học được cách làm thế nào để có thể thân ái và tử tế với những tình cảm và tư tưởng xấu xa trong tôi. Về bản chất, tôi là một người hay ganh ghét. Ganh tị và sân hận là vấn đề lớn của đời tôi. Khi mới xuất gia, tôi gặp nhiều khó khăn vì tôi thù ghét bản tính ganh tị của mình và cố hết sức để hủy diệt tình cảm này. Bất cứ lúc nào mà tâm ganh tị xuất hiện, tôi tìm cách đè nén nó. Tôi hành thiền với hy vọng là tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc và hoan hỷ về người mà tôi thường ganh tị. Tôi cắn răng và nói thầm trong tâm với người mà tôi thường ganh tị: “Thưa bạn, tôi thật sự có cảm tình với bạn đấy! Tôi thật sự hoan hỷ với bạn”. Nhưng tôi vẫn thấy đau nhói trong tim và thật sự căm ghét lòng ganh tị của tôi. Tôi hy vọng là không ai biết về điều này. Tôi tìm mọi cách để che đậy tâm ganh tị trước mặt mọi người. Tôi thường nói với các bạn khác, “Bạn không cảm thấy hoan hỷ và hạnh phúc với anh hay chị ấy à? Họ quả thật là những người tuyệt vời phải không bạn?”, để làm cho mọi người tin là tôi không hề ganh tị với những người này. Trong nhiều năm, tôi tìm cách dứt bỏ tình cảm này, dồn ép nó, triệt tiêu nó, nhưng tôi chỉ thấy là bệnh ganh tị của tôi ngày càng trầm trọng. Trầm trọng đến nỗi tôi không thể giấu kín nó được nữa, và rồi mọi người đều thấy rõ sự ganh tị ghen ghét của tôi. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về điều này.

Sau đó, tôi quán tưởng sâu thêm về vấn đề này. Tôi tự nói với mình: “Ông Sumedho ơi! Rõ ràng là ông đang làm một việc rất sai lầm. Ông đã tìm mọi cách để dứt bỏ tâm ganh tị nhưng dù đã mất biết bao công sức, nó vẫn không dứt được”. Và rồi tôi nhận ra rằng vấn đề thật sự không phải là tâm ganh tị; vấn đề thật là thái độ thù ghét của tôi đối với tâm ganh tị. Đây mới chính là vấn đề. Vì thế, khi thấy tâm ganh tị bắt đầu khởi lên, tôi liền nói: ” Ồ, ganh tị lại đến thăm ta. Xin chào bạn!”. Rồi tôi cố ý để cho tâm ganh tị hiện lên trong tâm tôi; Tôi khám phá ra rằng, “Tôi ganh tị vì sợ rằng người ấy sẽ giỏi hơn tôi”. Tôi để cho tâm ganh tị hiện ra trọn vẹn và đầy đủ trong tôi. Tôi chú ý lắng nghe, thật sự lắng nghe và thân mật với nó, thay vì nói, “Ôi! ganh tị lại đến; tao phải tiêu diệt mầy.” Tôi nói một cách thân mật, “Chào ông bạn ganh tị lâu năm của tôi!”. Từ đó, tôi học được rất nhiều về tâm ganh tị; nó xuất hiện như một lời cảnh cáo, nó đến để cảnh giác tôi và làm cho tôi tỉnh thức.

Nhưng để thân thiện với tâm ganh tị, chúng ta phải từ ái với nó, phải tử tế và vui vẻ cho phép nó tồn tại và chấm dứt trong chúng ta, không tìm cách thúc đẩy hay triệt tiêu nó. Nó vẫn làm chúng ta khó chịu vì ganh tị không phải là một kinh nghiệm dễ chịu. Nhưng chúng ta có thể chịu đựng được và đối xử tử tế với nó. Chúng ta không cần đánh đập hay xua đuổi nó nhưng phải quán sát nó kỷ lưỡng và đầy đủ. Chúng ta ý thức một cách trọn vẹn và quán sát nó cho đến lúc nó ngừng hoạt động. Nó tự ra đi vì nó không phải là một điều kiện thường hằng của tâm thức. Nó không phải là cái gì của riêng ta; nó chỉ là một cái bóng đi ngang qua tấm gương; bạn chỉ cần có đủ kiên nhẫn để cho cái bóng này ra đi và biến mất khỏi tấm gương mà thôi.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng