buddha_statue_hongkong

Nhẫn nhục siêu việt

Với một vị Bồ Tát, người mong muốn niềm vui của đức hạnh, tất cả những kẻ làm hại ngài giống như kho tàng quý giá. Bởi thế, vun bồi sự nhẫn nhục với tất cả, không sự thù hằn, là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Có ba kiểu nhẫn nhục. Đầu tiên là chịu đựng không sân hận bất cứ hiểm nguy nào người ta có thể gây ra cho bạn. Thứ hai là chịu đựng không buồn bã bất cứ khó khăn nào bạn trải qua vì lợi ích của Pháp. Thứ ba là đối mặt không sợ hãi ý nghĩ rộng lớn của Pháp và các phẩm tánh vô lượng của Tam Bảo.

Với kiểu đầu tiên, khi bạn cảm thấy đang bi người khác làm hại, hãy nhớ rằng sự hiểm nguy mà người đó gây ra cho bạn (hay ai đó thân thiết với bạn) là kết quả trực tiếp của việc chính bạn làm hại người khác trong quá khứ. Hãy quán chiếu rằng người đó chìm đắm trong vô mình đến mức họ như thể bị sở hữu, không thể không hại bạn. Kết quả của việc này, họ sẽ phải chịu khổ đau của các cõi thấp hơn trong luân hồi trong tương lai. Khi bạn nghĩ rằng điều đó sẽ khủng khiếp ra sao, bạn sẽ chỉ cảm thấy buồn và thương tiếc thay vì tức giận.

Cũng cần nhớ rằng nếu bạn có thể nhẫn nhục chấp nhận mọi nguy hại này, rất nhiều nghiệp xấu trong quá khứ sẽ được tịnh hóa, và bạn sẽ tích lũy cả công đức và trí tuệ. Thực tế là, người này, kẻ sắp làm hại bạn vì thế đang làm cho bạn một điều tốt lành, và là một người bạn tâm linh chân chính. Như là biểu hiện của lòng biết ơn, hãy hồi hướng các công đức bạn tích lũy được cho người đó.

Nhìn nhận mọi hoàn cảnh như vậy theo cách này, hãy rèn luyện bản thân không bao giờ tức giận với ai đó làm hại bạn, không tìm kiếm sự trả thù và không chấp nhận mối ác cảm dù là nhỏ nhất.

Hơn thế nữa, khi bạn quán sát sâu hơn về điều đang xảy ra, bạn sẽ thấy người bị hai, kẻ gây hại và sự nguy hại đều hoàn toàn không thật sự tồn tại. Ai sẽ tức giận với vô minh? Trong các hiện tượng trống rỗng này, điều gì có thể đạt được hay đánh mất, mong muốn hay chối bỏ? Hãy hiểu tất cả giốn như hư không trống rỗng, rộng lớn.

Bao giờ, với kiểu nhẫn nhục thứ hai, chịu đựng các khó khăn vì lợi ích của Pháp. Để có thể thực hành Pháp, rất có thể bạn phải trải qua bệnh tật, hay khổ đau vì nóng, lạnh, đói hay khát. Những bởi những khổ đau ngắn ngủi này sẽ giúp bạn tịnh hóa các ác nghiệp trong quá khứ, và trong dài hạn, sẽ giúp bạn đạt đến Phật quả tuyệt đối, hãy chấp nhận chúng với niềm vui vẻ, như con thiên nga lướt trên hồ sen! Trong Nhập Bồ Tát hạnh, ngài Shantideva từng nói:

Liệu người đàn ông có không thoải mái khi, mặc dù dù bị xử tử hình,
Anh ta được giải phóng, chặt tay thay vì bị giết?
Giống như vậy chỉ chịu đựng những bệnh tật của con người,
Làm sao tôi không hạnh phúc để khi tránh được khổ đau của địa ngục?

Kiểu nhẫn nhục thứ ba là duy trì lòng dũng cảm nội tại, sâu sắc, với lòng từ bi luôn sẵn sàng làm việc trong nhiều kiếp vì lợi ích của chúng sinh, và đối mặt không sợ hãi với các chân lý cao nhất của giáo lý – rằng một cách tuyệt đối các hiện tượng đều trống rỗng về bản chất; sự trống rỗng đó hiển bày như là sự thấu suốt chói ngời, và có một Phật tánh, trí tuệ nguyên sơ tự sinh khởi, không giả tạo, và chân lý tuyệt đối vượt qua sự chạm tới của kiến thức. Nếu bạn sợ phải chấp nhận sự thực về Tánh không, và chỉ trích các thực hành như Đại toàn thiện, mà nhờ thực hành này có thể nhận ra bản tánh chân thật của mọi hiện tượng, bạn đang từ bỏ tinh túy của Pháp, và chuẩn bị cho việc rơi xuống các cõi thấp hơn. Khi Đức Phật thuyết giảng giáo lý rộng lớn về Tánh không, một vài vị tăng ở đó đã phản ứng lại với các chân lý sâu sắc của giáo lý với sự hoảng sợ đến mức họ nôn ra máu và chết ngay. Các chân lý này không dễ gì để tìm hiểu, nhưng điều vô cùng quan trọng là cố gắng bám lấy ý nghĩ chân chính của chúng, và không có thái độ sai lầm [tà kiến] với chúng.

Ba kiểu nhẫn nhục này nên được thực hành với sự hỗ trợ của trí tuệ và phương tiện thiện xảo.

Thực hành Nhẫn nhục Ba la mật là rất quan trọng, nhờ đó bạn không bao giờ bị sân hận, thù ghét và nản chí khuất phục. Khi bạn bước vào con đường của chư Bồ Tát, dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng cần có lòng từ trong tâm dành cho mọi chúng sinh, biết rằng họ là cha mẹ trước kia của mình. Bởi thế khi người ta chống lại và làm hại bạn, bạn cần có nhiều yêu thương hơn nữa, hồi hướng mọi công đức cho họ và nhận lấy tất cả khổ đau của họ.

Thực tế là, kẻ thù và những người cố gắng làm hại bạn có thể là suối nguồn mạnh mẽ giúp đỡ trên con đường Bồ Tát. Bằng cách gây ra các tình thế, mà thường gây ra sự sân hận và thù ghét của bạn, họ cho bạn cơ hội quý giá tu tập chuyển hóa những cảm xúc phiền não này với sự nhẫn nhục. Trên con đường, những người như vậy sẽ giúp đỡ bạn nhiều hơn bất kỳ người bạn có thiện cảm nào.

Ngài Shantideva từng nói:

Các thiện hạnh được tích tập trong nghìn năm,
Như là các hành động bố thí,
Hay cúng dường lên các bậc hỷ lạc –
Chỉ một tia chớp sân hận cũng phá tan chúng.

Và trong Kinh Cha con gặp mặt cũng nói rằng:

Hận thù không phải là con đường dẫn đến Phật quả,
Mà yêu thương, nếu liên tục được vun bồi,
Sẽ khởi lên giác ngộ.

Bởi thế, nếu bạn phản ứng lại với kẻ thù bằng sự thù ghét và tức giận hắn chắc chắn sẽ dẫn bạn đến địa ngục sâu thẳm. Nhưng nếu bạn biết cách nhìn nhận người như thế với lòng từ ái sâu sắc nhất, hắn chỉ có thể đưa bạn hướng về giải thoát. Dù hắn cố gắng làm hại bạn ra sao, điều đó cũng chỉ tốt cho bạn. Điểm khác biệt là rất quan trọng. Bạn có thể nghiên cứu rất nhiều giáo lý và thực hành thiền định, và thậm chí cảm thấy khá tự hào. Nhưng nếu, ngay khi ai đó nói vài lời xấu với bạn, bạn bùng cháy với sự tức giận, đó là dấu hiệu bạn chưa để Pháp thực sự hòa nhập với mình – ít nhất là Pháp chưa thay đổi được tâm bạn. Ngài Shantideva cũng nói:

Không có ma quỷ nào như sân hận,
Không có đơn giản nào sánh với nhẫn nhục.

Nếu vùng đất tràn đầy những hòn đá và gai nhọn, bạn có thể cố gắng bảo vệ chân bằng cách phủ lên toàn bộ mảnh đất mảnh da bền. Nhưng điều đó sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn. Sẽ dễ dàng hơn nếu chỉ để da ở bàn chân của bạn. Giống như vậy, thậm chí nếu toàn thể thế giới tràn đầy kẻ thù, thì họ không thể làm hại bạn chừng nào bạn còn giữ lòng từ và hạnh nhẫn nhục trong tâm. Bất cứ hiểm nguy rõ ràng nào mà họ gây ra, trên thực tế, sẽ giúp bạn trên con đường giác ngộ. Người ta nói rằng:

Khi bạn đối mặt với kẻ thù dữ dội của cảm xúc,
Hãy khoác lên người vũ khí vững chắc và hoàn hảo của sự nhẫn nhục.
Nhờ đó, không bị vũ khí của lời nói khắc nghiệt và sự báo thù làm hại.
Hãy vượt qua chúng để đạt đến mảnh đất niết bàn.

Sẽ không có an bình cho người mà tâm tràn ngập sân hận và thù ghét. Sân hận và thù ghét cần được chinh phục bằng quân đội vĩ đại của nhẫn nhục, vì chúng chỉ là kẻ thù thực sự của bạn. Bạn sẽ không thể trải qua các nguy hại nếu trong quá khứ sân hận và thù ghét của bạn không mang đến nguyên nhân để các nguy hại giờ đây khởi lên, giống như sự vang vọng giọng nói của chính bạn.

Hãy nhìn vào bản tánh tự nhiên của nguy hại. Nó cũng không thể bám chấp như là viết lên nước. Hãy để thù hắn tự biến mất, và ngay khi cơn sóng dữ dội các ý nghĩ lắng xuống, hãy để mọi thứ trở nên giống như hư không trống rỗng, nơi không có để đạt được và mất đi.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Trích: Trái Tim Từ Bi