1E0F4477-8F1A-4CAB-9389-A941B9BEF6D1

Lý tưởng của người Bồ Tát – Ăn chay và Phật giáo

Nguyên tắc chủ yếu nhất trong lĩnh vực đạo đức Phật giáo liên quan đến vấn đề ẩm thực, chủ yếu hơn cả nguyên tắc phi-bạo-lực, bởi vì đó là thái độ tôn kính sự sống. Điều đó có nghĩa là ngoài các thứ khác (tu tập, thiền định, tụng niệm...), [người Phật giáo] còn phải ăn chay. Một số kinh Đại thừa cho biết người bồ-tát không được phép nghĩ đến việc ăn thịt một sinh vật, tương tự như người mẹ không thể nào nghĩ đến là mình lại có thể ăn thịt con mình. Nếu muốn giữ gìn sila / đạo đức thì phải ăn chay. Không có bất cứ ai hoàn toàn giữ được thái độ phi bạo lực cả, chỉ có thể ít hay nhiều tùy từng người mà thôi (một tác ý thoáng qua trong tâm thức, một chút cảm tính giận dữ, một lời nói hay một cử chỉ tất cả đều có thể phản ảnh một hình thức bạo lực nào đó), thế nhưng mỗi người trong chúng ta đều phải tôn trọng sự sống.     

 

Ăn chay là một hình thức áp dụng cụ thể nguyên tắc sống của người bồ-tát: đó là lòng từ bi. Đức Phật không hoàn toàn đặt nặng việc ăn chay (điểm này rất tế nhị, nhiều người hiểu lầm. Đức Phật đặt rất nặng việc ăn chay, thế nhưng Ngài không áp đặt điều đó bằng một lời phán lệnh độc đoán nào cả. Việc ăn chay chủ yếu được Đức Phật nêu lên trong “Bài kinh giảng cho Jivaka” (Jivaka Sutta – MN 55), chúng ta sẽ tìm hiểu về bài kinh này trong phần đọc thêm dưới đây). Đối với Ngài lối sống khất thực quan trọng hơn, bởi vì khi đã là một người ăn xin thì không có quyền lựa chọn mà phải chấp nhận những gì người ta cho mình, thế nhưng nếu đó là thịt thì phải biết thật chắc chắn rằng không phải là người ta giết con vật là vì mình.  

 

(Người thế tục dành ra một chút phần ăn của mình để đặt vào bình bát của người tu hành. Trước sự ưu ái của người thế tục, người tỳ-kheo không có quyền lựa chọn hay từ chối. Nói chung miếng ăn vào các thời kỳ cổ đại thường rất quý hiếm, người tỳ-kheo phải ý thức cử chỉ cao quý đó của người thế tục. Nguyên tắc chủ yếu trong việc khất thực là người tỳ kheo phải nhìn thẳng trước mặt, không được nhìn vào những gì người thế tục đặt vào bình bát của mình. Khi ăn thì không được phép phân biệt miếng này ngon, miếng khác không ngọn, mà chỉ nên xem thực phẩm là phương tiện góp phần kéo dài sự hiện hữu hiện tại của mình hầu giúp mình tiếp tục bước theo con đường mà mình đã chọn. Trong bài kinh Jivaka Sutta nói đến trên đây Đức Phật cũng có nêu lên một thí dụ ngược lại với trường hợp khi người tỳ kheo khất thực, đó là trường hợp được người thế tục mời ăn và người tỳ kheo chấp nhận. Trong trường hợp này miếng ăn nói lên sự chủ tâm của người mời và đồng thời cũng là sự chấp nhận của người được mời. Trong trường hợp này người tỳ kheo không thể chối cãi được miếng ăn mà người mời đặt vào bình bát của mình là vì mình, dành cho mình, và nếu đó là một miếng thịt thì mình không ăn).

 

Tuy thế thật hết sức lạ lùng, tại phương Đông không mấy người Phật giáo cố gắng tôn trọng nguyên tắc đạo đức căn bản đó của Phật giáo. Việc ăn chay đôi khi khó thực hiện trong những nơi khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn như xứ Tây Tạng. Thế nhưng trong khi sinh sống trên đất Ấn người Phật giáo Tây Tạng vẫn cứ tiếp tục ăn thịt, họ tự bào chữa : “Thật vậy, đúng lý ra thì chúng tôi phải ăn chay, thế nhưng thật hết sức khó tại Tây Tạng” (và nay thì đã thành thói quen, dù mình đang sinh sống trên đất Ấn), họ chỉ ăn chay trong các dịp lễ lạc (puja), chẳng hạn như những ngày lễ vía các vị Tara (nữ thần cứu nạn trong Kim Cương thừa) và Avalokitesvara (Quán Thế Âm) là hai vị bồ-tát biểu trưng cho lòng từ-bi. Một số các vị lạt-ma Tây Tạng cho rằng khi giết một con vật thì phải tụng niệm một số câu mantra, vì đấy là cách giúp cho dòng tri thức của con vật bị giết được giải thoát và hòa nhập vào một cõi thiên đường nào đó. Một số khác lại cho rằng xương thịt của một con vật sau khi đã hòa nhập vào hệ thống của họ (bầu không gian tu tập của họ) thì sự hòa nhập đó sẽ mang lại sự giải thoát cho nó. Những lời phát biểu đó quả không thể nào có thể kiểm chứng được là đúng hay sai. Điều đó dường như chỉ là một cách bào chữa (rationalization) (một hình thức hợp thức hóa hành động của mình) mà thôi. Những người Phật giáo Thái Lan và Miến Điện kể cả những người Phật giáo Tích Lan lại còn ăn thịt nhiều hơn cả những người Tây Tạng nữa, Họ bảo rằng họ chỉ ăn những gì kẻ khác cho họ, thế nhưng [họ cũng nên hiểu rằng] qua hàng ngàn năm họ từng dạy người thế tục đủ mọi thứ chuyện [cần phải tôn trọng] – [trong số đó có] nhiều chuyện thật rắc rối, chẳng hạn như người phụ nữ khi hiến dâng lễ vật thì không được phép chạm tay minh vào các lễ vật đó – thì nay họ cũng nên dạy người phụ nữ không nên dọn các món ăn có thịt cá cho họ.  

 

Hơn nữa ăn chay cũng có nghĩa là phát động lòng từ tâm (metta / lòng nhân từ, tình thương yêu) đối với cả chính mình (không bắt cơ thể mình phải tiêu hóa những thức ăn độc hại),  có nghĩa chỉ ăn những gì lành mạnh, cần thiết để mang lại sức khỏe cho mình. Đôi khi người ta quên mất công dụng của miếng ăn chỉ đơn giản là phương tiện giúp mình kéo dài sự sự sống của cơ thể.  Không nên ăn uống ngấu nghiến một cách bệnh hoạn (neurotic / một cách thèm thuồng, thích thú), xem thức ăn là phương tiện mang lại sự thỏa mãn trước các sự đòi hỏi khác của mình (chẳng hạn như phô trương sự sang trọng, giàu sang, quý phái, hoặc phải có người hầu hạ, có ca vũ giúp vui, v.v.). Nên ăn uống thật yên lặng, thanh thản, tương tự như mình đang trong thể dạng thiền định, có nghĩa là hoàn toàn tỉnh thức về những gì mình đang làm. Tiệc tùng trong giới kinh doanh (business meals) là một hình thức ẩm thực thô lỗ (trong nguyên bản là chữ uncivilized / kém văn minh. Tiệc tùng trong giới kinh doanh đôi khi chỉ là một hình thức mua chuộc, lời mời mọc, sự vui nhộn, các cử chỉ lịch sự đôi khi cũng chỉ là cách che dấu các ý đồ không lương thiện trong tâm thức mình). Đối với một người có một tâm hồn bén nhạy, một khả năng chú tâm cao độ thì không nên ăn uống trong khung cảnh ồn ào và nhộn nhịp, hoặc vừa ăn vừa đọc báo, hoặc tranh luận và bàn cãi với nhau về những chuyện vô bổ. Trong lĩnh vực đó của sự chú tâm không có gì đẹp hơn là các nghi thức thiền trà của người Nhật, các nghi thức đó cho thấy dù chỉ là những cử chỉ thật đơn giản trong cuộc sống thường nhật thế nhưng với sự tỉnh giác (awareness / chánh niệm) cũng có thể mang lại cho các cử chỉ đơn giản ấy một sự hoàn hảo thật tuyệt vời. Một người ăn uống với sự tỉnh giác trong từng ngày, hết năm này sang năm khác, sẽ dần dần đạt được các kết quả ngang hàng với  phép luyện tập thiền định đều đặn trong từng ngày. Qua một góc nhìn nào đó chuyện ấy cũng có thể so sánh giữa một người ăn một miếng bít-tết với hành sống nhưng với sự tỉnh giác cao độ và một người ăn một ổ bánh mì burger chay trong tình trạng tâm thần thiếu tỉnh giác (nói chuyện huyên thiên, hoặc đang bị chi phối bởi đủ mọi xúc cảm trong tâm thức). Nếu muốn tạo được cho mình một sự chú tâm như vậy thì phải nhớ lại những điều chủ yếu về việc ẩm thực (thức ăn chỉ là phương tiện giúp mình sống còn chẳng hạn), hoặc nghĩ đến  nguồn gốc của thức ăn mà mình đang nhai (nếu thức ăn là một miếng thịt thì có nghĩa là mình đang nhai sự đớn đau của một sinh vật, nếu miếng ăn là rau đậu thì đấy là cách cho thấy mình không va chạm vào sự sống của chúng sinh).     

 

Công ăn việc làm và Phật giáo

 

Một thể dạng giữ gìn đạo đức khác cũng thật quan trọng đối với thế giới Tây phương là vấn đề công ăn việc làm. Chúng ta (những người Tây phương) có xu hướng nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải làm việc để kiếm tiền, nếu không tự mình “tìm kế sinh nhai” thì đấy là điều không tốt, kể cả có thể xem đấy là tội lỗi. Cung cách suy nghĩ đó có thể là một sự thừa hưởng từ tín ngưỡng Tin Lành (có thể nhà sư Sangharakshita muốn nói đến quyển sách The Protestan Ethic and the Spirit of Capitalism / Đạo đức Tin lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản (1905) của nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920), tựa tiếng Đức của quyển sách là Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus. Quyển sách này gồm hai tập, từng gây nhiều tranh luận trong thế giới Tây phương. Quan điểm của Max Weber được dựa vào hai nhận xét cụ thể căn cứ vào các thống kê trong thời đại của ông: 1- những người Tin lành làm việc giỏi hơn và kiếm được nhiều tiền hơn so với những người Ki-tô giáo La-mã; 2- nhiều gia đình sống trong các vùng hay các thị trấn giàu có trước khi đạo Tin lành được hình thành, thường có xu hướng cải đạo, dần dần theo Tin lành giáo. Nhìn vào xã hội Đức và cả xã hội Mỹ ngày nay thì tất sẽ thấy Đạo đức Tin Lành ảnh hưởng đến sức làm việc của người dân như thế nào). Một số người không dám lấy vài ngày nghỉ, hoặc cảm thấy mang tội thật nặng nề mỗi khi nằm nướng vài giờ trên giường sau khi thức giấc. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình phải làm một cái gì đó. Một người ngồi yên không chủ tâm làm một cái gì cả, đôi khi cũng có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất bình và khó chịu, chúng ta cứ muốn làm cho người ấy phải động đậy một tí. Sự kiện một người không làm gì cả trong khi mình bận rộn với đủ mọi thứ chuyện, cũng có thể là cả một sự khiêu khích đối với cá nhân mình. Đức Phật chưa bao giờ làm việc. Ngài sinh ra trong một gia đình sung túc, sau đó thì trở thành một kẻ ăn xin. Ngài thuyết giảng Dharma vì đấy là bản chất của Ngài, tương tự như mặt trời chiếu sáng (Đức Phật làm việc rất nhiều, hy sinh đời mình vì lý tưởng của mình, thế nhưng công việc đó rất thầm lặng, Ngài làm việc bằng cách ngồi yên dưới một cội cây trong một khu rừng vắng và lắng thật sâu vào tâm thức mình để tìm hiểu sự vận hành của sự sống và hướng vào không gian và thời gian để khám phá ra bản thể của vũ trụ. Công việc đó không tạo ra đồng tiền hay miếng ăn mà là cách khám phá ra Sự Thật của thế giới đưa đến sự hình thành của Dharma).   

 

Công ăn việc làm mà tôi nói đến trên đây là các công việc thù lao (các ngành nghề được quy định trong sự sinh hoạt chung của xã hội), thế nhưng cũng có các công việc khác mang tính cách sáng tạo. Các công việc sáng tạo cũng rất cần thiết trên phương diện tâm lý. Các công việc sáng tạo đó mang nhiều hình thức khác nhau: nuôi nấng và dạy dỗ con cái, viết lách, sáng tác nhạc, vẽ tranh, nấu bếp, tham gia vào các chương trình từ thiện, v.v. Sự sáng tạo và phát minh là một thứ nhu cầu của con người, không liên hệ gì với các công việc thù lao. Trong một xã hội lý tưởng, không bắt buộc tất cả mọi người đều phải làm việc ăn lương. Mỗi người góp phần mình cho tập thể tùy theo khả năng của mình, và tập thể chu cấp cho từng người tùy theo nhu cầu của họ.  

 

Thế nhưng tình trạng đó quả hết sức xa vời, trong khi chờ đợi thì chúng ta phải làm việc để tìm kế sinh nhai, tức là phải áp dụng nguyên tắc liên quan đến “phương tiện sinh sống đúng đắn” (yếu tố thứ ba của Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn / Bát chánh đạo). Nói một cách vắn tắt là phải làm việc, nhưng không được bóc lột kẻ khác, cũng không làm hạ phẩm giá của mình. Dù phải làm công việc nào thì cũng nên dành thì giờ để học hỏi, thiền định, giao tiếp với bạn bè, góp phần mình vào các sinh hoạt tích cực (từ thiện, bảo vệ môi sinh,…) và các công trình sáng tạo.

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

Bài giảng trên đây nêu lên hai chủ đề khác nhau: ẩm thực và công ăn việc làm. Đối với Phật giáo vấn đề công ăn việc làm tương đối giản dị, chỉ cần lương thiện, ngay thẳng, không tạo ra thiệt thòi hay khổ đau cho kẻ khác và tất cả chúng sinh. Vấn đề ẩm thực quan trọng hơn nhiều vì trực tiếp liên hệ đến bản năng sinh tồn và sự sống còn. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm vấn đề này.

 

Việc ăn chay trong giáo lý Phật giáo từng làm tổn hao không biết bao nhiêu giấy mực. Một số người không hiểu được hết ý nghĩa và tác dụng của việc ăn chay trong cuộc sống, một số khác ý thức được rõ ràng vị trí, vai trò và cả lý tượng của việc ăn chay, thế nhưng việc ăn chay thì lại quá khó đối với họ, sự thèm khát thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn dường như vượt lên trên quyết tâm của họ. Nói chung sự thèm khát thường biến miếng ăn trở thành một sự thích thú. Thức ăn thường được tô điểm thêm đủ mọi thứ rắc rối, biến nó trở thành cả một nghệ thuật sống, biểu trưng cho sự thành công trong xã hội hay cội nguồn của hạnh phúc. Đức Phật tách rời người tu hành ra khỏi các sự sinh hoạt đó bằng cách biến họ trở thành những kẻ ăn xin (bhikkhu / beggar).  

 

Khất thực không nhất thiết chỉ là cách giúp người tu hành vượt lên trên bản năng sinh tồn mà còn giúp mình trút bớt mối lo toan phải tìm kiếm miếng ăn trong từng ngày. Khất thực cũng là cách tạo ra một sự nối kết hài hòa giữa người tu hành và kẻ thế tục, một sự trao đổi giữa đạo đức của người xuất gia và lòng kính phục của người tại gia không làm được như họ.

 

Sự sinh hoạt xã hội ngày nay đã hoàn toàn khác hẳn, quy củ và hệ thống hóa hơn. Tất cả mọi người đều tham gia vào sự sinh hoạt chung của xã hội, nhất là đối với dây chuyền sản xuất và phân phối thực phẩm căn cứ vào giá trị của đồng tiền. Việc khất thực không còn giữ vai trò của nó như trước nữa, ngoại trừ trong các quốc gia theo Phật giáo Theravada, thế nhưng việc khất thực cũng chỉ mang ít nhiều tính cách hình thức. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề ăn chay qua một bài kinh mà Đức Phật giảng cho Jivaka đã được nói đến trên đây. 

 

Đức Urgyen Sangharakshita

Việt dịch: Hoàng Phong

Nguồn: Lý tưởng của người Bồ Tát