bliss-mindfulness-blog

Vấn đề thẩm lượng con đường tâm linh

Khi quý bạn đã nghe những lý giải của tôi, quý vị có thể nghĩ rằng chúng có căn bản suy luận tốt và hầu như khá hợp lý. Nhưng chúng ta cần những bằng cớ gì để chứng tỏ những suy luận này có giá trị và các luận cứ ấy có ý nghĩa gì? Có những bằng chứng nào cho biết ta có thể quan sát và thực chứng những lý giải này?

Về câu hỏi này, tôi muốn nói tới những điều tôi đã trải qua, đã thấy được lợi ích cho cá nhân tôi: đó là những điều tôi được học hỏi trong tông phái Sakya, từ các bài giảng về truyền thống Lam-dre (Con đường và thành quả). Theo giáo nghĩa này, có 4 yếu tố để đo giá trị, bình luận xác đáng, thầy giỏi và kinh nghiệm thực chứng có giá trị.

Dĩ nhiên là chúng ta phải học Kinh điển trước, rồi tới các Luận giải tiếp theo. Và muốn học cho đàng hoàng, ta cần một vị thầy hướng dẫn và giải nghĩa cho ta những luận bàn đó. Chuyện này dẫn tới những kinh nghiệm tu tập của người học đạo.

Nhưng nếu muốn phát triển con người mình, thì người học đạo nên đổi ngược thứ tự của 4 yếu tố này. Trước tiên ta phải có những kinh nghiệm của chính ta. Tỷ như khi quán chiếu về bốn pháp ấn, nếu chúng ta chưa trải qua chút kinh nghiệm cá nhân nào trước về các chân lý trong đó, thì ta không có động cơ thúc đẩy để có thể tu tập kiên trì.

Dĩ nhiên có nhiều trình độ khác nhau trên con đường tâm linh. Có những thực chứng thâm sâu mà tôi là một trong nhiều người không đạt tới, nhưng tất cả chúng ta đều có thể đạt tới trình độ của người mới học đạo. Riêng tôi, mỗi khi tôi quán chiếu về lòng từ bi tôi đều rất xúc động.

Nhưng làm sao thấy được kinh nghiệm tu tập nào là có giá trị? Ta có thể nhận xét về các ảnh hưởng của nó trong ta. Khi chúng ta quán chiếu về các tính thiện nào đó và khi ta cảm thấy hứng khởi trong tâm thức thâm sâu, thì ta đã tạo được một năng lực nội tại.

Sự thực chứng này giúp cho ta thêm can đảm, có cái nhìn rộng mở và đỡ bị lo lắng, bất an nắm đầu. Những điều này chứng tỏ các kinh nghiệm tâm linh của ta đã có giá trị phần nào. Như tôi đã nói trước đây, khi quán chiếu về các tính thiện thường khiến tôi rất cảm động, và tôi thêm kính ngưỡng các vị đại sư đã có được các đức tính đó.

Quán như vậy, tôi bắt đầu nhận ra là có lẽ trong tiểu sử của các tiền bối vĩ đại đã chứng ngộ sâu xa, nhiều chi tiết có thể rất gần với sự thật. Nhưng chắc chắn chúng ta phải công nhận rằng các truyền kỳ về cuộc đời các ngài có thể là những xưng tụng quá đáng, nhất là khi do các môn sinh của vị đạo sư đó tường thuật lại.

Tuy nhiên chúng ta không thể nói chung chung là tất cả những chuyện kể đó đều vô giá trị. Không phải như vậy, một số các thực chứng kỳ đặc của các vị đạo sư này có thể đã xảy ra.

Dĩ nhiên đó không phải là những điều phóng đại duy nhất trong kinh văn Phật giáo. Khi tôi đọc những lời phê bình rất công phu của một học giả lớn về một bản văn ngắn ngủi do thầy vị đó sáng tác, tôi thấy những lời bình luận đôi khi rất chi tiết và có tuệ giác tới nỗi tôi bắt đầu tự hỏi xem thực sự, người thầy của tác giả có ý đó trong đầu khi viết chăng?

Khi bạn liên hệ những gì mình thực chứng được với những chi tiết trong tiểu sử của các đại sư, bạn có thể phát triển lòng kính ngưỡng đối với các vị thầy có chân giá trị. Từ các thực chứng riêng tư, bạn sẽ tìm được thầy có đạo đức và khi bạn kính trọng thầy thì bạn sẽ có lòng tin vững chắc vào những gì ông thầy viết ra, từ đó tin vào nguồn gốc của những trí huệ thầy có, tức là các kinh bản Phật giáo.

Theo tôi, con đường tìm tới đạo như vậy rất lợi lạc: bạn khởi từ kinh nghiệm của chính mình, tiếp tục đi vào cốt tủy của con đường tâm linh bạn chọn. Đối với một Phật tử có hành trì, nhất là trong Phật giáo đại thừa, điều quan yếu nhất là tâm kính ngưỡng Bụt Thích Ca và sự kính trọng sâu xa đó phải bắt nguồn từ sự hiểu biết rõ ràng của ta về Phật pháp – những bài giảng căn bản của Bụt.

Hiểu biết Phật pháp tức là hiểu biết về Vô ngã và Không mà tôi đã nói ở trên. Một người học đạo Phật nghiêm chỉnh không chỉ quan niệm Bụt là nhân vật lịch sử, một vị thầy vĩ đại, với các đức tính tuyệt hảo và lòng từ bi vô lượng mà thôi. Sự kính ngưỡng Bụt của người Phật tử phải có căn cứ trên sự hiểu biết Chánh pháp thâm sâu của ngài, đó là triết lý Tánh Không.

Ta nên hiểu rằng Phật tánh hay sự giác ngộ toàn hảo, là sự thể hiện của 4 loại thân Phật. Sự hiểu biết căn bản này đưa ta tới một điểm căn bản khác trong Phật pháp. Đó là sự Bất nhị giữa thân và tâm. Ta nên hiểu trạng thái giải thoát hoàn toàn là một tổng hợp vô phân biệt (bất nhị) của Trí Tuệ và Từ Bi.

Ta có thể tóm lược lại những gì đã thảo luận rộng rãi như sau: Bốn Pháp ấn trong đạo Bụt dạy chúng ta rằng cái Khổ mà không ai trong chúng ta mong muốn – nó là kết quả của những cảm xúc, tư tưởng tiêu cực, có gốc rễ là những quan niệm sai lầm (tà kiến) của chính ta. Bốn tà kiến đó là: tin vào sự thường hằng bất biến – tin rằng những sự vật luôn biến đổi có thể mang lại hạnh phúc – cho mọi chuyện đều đáng ham muốn – và tin là mọi sự vật đều có tự tánh độc lập.

Những thành kiến sai lạc này có thể bị loại trừ qua sự phát triển cái hiểu (tuệ giác) về bản chất của thực tại (true nature of reality). Khi chúng ta nuôi dưỡng những cái hiểu như vậy, và tránh làm cho chúng mạnh hơn lên thì các tà kiến sẽ từ từ bị nhổ tận gốc, mang theo những cảm nghĩ bất thiện do chúng tạo ra.

Trong Phật giáo, về chuyện chuyển hóa tâm, có hai khía cạnh của con đường tu đạo, đó là Tu Phước và Tu Huệ. Tu Phước gồm các phương tiện thiện xảo, là giai đoạn chuẩn bị. Do đó, nó giúp cho hàng giả có thể sử dụng khả năng trí tuệ của mình (Tu Huệ) để trực tiếp loại trừ được tất cả khổ đau.

 

Đức Dalai Lama thứ 14