Lama Gendun Rinpoche

Tâm điểm của sự giảng dạy

Sự hành đạo và học đạo phải tạo ra một thái độ rộng lượng liên tục. Chúng ta tặng và đặt dưới quyền sử dụng của tất cả các chúng sinh, năng lực của thân, lời nói và tâm chúng ta. Chúng ta đặt nó trong tay Thầy và Tam Bảo, để phục vụ chúng sinh, chúng ta phải học, suy nghĩ và thiền với thái độ đó. Như vậy chúng ta bỏ được mọi lợi ích riêng tư, mọi hi vọng, ích kỉ. Sự tu của chúng ta chỉ mục đích giúp cho tất cả các chúng sinh không trừ ai, họ đã là cha hay mẹ của chúng ta vào một lúc nào đó. Vậy chúng ta tu với một tâm đầy tình thương và từ bi, không chút lợi riêng nào. Như thế các khó khăn có thể xuất hiện không còn bị xem như riêng tư, nhưng được xem như những khó khăn trong sự thực hiện tại hoạt động vị tha ấy. Cách thấy ấy cho ta them nghị lực, kiên trì  và sức mạnh để thăng hoa cuộc thử thách, để vượt qua khó khăn và tiếp tục thực hiện các ước nguyện của ta: sự mong tất cả các chúng sinh thành Phật. Nếu ta gặp một trở ngại và luôn hi vọng đạt được một điều tốt cho riêng mình ta sẽ ngã gục, không cố gắng được nữa và rất khổ. Nếu ta rời bỏ cái tâm sở hữu đối với thân, lời nói với tâm ta và tự xem, không phải là chủ nhân mà là người quản trị cái năng lực ấy, chúng ta sẽ không khổ. Chúng ta sẽ ra sức hoàn thành công việc trong đó ta đã dấn thân. Nếu không, tất cả các khó khăn sẽ tạo thành một sự xiết chặt quanh cái tôi, cái tôi than khổ, bị mệt, kiệt quệ, mất tinh thần. Đó là nguồn gốc của nhiều mệt mỏi, buồn, khổ. Nếu chúng ta rời bỏ thái độ ích kỉ đó và xem thân, lời nói và tâm là những dụng cụ để phục vụ chúng sinh, tất cả các khó khăn gặp phải sẽ là những nguồn năng lực thêm vào chứ không phải là những nguồn gốc của khổ hay mất tinh thần.

Đôi khi chúng ta có cảm giác là một người bắt đầu, không biết về Dharma bao nhiêu, không nắm được tất cả sự vi tế của triết lý đạo, cảm thấy hơi lạc lõng và lạc hậu đối với biết bao nhiêu điều. Điều quan trọng là nắm được trọng điểm của sự giảng dạy và áp dụng nó. Nếu chúng ta làm theo những điều được trình bày thì không có phép tu nào cao hơn. Không cần phải đi tìm xa hơn, bởi nó là trọng điểm của sự tu. Phải làm việc để luôn phát triển niềm tin và lòng thành kính đối với Thầy, Tam Bảo. Phải tin chắc rằng tâm ta, tâm giác ngộ, tâm Phật không tách rời. Cùng lúc chúng ta phải phát triển tình thương và từ bi với tất cả các chúng sinh, trong tất cả các hoạt động mà ta có thể làm. Vậy nếu ta không thích đào sâu tất cả các điều vi tế trong triết lý đạo, và nắm những điều căn bản, thì ta phải tin rằng chúng ta đang trong Bồ Tát Đạo và dần dần đi về giác ngộ. Tất cả các hành động của chúng ta, vì động cơ của chúng ta là đúng, sẽ là những hành động của Bồ Tát và là những chặng đường đi về giác ngộ. Nếu chúng ta theo một pháp tu rất đơn giản ví dụ trì chú Quan Âm Bồ Tát, nếu chúng ta tập hợp nhau để trì chú, và chỉ đọc dù chỉ một xâu chuỗi, tức khoảng một trăm lần. Công đức người này cộng với công đức người khác sẽ nhân lên. Nếu một ngàn người hội lại và mỗi người đọc một trăm lần chú Quan Âm Bồ Tát, sau cùng mỗi người sẽ tạo được năng lực của một trăm ngàn lần đọc tụng. Sự tu cùng nhóm ấy rất cần thiết, vì hiệu quả được nhân lên bởi số người tham dự…Như vậy, cái có vẻ là một hành động đơn giản, gần như quá đơn giản, chính là nguyên nhân của giác ngộ, vì trong hành động ấy là thái độ đúng.

Lama Gendun Rinpoche

Nguyên Tác: Thầy và Đệ tử

Ani Ngawang Kuntchok Dreulma Viên Huệ

Nhà Xuất bản Phương Đông