16178475_260755117686566_1262704928987635331_o

Phương pháp tu tập trong khi hành thiền

Một khi đã ngồi, thì đừng thay đổi tư thế cho đến khi hết khoảng thời gian đã được ấn định trước. Giả sử, bạn thay đổi tư thế này bởi vì nó đang có cơn khó chịu, qua một tư thế khác. Nhưng rồi sau một lúc, tư thế kia rồi cũng phát sinh cơn khó chịu giống như lúc trước. Thế là bạn lại tiếp tục thay đổi, rồi thay đổi… thì bạn sẽ không bao giờ có được tầng mức tập trung sâu hơn trong chánh niệm. Do đó, đừng bao giờ thay đổi tư thế ban đầu dù cho cơn đau có khốc liệt đến đâu.

Để tránh thay đổi tư thế ngồi trong giờ toạ thiền, hãy lập quyết định “không thay đổi” từ lúc bắt đầu và ấn định thời gian cho buổi ngồi. Nếu bạn là người mới tập ngồi thì chỉ nên ngồi bất động không hơn hai mươi phút. Rồi theo thời gian, bạn có thể tăng dần lâu hơn. Khoảng thời gian ngồi còn tùy thuộc vào hai yếu tố: bao nhiêu thời gian bạn có được để cho buổi toạ thiền hôm nay, và bạn ngồi được bao lâu trong trầm mặc trước khi cơn đau hành hạ bạn.

Bạn không nên ấn định thời gian phấn đấu (bao lâu ta sẽ phải giác ngộ?) để đạt đến mục đích của mình. Thành quả có được luôn tùy thuộc vào sự tiến triển trong khi tu tập và khả năng hiểu biết xuyên suốt, cũng như mức độ trưởng thành của tâm. Chúng ta phải tu tập chuyên cần trong chánh niệm, tiến dần đến mục tiêu mà không có lòng mong mỏi hay vội vã. Bao giờ sẵn sàng thì chúng ta tự nhiên sẽ đến. Việc cần phải làm là trang bị cho mình đầy đủ khả năng để khi đón nhận mà không bị chao đảo hay choáng ngợp.

Sau khi ngồi ổn định, hãy nhắm mắt lại. Tâm cũng tương tự như một ly nước đục. Nếu giữ được ly nước yên lặng càng lâu thì những tinh thể bẩn sẽ lắng đọng xuống đáy ly nhiều hơn; những tinh thể bẩn thô thì lắng mau hơn những tinh thể vi tế. Cùng diễn tiến như thế, nếu bạn giữ thân yên tịnh, chú tâm trọn vẹn vào đề mục, thì tâm sẽ lắng đọng dần cho đến lúc bạn có thể kinh nghiệm được trạng thái tĩnh lặng của thiền định.

Để chuẩn bị cho trạng thái này, chúng ta nên giữ cho tâm của mình luôn sống với phút giây hiện tại. Phút giây hiện tại thì luôn luôn thay đổi thật nhanh, làm cho người quan sát sơ cơ không thể nào nhận thấy sự hiện hữu của nó được. Mỗi phút giây là đời sống của mỗi sự kiện; nó luôn có điểm khởi đầu, thời gian biến đổi, tồn tại, và hoại diệt — Sinh, Trụ, Hoại, Diệt. Cho nên, chúng ta cố gắng tỉnh giác đối với phút giây hiện tại. Tâm ta quan sát dòng sự kiện như xem một đoạn phim trên màn ảnh, chiếu rọi những viễn ảnh của quá khứ qua từ kinh nghiệm và một số hình ảnh trong tương lai do sự tưởng tượng về những gì ta dự tính sẽ làm sau này. Tâm không thể nào tập trung nếu không có đối tượng tâm. Do đó, chúng ta phải chọn một đề mục để nó có thể bám lấy trong mọi thời. Hơi thở thì luôn luôn ở hiện tại và cũng là một đề mục tốt. Tâm có thể nhận ra hơi thở ở trong bất kỳ sát na thời gian nào trong lúc trôi chảy vào và ra nơi mũi. Tu tập tuệ giác thì phải liên tục trong mọi lúc và mọi nơi, cho nên hơi thở là một đối tượng tốt nhất vì nó luôn luôn dính liền với bạn.

Sau khi đã ngồi như sự chỉ dẫn trên, hãy trang trải lòng Từ của bạn cho mọi người và hít thở ba hơi thật dài. Sau khi thở ba hơi dài rồi, thì thở lại một cách bình thường, cứ để hơi thở ra vào một cách thật tự nhiên mà không có bất cứ gì kiềm hãm hay điều khiển nó, và đặt chú tâm vào ở viền mũi nơi hơi thở va chạm. Chỉ đơn thuần cảm nhận hơi thở ra vào mà thôi. Ban đầu bạn chưa có đủ chú tâm thì sẽ không thấy có gì. Nhưng khi chánh niệm tăng dần, bạn sẽ nhận ra, từ trạng thái hít vào chuyển sang thở ra, có một khoảng thời gian ngắn của sự dừng lại. Khi nhận ra được sự kiện ấy và chánh niệm sâu xa hơn thì bạn cũng bắt được điểm chấm dứt, ngừng nghĩ, và khởi sinh của từng chu kỳ hơi thở.

Đừng bao giờ diễn đạt thành lời hay khái niệm hóa bất cứ điều gì trong lúc toạ thiền. Chỉ đơn giản nhận biết hơi thở ra vào mà không cần phải thầm nói “hít”, hay “thở”. Khi bạn chú tâm vào hơi thở thì hãy gác lại những tư tưởng, kỷ niệm, âm thanh, mùi vị… mà chỉ chú tâm dành riêng cho hơi thở mà thôi, không cho bất cứ gì khác cả.

Vào lúc ban đầu, hơi thở thì ngắn và gấp, vì bởi thân và tâm chưa được thư giãn và trầm ổn. Chỉ cảm nhận cái trạng thái này mà không cần phải thầm nói “hít ngắn” hay “thở ngắn”. Nếu tiếp tục nhận thức hơi thở, thì thân và tâm dần dần ổn định lại. Sau một lúc thì hơi thở sẽ trở nên dài ra. Hãy nhận biết hơi trở một cách trọn vẹn từ đầu cho đến cuối từng chu kỳ. Cho đến khi hơi thở vi tế dần và thân-tâm cũng tĩnh lặng hơn nữa. Nhận biết sự tĩnh lặng và trạng thái an bình này.

Thiền sư: Henepola Gunaratana

Dịch Việt: Lương Thanh Bình