17th-Karmapa-Ogyen-Trinley-Dorje

Làm bạn với thế giới của chúng ta – Đức Karmapa giảng về pháp luyện tâm

Đức Thánh Giả Karmapa bắt đầu bằng lời chào mừng những người tới tham dự, đặc biệt là tới Hội Phật giáo Khu vực Capitol và các thành viên cộng đồng Tây Tạng ở khu vực DC đã đứng ra tổ chức sự kiện này. Ngài cũng gửi lời chào tới những anh chị em người Hoa và người Việt cùng những người bạn đạo. Ngài Karmapa ghi nhận là sự kiện ngày hôm nay được tổ chức cùng với lễ sinh nhật Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra tại Trung tâm Capitol Visitor Center, Quốc hội Hoa Kỳ với sự tham gia của một số thành viên Hạ viện.

Sau đó, Đức Karmapa quay trở lại chủ đề của buổi nói chuyện của ngài, Tám bài kệ luyện tâm của bậc thầy Kadampa Langri Thangpa. Đây là lời khai thị then chốt về cách phát khởi bồ đề tâm, là ước nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

 Bài kệ thứ nhất:

 Với quyết tâm đạt mục tiêu cao nhất,

Vì lợi ích của tất cả chúng sinh,

Còn cao quý hơn cả ngọc như ý,

Con nguyện xin ôm trọn với yêu thương.


Ngài giảng giải: “Bài kệ này dạy chúng ta cách kết nối với tất cả chúng sinh cùng chung sống trên hành tinh này. Thực sự cần phải biết cách làm thế nào tạo sự gắn kết với những chúng sinh khác một cách từ bi và dựa trên con đường tâm linh. Nếu chúng ta làm chúng sinh tổn thương thì sẽ chỉ dẫn tới đau khổ cho chính chúng ta. Mặt khác, nếu chúng ta có thể phát khởi bồ đề tâm và đối xử một cách hài hòa thì có thể đưa chúng ta đạt đến Phật quả hay toàn tri. Tóm lại, bài kệ này chỉ dạy ta để đạt được toàn giác dựa vào chính chúng sinh: ước nguyện đem lại lợi lạc cho chúng sinh giúp mở ra con đường đưa chúng ta tới tới bờ giác ngộ. Do đó, những ai tìm kiếm sự chứng ngộ trọn vẹn cần phải coi trọng những người khác và xem họ cao quý hơn tất cả.”

 Bài kệ thứ hai:

 Mỗi khi con ở cạnh bên ai khác,

Con nguyện xin là người thấp kém nhất,

Và tận sâu từ trong đáy lòng mình,

Trân trọng họ cao hơn tất thảy. 

“Bài kệ này khuyên chúng ta, từ sâu thẳm trái tim, hãy coi chúng sinh cao quý hơn ta và coi chúng ta thấp hơn tất thảy”. Ngài Karmapa lý giải. “Một ví dụ tốt về điều này chính là đại dương luôn ở độ cao thấp nhất, hay được biết như là ‘mực nước biển’. Ở vị trí này, đại dương có thể tiếp nhận nước trên thế giới do mọi con sông cuối cùng đều đổ ra biển. Tương tự như vậy, nếu chúng ta có thể bỏ qua lòng tự cao tự đại của mình và phát triển sự khiêm nhường thực sự thì chúng ta sẽ có thể tán dương phẩm chất của những người khác và tiếp nhận trí huệ từ họ, tuôn chảy như nước sông đổ vào biển. Bất kể chúng ta đi đâu, gặp gỡ bất kỳ ai và trong bất kể hoàn cảnh nào thì chúng ta đều luôn có thể học hỏi được một điều gì đó. Nếu chúng ta có  thể làm việc với sự tự hào của chính mình và tiếp tục khiêm nhường và cởi mở thì mọi dịp đều là cơ hội để chúng ta trải nghiệm và học hỏi cái mới.” 

Bài kệ thứ ba:

 Trong mỗi hành vi con sẽ quán sát tâm

 Và ngày khi khởi sinh cảm xúc tiêu cực

 Làm tổn thương con và biết bao người

Con nguyện trực diện và xoay chuyển chúng.

 Đức Karmapa tiếp lời: “Các bài kệ trước răn dạy chúng ta xem chúng sinh cao hơn và quan trọng hơn tất thảy. Tuy nhiên, điều này khó có thể áp dụng trong thực tế và không phải lúc nào chúng ta có thể chấp nhận tất cả chúng sinh cao hơn chính ta. Khi đó, chúng ta cần nhìn vào thái độ này và nhận ra rằng chúng bắt nguồn từ các tâm ô nhiễm của chính chúng ta. Sau đó, chúng ta hãy nghĩ về những tâm  ô nhiễm và về những khoảng thời mà các tâm ô nhiễm này đã xâm chiếm chúng ta và gây cho ta nhiều vấn đề. Nếu nhận ra một cách rõ ràng là các tâm ô nhiễm gây rắc rối cho ta như thế nào thì ta sẽ xóa đi được suy nghĩ rằng chúng ta cao hơn chúng sinh. Dựa vào sự cảnh giác, chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta có thể nắm bắt được những tâm ô nhiễm này ngay khi chúng chỉ mới bắt đầu xuất hiện.

 “Nếu chúng ta nhìn vào trải nghiệm của những người đã thực hành và những người chưa thực hành phép luyện tâm, ta có thể nhận ra được sự khác biệt rõ ràng. Chẳng hạn như, khi nỗi sân hận chỉ mới bắt đầu xuất hiện trong tâm trí, ta có cơ hội để chặn lại; nhưng một khi nỗi sân hận này đã ngập tràn trong ta thì rất khó làm được như vậy vì tâm ô nhiễm đã kiểm soát, sai sử được chúng ta. Tuy nhiên, những ai có kinh nghiệm luyện tâm có thể quan sát được quá trình sân hận nảy sinh, nhờ vậy họ sẽ có được một khoảng thời gian ngắn để phản ánh trước khi sự tức giận biểu hiện. Điểm mấu chốt quan trọng ở đây là ta phải dựa vào kinh nghiệm và khả năng cảnh giác, chánh niệm và nhận diện của mình. Ngay khi chúng ta nhận thấy một tâm ô nhiễm bắt đầu khởi lên, hãy dừng lại ngay lập tức và [phải làm được như vậy] một cách mạnh mẽ. Nếu chúng ta không có kinh nghiệm thực hành thì sẽ rất khó làm được như vậy.”

 Bài kệ thứ tư kể về tương tức (mối liên hệ giữa người với người):

 Khi con thấy những chúng sinh hiểm ác

Bị bóp nghẹt bởi ác hạnh và khổ đau

Con nguyện xin một lòng thương yêu họ

Như tìm ra vật báu hiếm trên đời.

 “Bài kệ thứ hai khuyên răn chúng ta coi chúng sinh cao hơn bản thân. Trong khi đó, bài kệ này là một ví dụ – một kho báu quý giá có thể giúp xóa đi nỗi khổ của sự nghèo túng. Nếu người ăn xin nhận ra được điều này thì sự nghèo túng của họ sẽ biến mất. Tương tự như vậy, bằng cách xem chúng sinh cao quý như vật báu hiếm hoi trên đời, chúng ta có thể vượt qua chính những khó khăn của mình.

 “Dòng kệ thứ nhất nhắc tới chúng sinh  “hiểm ác,” để chỉ những người có tính cách khó chịu hoặc làm nhiều điều tiêu cực. Thậm chí đó có thể là những người vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta. Do tính cách và hành động của họ, họ luôn gặp đau khổ. Vậy chúng ta nên làm gì khi gặp phải những người như vậy? Hãy nắm bắt cơ hội hiếm có này để học một điều gì đó. Như thể tìm ra một kho báu vô giá, chúng ta thực sự sung sướng vì gặp ai đó hiểm ác là một cơ hội đặc biệt để ta luyện tâm.

“Khi thực sự thực hành phép luyện tâm, chúng ta sẽ phát triển khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn. Nhưng điều này không thể xảy ra nếu ta chỉ ngồi trên đệm trong một không gian tĩnh lặng để thiền và suy tư, ‘Nguyện cho chúng sinh được hạnh phúc. Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau.’ Chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đối mặt với những tình huống khó khăn trong đời thực và quán sát xem cách luyện tâm của chúng ta có thực sự hiệu quả.
“Những người lính luôn được thử thách qua một sự huấn luyện rất khắc nghiệt như trong một cuộc chiến thực sự. Sau đó, khi họ bước vào cuộc chiến thật thì họ đã được chuẩn bị đầy đủ. Tương tự như vậy, khi bước vào công phu luyện tâm, chúng ta có thể tưởng tượng những tình huống căng thẳng, bực tức hay khó chịu và thắp lên sức mạnh của chúng ta để đương đầu với chúng. Nếu chúng ta có thể thực hành như vậy thì sau đó chúng ta sẽ có khả năng đối phó với những tình huống khó khăn. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ thích dạo chơi và thư giãn trong trạng thái có vẻ như là an yên thì chúng ta sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với những vấn đề thực tế.

 Bài kệ thứ năm:

Khi người khác vì lòng ganh ghét

Làm hại con, trách mắng và hạ nhục

 Con nguyện nhận lấy phần thua thiệt

 Và trao cho họ hết mọi vinh quang.

 “Sau phần dẫn nhập về yêu thương chúng sinh và [hành xử] khiêm tốn, bài kệ này hướng dẫn cách thực hành tương tức trên thực tế. Ở đây thể hiện hai phương diện – dựa vào sự tưởng tượng của chúng ta và thực sự thực hành trong thực tế, có thể ví với việc dựa vào câu chữ hay ý nghĩa thực sự..

“Con nguyện nhận lấy phần thua thiệt / Và trao cho họ hết mọi vinh quang” là thông điệp chính của bài kệ này, được thể hiện bằng ngôn từ của thế gian, sử dụng ngôn ngữ hàng ngày. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ tới một vụ kiện trong đó có người thắng và người thua. Để xuất hiện là người tốt trong mắt của người khác, ai đó có thể chủ định thua vụ kiện, mặc dù trên thực tế người này không thực sự có khả năng trao chiến thắng cho người khác và nhận phần thất bại về mình. Điều này có vẻ giống như cách thực hành Pháp nhưng thực tế thì không. Vì vậy, ta cần phải xem xét cẩn trọng.

 Bài kệ thứ sáu chỉ dạy:

 Ngay cả khi người mà con giúp đỡ

 Người mà con hy vọng rất nhiều
 
 Hãm hại con một cách không thương tiếc
 
 Con nguyện sẽ xem họ như bậc thầy.

 Và bài kệ thứ bảy:

Kết lại, con nguyện xin dâng hiến mọi phúc lạc

Tới mẹ hiền bây giờ và nhiều kiếp

Và xin nguyện âm thầm nhận lấy
 
Mọi tổn thương thay cho mẹ của con.

 “Bài kệ thứ sáu nhắc đến tình huống khi người mà ta giúp lại quay lại trả ơn bằng cách làm hại ta. Đừng lãng phí cơ hội luyện tâm này, hãy coi họ như là người bạn tâm linh. Bài kệ thứ bảy tiếp tục mạch suy nghĩ này và răn dạy chúng ta không nên làm tổn hại họ và thậm chí đổi lại sự hãm hại đó của họ bằng sự giúp đỡ.

“Làm thế nào chúng ta thực sự nhận lấy phần thua thiệt và trao vinh quang cho người khác? Một cách khác để quán sát suy nghĩ của chúng ta là tách chúng thành hai phần: một phần dựa trên yêu thương bản thân và một phần dựa trên yêu thương chúng sinh. Trên thực tế, khi chúng ta thực sự chấp nhận thua thiệt, chúng ta đang dập đi lòng ích kỷ, yêu mến tự thân này.
Khi chúng ta thực sự trao vinh quang cho người khác, chúng ta đang hòa với họ. Rốt ráo, phép luyện tâm là phải làm việc với nguyên nhân của các niệm  tưởng của chúng ta,  trong khi đó một cách tương đối, trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta liên tục cảnh giác với những suy nghĩ chỉ bám chấp vào lợi ích cá nhân. Điểm tinh túy nhất của phép luyện tâm là phát khởi tâm (và nhân tạo ra tâm ấy), một tâm yêu thương chúng sinh.

 “Điểm chính của phép thực hành này còn được biết đến với tên gọi khác là “cho và nhận” (tonglen). Nhiều người trong các bạn đã biết tới cách quán tưởng này. Khi chúng ta hít vào, chúng tay hãy quán tưởng mọi bệnh tật và khổ đau của chúng sinh tan biến trong ta. Khi chúng ta thở ra, chúng ta quán tưởng mọi đức hạnh và tất cả những gì tích cực của chúng ta sẽ truyền sang chúng sinh. Trên thực tế, ở đây những gì chúng ta đang làm là gia tăng sức mạnh yêu thương chúng sinh và làm giảm đi ảnh hưởng của sự yêu mến tự thân.

 “Tuy nhiên, một số người có thể hiểu sai về [pháp tu] “cho và nhận”. Ví dụ, họ biến phép thực hành này thành có lợi cho họ hoặc họ sợ rằng phép thực hành này sẽ làm tổn hại đến họ. Trên thực tế, nỗi lo ngại này là một tín hiệu tốt vì điều này đồng nghĩa với việc họ thực hành nghiêm túc và đã suy nghĩ về nó. Cho dù các hiểu lầm này có thể là gì đi nữa thì về cơ bản, tonglen là phép thực hành sẽ không làm hại chúng ta mà đổi lại, giúp chúng ta luyện tâm để trân quý và đem lại lợi lạc cho chúng sinh.

 Bài kệ thứ tám và cũng là bài kệ cuối cùng:

Nguyện tu dưỡng những pháp hạnh trên

Không để bát phong thế gian làm ô uế

Và thấu hiểu mọi sự đều là huyễn ảo

Tâm không dính mắc, thoát khỏi mọi buộc ràng.

 “Cũng có khả năng là tất cả các phép thực hành được đề cập đến trong 7 bài kệ này có thể bị nhiễm độc bởi những suy nghĩ liên quan đến tám mối bận tâm trần tục (được/thua, sướng/khổ, khen/chê, vinh/nhục) và do vậy dẫn tới các lỗi lầm. Cách đối trị ở đây là quán chiếu sâu xa về tính không bằng cách “thấu hiểu mọi sự đều là huyễn ảo”. Các lời bình giảng cho thấy là bảy bài kệ đầu tiên liên quan đến chân lý tương đối và bài kệ cuối cùng nhắc đến chân lý tuyệt đối.

 “Xin được khép lại buổi nói chuyện về Tám Bài kệ Luyện tâm của Bậc thầy Langri Thangpa. Sẽ rất tốt nếu chúng ta  ghi nhớ tám bài kệ này và suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa của chúng. Khi trải qua những giai đoạn khó khăn chúng ta có thể nhớ lại tám bài kệ này, và sẽ giúp chúng ta đương đầu với bất kỳ khó khăn đang phải trải qua và thực sự giúp ta luyện tâm.”

Đức Karmapa

 Mai Lê chuyển Việt ngữ (8/2018)