Chìa khóa khai thị chiều kích tâm linh

Pháp vô vi, pháp hữu vi, và ý thức con người

Các tôn giáo thường lấy quan hệ giữa thế giới hữu vi, còn được gọi là thế giới duyên sinh hay thế giới bị điều kiện và thế giới vô vi, còn được gọi là thế giới vô sinh hay thế giới không bị điều kiện làm đối tượng chính. Điều nầy có nghĩa là nếu đi vào tận cốt lõi của bất cứ tôn giáo nào, bạn sẽ thấy là tất cả đều đặt trọng tâm vào điểm kết thúc của cuộc sống hay sự ngừng nghỉ của thế giới hữu vi. Thấy được sự chấm dứt của thế giới hữu vi cũng là điểm bắt đầu của một quá trình chứng ngộ và hiểu biết về thế giới vô vi. Thuật ngữ đạo Phật có ghi: ” Có pháp vô vi; và nếu không có pháp vô vi, thì cũng không có pháp hữu vi.” Pháp hữu vi sinh và diệt trong pháp vô vi, và qua đó, chúng ta có thể thấy được quan hệ giữa thế giới hữu vi và thế giới vô vi. Đã sinh ra làm người, chúng ta phải chịu sự chi phối của những giới hạn và điều kiện của thế giới dựa trên giác quan. Sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này có nghĩa là chúng ta đã thoát sinh từ thế giới vô vi và thị hiện dưới dạng một sắc thân riêng biệt và tùy thuộc vào nhiều điều kiện. Và có sắc thân con người này cũng bao hàm ý nghĩa là chúng ta có ý thức.

Ý thức luôn xác định quan hệ giữa chủ thể và khách thể, và trong Đạo Phật, ý thức được xem là chức năng phân biệt của tâm. Ngay bây giờ, bạn hãy suy nghĩ về điều này. Bạn đang ngồi đây và lắng nghe những lời tôi đang giảng. Đây là kinh nghiệm của ý thức. Bạn có thể cảm thấy hơi nóng trong phòng, bạn có thể nhìn quang cảnh chung quanh, bạn có thể nghe những âm thanh. Tất cả điều này có nghĩa là bạn đã được sinh ra trong sắc thân con người và từ đây cho đến cuối đời, ngày nào mà sắc thân này còn sống, nó sẽ tiếp tục ghi nhận những cảm thọ và ý thức sẽ tiếp tục sinh khởi trong tâm. Ý thức luôn cho ta cái ấn tượng là có chủ thể và khách thể, vì thế, nếu chúng ta không chịu khó quan sát và tìm hiểu bản chất thật sự của sự vật, chúng ta sẽ bị kẹt trong cái nhìn nhị nguyên, cho “sắc thân này là của tôi, cảm thọ này là của tôi, ý thức này là của tôi.”

Do đó, thái độ nhị nguyên bắt nguồn từ ý thức. Và để rồi, với khả năng hiểu biết, ghi nhớ và nhận thức của tâm, chúng ta xây dựng cho mình một cá tính hay nhân cách. Thỉnh thoảng chúng ta rất yêu thích và thú vị về nhân cách của mình. Nhưng đôi khi chúng ta lại sợ hãi một cách vô lý, nhìn sai lệch và lo âu về chính con người của mình.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng