about_sr-3

Những hứa hẹn của Giác ngộ

Trong thế giới hiện nay, ít có những mẫu người thể hiện được những đức tính do sự trực ngộ bản tâm đem lại. Bởi thế thực khó cho chúng ta tưởng tượng được giác ngộ ra sao, nhận thức của một người đã giác ngộ là thế nào, huống hồ tin nổi rằng chính mình cũng có thể giác ngộ.

Mặc dù luôn luôn đề cao giá trị đời sốngtự do cá nhân, xã hội chúng ta kỳ thực xem chúng ta như những kẻ luôn bị ám ảnh bởi quyền lực, tiền và dục tính, và bất cứ lúc nào cũng cần phải lôi kéo chú ý của ta ra khỏi sự chết chóc, hay sự sống chân thực. Nếu có ai bảo cho ta biết, hay nếu ta bắt đầu “đánh hơi” được tiềm năng sâu xa của mình, thì ta không thể nào tin nổi chuyện ấy; và khi ta động nghĩ tới việc làm một cuộc chuyển hóa tâm linh, ta lại thấy rằng chỉ có những bậc thánh hiền trong quá khứ mới làm nổi điều ầy. Đức Dalai Lama thường nói đến sự thiếu niềm tự tôn trọng, tự thương lấy mình nơi nhiều người trong thế giới hiện nay. Bên dưới toàn bộ nhân sinh quan của ta là một sự cả quyết – có tính cách thần kinh loạn – về những giới hạn của chúng ta. Điều ấy làm cho ta mất hết hy vọng thức tỉnh, và ngược lại với chân lý trọng tâm của lời Phật dạy, đó là, tự cốt tủy, chúng ta vốn toàn thiện.

Ngay cả khi có thể nghĩ đến chuyện đạt giác ngộ, thì chỉ cần nhìn vào những gì làm nên cái tâm thường ngày của ta – giận dữ, tham lam, ganh tị, ác ý, bạo tàn, nhục dục, sợ hãi, lo lắng, giao động – cũng đủ làm cho ta không còn hy vọng gì đạt giác ngộ, nếu ta không được bảo cho biết rõ về tự tính thanh tịnh của tâm, và về khả năng ta chắc chắn có thể thực chứng được tự tính ấy.

Nhưng sự giác ngộ vốn thực có, và có nhiều bậc thầy đã giác ngộ hiện còn sống trên trái đất. Khi bạn gặp được một vị như vậy, bạn sẽ xúc động tận tâm can và sẽ thấy rằng mọi danh từ, như “giác ngộ” và “trí tuệ”, mà lâu nay bạn tưởng chỉ là những ý niệm, thì ra là có thực. Mặc dù đầy những nguy hiểm, thế giới nay vẫn là một cõi thật hấp dẫn. Tâm thức tây phương đang dần mở ra trước những tri kiến khác nhau về thực tại. Những bậc thầy vĩ đại như đức Dalai Lama và Mẹ Teressa có thể được trông thấy trên màn ảnh truyền hình; nhiều bậc thầy đông phương đang viếng thăm và giảng dạy giáo lýTây phương; và những sách vở từ mọi truyền thống huyền học đang càng ngày càng có nhiều độc giả. Tình trạng tuyệt vọng của hành tinh này đang dần dần đánh thức mọi người tỉnh dậy để thấy sự cấp thiết phải thay đổi trên một phạm vi rộng lớn có tính cách toàn cầu.

Sự giác ngộ, như tôi đã nói, là có thực, và bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể, nếu được huấn luyện đúng cách, và gặp đúng “thời tiết nhân duyên”, sẽ trực nhận được tự tính tâm và nhờ thế biết được trong ta có cái bất tửvĩnh viễn thuần tịnh. Đấy là sự hứa hẹn trong mọi truyền thống huyền học của nhân loại, và nhiều ngàn người đã và đang thực chứng điều đó.

Điều kỳ diệu của sự hứa hẹn này là, nó không phải là một cái gì thần kỳ, xa lạ gì cả, nó không phải chỉ dành cho một số ít người xuất sắc được chọn lọc, mà dành cho toàn thể loài người; và khi trực nhận được bản tâm, thì thấy như lời các thiền sư bảo, nó bình thường một cách kỳ lạ. Chân lý về tâm không phải là một cái gì rắc rối bí truyền, nó kỳ thực là lương tri sâu xa. Khi ta trực ngộ bản tâm, thì những tầng lớp mê lầm rơi rụng. Thực sự không phải là bạn “thành” Phật, mà bạn chỉ có chấm dứt mê hoặc, hết bị ảo tưởng lừa dối. Và thành Phật không có nghĩa là thành một siêu nhân có nhiều quyền năng tâm linh, mà thành một con người đúng nghĩa.

Một trong những truyền thống lớn của Phật giáo Tây Tạng gọi bản chất của tâm là “trí tuệ của bình thường”. Tôi phải nhắc lại lời này nhiều lần mới được: Tự tính chân thực của chính ta, với bản tính của mọi sự vật không phải là một cái gì lạ lùng. Điều mỉa mai là, chính cái thế giới mà ta gọi là thường nhật ấy mới thực lạ lùng, một màn ảo hóa li kỳ tinh vi của cái thấy mê lầm trong sinh tử. Chính cái thấy “lạ lùng” ấy đã làm ta mù mắt đối với bản tính tự nhiên, “bình thường” của tâm. Hãy thử tưởng tượng những vị Phật đang nhìn xuống chúng ta: các ngài sẽ kinh ngạc đau buồn xiết bao để thấy sự khôn lanh chết người, và tính phức tạp trong cái vô minh của chúng ta.

Đôi khi, chính vì ta vẫn thường rắc rối một cách không cần thiết, mà khi được một bậc thầy khai thị bản tâm, ta không thể tin được rằng nó quá đơn giản như thế. Cái tâm thường ngày của ta bảo ta rằng không thể thế được, phải có cái gì khác hơn thế chứ. Chắc phải “huy hoàng” hơn, phải có nhiều hào quang xẹt xung quanh ta, có chư thiên với đầu tóc vàng óng bay lả tả từ trên trời sà xuống gặp ta mà loan tin “Thế là bạn đã được khai thị bản tâm rồi đấy”. Hoàn toàn không có cái màn ấy đâu.

Vì trong nền văn hóa chúng, ta, chúng ta đã quen đánh giá tri thức quá cao, nên ta cứ tưởng rằng muốn giác ngộ thì cần phải có một trí thông minh phi thường. Tây Tạng có một ngạn ngữ rằng: “Nếu bạn quá thông minh, bạn có thể hụt mất hoàn toàn cái cốt tủy.”

Patrul Rinpoche nói:

– Cái tâm duy lý có vẻ hay đấy, nhưng chính nó là hạt giống của mê lầm.

Con người có thể bị ám ảnh bởi chính những lý thuyết của mình và hụt mất cái cốt tủy trong mọi sự. Ở Tây Tạng chúng tôi thường nói: “Lý thuyết giống như những miếng vá trên chiếc áo, có ngày cũng phải cũ mòn.”

Tôi xin kể cho bạn nghe một mẫu chuyện lý thú:

– Một bậc thầy vĩ đại vào thế kỷ trước có một đệ tử rất ngu đần. Ông đã giảng dạy nhiều lần, cố khai thị cho y trực ngộ bản tâm, mà y vẫn không ngộ. Cuối cùng, bậc thầy nổi giận bảo, “Này, ngươi hãy mang bao lúa mạch này lên trên đỉnh núi xa kia, nhưng không được dừng lại nghỉ. Phải đi một mạch cho tới đỉnh núi”. Người đệ tử tuy ngu đần song có lòng sùng kính và hoàn tòan tin tưởng nơi thầy, nên đã làm y như lời thầy dạy. Bao lúa rất nặng, nhưng y vẫn mang lên giốc núi không dám dừng lại nghỉ. Y cứ đi mãi đi mãi, và cái bao mỗi lúc một năng thêm. Y phải mất một thời gian dài, và cuối cùng, khi lên tới đỉnh núi, y thả cái bao ngồi phịch xuống đất, kiệt sức vì mệt nhọc nhưng bắt đầu thư giãn, nhẹ nhàng. Y cảm thấy gió núi mát lạnh trên mặt. Tất cả sự trơ lì đối với giác ngộ nơi y bỗng tan biến, cùng với cái tâm thường ngày của y. Mọi sự dường như ngừng phắt lại. Ngay lúc ấy, y thình lình trực ngộ bản tâm. Y nghĩ, “Ồ, thì ra đây là cái mà thầy đã chỉ cho ta bấy lâu nay”. Y chạy xuống núi trở về, và trái với mọi quy ước thường ngày y đâm sầm vào phòng thầy. “Con nghĩ rằng con đã được nó… Con thực sự đã được nó!” Vị thầy mỉm cười đầy cảm thông nhìn y mà nói: “Thế là con đã có một chuyến leo núi thú vị đấy chứ?”

Ngay cả bạn, bất kể bạn là ai, cũng có thể có cái kinh nghiệm mà người môn đệ kia đã gặp trên đỉnh núi, và chính cái kinh nghiệm ấy sẽ đem lại cho bạn đức tính vô úy để điều đình với sống chết. Nhưng gì là cách tốt nhất, nhanh nhất, và hiệu nghiệm nhất để khởi hành đi tìm nó? Bước đầu tiên là thực tập thiền định. Chính thiền định dần dần thanh lọc cái tâm thường ngày, lột mặt nạ nó, làm cho kiệt quệ những ảo tưởng và tập quán của nó, để chúng ta có thể, vào đúng thời tiết, trực nhận ra ta là ai.

Đức Sogyal Rinpoche