maxresdefault

Luyện Bồ Đề Tâm Tương Đối

Có sáu phần:

1. Thiền quán về bình đẳng giữa ta và người

2. Quán những nguy hiểm của ngã ái

3. Quán những lợi lạc của vị tha

4. Quán đổi địa vị mình với người

5. Quán nhận và cho

6. Quán tâm bồ đề

1. Thiền quán bình đẳng giữa ta và người

Mặc dù không được giải thích rõ trong bản văn gốc Bảy Điểm Luyện Tâm, pháp thiền này mặc nhiên bao hàm trong đó. Bồ tát Hạnh của Tịch Thiên (Shantideva) giải thích đầy đủ pháp hành như sau:

Trước tiên nên quán ta, người

Giống nhau ở chỗ tìm vui, tránh phiền

Nên cần thương cả chúng sinh

Cũng như thương bản thân mình thế thôi.

Pháp thiền quán ta người bình đẳng là một trong những phương pháp tốt nhất để khai triển tâm từ, trọng điểm của pháp luyện tâm. Đấy là một pháp hành vô cùng trọng yếu vì nếu không có kinh nghiệm về mình người bình đẳng thì ta không thể nào đạt thực chứng về pháp đổi địa vị mình cho người.

Cái gì chúng ta cần phải thấy bình đẳng trong pháp thiền quán này? Ta phải làm cho sự yêu thương người khác cũng ngang bằng với sự yêu quý bản thân, thương người như thể thương thân. Điều này không thể làm được nếu ta chưa thuần thục trong việc học Pháp. Hiện tại, mỗi khi ta suy nghĩ, cái gì liên hệ đến “tôi” đều hết sức quan trọng, cái gì liên hệ đến người khác thì tầm quan trọng kém xa. Điều ấy chứng tỏ ta không thương người khác nhiều như thương bản thân. Khi gặp khó khăn rắc rối ta dễ trở thành nản lòng khổ sở, nhưng hiếm có khi nào ta hốt hoảng vì người khác gặp rắc rối. Quả thực đôi khi ta lại còn mừng khi nghe việc không may xảy đến cho một số người. Điều này chứng tỏ ta chưa yêu thương kẻ khác bằng yêu thương bản thân.

Ta có thể tự hỏi tại sao thấy được mình người bình đẳng lại quan trọng đến thế. Cái gì sẽ xảy ra nếu ta không làm được điều này? Sẽ có hai lỗi lầm trọng đại. Trước hết là ta sẽ gặp rắc rối ngay trong đời này. Ví dụ nếu không thương người như thương mình, ta có thể nổi giận người khác và hành động một cách ích kỷ, tiêu cực, và điều này sẽ đưa ta đến những hậu quả không vui. Lỗi lầm thứ hai là ta sẽ không phát triển được tâm bồ đề, và nếu không có tâm bồ đề thì ta không thể đạt thực chứng nào trong đạo Đại thừa, chưa nói gì đến quả Phật. Những hành giả Ấn Tạng ngày xưa đều thừa nhận rằng tâm Từ là một nhân tố đặc biệt của tâm bồ đề. Ngay cả với những người không theo một con đường tâm linh nào, điều quan trọng là họ cũng nên thực tập phần nào việc xem mình người bình đẳng, vì nếu không, chắc chắn họ sẽ gặp rắc rối. Ví dụ khi giao thiệp với một người nào, nếu ta thương mến và lưu tâm đến họ, thì cả đôi bên đều sung sướng, nhưng nếu ta chỉ quan tâm đến bản thân mình, thì người kia chẳng bao lâu sẽ cảm thấy không vui, và tình bạn giữa ta với họ sẽ không bền bỉ. Nếu không học cách yêu thương kẻ khác, ta sẽ không có được tình yêu bền vững, sẽ thấy khó mà giao hảo với người, và sẽ không được thỏa mãn thực thụ và dài lâu. Bởi thế ta cần phải luôn luôn cố gắng xem trọng kẻ khác, quý mến và thương yêu họ. Sống trong một cộng đồng mà biết săn sóc cho nhau thì tự nhiên ta sẽ phát được tâm Từ, kết quả là mọi người đều cảm thấy bình an hạnh phúc. Ta nên nghĩ “Mọi người cũng như tôi, muốn được sung sướng. Bởi thế tôi phải nỗ lực tạo hạnh phúc cho họ cũng như cho chính tôi.” Một người quan tâm đến kẻ khác theo cách ấy chính là xem người như mình, hay quán mình người bình đẳng. Nếu ta luôn duy trì tâm niệm ấy, tự nhiên người khác sẽ có cảm tình tử tế với ta. Lúc đầu ta nên cố thực tập điều này đối với bạn hữu và những người mà ta thường xuyên gặp gỡ, rồi sau đó khi đã quen thuộc với điều này, hãy nới rộng phạm vi tu tập cho đến khi cuối cùng ta có thể bao phủ tất cả mọi người trong tình thương mến. Lúc mới tu pháp thiền quán này, ta có thể hoài nghi về thực chất của việc cố tẩy trừ khổ đau cho kẻ khác. Ta nghĩ, sự khổ của kẻ khác đâu có tác động gì đến tôi. Ai cũng phải tự mang lấy nỗi khổ của mình, thế thì sao tôi lại phải cố xua tan nỗi khổ cho kẻ khác? Đã đành chúng ta không trực tiếp nếm trải khổ đau của người, nhưng không phải vì thế mà ta không nên cố gắng giúp đỡ họ. Nếu chân ta bị đạp gai thì bàn tay ta liền đưa ra rút cái gai mặc dù nó không trực tiếp chịu đau. Cũng thế, nếu ta xem tất cả chúng sinh như một thân thể duy nhất vì cùng muốn thoát khổ, ta sẽ không ngần ngại cố làm giảm bớt khổ đau cho người. Ta nên nghĩ:

Các hữu tình khác cũng như tôi, muốn được hạnh phúc lâu dài. Bởi thế tất cả chúng ta đều giống nhau. Vậy có phải là điều phi lý nếu chỉ tìm hạnh phúc cho riêng tôi mà làm ngơ sự an lạc của người khác?

Quán mình người bình đẳng là nền tảng của mọi pháp hành sau đó, để cuối cùng đưa đến giác ngộ. Bởi thế ta nên tự khích lệ mình bằng cách quán như sau:

Nay ta đã có được thân người quý báu. Nếu ta không lợi dụng nó để đạt giác ngộ thì thật là uổng phí một cơ hội bằng vàng. Muốn đạt giác ngộ, tôi cần phải quán sát mình người bình đẳng. Khi ấy tôi sẽ có thể luyện tập các pháp hành cho và nhận, phát triển tâm đại bi và tâm bồ đề tôn quý, để cuối cùng thành Phật.

Muốn thực hành pháp quán mình người bình đẳng, ta phải khởi sự bằng cách xét cẩn thận tất cả những điểm trước đấy cho đến chừng nào ta thấy được rõ ràng sự an lạc của kẻ khác cũng quan trọng như sự an lạc của chính mình. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác mình người bình đẳng. Ta tập trung vào cảm giác này một lúc, rồi lập nguyện như sau: “Tôi sẽ yêu thương kẻ khác như thương chính thân tôi”, và thiền quán về lời nguyện này càng lâu càng tốt. Khi xuất thiền, suốt ngày ta nên luôn nhớ lại những cảm giác và quyết định mà ta đã có trong thời thiền quán. Mỗi khi thấy người nào đau đớn hay gặp khó khăn, ta nên có phản ứng tìm cách giúp đỡ họ. Nếu không giúp một cách thực tiễn, ít nhất ta nên cố giúp họ trong tâm với lời cầu nguyện. Thí dụ, mặc dù ta không thể đơn độc mang lại hòa bình khi có hai phe lâm chiến, ít nhất ta có thể cảm thấy quan tâm đến tất cả những người trong cuộc bằng cách hồi hướng công đức cho họ như: “Mong nhờ công đức những việc lành này, chiến tranh được chấm dứt.” Nói chung, ta có thể hướng công đức của ta cho bất cứ một lý do tốt đẹp nào, và điều ấy sẽ gián tiếp giải quyết nhiều rắc rối. Nếu chúng ta thường có tâm mong mỏi giúp đỡ người khác, thì ta sẽ luôn tìm được cách giúp đỡ họ, trực tiếp hay gián tiếp, như Long Thụ nói trong Luận về Tâm Bồ Đề:

Dù không thể trực tiếp giúp đỡ người

Chúng ta cũng nên cố phát triển một thiện tâm

Nếu sự phát tâm lành càng ngày càng mạnh mẽ

Tự nhiên ta sẽ tìm ra những cách giúp người

Ta chỉ có thể giúp đỡ người khác khi ta mong muốn làm việc này, bởi vậy ta nên thường xuyên đào luyện thiện ý ấy. Nếu trong những hoạt động hàng ngày, tâm ta luôn duy trì thiện ý, thì ta sẽ tìm thấy những cơ hội giúp người xảy đến thường xuyên hơn.

Điểm thiết yếu nữa là ta phải luôn khẩn cầu chư Phật Bồ tát gia hộ cho mình đạt thực chứng về tâm Từ để thương người như thể thương thân. Ta có thể tụng bài nguyện sau đây rút từ Cúng Dường Đạo Sư:

Không ai muốn khổ đau dù chỉ chút ít,
Không ai bằng lòng với hạnh phúc mình có,
Về điểm này, mọi người đều giống nhau
Vì thấy vậy, con xin chư Phật gia hộ cho con
Vui thích làm người khác sung sướng.

Chương này đưa ra một loạt các pháp thiền mà khởi đầu là quán mình người bình đẳng. Chúng ta nên dành càng nhiều thì giờ càng tốt cho mỗi pháp thiền. Nếu muốn, ta có thể dành hàng tuần, hàng tháng, ngay cả hàng năm để thiền quán chỉ một pháp này mà thôi.

2. Quán những nguy hiểm của ngã ái

Quy tất cả tai họa vào một

Dòng kệ này hiển thị rằng tất cả rắc rối khổ đau đều có thể quy cho một manh mối duy nhất, đó là cái tâm tự thương mình. Ta chỉ nên trách cứ cái tâm ấy vì nó là nguyên do tất cả những tai họa đến với ta. Vì tự thương thân, ta đương nhiên muốn có được tất cả mọi điều tốt đẹp trên đời. Muốn có được chúng, ta dấn mình vào những hành vi ích kỷ hại nhân. Bằng cách ấy sự tự thương thân dẫn dắt ta phạm những nghiệp cứ ném chúng ta trở đi trở lại trong các cõi tái sinh đau khổ. Và cứ mỗi lần tái sinh vào cõi sinh tử, là chúng ta lại phải chịu đựng tất cả những thống khổ ta đã trải qua. Nếu không có cái tâm ái luyến tự ngã, thì ta đâu đến nỗi làm những hành vi thiếu khôn ngoan như vậy, và đâu phải chịu những hậu quả khó chịu của chúng. Hữu tình làm những hành vi xấu như giết hại mạng sống, là vì chỉ muốn cho mình được sung sướng. Phần đông các thú vật chẳng hạn, vì muốn sống nên săn đuổi những con vật khác để ăn thịt. Cũng tương tự, con người thường nổi lên giận dữ khi bị kẻ khác đe dọa làm hại. Nếu ta quyết định trả thù, thì chính vì ta tự xem mình hết sức quý báu. Khi thấy một tên trộm bị bắt bỏ tù, ta bảo nó bị tù vì phạm tội, nhưng nguyên nhân chính là cái tâm ái luyến tự ngã. Nếu ta khổ sở vì mong cầu không được, thì chính vì trong quá khứ với tâm ngã ái ích kỷ, ta đã cản trở người khác có được điều họ mong muốn. Trong các đời trước, do thói ích kỷ, ta đã gieo đau khổ cho thân tâm người khác, khiến họ không được toại nguyện. Do nguyên nhân ấy ngày nay ta phải gặp khó khăn, muốn gì cũng không được vừa ý, thân thể tâm trí đều không lành mạnh và gặp nhiều chướng ngại. Tất cả những rắc rối này đều có nguyên nhân là ngã ái. Nếu xét kỹ điều này, ta sẽ thấy không lỗi lầm nào không do ngã ái mà ra. bởi thế ta hãy lập chí cương quyết diệt trừ ngã ái. Phật dạy:

Hãy nhìn cái cảnh sinh tử,

thật không có một sự gì tốt đẹp.

Do kẻ thù là ngã ái,

Một con cọp cái đói lòng

Sẽ ngốn ngấu ngay cả con của nó.

Trong Bồ tát Hạnh, Tịch Thiên nói:

           Bao nhiêu tai họa ở đời

                 Hãi hùng khủng khiếp đêm dài bất an

          Đều do chấp ngã thương thân

             Ác ma ăn hại, ta cần để chi?

Có chỗ nói tâm chấp ngã, chỗ nói tâm ái luyến tự ngã. Hai thứ khác nhau chỗ nào? Tâm chấp ngã thì hiểu và nắm lấy cái tôi xem nó là có thực; còn ngã ái (ái luyến tự ngã) thì yêu mến cái tôi ấy, xem nó hết sức đáng yêu. Hai loại tâm này là gốc rễ của mọi rắc rối đến với chúng ta. Vì luôn luôn tận lực yêu mến bản thân, ta thấy thực khó lòng chịu đựng một rắc rối nào dù nhỏ nhặt nhất. Bởi thế mà ta mãi mãi sống trong lo âu sợ hãi bất an. Tất cả khổ tâm do cầu không được và do tiếp xúc với những đối tượng khó ưa, đều phát xuất từ ngã ái. Những Bồ tát cao cấp vì không còn ngã ái nên không sợ hãi bất cứ gì. Dù phải đối mặt với con cọp hung dữ nhất họ cũng không kinh sợ. Vì xem tất cả chúng sinh như mẹ mình, Bồ tát chỉ cảm thấy thương xót chứ không hãi sợ khi gặp thú dữ. Nói vậy không có nghĩa là Bồ tát không tự che chở để khỏi bị tổn hại một cách vô ích. Một trong những đức tính cao cả của Bồ tát là có thể hoan hỉ hy sinh một phần hay toàn phần thân thể cho kẻ khác, nhưng trước hết Bồ tát xét kỹ tình huống để nếu có hy sinh thì hành vi ấy phải đem lại lợi ích. Cũng thế, ta nên thận trọng đừng liều mạng với hiểm nguy một cách không cần thiết. Nếu không có lợi cho ai cả, thì không lý do gì mà liều mạng để bị thương hay chết. Ta không nên nghĩ bảo vệ thân thể mình nhất định là một dấu hiệu của ngã ái. Mỗi khi quán tưởng những nguy hiểm của ngã ái, ta có thể khởi lên hoài nghi, nghĩ rằng nếu không có ngã ái thì ta không có động lực nào để làm việc, nếu không làm việc ta sẽ không có tiền, không tiền ta sẽ không sống nỗi; và từ đó kết luận rằng nhờ tự thương mình, ta mới có thể sống còn. Nhưng thực ra, không cần thiết phải thương thân ta mới mong muốn làm việc. Trên đời có nhiều người có tâm vị tha chỉ làm việc cho kẻ khác. Những hành giả thực tâm học Pháp thì chỉ muốn làm việc đủ sống để tu tập. Mục đích tối hậu của họ là đạt giác ngộ để lợi lạc tất cả hữu tình. Đôi khi ta nghĩ rằng trên đời, những người có vẻ thành công nhất chính là nhờ họ hết sức yêu mến bản thân. Nhờ có tham vọng và ngã ái làm động lực thúc đẩy, họ đã siêng năng làm lụng, và bây giờ mới đạt được kết quả. Nếu nghĩ như thế là ta chưa hiểu gì về tương quan giữa nghiệp và quả báo của nghiệp. Ta cần hiểu rõ trước hết, quả nào theo sau nghiệp nào. Một nhà doanh nghiệp bị phá sản cũng tự thương mình không khác gì một nhà doanh nghiệp thành công. Nếu tự thương mình là then chốt của thành công, thì tại sao người này phát tài, người kia phá sản? Phật dạy nguyên nhân của giàu có là bố thí. Vậy, sự khác nhau giữa người buôn bán thành công và người buôn bán thất bại là do trong tiền kiếp, một người đã thực hành bố thí còn người kia không. Mỗi khi khởi lên hoài nghi về vấn đề này, ta nên xét kỹ. Nếu áp dụng lý luận vững chắc ta có thể giải quyết tất cả mọi sai lầm của mình. Muốn thực hành pháp thiền quán này ta nên cố ý thức trọn vẹn những nguy hiểm của ngã ái, và kết thúc với quyết định hoàn toàn loại bỏ ngã ái. Rồi ta lại nên thiền quán về quyết định này một cách nhất tâm không xao lãng. Giữa các thời thiền quán, ta nên để ý đến quyết định này. Mặc dù không thể chỉ nhờ làm quyết định ấy mà ta trừ ngã ái ngay được, song duy trì ước nguyện một cách liên tục cũng sẽ rất lợi lạc cho ta. Ta cũng nên cầu nguyện với chư Phật, Bồ tát và thánh chúng gia trì thêm năng lực cho ta để có thể vượt qua thói ái luyến tự ngã. Ta có thể tụng bài nguyện sau đây trong Cúng Dường Đạo Sư:

Vì thấy ngã ái, căn bệnh kinh niên này,
Chính là nguyên nhân đưa đến khổ đau không ai muốn,
Xin ngài gia hộ con trừ diệt thói vị kỷ, con ma lớn ấy,
Bằng cách thấy rõ chỉ có nó là đáng trách.

3. Quán những lợi lạc của tâm vị tha

Thiền quán về lòng tốt vĩ đại của tất cả hữu tình

Thân người quý báu mà nay ta có được là nhờ lòng tốt của tất cả chúng sinh. Cũng vậy những lạc thú ta thụ hưởng trong đời người, như giáo dục, hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm, vân vân, tất cả đều có được nhờ thiện tâm của nhiều người khác. Những cơ hội nghe Pháp, thiền quán, vân vân đều do lòng tốt của người khác đem lại; giác ngộ giải thoát cũng nhờ sự hỗ trợ của nhiều người. Nếu thiền quán theo cách ấy ta sẽ thấy rõ sự tử tế của tất cả hữu tình đối với ta. Vì nguyên nhân chính để được làm người là giữ giới, bố thí, nhẫn nhục, nên chắc hẳn trong đời quá khứ ta đã thực hành những pháp này. Nhưng ai là đối tượng cho ta thực hành những pháp ấy? Chính là những người khác, chúng sinh khác. Nếu không có họ, ta đã không thể tạo nhân tốt để được sinh làm người. Chính nhờ họ mà ta đã được đời người quý báu, còn có ý nghĩa hơn tất cả vũ trụ đầy châu ngọc. Những nhu yếu hàng ngày của ta có được là nhờ sự tử tế của người khác. Khi sinh ra đời, ta không mang theo một thứ gì từ các đời quá khứ, vậy mà vừa mở mắt chào đời, ta đã được cung cấp nhà ở, thực phẩm, quần áo, và bất cứ gì ta cần, t%