12

Thực hành Thiền như thế nào

Thiền không phải để nói, mà là để thực hành. Đọc đi đọc lại một thực đơn của nhà hàng cũng chẳng ích gì, cái chính là ngồi vào bàn ăn. Tuy nhiên, những đường hướng chỉ đạo của các bậc minh triết trong quá khứ được truyền lại qua sách vở là điều cần thiết. Chúng chứa đựng vô vàn chỉ dẫn cho thấy rõ ràng mục đích và những phương pháp của từng loại thiền, cách tốt nhất để tiến bộ và những cạm bẫy đang rình rập thiền sinh.

Bây giờ, chúng ta hãy thử xem một số phương pháp thiền. Bắt đầu bằng những điều sơ đẳng và các lời khuyên phổ quát nhất, sau đó là một số cách thiền đặc biệt, là nền tảng của con đường tâm linh. Chúng ta sẽ làm điều đó một cách đơn giản nhất có thể, hòng giúp cho mỗi người thực hành dần dần. Cuối cùng, đối với những ai mong muốn thực hành sâu hơn, chúng tôi dành ở phần cuối cuốn sách những tài liệu tham khảo chi tiết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời khuyên của một thiền sư giàu kinh nghiệm bao nhiêu cũng không đủ. Cuốn sách này không nhằm mục đích thay thế những lời khuyên đó, mà hiến tặng những kiến thức cơ bản lấy từ những nguồn chân thực.

Nhiều bài tập, nhất là những bài thực hành về trạng thái tâm thức, bình an nội tâm, nhìn sâu và tình thương tha nhân, được tất cả các tông phái Phật giáo thực hành; một số khác, ví dụ như những bài tập về cách làm chủ các cảm xúc, nằm trong những lời giáo huấn của Phật giáo Tây Tạng. Vì cuốn sách này được dành cho những người muốn thực hành thiền nhưng không nhất thiết muốn theo đạo Phật, cho nên chúng tôi không giải thích một số kiến thức cơ bản của việc thực hành Phật pháp theo đúng nghĩa của nó, như quy y hoặc một số chủ đề đặc thù khác.

Chúng tôi sẽ đề cập tới những chủ đề sau:

  • Động cơ trước và trong quá trình thiền;
  • Những điều kiện thuận lợi để hành tập thiền:
    • Theo chỉ dẫn của một người thầy có năng lực
    • Một nơi thích hợp cho việc hành thiện
    • Một tư thế ngồi phù hợp
    • Nhiệt tâm là động cơ để duy trì thiền
  • Một vài lời khuyên chung
  • Hướng tâm tới thiền quán về:
    • Giá trị cuộc sống con người
    • Bản chất tạm bợ của vạn vật
    • Những cách hành xử cần có (thiện) và cần tránh (ác)
    • Thái độ bất toại nguyện cố hữu của thế gian.
  • Thiền về trạng thái tỉnh thức trọn vẹn
  • An định tâm (shamatha)
    • Thiền về sự ra, vào của hơi thở
    • Tập trung vào một đề mục (hay một đối tượng)
    • Tập trung không vào một đề mục nào (hay không có đối tượng)
    • Vượt qua các chướng ngại
    • Tâm an định dần
  • Thiền về tình yêu thương tha nhân:
    • Tình thương yêu đồng loại (Từ)
    • Lòng cảm thông (Bi)
    • Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc (Hỷ)
    • Không thiên vị, hoặc vô tư (Xả)
    • Làm cách nào để kết hợp cả bốn loại thiền trên
    • Một sự trao đổi tuyệt tác
  • Làm dịu cơn đau về thể xác và tinh thần;
  • Nhìn xuyên thấu hay minh sát tuệ (vipasyana):
    • Hiểu thực tại hơn
    • Làm chủ các suy nghĩ và cảm xúc
    • Đi tìm bản ngã
    • Thiền về bản chất của tâm thức
  • Hồi hướng các thành quả tu tập của mình
  • Đưa thiền vào cuộc sống hàng ngày.

 Để kết luận, hãy nhớ rằng tâm thức chúng ta có thể là người bạn tốt nhất hoặc tồi tệ nhất. Như vậy, giải phóng tâm khỏi tình trạng mê mờ, ích kỷ và những cảm xúc gây rối loạn là cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm được cho mình và cho mọi người.

Động cơ

Cũng như bất kỳ một hoạt động nào khác, khi bắt đầu tập thiền, điều cơ bản là xem xét kỹ lưỡng bản chất động cơ của chúng ta. Thật vậy, chính động cơ đó (vì người khác hay vì mình, cao thượng hay hẹp hòi) sẽ dẫn đến việc các hành động của chúng ta đi theo hướng tích cực hay tiêu cực và vì vậy, sẽ quyết định kết quả của các hành động đó.

Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, tránh khổ đau và chúng ta đều có quyền cơ bản để thực hiện khát vọng ấy. Tuy nhiên, những hành động của chúng ta thường hay mâu thuẫn với ý muốn của mình. Chúng ta đi tìm hạnh phúc ở nơi nó không tồn tại, và lao tới những thứ sẽ làm cho mình đau khổ. Thực hành Phật pháp không đòi hỏi phải chối bỏ mọi thứ thực sự có ích lợi trong cuộc sống, mà là biết từ bỏ những nguyên nhân gây ra khổ đau mà chúng ta cứ bám vào như nghiện ma tuý vậy. Vì nỗi đau khổ đó sinh ra từ tâm trí mê muội, mất tỉnh táo của chúng ta, từ cách nhìn nhận, đánh giá của chúng ta, cho nên cách duy nhất để cải thiện tình trạng này là có được một cách nhìn đúng đắn (chánh kiến) về thực tại và chuyển hoá tâm thức của mình. Làm như thế, chúng ta sẽ loại trừ được những nguyên nhân đầu tiên: những độc tố của tâm thức là thiếu hiểu biết, độc ác, tham lam, kiêu ngạo và đố kỵ. Chính thái độ bám chấp ích kỷ và xảo trá của “cái tôi” đã sinh ra những độc tố đó.

Tuy vậy, thoát khỏi những đau khổ của bản thân mình chưa đủ. Mỗi chúng ta chỉ là một chúng sinh mà thôi, trong khi những người khác thì có tới vô lượng và đều mong muốn không phải chịu khổ đau như chúng ta. Hơn nữa, mọi chúng sinh đều phụ thuộc lẫn nhau, và vì thế, gắn bó với nhau rất mật thiết. Do vậy, mục đích rốt ráo của quá trình chuyển hoá mà chúng ta sắp dấn thân vào qua con đường thiền định cũng nhằm giải phóng mọi chúng sinh khỏi khổ đau và góp phần làm lợi lạc cho tất cả mọi người.

Thiền

Hãy suy nghĩ về hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Chẳng lẽ những cách ứng xử hay phản ứng theo thói quen của chúng ta không đáng phải sửa đổi cho tốt hơn hay sao? Hãy nhìn thật sâu vào chính bản thân mình! Chẳng lẽ, chúng ta không thấy mình có tiềm năng để thay đổi ư? Chúng ta hãy tin rằng mình có thể thay đổi, chỉ cần có quyết tâm và trí tuệ mà thôi. Hãy nguyện chuyển hoá bản thân không chỉ vì lợi ích của riêng mình, mà còn để một ngày nào đó, chúng ta có khả năng giải thoát mọi người khỏi khổ đau và giúp đỡ họ tìm thấy hạnh phúc lâu dài. Hãy để cho quyết tâm này lớn dần và bám rễ thật sâu và chắc trong tâm trí chúng ta.

Nguồn cảm hứng

Chúng ta thường tỏ ra có đầu óc hẹp hòi hay cởi mở? Thông thường, chúng ta xem xét tổng thể sự việc hay chỉ nhìn vào chi tiết? Chúng ta nhìn nhận sự việc cho trước mắt hay cho lâu dài? Động cơ của chúng ta có thực sự là tình thương yêu hay không? Phải chăng tình thương yêu ấy chỉ giới hạn trong gia đình, trong bạn bè và tất cả những ai giống chúng ta? Cần phải không ngừng tự hỏi mình những câu như vậy.” – Đức Dalai Lama thứ XIV

Cầu cho ý tưởng Giác ngộ cao quý

Được nảy mầm trong con, nếu con chưa có.

Và một khi đã nảy sinh,

Nó sẽ không bao giờ thui chột, mà luôn luôn tăng trưởng.

Nguyện của Bồ tát

Những điều kiện thuận lợi để hành thiền

Theo chỉ dẫn của người có năng lực

Để có thể thiền, đầu tiên phải biết cách tập. Vì thế, người thầy đóng một vai trò cơ bản. Trường hợp may mắn nhất là gặp được một vị thầy tâm linh chân chính, có khả năng hiến tặng nguồn cảm hứng, kiến thức hiểu biết sâu rộng và những kinh nghiệm dầy dạn của bản thân vị đó. Thật vậy, không gì có thể thay thế được sức mạnh của một tấm gương và sự sâu sắc của lối trao truyền trực tiếp, sống động. Ngoài sự có mặt đầy cảm hứng và bài học thầm lặng truyền cho trò thông qua cách sống của mình, vị thầy luôn luôn để ý sao cho đệ tử không đi lạc vào những con đường sai trái.

Nếu không có cơ hội gặp được một vị thầy như thế, chúng ta cũng có thể tiếp nhận những lời chỉ giáo của một thiện tri thức, hiểu biết hơn và có kinh nghiệm hơn chúng ta, với điều kiện là những lời chỉ bảo đó phải dựa trên một truyền thống chân thực và được thực chứng rất nhiều lần. Nếu không, tốt hơn cả là tìm sự trợ giúp từ những kinh sách, kể cả những sách lược giản như cuốn sách này, miễn là nó dựa trên nguồn đáng tin cậy, còn hơn là trao gửi mình cho một người chỉ biết hướng dẫn theo những ngẫu hứng của chính anh ta.

Một nơi thích hợp cho việc hành thiền

Hoàn cảnh cuộc sống thường nhật của chúng ta không phải lúc nào cũng thuận lợi cho việc hành thiền. Thời gian và tâm trí  chúng ta liên tục bị những hoạt động và lo toan choán chỗ. Chính vì thế mà ban đầu, cần phải tự tạo cho mình một số điều kiện thuận lợi. Khi bị cuốn theo cuộc sống hối hả hàng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể và cần duy trì lợi ích của thiền, đặc biệt là thực hành “tỉnh thức”. Song lúc đầu, cần phải đặt tâm trong một môi trường thích hợp. Người ta không thể học những kiến thức sơ đẳng về lái tàu trong một cơn giông bão mà phải vào lúc trời yên biển lặng. Cũng như vậy, lúc đầu nên tập thiền ở một nơi yên tĩnh để tâm có thể có cơ hội trở nên sáng sủa và ổn định. Kinh sách của đạo Phật thường hay dẫn chứng hình ảnh ngọn đèn dầu. Nếu cứ liên tục để đèn thì ánh lửa sẽ yếu và có nguy cơ bị tắt bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu ta biết chắn gió cho đèn thì ngọn lửa sẽ được giữ yên và rực sáng. Đối với tâm thức của ta cũng vậy.

Một tư thế ngồi phù hợp

Tư thế ảnh hưởng tới tâm trạng. Nếu ngồi uể oải thì dễ bị hôn trầm và buồn ngủ khi thiền. Ngược lại, nếu ngồi quá cứng nhắc và căng thẳng thì tâm trí lại dễ bị loạn động. Vì thế, cần phải chọn một tư thế cân bằng, không quá căng thẳng, cũng không quá trễ nải. Trong kinh sách có mô tả tư thế ngồi bảy điểm, được gọi là thế Kim Cương (vajrasana):

Hai chân bắt chéo trong tư thế Kim cương (vajra), thường được gọi là “thế hoa sen” hay “kiết già”: đầu tiên gặp chân phải lên đùi chân trái, sau đó gập chân trái lên đùi chân phải.

Nếu cách ngồi này quá khó, ta có thể ngồi theo “thế nửa hoa sen” hay “bán già”: để chân phải dưới đùi trái và chân trái dưới đùi phải (sukhasana).

  1. Hai bàn tay đặt vào lòng, trong tư thế buông xả, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái sao cho đầu hai ngón cái chạm vào nhau. Một cách khác là để úp hai bàn tay lên đầu gối.
  2. Hai vai hơi nhô lên và đầu cúi về phía trước.
  3. Cột sống thật thẳng, “giống như một chồng tiền xu bằng vàng”.
  4. Cằm hơi gập xuống cổ.
  5. Đầu lưỡi chạm nhẹ vào hàm trên.
  6. Mắt nhìn thẳng hoặc nhìn xuôi theo sống mũi, mở to hoặc khép hở.

Nếu ngồi bắt chéo hai chân mà khó thì đương nhiên chúng ta có thể ngồi thiền trên một chiếc ghế, hoặc trên một chiếc gối cao. Điều cốt yếu là duy trì một tư thế cân bằng, lưng thẳng và tuân thủ những điểm đã được mô tả ở trên. Kinh sách nói rằng nếu thân được giữ thẳng, các đường kinh dẫn năng lượng vi tế cũng sẽ thẳng, và nhờ thế, tâm trí sẽ minh mẫn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thay đổi một chút tư thế ngồi tuỳ theo diễn biến trong quá trình thiền. Nếu ta có xu hướng hôn trầm, thậm chí buồn ngủ thì hãy dựng thẳng lưng lên cho khoẻ khoắn và mắt nhìn lên cao. Ngược lại, khi tâm trí quá loạn động thì chúng ta ngồi thoải mái hơn một chút và đưa mắt nhìn xuống.

Cách ngồi thích hợp phải được duy trì lâu nhất có thể, song nếu nó trở nên khó chịu thì tốt hơn cả là thư giãn một lúc còn hơn là liên tục bị mất tập trung vì đau đớn. Người ta cũng có thể trải nghiệm đau đớn theo khả năng chịu đựng của mình, không chối bỏ nó mà cũng cường điệu nó, đón nhận nó như bất kỳ một cảm giác thích thú hoặc chán ghét nào khác, trong trạng thái tâm tỉnh thức ở hiện tại. Cuối cùng, ta cũng có thể xen kẽ thiền toạ (ngồi) với thiền hành (đi). Đây là phương pháp mà chúng ta sẽ nói tới ở phần sau.

Nhiệt tâm là động cơ để duy trì thiền

Để quan tâm tới điều gì và dành thời gian cho nó, trước hết cần thấy rõ lợi ích mà điều ấy mang lại. Việc suy nghĩ tới những lợi lạc của thiền, sau đó tự mình nếm thử chút xíu hương vị của nó sẽ nuôi dưỡng tính bền bỉ của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng thiền là một loại thực hành lúc nào cũng dễ chịu. Người ta có thể ví nó như một buổi leo núi, không phải lúc nào cũng thích thú. Điều cơ bản là cảm nhận được lợi ích sâu sắc của thiền để duy trì nỗ lực, bất chấp những lúc lên xuống trong quá trình thực hành tâm linh. Khi đó, sự mãn nguyện do tiến dần tới đích mà mình đặt ra cũng đủ để duy trì quyết tâm và niềm tin rằng nỗ lực bỏ ra là xứng đáng.

Một vài lời khuyên chung

Điều cốt yếu là duy trì thiền liên tục, ngày này qua ngày khác, bởi vì chỉ có như thế, thiền mới dần dà phát triển và ổn định, hệt như một dòng nước lớn dần thành một dòng suối, rồi thành một con sông.

Kinh sách nói rằng thiền đều đặn và lặp đi lặp lại trong một chu kỳ ngắn thì hơn là thỉnh thoảng mới thiền trong một thời lượng dài. Chẳng hạn, chúng ta có thể dành 20 phút mỗi ngày để thiền và tận dụng những lúc nghỉ ngơi giữa các hoạt động để “hâm lại” – dù chỉ vài phút – kinh nghiệm mà chúng ta có được trong quá trình thực hành. Những lần tập ngắn dễ có chất lượng tốt hơn và cho chúng ta cảm giác là được thực hành liên tục. Muốn cây mọc nhanh, hàng ngày cần tưới cho nó một chút nước. Nếu ta chỉ dội ào một xô nước lớn vào nó mỗi tháng một lần thì chắc chắn cây sẽ chết vì khô héo giữa hai lần tưới. Đối với thiền cũng vậy. Tuy nhiên, điều đó, không ngăn cản chúng ta dành nhiều thời gian hơn nữa cho nó.

Nếu thiền quá thất thường thì vào khoảng thời gian giữa hai lần thiền, chúng ta dễ trở lại với những thói quen cũ, rơi lại vào cạm bẫy của những cảm xúc tiêu cực và không thể tận dụng được những lợi ích do thiền mang lại. Trái lại, nếu thường xuyên hành thiền, dù trong những khoảng thời gian ngắn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng kéo dài một phần nào đó kinh nghiệm thiền quán của mình giữa hai lần thiền.

Người ta cũng nói rằng tính cần mẫn không được phụ thuộc vào tâm trạng của thời điểm ngồi thiền. Dù buổi thiền của chúng ta có thích thú hay chán chường, dễ dàng hay khó khăn thì điều quan trọng là cứ phải duy trì bền bỉ. Vả lại, khi người ta cảm thấy không muốn thiền thì thường đó lại là lúc thiền mang lại lợi ích nhất, bởi vì nó tấn công trực tiếp vào điều trong tâm đang cản trở chúng ta trên con đường tiến bộ tâm linh.

Rồi chúng ta sẽ thấy rõ hơn điều đó khi đi vào chi tiết, chúng ta cũng phải cân bằng những nỗ lực của mình sao cho không quá căng thẳng mà cũng không quá trễ nải. Đức Phật có một đệ tử chơi đàn vina rất hay (vina là một loại nhạc cụ gần giống như đàn sitar). Người đệ tử này gặp rất nhiều khó khăn khi thiền và đã tâm sự cùng Đức Phật: “Đôi khi con nỗ lực ghê gớm để tập trung và khi ấy, con rất căng thẳng. Những lúc khác, con cố gắng thoải mái, nhưng thả lỏng quá thì con lại rơi vào trạng thái buồn ngủ. Con phải làm sao bây giờ, thưa Đức Thế Tôn?”. Để thay câu trả lời, Đức Phật hỏi lại vị ấy: “Khi so dây đàn, con làm cách nào để tiếng đàn phát ra hay nhất? Kính bạch Thế Tôn, các dây đàn phải không được căng quá, cũng không được chùng quá ạ”, vị đó thưa. Đức Phật kết luận: “Cũng như vậy đối với thiền: để thiền được tiến bộ nhịp nhàng, cần phải tìm được sự cân bằng giữa nỗ lực và thoải mái.”

Người ta cũng khuyên không nên để tâm quá tới những kinh nghiệm nội tâm có thể xuất hiện trong quá trình thiền, dưới trạng thái phúc lạc, tâm sáng suốt, hoặc vô niệm chẳng hạn. Những trải nghiệm đó cũng giống như những phong cảnh mà chúng ta thấy vụt qua cửa sổ của một con tàu đang chạy vậy. Mỗi khi thấy một cảnh tượng đẹp đẽ, chúng ta đâu có nghĩ tới chuyện xuống tàu để chiêm ngưỡng, bởi vì điều quan trọng là phải đi đến đích cuối cùng của cuộc hành trình. Trong trường hợp của thiền, mục đích của chúng ta là chuyển hoá bản thân mình theo thời gian, hết tháng này sang năm khác. Nhìn chung, rất khó nhận ra những tiến bộ của từng ngày, hệt như những chiếc kim đồng hồ có vẻ như không quay khi chúng ta nhìn chăm chăm vào chúng. Vì thế cho nên chúng ta phải tinh tấn, nhưng không được sốt ruột. Thái độ vội vàng hấp tấp không hề thích hợp với thiền, bởi lẽ mọi chuyển hoá sâu sắc đều đòi hỏi phải có thời gian.

Đường đi có dài bao lâu cũng không quan trọng. Ấn định một thời hạn nào đó cũng chẳng để làm gì, bởi vì điều cốt lõi là biết rằng mình đang đi đúng hướng. Ngoài ra, tiến bộ tâm linh không phải là chuyện “được ăn cả, ngã về không”. Mỗi một bước đi, mỗi một giai đoạn đều mang lại những điều thoả mãn và góp phần làm thăng hoa nội tâm.

Để tóm tắt lại, điều chỉnh không phải là thỉnh thoảng mới trải nghiệm thoáng qua, mà là thấy rằng mình đã thay đổi một cách bền bỉ và sâu sắc sau vài tháng, hoặc vài năm thực hành thiền.

Hướng tâm tới thiền về 4 chủ đề

Để củng cố quyết tâm hành thiền của mình, có bốn chủ đề suy ngẫm (quán chiếu) mà chúng ta phải lưu ý:

(1) giá trị cuộc sống con người,

(2) tính chất mong manh và bản chất tạm bợ của vạn vật,

(3) sự khác biệt giữa hành động thiện và hành động ác (hay những điều nên làm và nên tránh),

(4) thái độ bất mãn cố hữu đối với phần lớn các hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta.

Giá trị cuộc sống con người

Cuộc sống tạo cho con người những dịp tuyệt vời để phát triển nội tâm, chỉ cần có chút rảnh rỗi và điều kiện thực hiện. Nếu được sử dụng một cách có ý thức, chỉ có cuộc sống mới có thể hiến tặng chúng ta cơ hội duy nhất để cụ thể hoá tiềm năng mà ai trong chúng ta cũng có, nhưng lại coi thường và phung phí. Tiềm năng ấy ẩn sâu trong ta, như một kho báu bị che lấp bởi sự thiếu hiểu biết, hoặc do tâm trí bị lẫn lộn dưới tác động của những cảm xúc gây rối loạn. Những phẩm chất đạt được trên suốt con đường tâm linh lâu dài cho thấy tiềm năng này nổi lên dần dần, giống như một thỏi vàng, càng được lau chùi kỹ lưỡng thì càng óng ánh thêm.

Thiền

Hãy nhận thấy rằng cuộc sống của con người mới quý giá làm sao và khao khát cháy bỏng là chắt lọc được phần tinh tuý của nó. So với cuộc sống của loài vật, cuộc sống này cho chúng ta cơ may tuyệt vời là hoàn thành một sự nghiệp vô cùng lợi lạc, vượt ra ngoài những hạn chế của con người bình thường chúng ta. Trí tuệ của con người là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ, có khả năng sản sinh ra vô lượng điều tốt lành cũng như muôn vàn điều khổ đau ghê gớm. Chúng ta hãy dùng nó để loại trừ dần dần đau khổ và khám phá ra chân hạnh phúc, không phải chỉ riêng cho mình, mà là cho tất cả những người sống quanh chúng ta, sao cho mỗi khoảnh khắc trôi qua đều được sống cho xứng đáng và chúng ta sẽ không hối tiếc khi nhắm mắt xuôi tay, hệt như người nông dân đã hết lòng chăm bón cánh đồng của mình. Hãy trụ lại một lúc trong cảm giác sâu lắng này.

Nguồn cảm hứng

“Một trong những khó khăn lớn nhất mà ta gặp phải khi cố gắng quan sát tâm chính là trong vô thức, ta đinh ninh rằng mình được sinh ra đã là như thế và không thể làm gì để thay đổi được. Chính vì hồi còn trẻ, tôi cũng đã từng có cảm giác bi quan vô bổ như vậy, và tôi đã thường xuyên nhận thấy cảm giác ấy ở những người khác, trong những chuyến công du trên thế giới. Bản thân cách nhìn nhận sơ cứng như vậy của chúng ta về tâm thức đã cản trở mọi nỗ lực để thay đổi, dù chúng ta không ý thức được điều đó.

Một số người nói với tôi rằng họ đã thử thay đổi bằng cách tuyên bố khẳng định, bằng những lời cầu nguyện, hoặc bằng cách quán chiếu, song thường là họ bỏ sau vài ngày hoặc vài tuần, bởi vì không thấy có kết quả ngay. Khi các phương pháp không mang lại hiệu quả, họ vứt bỏ mọi ý định chuyển hoá tâm thức. Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện với các bậc thông tuệ của nhiều nước, tôi cũng bị ấn tượng bởi một điều: hầu hết toàn bộ cộng đồng khoa học đều nhất trí cho rằng bộ não được kết cấu sao cho con người hoàn toàn có khả năng thay đổi thực sự trong việc trải nghiệm cuộc sống hàng ngày” – Yongey Mingyoui Rinpoche

Bản chất tạm bợ của vạn vật

Suy ngẫm về bản chất phù du của mọi người và mọi vật chính xác để làm gì? Dù ngắn ngủi đi chăng nữa, cuộc sống làm người có giá trị khôn lường. Nghiền ngẫm về tính vô thường (thay đổi) giúp ta đánh giá được giá trị của thời gian, ý thức được rằng mỗi giây phút của cuộc đời đều đáng được trân trọng, trong khi bình thường, chúng ta để thời gian trôi đi như vàng ròng chảy tuột qua các kẽ ngón tay vậy. Cớ sao chúng ta cứ liên tục gác lại điều mà bằng bản năng, chúng ta biết rằng nó là cốt lõi? Cũng không cần thiết phải bồn chồn sốt ruột vì muốn có ngay kết quả. Cần phải có lòng quyết tâm không gì lay chuyển nổi là đừng để lãng phí thời gian vào những chuyện giải trí vô nghĩa. Chúng ta đừng để bị lừa gạt bởi ảo tưởng cho rằng “mình còn cả cuộc đời trước mắt”. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống đều quý giá, bởi lẽ cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Cách mà người ta lường trước về cái chết ảnh hưởng rất đáng kể tới chất lượng cuộc sống. Một số người thì khiếp sợ, số khác thì không thích nghĩ tới, một số nữa lại chiêm nghiệm về cái chết để biết thưởng thức tốt hơn giá trị của mỗi thời khắc và phân biệt rõ điều gì đáng để được trải nghiệm. Ai thì rồi cũng phải chết, nhưng mỗi người chuẩn bị cho nó theo một cách thức khác nhau. Bậc minh triết dùng nó như một hòn đá mài để chuốt sắc lòng dũng cảm và tránh xa những trò giải trí vô bổ. Vị đó không bị cái chết ám ảnh, nhưng ý thức rõ ràng được tính chất mong manh của cuộc sống. Điều đó khiến vị ấy cống hiến toàn bộ giá trị của mình cho thời gian còn lại trong cuộc đời. Người nào tận dụng từng khoảnh khắc để trở thành người tốt hơn và góp phần mang lại hạnh phúc cho đồng loại thì sẽ thanh thản khi từ giã cuộc đời này.

Nếu chúng ta ý thức được bản chất vô thường là cốt lõi của vạn vật thì làm sao chúng ta lại có thể đinh ninh rằng một người cứ mãi mãi xấu xa, hoặc một vật cứ mãi mãi được yêu thích hoặc bị ghét bỏ? Làm sao chúng ta lại có thể nhìn nhận một điều gì đó là cố hữu “của mình”? Làm sao chúng ta có thể chấp nhận một bản ngã (“cái tôi” bất di bất dịch trong dòng chảy không ngừng biến đổi của tâm thức chúng ta?

Hiểu rằng vô thường nằm trong bản chất của mọi hiện tượng trong thế giới hữu tình và vô tình sẽ giúp chúng ta không bám víu, không chấp trước vào mọi sự, như thể chúng cứ phải tồn tại mãi mãi. Bám chấp thì sớm hay muộn cũng dẫn tới khổ đau, vì thái độ này không đúng với thực tại. Hơn nữa, khi thay đổi diễn ra, chúng ta sẽ hiểu rằng vô thường nằm trong bản chất của vạn vật và chúng ta sẽ bớt bị ảnh hưởng.

Thiền

Hãy nghĩ tới sự luân chuyển của các mùa và năm tháng, của các ngày và từng thời khắc, nghĩ tới những thay đổi làm ảnh hưởng tới từng mặt trong cuộc sống của con người; rồi cuối cùng hãy nghĩ rằng cái chết là không thể tránh khỏi, nhưng chết lúc nào thì ta lại không biết. Ai mà biết trước mình còn sống được bao lâu nữa? Ngay cả khi ta đã sống tới một tuổi rất cao rồi, cái chết ập tới cũng nhanh như lúc bắt đầu. Vì thế, trong thâm tâm mình, chúng ta phải xem xét điều gì là đáng giá trong cuộc đời và mình phải sử dụng thời gian còn lại một cách hữu hiệu cho lợi ích của bản thân và của mọi người. Nếu mình khát khao thiền và phát triển các phẩm chất của tâm thì không bao giờ là quá sớm cả.

Nguồn cảm hứng

Nếu cuộc đời phù du này

Bị ngọn gió của muôn ngàn hiểm nguy xô dạt

Còn mong manh hơn cả bọt bong bóng nước

Thì kỳ diệu làm sao, sau mỗi giấc ngủ,

Hít vào thở ra, ta tỉnh dậy vẫn an nhàn!

Nagarjouna

“Lúc ban đầu, cần phải khiếp sợ cái chết như một con nai vừa thoát sập bẫy. Ở đoạn giữa, cần phải không tiếc nuối bất cứ điều gì, như người nông dân đã cầy xới kỹ lưỡng cánh đồng của mình. Khi chung cuộc, cần phải hạnh phúc như một người đã hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ lớn lao.”

Gampopa

Những cách hành xử cần có (thiện) và cần tránh (ác)

Bằng cách nào để tận dụng được tốt nhất cuộc sống làm người quý giá nhưng lại phù du, và có thể mất đi bất cứ lúc nào? Mỗi khi muốn thực hiện thành công một dự án hoặc làm bất kể điều gì, cần phải biết chắc rằng cách thức tiến hành của mình là tốt. Có một số thứ phải làm và một số thứ khác phải tránh. Người thuỷ thủ giữa cơn sóng cả, người dẫn đường trên núi, hoặc một người thợ thủ công ý thức đều biết rằng họ sẽ không thu được kết quả gì tốt lành nếu chỉ hành động một cách tuỳ hứng. Điều này càng đúng trong trường hợp mục đích ta theo đuổi là thoát khỏi khổ đau. Nhưng làm sao để biết cách thức tiến hành nào là tốt? Ở đây, không có chuyện dựa vào một giáo điều để phân biệt giữa “thiện” và “ác”, hoặc tuân theo những điều ước lệ sẵn có; mà đơn giản là tôn trọng một cách sáng suốt những cơ cấu của hạnh phúc và khổ đau như chúng ta có thể tự mình quan sát chúng, nếu ta tập trung cao độ. Chừng nào còn để tay trong lửa, chừng đó đừng hi vọng không bị bỏng. Vả lại, bằng mọi giá muốn chắc chắn về hậu quả xuất phát từ những sự lựa chọn của bản thân thì dù sao cũng không phải là một thái độ đúng đắn. Nếu như lường trước được mọi hậu quả của những hành động mình làm là khó – dù chúng ta làm gì và trong bất cứ tình huống nào – thì chí ít, chúng ta cũng có thể xem xét động cơ của mình và yên tâm rằng mục đích của chúng ta không chỉ vì hạnh phúc chân chính của mình, mà nhất là còn vì phúc lợi của tha nhân nữa.

Thiền

Hãy lắng tâm thật sâu và thừa nhận rằng chúng ta mong muốn thoát khỏi khổ đau và tìm thấy chân hạnh phúc. Hãy chân thành ý thức được rằng mọi chúng sinh đều mong muốn như vậy. Hãy suy ngẫm về những mối quan hệ móc xích giữa Nhân và Quả, khiến cho một số loại suy nghĩ, lời nói và hành động – ví dụ do thù hận, tham lam, đố kỵ và ngạo mạn gây ra chẳng hạn – sẽ dẫn tới khổ đau và một số loại khác – xuất phát từ thiện tâm và trí tuệ – sẽ đưa tới niềm mãn nguyện sâu xa. Từ đó, hãy rút ra những kết luận cần thiết để thấy điều gì cần làm và cần tránh, rồi quyết tâm thực hiện chúng.

Nguồn cảm hứng

Muốn thoát khỏi khổ đau

Nhưng chúng ta lại lao mình vào đó,

Khát khao hạnh phúc,

Nhưng do thiếu trí tuệ,

Chúng ta lại phá hoại nó,

Như thể hạnh phúc là kẻ thù của mình

Shantideva[ii]

Thái độ bất toại nguyện cố hữu của thế gian

Như đã trình bày ở phần trên, hoàn cảnh của chúng ta còn rất nhiều điều bất cập và không những chúng ta cần phải thay đổi, mà còn có khả năng thay đổi tình trạng đó. Tất nhiên, chúng ta có thể tìm được nhiều cách giải trí để quên đi những khía cạnh không được như ý của cuộc đời, hoặc che giấu chúng dưới mọi hình thức nguỵ trang hấp dẫn – như liên tục hoạt động, không ngừng nếm mùi mọi cảm giác, chạy theo giàu sang, quyền lực và danh vọng – nhưng rốt cuộc, thực tế vẫn nổi lên lấn át tất cả với những điều bất hạnh của nó. Vì vậy, nên nhìn thẳng vào hiện thực và quyết tâm nhổ bật gốc rễ của những nguyên nhân khổ đau, đồng thời vun trồng những điều kiện đưa tới chân hạnh phúc.

Thiền

Trong một lát, hãy ý thức được tiềm năng thay đổi của chúng ta. Dù hoàn cảnh hiện tại của mình có thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể tiến bộ và tự chuyển hoá. Chí ít, chúng ta cũng có thể thay đổi cách thức nhìn nhận của mình về vạn vật, và dần dần, thay đổi cách sống của mình. Trong thâm tâm, hãy quyết định giải thoát mình khỏi hoàn cảnh hiện thời, vun bồi nhiệt huyết và ý chí bền bỉ, để phát triển các phẩm chất tiềm tàng của bản thân.

Nguồn cảm hứng

“Suốt đời đuổi theo những mục đích tầm thường của thế gian như khoái lạc, lợi nhuận, lời khen, danh vọng,… chúng ta phung phí thời gian của mình giống như một dân chài tung lưới trên dòng sông cạn nước. Hãy nhớ lấy điều đó, và đừng để cuộc sống của bạn tan biến trong những cuộc chạy đua vô bổ”. – Dilgo Khyentse Rinpoche[iii]

Thiền về trạng thái tỉnh thức trọn vẹn

Tâm trí chúng ta thường bị vô vàn suy nghĩ về quá khứ lẫn tương lai liên tục cuốn đi. Chúng ta lơ đễnh, phân tán, rối loạn và vì thế, bị tách ra khỏi thực tại gần sát chúng ta nhất. Chúng ta chỉ thoáng thấy những gì diễn ra xung quanh mình ngay lúc này, như thế giới quanh ta, những cảm xúc của bản thân, cách suy nghĩ và nhất là cái ý thức thường xuyên hiện hữu nhưng bị che khuất bởi những loạn động trong tâm. Những suy nghĩ theo thói quen của chúng ta hoàn toàn trái ngược với trạng thái tỉnh thức hoàn hảo. Trạng thái này đòi hỏi phải hoàn toàn tỉnh táo trước bất cứ điều gì xuất hiện trong ta và xung quanh ta, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, trước tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy và suy niệm. Thêm vào đó là sự thấu hiểu bản chất của cái điều mà chúng ta thấy, không phụ thuộc vào những méo mó do những thói ưa thích hay ghét bỏ của chúng ta gây ra. Trạng thái tỉnh thức trọn vẹn còn có cả một cấu thành mang tính đạo đức, giúp chúng ta phân biệt được có lợi hay không khi duy trì tâm thái này hay tâm thái khác, và có nên theo đuổi điều ta đang làm trước mắt hay không.

Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, còn hiện tại thì vừa không nắm bắt được – bởi vì nó không khi nào dừng lại – vừa bất biến như một nhà vật lý nổi tiếng đã viết: “Hiện tại là thứ duy nhất không có hồi kết”[iv]. Nuôi dưỡng trạng thái tỉnh thức trọn vẹn trong hiện tại không có nghĩa là chúng ta không được tính đến những bài học của quá khứ, hay không được hoạch định các dự án cho tương lai, mà có nghĩa là chúng ta phải trải nghiệm trong một tâm thái minh mẫn giờ phút hiện tại, vì nó bao hàm cả quá khứ lẫn tương lai.

 Thiền

Hãy quan sát ý nghĩ khởi lên trong tâm thức của chúng ta, không áp đặt cho nó bất cứ điều gì, không để mình bị cuốn theo nó, cũng không xua đuổi nó. Hãy chiêm ngưỡng vật gì đó hiện diện trước mặt, như một bông hoa chẳng hạn; hãy lắng nghe những tiếng động gần hoặc xa, hít vào những hương thơm và mùi vị, cảm nhận chất liệu của thứ mà chúng ta cầm nắm, hãy ghi nhận những cảm xúc đa dạng và nhận biết cái gì tạo nên thuộc tính của chúng. Hãy cố gắng toàn tâm toàn ý với công việc đang làm: trong khi đang bước đi, đang ngồi, đang viết, đang chuẩn bị hành lý hay đang uống một tách trà. Sẽ không còn việc nào là “thích” hoặc “chán” nữa, bởi vì trạng thái tỉnh thức không phụ thuộc vào điều mà ta đang làm; nó phụ thuộc vào cách thức mà ta đang tiến hành, tức là trong một tâm trạng sáng suốt và an bình, chăm chú và hân hoan bởi vì chất lượng của giây phút hiện tại vắng bóng những tạo tác của tâm thức chúng ta.

Khi thực hành bài tập này, chúng ta sẽ không ngừng chao đảo giữa hai trạng thái thích thú và ghét bỏ. Chúng ta chỉ cần tập trung, sáng suốt và ý thức về mỗi một ý niệm hoặc một cảm xúc nào đó. Chúng khởi lên rồi biến mất. Hãy cảm nhận sự tươi mát của giây phút hiện tại. Chẳng lẽ nó không làm nảy sinh trong ta một kinh nghiệm thênh thang, sáng suốt và thanh tịnh hay sao?

Nguồn cảm hứng

“Khi nghe thấy một tiếng động trong lúc thiền, hãy đơn giản tập trung vào kinh nghiệm nghe. Chỉ thế và chỉ thế mà thôi (…) Không tưởng tượng. Không phán xét. Không đối thoại nội tâm về tiếng động. Đơn giản chỉ là nghe những tiếng động mà thôi. Thực tại cao quý ở chỗ nó mộc mạc đơn sơ, không màu mè. Khi bạn nghe thấy một tiếng động, hãy chăm chú vào tiến trình nghe đó. Mọi thứ còn lại đều là những thêm thắt vô bổ. Hãy bỏ qua!”

Bhante Henepola Gutnaratna[v]

Thiền 2 – Đi trong chánh niệm

Đây là một phương pháp được rất nhiều thiền sinh thực tập để vun bồi trạng thái tỉnh thức trọn vẹn. Đó là đi trong lúc tâm trí hoàn toàn tập trung vào từng bước chân. Cần phải đi khá chậm để có thể ý thức trọn vẹn được từng động tác rất nhỏ của mình, nhưng không đến mức bị mất thăng bằng. Mỗi khi bước, cần ý thức được trạng thái cân bằng của mình, cách mình đặt gót chân xuống đất rồi ý thức dần dần toàn bộ bàn chân kia nhấc lên khỏi mặt đất để bước tới xa hơn về phía trước. Đưa mắt nhìn xuống phía dưới, cách mình vài bước chân và lấy đối tượng tập trung chính là bước đi của mình. Nếu chúng ta không có không gian rộng, hãy bước đi rồi quay lại, nhưng dừng lại một lát trước mỗi lần quay và hoàn toàn ý thức được lúc dừng đó. Chúng ta cũng có thể kết hợp thiền hành chuyên chú trong trạng thái tỉnh thức trọn vẹn với tất cả nhũng gì chúng ta bắt gặp, nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận như những điều được giải thích dưới đây.

Nguồn cảm hứng

“Đi chỉ đơn giản vì thích đi, tự do, tự tại, không vội vã. Ta hiện diện với từng bước chân ta bước. Nếu muốn nói, ta dừng lại và dồn hết tâm trí vào người đứng trước mặt mình, vào việc nói chuyện và lắng nghe … Hãy dừng lại, nhìn ra xung quanh mình và thấy rằng cuộc sống mới đẹp làm sao: cây cối, mây trắng và bầu trời mênh mông. Hãy lắng nghe tiếng chim hót, thưởng thức làn gió nhẹ mơn man. Hãy bước đi như những con người tự do và cảm nhận những bước đi của mình ngày càng lâng lâng hơn. Hãy tận hưởng từng bước chân mình đặt trên mặt đất.” – Thích Nhất Hạnh[vi]

An định tâm

Thiền có mục đích là giải phóng tâm thức khỏi tình trạng ngu tối và khổ đau. Bằng cách nào vậy? Ở đây cũng vậy, chỉ mong muốn đạt được điều đó thôi thì không đủ. Cần phải thực hành một phương pháp có hệ thống để giúp gỡ bỏ những bức màn làm tăm tối tâm thức. Bởi vì chính tâm thức phải có nhiệm vụ này nên trước hết, chúng ta cần yên tâm rằng nó hoàn toàn có khả năng. Nếu tâm thức không đứng yên được dù chỉ một lúc thôi thì làm sao có thể tự giải thoát mình ra khỏi trạng thái ngu muội? Tâm thức giống như một con khỉ bị trói buộc bởi những mối quan hệ, nó không ngừng chuyền đi mọi hướng để tự cởi trói. Nó hoảng loạn, nhảy nhót nhiều tới mức không để cho ai, kể cả nó, cởi được nút trói. Cần phải bắt đầu bằng cách trấn an nó, làm cho nó chú ý. Trấn an chú khỉ không có nghĩa là trói nó đứng im. Mục đích là tranh thủ lúc nghỉ ngơi để trả lại tự do cho nó. Người ta dùng cách làm chủ tâm như vậy khi nó đã yên, chăm chú, sáng rõ và có thể uốn nắn được để giải phóng tâm khỏi những sợi dây trói buộc được hình thành từ những ý niệm lung tung, những cảm xúc xung đột và sự nhầm lẫn.

Những nếp suy nghĩ được duy trì bởi các khuynh hướng và những thói quen của chúng ta, cũng như trạng thái phân tán và những tạo tác mang tính chất khái niệm làm méo mó thực tại đều là những vật cản khiến chúng ta không đạt được mục đích của mình. Vì vậy, cần phải cải thiện những điều kiện bất lợi trên. Làm chủ tâm thức không có nghĩa là áp đặt cho nó những ràng buộc mới, khiến tâm hẹp hòi và căng thẳng hơn; trái lại, giúp tâm vượt qua được sự trói buộc của các điều kiện tâm lý và những xung đột bên trong do các suy nghĩ và cảm xúc duy trì.

Do vậy, để nhận biết được bản chất của chân tâm, cần phải gỡ đi những tấm màn do những phản xạ tự nhiên của ý thức dựng lên. Bằng cách nào? Giả sử khi đánh rơi chìa khoá xuống đáy ao, nếu chúng ta dùng gậy để khoắng lên thì nước sẽ đục ngầu và ta sẽ không có cơ may tìm lại chìa khoá. Trước hết, phải để nước lắng dần, rồi trở nên trong trẻo, khi đó ta dễ dàng nhìn thấy chìa khoá và lấy nó lên. Cũng như vậy, cần bắt đầu bằng cách để cho tâm trí trở nên yên bình, sáng suốt và định tĩnh. Sau đó, mới có thể sử dụng những phẩm chất mới mẻ kia để vun bồi những phẩm chất khác như tình thương đồng loại, lòng cảm thông và để có được một cách nhìn sâu sắc về bản chất của tâm thức.

Để đạt được mục đích đó, mọi tông phái Phật giáo đều dạy hai kiểu thiền cơ bản và bổ sung cho nhau: định (shamatha trong tiếng Phạn) và minh sát tuệ hay cái nhìn xuyên thấu (vipashyana) mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau. Định là trạng thái tâm lắng xuống, rõ ràng và hoàn toàn tập trung vào đối tượng của nó. Minh sát tuệ là cái nhìn xuyên thấu bản chất của tâm thức và của thế giới hiện tượng. Người ta đạt được nó bằng cách phân tích kỹ lưỡng tâm thức và sau đó phải thực hành thiền quán với kinh nghiệm nội tâm. Minh sát tuệ giúp ta vạch trần những ảo vọng, và nhờ đó, ta không còn là nạn nhân của những cảm xúc gây đảo lộn tâm trí nữa. Tóm lại, định là bước chuẩn bị cơ sở, biến tâm thành một công cụ dễ uốn nắn, hữu hiệu và chính xác; còn minh sát tuệ là giải phóng tâm khỏi ách gông cùm của những khổ đau tinh thần và những bức màn của vô minh.

Tâm thức của chúng ta thường không ổn định, thất thường, lộn xộn, chao đảo giữa hi vọng và lo âu, ích kỷ, do dự, bị chia chẻ, lẫn lộn, thậm chí đôi khi vắng mặt, yếu đi bởi những xung đột bên trong và bởi cảm giác bất an. Hơn nữa, nó chống lại mọi sự  rèn rũa và không ngừng bận rộn bởi những câu chuyện phù phiếm nội tâm, một loại “tiếng động nền” mà chúng ta ít khi ý thức được.

Hiện tượng rối loạn trong hoạt động này không là gì khác ngoài một sản phẩm của chính tâm thức. Do vậy, tâm phải đủ khả năng để chuyển hóa nó, điều này hoàn toàn lô-gíc. Đó chính là mục đích của việc thực hành định và tuệ.

Tóm lại, đây là việc chuyển dần dần từ trạng thái tâm bị những điều kiện bất lợi thao túng (như đã nêu ở phần trên) đến một trạng thái trong đó sự ổn định, bình yên nội tâm, khả năng kiểm soát các cảm xúc, sự tin tưởng, lòng dũng cảm, thái độ cởi mở với đồng loại, lòng nhân từ và nhiều phẩm chất khác sẽ là tính chất của tâm khi nó trở nên rộng lớn và thanh tịnh.

Cho nên, trong thời kỳ đầu, thực hành thiền định (shamatha) nhằm làm dịu đi luồng xoáy của các ý nghĩ (niệm). Muốn thế, chúng ta cần tập trung cao độ vào đối tượng hơi thở – một đối tượng chẳng mấy khi ta để ý.

Trừ khi đã hết cả hơi sau khi quá cố gắng làm việc gì, trừ khi nhịn thở hoặc thở thật sâu để buồng phổi chứa đầy không khí trong lành, chứ lúc bình thường, chúng ta ít khi ý thức về hơi thở. Tuy nhiên, thở đồng nghĩa là còn sống. Bởi vì chúng ta liên tục thở cho nên hãy lấy hơi thở làm đối tượng của sự tập trung; như thế, chúng ta sẽ có một công cụ quý báu bởi vì nó luôn sẵn có, và mặt khác, sẽ giúp ta thông qua nó để biết rằng mình có tập trung hay bị phân tán.

Việc thực hành cần phải qua ba bước cần thiết:

1. hướng sự chú ý vào đối tượng đã chọn (ở đây là hơi thở);

2. duy trì sự chăm chú của mình vào đối tượng đó;

3. ý thức trọn vẹn được những gì là đặc trưng của nó[vii].

Thiền về sự ra vào của hơi thở

Hãy ngồi thoải mái, nếu có thể thì ngồi theo tư thế 7 điểm đã mô tả ở phần trên, hoặc ít ra, giữ lưng thật thẳng trong một tư thế thăng bằng. Ở đây, ý thức trọn vẹn có nghĩa là liên tục có mặt với hơi thở của mình, không lãng quên nó, cũng không để bị phân tán.

Hãy thở êm nhẹ, bình thường. Tập trung toàn bộ chú ý vào việc thở ra và hít vào. Đặc biệt nhận ra được cảm giác luồng khí đi vào lỗ mũi, ở chỗ mà ta cảm nhận rõ nhất. Trong trường hợp này, đó sẽ là cửa lỗ mũi, hoặc hơi lùi vào bên trong, hoặc sâu trong khoang mũi. Ghi nhận cả lúc hơi thở bị ngừng lại, giữa khi thở ra và lúc hít vào tiếp theo. Sau đó, lúc hít vào, tập trung chú ý vào điểm mà chúng ta cảm nhận khi luồng khí đi qua. Cũng vậy, ghi nhận lúc hơi thở ngừng lại một giây giữa lúc hít vào này và lần thở ra kế tiếp.

Hãy tập trung hệt như vậy vào các chu kì tiếp theo, và cứ như thế, hết hơi thở này tới hơi thở khác, không hề căng thẳng nhưng cũng không buông thả tới mức bị rơi vào tình trạng hôn trầm. Ý thức về hơi thở phải rõ ràng và thanh thản. Đức Phật đã dùng hình ảnh trận mưa rào gột rửa những lớp bụi dày do gió đưa tới, để lộ ra bầu trời trong sáng. Bụi bặm chính là trạng thái loạn động và lẫn lộn của tâm thức, trận mưa rào tốt lành tượng trưng cho sự tập trung vào hơi thở, còn không khí trong lành thể hiện sự bình yên và sáng sủa của nội tâm.

Đừng cố tình thay đổi nhịp thở. Hơi thở của chúng ta có thể sẽ chậm lại đôi chút, song điều này phải để cho tự nhiên. Dù hơi thở của chúng ta có ngắn hay dài, chỉ cần chúng ta biết được điều đó.

Sớm hay muộn, chúng ta sẽ bị hoặc là phân tán tư tưởng kèm theo vô vàn các ý nghĩ, hoặc rơi vào tình trạng buồn ngủ, hoặc cả hai, có nghĩa là bị rơi vào một trạng thái lẫn lộn với những ý nghĩ miên man. Chính lúc này là lúc cần tỉnh giác: ngay khi biết rằng đã bị mất tập trung, chúng ta hãy đơn giản chú ý trở lại, không hối tiếc, cũng không mặc cảm. Hãy đơn giản quay lại với hơi thở, như con bướm trở lại với bông hoa sau khi đã vô cớ bay đi.

Khi các ý nghĩ khởi lên, đừng tìm cách chặn chúng lại – cũng không thể làm được như vậy bởi lẽ chúng đã xuất hiện rồi – chỉ cần tránh không nuôi dưỡng chúng: hãy để chúng trôi qua trường tâm thức, như đàn chim bay qua bầu trời mà không để lại dấu vết vậy.

Đôi khi, chúng ta cũng có thể lựa chọn ngay một sự phân tán để làm đối tượng tập trung trong khoảng vài giây. Sau đó, khi tâm đã chuyên chú trở lại, ta lại hướng sự chú ý của mình vào hơi thở.

Nếu những cảm giác trên thân thể xuất hiện, chẳng hạn như đau đớn do ngồi lâu trong một tư thế, đừng khó chịu, đừng để cảm giác đau choán hết tâm trí chúng ta! Hãy ghi nhận, ý thức trọn vẹn về cảm giác đau đó, rồi quay về quan sát hơi thở. Nếu quá đau tới mức ảnh hưởng đến việc thiền thì tốt hơn cả là thư giãn một lúc, hoặc thực hành thiền “đi trong chánh niệm” (hay đi trong sự tỉnh thức), rồi quay lại với thiền về hơi thở, trong tâm trạng thoải mái và tập trung tốt hơn.

Cách thứ nhất

Một phương pháp để mài sắc sự tập trung khi nó trở nên quá yếu ớt là đếm hơi thở. Chẳng hạn như ta có thể đếm thầm “1” sau khi hết một chu kỳ thở, nghĩa là hít vào rồi thở ra, rồi “2” sau khi kết thúc chu kỳ tiếp theo, và cứ tiếp tục như vậy cho tới “10”, sau đó bắt đầu lại từ “1”. Cách làm này giúp chúng ta duy trì sự chú ý. Nếu muốn, ta có thể đếm “1” sau khi hít vào và “2” sau khi thở ra. Phương pháp này và những phương pháp sau đây đôi khi có thể được áp dụng tuỳ theo nhu cầu, song không cần thiết phải đếm hơi thở trong suốt thời gian thiền.

Cách thứ hai

Một cách khác để thực hành là đếm nhẩm và khá nhanh 1,1,1,… trong khi hít vào và hệt như thế 2,2,2,… trong khi thở ra. Chu kỳ sau sẽ là 3,3,3,… trong khi hít vào và 4,4,4,… trong khi thở ra. Cứ như vậy cho tới 10 và quay trở lại một chu kỳ mới.

Cũng có thể đếm nhanh từ 1 tới 10 khi hít vào và làm như vậy khi thở ra. Có rất nhiều cách đếm được giới thiệu trong các tài liệu tham khảo ở phần cuối cuốn sách này. Tất cả mọi cách đều chung mục đích là có được sự tập trung trở lại khi ta bị rơi vào trạng thái buồn ngủ hay phân tán.

Cách thứ ba

Thay vì quan sát chính hơi thở, ta cũng có thể tập trung sự chú ý vào những chuyển động phồng xẹp của bụng hoặc buồng phổi khi hít vào, thở ra.

Cách thứ bốn

Cũng có thể kết hợp với một câu đơn giản với hơi thở ra-vào. Ví dụ như khi thở ra, tự nhủ thầm: “cầu cho tất cả các chúng sinh được hạnh phúc” và khi hít vào: “mong sao mọi khổ đau của họ đều tan biến”.

Cách thứ năm

Những ai chuyên tụng chú có thể kết hợp tụng thầm trong khi chú tâm vào hơi thở. Chẳng hạn với Lục độ thần chú “Om mani padme hung” [viii] , là câu chú của Đức Phật về lòng Từ bi Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), ta sẽ tụng chữ “om” khi hít vào, “mani padme” khi thở ra, và “hung” giữa hai hơi thở.

Cách thứ sáu

Thường thì ta không nên tác động đến sự ra vào của hơi thở, cũng như không nên ngừng lại lâu hơn giữa lúc hít vào và lúc thở ra, song trong cách thứ 6 này, ta tập trung một lát vào điểm ngừng thở nghĩa là vào lúc hơi thở ra kết thúc. Đây cũng chính là thời điểm những ý nghĩ lộn xộn tạm thời ngừng lại. Trong thời khắc ngắn ngủi ấy, để tâm nghỉ ngơi trong không gian trong trẻo, thanh thản và hoàn toàn vắng bóng những tạo tác của tâm thức. Nhưng không vì thế mà đưa trải nghiệm này thành khái niệm. Hãy nhận biết rằng nó biểu hiện một khía cạnh cơ bản của tâm thức chúng ta, nó luôn luôn hiện diện ở đằng sau tấm màn của những ý nghĩ.

Những cách thực hành trên có thể được áp dụng tuỳ theo sự thích hợp của mỗi người, với mục đích làm cho khả năng tập trung (định) của chúng ta ngày một tốt hơn.

Tập trung vào một đối tượng

Có nhiều cách khác nữa để vun bồi sự tập trung và an định tâm. Những phương pháp đó được chia làm hai loại, tuỳ theo mình có cần tới một đối tượng (còn gọi là đề mục) hay không. Đối tượng đó có thể là sự ra vào của hơi thở, như chúng ta vừa thấy, song cũng có thể là những cảm giác trên thân thể, một hình dạng bên ngoài, hoặc một hình ảnh mà ta sẽ quán chiếu. Ta có thể chọn một vật hoàn toàn bình thường ở bên ngoài như một viên sỏi, một bông hoa, hoặc ngọn lửa của một cây nến chẳng hạn. Trong trường hợp hơi thở, sự thực tập là để cho tâm trí chuyên chú vào đề mục đã chọn, và đưa nó trở lại với hơi thở ngay khi nhận ra mình bị lơ đãng.

Đề mục cũng có thể là một hình ảnh biểu tượng hoặc một gương mặt gắn với con đường tâm linh, ví dụ như một bức tranh, hoặc một pho tượng của Đức Phật chẳng hạn. Ta bắt đầu bằng tập trung khá lâu vào đó để có thể nhớ được mọi chi tiết; sau đó, ta sẽ tập trung vào hình ảnh của nó được lưu lại trong tâm thức. Sau đây là tóm tắt những lời chỉ dạy của đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche về đề tài này:

Thiền

Hãy ngồi xuống theo tư thế bảy điểm. Để cho tâm trí lắng dịu xuống một lát rồi quán tưởng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong khoảng không trước mặt mình. Ngài đang toạ trên một vành trăng đậu trên một đóa sen và Ngài ngồi trên một chiếc ngai do tám con sư tử đỡ. Toàn thân Đức Phật rực sáng như một núi vàng. Bàn tay phải của Ngài chạm xuống đất ở gần đầu gối bên phải, cử chỉ dùng mặt đất làm người làm chứng. Tay trái của Ngài đặt trong lòng, trong động tác buông xả và Ngài cầm một chiếc bình bát khất thực đựng đầy phấn hoa. Đức Phật mặc ba chiếc áo của người tu. Từ thân hình Ngài toả ra vô vàn tia sáng của trí tuệ và tình thương làm ngập tràn vũ trụ. Hãy làm cho hình ảnh này trở nên sống động. Hãy nghĩ rằng Đức Phật mà bạn đang quán tưởng không bất động như một bức tranh hoặc một pho tượng. Ngài cũng không phải được làm bằng da bằng thịt, mà toàn thân Ngài rạng rỡ và trong suốt như chiếc cầu vồng, toả sáng trí tuệ và tình thương.

Tập trung hoàn toàn vào việc quán chiếu sao cho mỗi chi tiết đều trở nên rõ nét nhất có thể. Hãy chú tâm vào gương mặt hình trái xoan hoàn mỹ, vào đôi mắt chứa chan trí tuệ và tình thương, vào chiếc mũi và đôi tai cân đối hài hoà, vào nụ cười và vào những tia sáng phát ra từ toàn thân Đức Phật. Mở rộng dần dần sự chuyên chú của bạn vào tất cả những chi tiết trên hình dạng của Ngài, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, cẩn thận từng li từng tý, như một hoạ sỹ.

Để củng cố sự tập trung, hãy vô hiệu hoá ngay lập tức tất cả những gì có thể làm xáo động tâm thức của bạn. Nếu tâm bạn dao động, nếu những ý nghĩ nổi lên và ngăn chặn bạn có được một hình ảnh sáng sủa thì bạn hãy nhìn xuống (lúc bình thường, mình nhìn thẳng vào không trung) để tập trung sự chú ý của bạn vào phần dưới của hình ảnh: đôi chân bắt chéo, chiếc ngai toạ trên lưng những con sư tử, hoặc bàn toạ hoa sen. Điều đó sẽ giúp bạn giảm loạn động trong tâm.

Nếu tâm bạn rơi vào tình trạng buồn ngủ, trễ nải hoặc bàng quan chán chường, hãy nhìn hướng lên cao và tập trung quan sát phần trên: gương mặt của Đức Phật, đôi mắt Ngài, điểm giữa hai lông mày của Ngài.

Nếu sự quán tưởng của mình không rõ nét, hãy nỗ lực hết sức để biến nó thành rõ hơn và chính xác hơn. Nếu nó đã rõ ràng, hãy tập trung vào nó một cách tự nhiên và không căng thẳng.

Khi tâm bạn đã ổn định và yên ả, hãy xem xét nó. Hãy hiểu rằng hình ảnh mà bạn quán chiếu không phải là chính Đức Phật, mà là một phóng chiếu của tâm thức, dùng để nuôi dưỡng sự tập trung. Mặc dù tâm thức này có khả năng tập trung vào một đối tượng, nhưng nếu bạn cố sức để nhìn thấy tâm đúng như bản chất của nó thì bạn sẽ không phát hiện được tâm ở đâu. Không thể khoanh vùng được tâm, hoặc xác định các đường nét, màu sắc, hình dáng, xem tâm từ đâu đến, hoặc thấy tâm đang ở đâu và đi đâu: bạn không bao giờ thấy được bất cứ điều gì. Tâm thức không phải là một thực thể độc lập để ta có thể nhận diện.

Cũng hệt như thế đối với thân thể. Cái mà chúng ta gọi là “thân” chỉ là một tập hợp của các yếu tố mà thôi. Chúng ta định nghĩa rõ ràng “đống” là vô số hạt chồng chất lên nhau, còn “bó” là rơm rạ được cắt ra và buộc lại với nhau, và “đám đông” là một tập hợp người, song những định nghĩa trên không xác định tiêu chí từ bất kỳ một thực thể nào tự tồn tại và tồn tại độc lập cả. Cũng như vậy, nếu bạn xem xét toàn bộ cái được gọi là “thân” và bạn tách riêng da, thịt, tuỷ, xương và những bộ phận khác thì chẳng còn gì để bạn có thể nhìn nhận như là thân cả.

Sự thật là mọi hiện tượng của vũ trụ đều biểu hiện một cách muôn hình muôn vẻ, như là kết quả của một sự kết hợp tạm thời giữa những nguyên nhân và những điều kiện đặc thù. Chúng ta coi những hiện tượng đó là tồn tại thực sự, bởi vì chúng ta đã không xem xét thật kỹ lưỡng. Trên thực tế, những hiện tượng đó không  hề tự chúng tồn tại.

Khi bạn thấy được rõ ràng rằng thân thể của mình, Đức Phật mà bạn quán chiếu, và mọi hiện tượng đều là những biểu hiện của tâm thức, rằng về bản chất, tâm thức  không phải là một thực thể có khả năng tự mình tồn tại, mà chỉ là một dòng chảy năng động của những trải nghiệm, lúc đó, hãy đơn giản trụ trong trạng thái tự nhiên này của một tâm thức đã rũ sạch được mọi màu mè phù phiếm. Khi những ý niệm khởi lên, hãy ý thức được chúng mà không cản trở, cũng không khích lệ. Ta gọi điều đó là quán chiếu sâu sắc. Điều cốt lõi phải đạt được là kết hợp trạng thái ổn định của tâm (shamatha)với cái nhìn xuyên thấu (vipashyana).

Tập trung không có đối tượng

Thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng thiền không gò bó và không có đối tượng dễ dàng hơn thiền có đối tượng. Trên thực tế, giữ cho tâm sáng suốt và tập trung vào chính nó trong một trạng thái tỉnh thức trọn vẹn còn khó hơn là tập trung sự chú ý của mình vào một đối tượng nào đó. Lý do là bởi người ta khó mà đạt được trạng thai “không nghĩ tới gì cả”. Tập trung chú ý vào một đối tượng bao hàm một hoạt động của tâm thức gắn với sự chú ý và nếu khó duy trì được sự tập trung đi nữa thì chí ít, nó cũng còn dễ hơn là để tâm trụ trong một trạng thái đơn giản tuyệt đối, vắng bóng mọi tạo tác của tâm. Dù sao đi nữa, tập trung không có đối tượng là kết quả tự nhiên của tập trung có đối tượng, và nó cho thấy rằng ta đã tiến thêm một bước trong hiểu biết và bản chất nền tảng của tâm thức, thông qua trải nghiệm trực tiếp.

Thiền

Hãy xoay vào trong và để tâm chiêm ngưỡng thuộc tính đầu tiên của nó đơn giản chỉ là “nhận biết”. Khả năng tỉnh thức trọn vẹn trong trạng thái tinh nguyên này làm sáng tỏ mọi ý niệm và mọi cách nhìn nhận. Đây là một phẩm chất bền chắc và cơ bản của dòng chảy tâm thức. Chúng ta có thể trải nghiệm được nó ngay cả khi không có những ý niệm và những hình ảnh do tâm tạo ra. Hãy cố gắng nhận biết khía cạnh đầu tiên này của bất kỳ trải nghiệm nào và để tâm nghỉ ngơi một lát trong trạng thái tỉnh thức trọn vẹn nhất nguyên, rõ ràng và sáng suốt, không có những khái niệm và tư tưởng gây rối loạn.

Nguồn cảm hứng

Hiện hữu trong trẻo, mênh mang

Không ở bên ngoài, cũng chẳng ở bên trong;

Bao trùm vạn vật,

Không biên giới, không phương hướng.

Cái nhìn thênh thang vô tận,

Đó là chân tâm.

Hệt như không gian của bầu trời,

Không có trung tâm, không có ngoại vi,

Không có gì làm căn cứ.

Shabkar

[i] Yongey Mingyou Rinpoche, Phúc lạc của thiền, NXB Fayard, 2008.

[ii] Shantideva, “Nhập Bồ Tát Hạnh” (Bodhicharyavatara) hay “Nhập môn về cuộc đời dẫn tới Đại Giác”, NXB Padmakara, 2007, I, 28.

[iii] Dilgo Khyentse Rinpoche (1910-1991) là một trong những vị thầy tâm linh lỗi lạc nhất của Tây Tạng thế kỷ XX. Xem Tâm linh Tây Tạng, tủ sách Points Sagesse, NXB Le Seuil, 1996.

[iv] Edwin Schroedinger, Quan niệm của tôi về thế giới, NXB Mercure de France, 1982 (dịch từ My view of the world, Londres, Cambridge University Press, 1992, tr.22).

[v] Bhante Henepola Gunaratna, Thiền trong cuộc sống thường ngày: một cách thực hành đơn giản của đạo Phật, NXB Marabout, 2007.

[vi] Thích Nhất Hạnh, Hướng dẫn về Thiền hành, NXB Lá Bối, Làng Mai, 1983.

[vii] Trong tiếng sanskrit, ba thành phần này được gọi theo thứ tự là manaskara, smriti và samprajnana (từ tương đương trong tiếng Phạn là manasikara, sati và sampajanna, và từ tương đương trong tiếng Tây Tạng là yid, la byed pa, dran pa và shes bzhin).

[viii] Nói chung, không nên hiểu một câu thần chú (mantra) theo nghĩa đen như một câu thông thường. Ở đây, “Om” là một từ mở đầu một câu thần chú và cho nó quyền năng chuyển hoá. “Mani” hay “châu báu”, muốn nói tới châu báu của tình thương vị tha và lòng bi mẫn. “Padme”, gốc từ padma hoặc “hoa sen”, muốn chỉ bản chất nền tảng của tâm thức, tức là “chân thiện tâm” của chúng ta được ví như bông hoa sen, dù mọc trong bùn lầy vẫn vươn lên tinh khiết, ngay cả giữa những độc tố của tâm thức do chúng ta tạo nên. “Hung” là một từ khiến câu chú có sức mạnh hiện thực hoá lời cầu nguyện.

Matthieu Ricard

Nguyên tác: Nghệ thuật Thiền định

Lê Việt Liên dịch

Nguyễn Quang Chiến hiệu đính