Guru_Purnima_Buddha_2020

Giác ngộ – vượt lên trên tư duy (2)

Ông nói rằng xúc cảm là phản ánh của tâm trí in vào cơ thể. Nhưng đôi khi có sự xung đột giữa hai bên: tâm trí bảo “không” trong khi xúc cảm bảo “có”, hoặc ngược lại.

Nếu bạn thực sự muốn biết rõ tâm trí của mình, cơ thể sẽ luôn luôn phản ánh sự thực cho bạn, vì vậy hãy quan sát xúc cảm, hay đúng ra hãy cảm nhận nó trong cơ thể. Nếu có sự xung đột hiển nhiên giữa hai bên thì ý nghĩ thường dối trá, còn xúc cảm thường thật thà. Nhưng đó không phải là sự thật tối hậu về con người bạn, mà chỉ là sự thật tương đối về trạng thái tâm trí của bạn vào lúc bấy giờ.

Xung đột giữa các ý nghĩ hời hợt và các tiến trình tâm trí bất thức chắc chắn thường xảy ra. Có lẽ bạn chưa có khả năng đưa hoạt động tâm trí bất thức hiện rõ thành các ý nghĩ, nhưng nó sẽ luôn luôn được phản ánh trong cơ thể dưới dạng xúc cảm và bạn có thể hiểu rõ xúc cảm này. Quan sát một xúc cảm theo cách này về căn bản cũng giống như lắng nghe hoặc quan sát một ý nghĩ, mà tôi đã miêu tả trên đây. Khác biệt duy nhất là trong khi ý nghĩ ở trong đầu bạn, thì xúc cảm có một thành tố vật chất mạnh mẽ, và vì vậy nó cốt yếu có thể được cảm nhận trong cơ thể. Lúc ấy bạn có thể để cho xúc cảm hiện hữu ở đó mà không bị nó chi phối. Bạn không còn là xúc cảm ấy nữa, bạn là chủ thể quan sát, bạn hiện trú để quan sát nó. Thường xuyên thực hành như vậy, tất cả những hoạt động tâm trí bất thức của bạn sẽ được đưa ra trước ánh sáng của ý thức.

Vì vậy, quan sát các xúc cảm cũng quan trọng không kém so với quan sát các ý nghĩ sao?

Phải. Hãy tạo thói quen tự đặt cho mình câu hỏi: Cái gì đang diễn ra bên trong tôi vào khoảnh khắc này? Câu hỏi ấy sẽ chỉ bạn đi đúng hướng. Nhưng đừng phân tích, chỉ đơn thuần quan sát thôi. Hãy tập trung chú ý vào bên trong, để cảm nhận năng lượng của xúc cảm. Nếu không có xúc cảm nào hiện hành, hãy chú ý sâu hơn nữa vào trường năng lượng nội tại của cơ thể bạn. Đó là cánh cổng mở vào Bản thể hiện tiền.

-ooOoo-

Một xúc cảm thường biểu thị cho một khuôn mẫu suy nghĩ được cung cấp năng lượng và khuếch đại lên, và do vì năng lượng tích tụ lại quá sức chịu đựng, cho nên khởi thủy bạn không dễ gì hiện trú đúng mức để quan sát được nó. Nó muốn khống chế bạn, và thường thì nó thành công trừ phi bạn có thể hiện trú đúng mức. Nếu bạn bị lôi cuốn vào tình trạng đồng hóa một cách bất thức với cảm xúc do thiếu sự hiện trú, bình thường là như vậy, cảm xúc ấy tạm thời trở thành “bạn”. Thông thường một vòng luẩn quẩn hình thành giữa suy nghĩ và cảm xúc: chúng nuôi dưỡng lẫn nhau. Khuôn mẫu suy nghĩ tạo ra một phản ảnh khuếch đại của chính nó dưới dạng một xúc cảm, và tần số rung động của xúc cảm ấy tiếp tục nuôi dưỡng khuôn mẫu suy nghĩ ban đầu. Nhờ lưu trú ở hoàn cảnh, biến cố, hay con người mà nó xem là nguyên nhân gây ra xúc cảm, ý nghĩ cung ứng năng lượng cho xúc cảm ấy, rồi xúc cảm ấy lại cung cấp năng lượng cho khuôn mẫu suy nghĩ, và vân vân….

Tựu trung lại, tất cả mọi xúc cảm đều là các biến thể của một xúc cảm nguyên thủy duy nhất nảy sinh từ trạng thái bất thức của con người đích thực vượt ra ngoài danh xưng và hình tướng của bạn. Do bản chất vô phân biệt của nó, thật khó lòng tìm ra được một cái tên để miêu tả chính xác các xúc cảm này. Thuật ngữ “sợ hãi” tuy có ý nghĩa khá gần gũi, nhưng ngoài cảm giác bị đe dọa không ngừng, nó còn hàm ngụ cảm giác bị bỏ rơi vào bất toàn sâu sắc. Có lẽ tốt nhất nên dùng một thuật ngữ vốn cũng vô phân biệt giống như xúc cảm căn bản ấy, và đơn giản gọi nó là “đau khổ”. Một trong các nhiệm vụ căn bản của tâm trí là chiến đấu chống lại hay loại bỏ cảm giác đau khổ, vốn là một trong các lý do khiến cho tâm trí hoạt động không ngơi nghỉ, nhưng tất cả mọi việc nó có thể thực hiện được chỉ nhằm tạm thời che đậy nỗi đau khổ ấy mà thôi. Thực ra, tâm trí càng cực lực đấu tranh để loại trừ đau khổ, thì đau khổ càng to lớn hơn. Có lẽ tâm trí không bao giờ tìm ra được giải pháp, mà nó cũng không cho phép bạn làm như thế, bởi vì bản thân nó vốn là một trong các nguyên nhân nội sinh gây ra “vấn đề”. Hãy hình dung viên cảnh sát trưởng đang cố gắng phát hiện ra thủ phạm cố tình gây hỏa hoạn trong khi thủ phạm này chính là viên cảnh sát trưởng ấy. Bạn sẽ không thoát khỏi nỗi đau khổ ấy cho đến khi bạn ngừng cảm nhận về Cái Tôi từ trạng thái đồng hóa với tâm trí, tức là tự ngã. Lúc ấy tâm trí bị lật đổ khỏi vị trí quyền lực của nó, và Bản thế hiện tiền tự hiển lộ ra như bản tính đích thực của bạn.

Vâng, tôi biết rõ câu hỏi bạn sẽ nêu ra.

Câu hỏi ấy là: Còn các tình cảm tích cực như yêu thương và niềm vui thì sao?

Chúng không thể tách rời khỏi trạng thái cộng thông nội tại tự nhiên của bạn với Bản thế hiện tiền. Tình yêu và niềm vui thoáng chốc hay những khoảnh khắc tuy ngắn ngủi mà sâu sắc có thể hiện hữu bất cứ lúc nào có một khoảng hở xuất hiện trong dòng chảy tư duy. Đối với hầu hết mọi người, những khoảng hở như thế hiếm khi xảy ra và chỉ xảy ra tình cờ vào những khoảnh khắc khi tâm trí rơi vào tình trạng “vô ngôn”, đôi khi chúng cũng bị kích hoạt bởi một vẻ đẹp tuyệt vời, bởi sự gắng sức cực độ ở thể xác, hay thậm chí bởi mối nguy hiểm lớn lao. Lúc ấy thình lình xuất hiện sự tĩnh lặng nội tại. Và bên trong cái tĩnh lặng đó có một niềm vui tế nhị mà mãnh liệt, rồi tình yêu và sự thanh thản tuôn trào ra.

Thông thường những khoảnh khắc như thế thật ngắn ngủi, bởi vì tâm trí lại nhanh chóng tiếp tục hoạt động gây huyên náo của nó mà chúng ta gọi là tư duy. Tình yêu, niềm vui, và sự thanh thản không thể triển nở cho đến khi bạn giải thoát bản thân mình ra khỏi sự thống trị của tâm trí. Nhưng chúng không phải là cái mà tôi gọi là xúc cảm hay tình cảm. Chúng vượt quá phạm vi các xúc cảm, nằm ở mức độ sâu thẳm hơn nhiều. Cho nên bạn cần phải triệt ngộ các xúc cảm của mình để có thể cảm nhận chúng, nhiên hậu mới có thể cảm nhận được những thứ vượt quá phạm vi của chúng. Theo nghĩa đen, xúc cảm có nghĩa là “rối loạn”, nó xuất phát từ tiếng La Tinh emovere có nghĩa là “gây rối”.

Tình yêu, niềm vui, và thanh thản là những trạng thái sâu sắc của Bản thể hiện tiền. Như vậy, chúng không có đối cực. Đây là vì chúng nảy sinh từ cái vượt quá phạm vi của tâm trí. Ngược lại, là một bộ phận của tâm trí có tính nhị nguyên, các xúc cảm lệ thuộc vào quy luật đối đãi. Điều này đơn giản có nghĩa là bạn không thể có tốt mà không có xấu. Cho nên trong điều kiện bị đồng hóa với tâm trí, thiếu tỏ ngộ, thì cái tôi khi được gọi là một cách sai lầm niềm vui thường là khía cạnh lạc thú ngắn ngủi của cái vòng luẩn quẩn khổ đau/lạc thú. Lạc thú luôn luôn được tiếp nhận từ thứ gì đó bên ngoài bạn, trong khi niềm vui tuôn trào từ bên trong. Chính sự vật đem lại lạc thú cho bạn hôm nay thì mai kia có thể khiến cho bạn phải đau khổ, hay nó sẽ rời bỏ bạn, và sự thiếu vắng nó sẽ đem lại đau khổ cho bạn. Và cái thường được gọi là tình yêu có thể là khoái lạc và hưng phấn trong chốc lát, nhưng lại là sự bám víu nghiện ngập, là tình trạng thiếu thốn cực độ khả dĩ vụt chốc biến thành đối cực của nó. Nhiều mối quan hệ “tình yêu”, sau khi trạng thái phấn khởi ban đầu đã qua đi, thực ra luôn dao động giữa hai đối cực yêu thương và căm ghét, giữa cuốn hút và công kích lẫn nhau.

Tình yêu và đích thực không làm cho bạn thống khổ. Làm sao như thế được? Nó cũng không đột ngột biến thành căm ghét, và niềm vui đích thực cũng không biến thành đau khổ? Như đã nói, thậm chí trước khi tỏ ngộ – trước khi tự giải thoát khỏi tâm trí của mình – bạn có thể thoáng thấy niềm vui đích thực, tình yêu đích thực, hay thoáng thấy sự thanh thản nội tại sâu sắc tuy tĩnh lặng mà sống động rực rỡ. Đây là những sắc thái trong bản tính đích thực của bạn, vốn thường xuyên bị tâm trí che khuất đi. Ngay bên trong một quan hệ say nghiệm “bình thường”, người ta cũng có thể cảm nhận được những khoảnh khắc có sự hiện diện của một thứ gì đó chân thực, một thứ gì đó không thể hủy hoại được. Nhưng chúng chỉ là những thoáng hiện, chẳng bao lâu sẽ lại bị che khuất đi bởi sự can thiệp của tâm trí. Lúc ấy bạn dường như đã sở hữu vật gì đó rất quý giá rồi đánh mất nó đi, hoặc giả tâm trí có thể thuyết phục bạn rằng dù sao tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi. Sự thực đó không phải là ảo tưởng, và bạn không thể đánh mất nó được. Nó là một phần thuộc trạng thái tự nhiên của bạn, vốn có thể bị che khuất nhưng không bao giờ có thể bị tâm trí hủy diệt được. Cho dù bầu trời có u ám vì mây đen bao phủ, thì mặt trời cũng không biến đi đâu được. Nó vẫn còn đó đằng sau những đám mây mù.

Đức Phật nói rằng đau khổ phát sinh bởi dục vọng, và muốn thoát khỏi nó chúng ta cần phải diệt dục.

Tất cả mọi dục vọng đều là hoạt động của tâm trí nhằm tìm cầu sự cứu rỗi hay thỏa mãn ở các sự vật bên ngoài và trong tương lai, thay thế cho niềm vui của Bản thể hiện tiền. Bao lâu tôi còn là tâm trí của tôi, thì bấy lâu tôi vẫn là các dục vọng ấy, các nhu cầu, các ham muốn, các ràng buộc, cùng các sự ghét bỏ ấy, và ngoài chúng không có “tôi” ngoại trừ một điểm: chúng đơn thuần chỉ là một khả năng, một tiềm năng không được thỏa mãn, một hạt giống chưa đâm chồi. Trong trạng thái đó, ngay đến mong ước được tự do hay giác ngộ cũng chỉ là một khát vọng được thỏa nguyện hay được trọn vẹn trong tương lai. Cho nên, đừng tìm cách giải thoát khỏi dục vọng hay “đạt đến” giác ngộ. Bạn hãy hiện trú trong khoảnh khắc hiện tại. Hãy lưu trú ở đó với tư cách chủ thể quan sát tâm trí. Thay vì trích dẫn lời của Đức Phật dạy là Đức Phật, hãy là “người thức tỉnh”, bởi vì đây chính là ý nghĩa của từ Phật Đà (Buddha) vậy.

Loài người khi bị chói chặt trong vòng đau khổ hàng vạn năm nay, kể từ khi họ bị thất sủng, bước vào lãnh địa của thời gian và tâm trí, và không còn biết đến Bản thể hiện tiền. Vào thời điểm đó, họ đã bắt đầu xem bản thân là mảnh vụn vô nghĩa trong một vũ trụ xa lạ, tách biệt với Nguồn Cội và tách biệt với nhau.

Khổ đau không thể tránh khỏi bao lâu bạn còn bị đồng hóa với tâm trí của mình, tức là khi nào bạn còn mê muội hay vô minh, theo cách nói của tôn giáo. Ở đây chủ yếu đề cập đến đau khổ về mặt tình cảm, nó cũng là nguyên nhân chính gây ra đau đớn và bệnh tật ở thể xác. Phẫn nộ, căm ghét, tự cảm thán, tội lỗi, giận hờn, u uất, ghen tị, và vân vân, thậm chí cơn cáu kỉnh không đáng kể nhất cũng đều là các hình thức đau khổ. Và mọi lạc thú hay hứng khởi đều chứa đựng bên trong chính nó hạt giống của khổ đau: đối cực bất khả phân ly của nó, vốn sớm muộn gì cũng hiển lộ ra.

Người nào đã từng dùng đến ma túy để tìm “cảm hứng” cũng đều biết rằng cuối cùng rồi hứng khởi cũng biến thành u uất, rằng lạc thú cũng biến thành một dạng đau khổ nào đó. Nhờ kinh nghiệm riêng của mình, nhiều người cũng biết rõ rằng một mối quan hệ mật thiết có thể dễ dàng và nhanh chóng biến đổi từ nguồn gốc khoái lạc thành nguồn gốc khổ đau. Quan sát từ một bình diện cao hơn, hai mặt đối nghịch tiêu cực và tích cực là hai mặt của cùng một đồng tiền, nếu thuộc về nỗi thống khổ căn bản vốn bất khả phân ly với trạng thái ý thức vị ngã bị đồng hóa với tâm trí.

Nỗi đau khổ của bạn có hai bình diện: đau khổ mà bạn gây ra hôm nay, và đau khổ từ quá khứ vẫn còn tiếp tục sống trong tâm trí và thể xác của bạn. Ngưng gây ra đau khổ trong hiện tại và giải quyết nỗi đau khổ trong quá khứ chính là điều tôi muốn nói đến ở đây.

Eckhart Tolle
Hồ Kim Chung – Minh Đức biên dịch
Trích: Sức mạnh của hiện tại – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh