Geshe Acharya Thubten Loden

Giới nguyện Bồ Đề Tâm

Sự thực hành Kim Cương Thừa tuỳ thuộc vào việc thọ giới nguyện Bồ đề tâm. Cho nên để thành tựu viên mãn pháp Ðộc Giác Kim Cương Ðại Phẫn Nộ, hành giả nên biết về mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ được trình bày trong chương này.

Giới nguyện Bồ đề tâm có mục đích hướng mọi hành vi của chúng ta về phía giác ngộ. Không giống như những giới nguyện giải thoát cá nhân vốn chỉ được giữ trong hiện kiếp, giới nguyện Bồ đề tâm được giữ từ bây giờ cho tới khi chứng ngộ viên mãn. Hơn nữa,nếu giới nguyện với mục đích giải thoát cá nhân bị vi phạm nặng nề thì sự sa ngã đó không thể được phục hồi, và do đó sự thọ giới đó không còn giá trị nữa. Còn giới nguyện Bồ đề tâm thì có thể được phát thệ nhiều lần, và dù bị vi phạm hàng ngày cũng vẫn được phục hồi. Việc giữ giới nguyện bồ đề tâm tích tụ nhiều công đức hơn là việc giữ hai trăm năm mươi ba giới nguyện giải thoát cá nhân của một Tỳ kheo không phát nguyện bồ đề tâm. Người giữ cả hai loại giới nguyện ắt hẳn phải có nhiều công đức hơn. Còn người giữ thêm giới nguyện Kim Cương Thừa thì càng có công đức nhiều hơn nữa. Nghi thức giữ giới nguyện bồ đề tâm được trình bày trong ba phần dưới đây:

  1. Thọ giới nguyện bồ đề tâm.
  2. Cách giữ giới nguyện
  3. Phục hồi giới nguyện bị vi phạm.

Thọ giới nguyện bồ đề tâm

Hành giả thọ giới nguyện với đạo sư của mình trong lễ truyền pháp, tức lễ nhập môn, hay những lúc khác với một người đang giữ giới nguyện này. Hành giả cũng có thể thọ giới nguyện trước hình, tượng đức Phật, hoặc một thánh tăng nào khác. Sau khi thọ bồ đề tâm giới, hành giả có thể tự thọ giới lại bao nhiêu lần cũng được để phục hồi giới nguyện bị vi phạm. Ða số hành gỉa phát Bồ đề tâm vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối để tịnh hoá mọi sự vi phạm, nếu có, và để củng cố Bồ đề tâm nguyện của mình.

Ai là người có thể thọ bồ đề tâm giới?

Phàm những chúng sinh nào trong ba cõi luân hồi có tâm từ bi lớn và có một mức độ chứng nghiệm bồ đề tâm nào đó đều có thể thọ giới nguyện bồ đề tâm. Tất nhiên những người này nên có một chút kinh nghiệm về thực hành bồ đề tâm, hạnh xả ly,  quán niệm về sự chết, từ bi và trí huệ.

Lễ thọ giới

Trong lễ thọ giới nguyện bồ đề tâm, hành giả tụng ba lần bài kệ dưới đây. Nhưng trước hết, hành giả quy y, cúng dường và làm các pháp tích luỹ công đức. Sau đó,hành giả phát nguyện bồ đề tâm và phục lạy đức Phật hay một vị thánh tăng nào khác chứng giám việc thọ giới nguyện của mình.Hành giả có thể làm lễ này ở bất cứ chỗ nào, nhưng tốt nhất, nên ở trong thiền đường hay trước bàn thờ Phật trong nhà mình. Hành giả cũng có thể thọ giới nguyện ở bên ngoài, ví dụ như ở dưới một gốc cây ngoài đồng, quán tưởng đức Phật chứng giám cho mình. Ðiều quan trọng là phải thành tâm. Kế đó, hành giả tụng ba lần bài kệ sau đây:

Cúi xin chư Phật,Bồ Tát cùng thánh chúng

Tổ,Thầy hoan hỷ đồng chứng giám cho con

Giống như chư Như Lai hằng phát tâm giác ngộ

Trụ trong các pháp tu tập của các bậc Bồ Tát

Nay con noi gương, phát bồ đề tâm

Vì lợi ích của chúng sanh trong sáu đường

Nguyện thực hành các giai đoạn tu tập của bậc Bồ Tát.

Sau khi tụng ba lần như vậy rồi, hành giả nhất tâm quán niệm: “Nay ta đã thọ giới nguyện với Thầy, Tổ, chư Phật và Bồ Tát”.

Khi đã thọ giới nguyện bồ đề tâm, hành giả cần phải trưởng dưỡng bồ đề tâm của mình không để cho nó thoái chuyển.

Cách giữ giới nguyện

Giới nguyện Bồ đề tâm

Giới nguyện bồ đề tâm gồm mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ. Vi phạm một giới nguyện chính là vi phạm tất cả giới nguyện bồ đề tâm còn vi phạm một giới nguyện phụ thì chỉ tổn hại một phần bồ đề tâm giới.

Những giới nguyện sau đây đã được trình bày trong quyển “Tinh Yếu Về Các Pháp Tu Tập” của đạo sư Tịch Thiên (Shantideva) và quyển “Giáo Lý Về Ba Giới Nguyện” của Đại đức Tsewang Samdrup.

Mười tám giới nguyện chính

Mười tám giới nguyện chính đòi hỏi hành giả phải tránh những nghiệp xấu về thân, khẩu, ý:

1.Tự khen mình và chê bai người khác

Hành gỉa phải tránh tự đề cao bản thân, hoặc do phiền não mà phê bình, chê bai người khác để trục lợi. Tự khen hoặc chê bai và xúc phạm người khác là những nghiệp xấu lớn. Và như vậy là vi phạm giới nguyện bồ đề tâm.

2.Không bố thí tài vật và không bố thí pháp

Nếu do keo kiệt mà không bố thí tài vật hay bố thí giáo pháp, khi mình có khả năng bố thí cho những người thiếu thốn không có chỗ để nương tựa thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính. Hành giả phải tu tập có lòng quảng đại trong việc tài thí và pháp thí đối những người nghèo khổ thiếu thốn, đau khổ hay phiền não. Hành giả nên hướng dẫn những người không biết giáo lý, chỉ cho họ cách tu tập để giải trừ phiền não. Giới nguyện này là một phần của hạnh bố thí ba-la-mật.

3.Không tha thứ, dù người khác đã hối lỗi

Không tha thứ cho người đã biết hối lỗi thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Thêm nữa, nếu có người nào vi phạm giới nguyện hay kỷ luật, và sau đó sám hối với mình thì hành giả phải sẵn lòng chấp nhận sự sám hối của người đó.

4.Từ bỏ Ðại Thừa

Nếu từ bỏ Ðại Thừa,hay từ bỏ một phần giáo lý Ðại Thừa vì cho rằng đó không phải là lời Phật dạy, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Ðối với một số người thì Ðại Thừa có vẻ phức tạp và quá huyền bí. Giáo lý Ðại Thừa nói rằng có hằng hà sa số chư Phật cùng Bồ Tát. Những người không có trí huệ và nhãn quan rộng lớn để ngộ được triết lý này, và những phương pháp tu tập cầu kỳ của Mật Giáo Ðại Thừa, thường cho rằng:” Ðại thừa pha trộn với các pháp ngoại đạo, không phải là giáo lý nguyên thuỷ của đức Phật dành cho Tiểu Thừa.” Nếu nghĩ như vậy thì là hành giả đã từ bỏ Ðại Thừa và vi phạm giới nguyện bồ đề tâm này.

5.Trộm cắp lễ vật cúng dường Tam Bảo

Nếu trộm cắp một vật nào đó đã được hoặc sẽ được cúng dường Tam Bảo, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Trộm cắp của người khác hay lấy tài vật được dành cho người khác cũng vi phạm giới nguyện này.

6.Huỷ báng chánh pháp

Chỉ trích hay nói rằng một pháp nào đó của Tiểu Thừa, Ðại Thừa hay Kim Cương Thừa không phải là giáo lý của đức Phật, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính. Hành giả không nên chỉ trích hay phê phán bất kỳ một giáo lý nào trong Tam Tạng Kinh Ðiển.

7.Lột áo của tu sĩ

Nếu vì sân hận mà cưỡng bách Tỳ kheo hoặc Tỳ kheo ni buộc họ phải phá giới bằng cách lột bỏ y áo của họ, đánh đập, giam cầm, trộm y của họ, hoặc bức bách họ làm những điều trái với giới luật, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này .Nhất thiết,hành giả phải tránh làm những việc có hại cho Tăng Ðoàn.

8.Phạm tội ngũ nghịch

Có năm tội lớn là giết hại cha hoặc mẹ, giết A-la-hán, xúc phạm thân Phật, gây chia rẽ trong Tăng Ðoàn. Phạm một trong những tội này thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

9.Có tà kiến

Nếu có những tà kiến như chối bỏ sự hiện hữu của Tam Bảo, không thừa nhận lý Nhân quả, Tục đế và nghĩa đế, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và những điều Phật dạy thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Những tà kiến như vậy không đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho người khác. Thí dụ, do không tin luật nhân quả, người ta sẽ không nghĩ gì tới hậu quả của những việc mình làm và như vậy sẽ tạo nghiệp xấu.

10.Huỷ diệt nơi cư trú

Phá huỷ nơi cư trú của con người là vi phạm giới nguyện chính này. Tàn phá thành phố hay nông thôn bằng lửa đạn, tà thuật hoặc hay các phương tiện khác gây chết chóc là vi phạm giới nguyện này.

11.Dạy Tánh Không cho người không tu tập

Nếu đem đề mục Tánh Không vi diệu dạy cho những người không có khả năng lý giải đúng pháp này hay cho những người không có ý muốn tu tập thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Ðiều nguy hiểm là họ có thể hiểu Tánh Không như là hư vô, hoặc là không có gì cả, khiến họ rơi vào biên kiến đoạn diệt, không tin vào lý nhân quả. Chân nghĩa về sự vô tự tánh của các pháp vốn thâm diệu và khó hiểu. Nhiều người cho rằng Luận sư Long Thọ là người theo thuyết đọan diệt, nhưng đó là vì họ không hiểu ý tưởng thâm thuý của ngài. Do đó,hành giả chỉ nên dạy tri kiến tối thượng về thật tánh của các pháp cho những ai căn cơ chín mùi có khả năng liễu ngộ chân lý Tánh Không.

12.Cản trở những người có ý nguyện đạt tới sự toàn giác

Dẫn dụ những người thực hành đạo pháp Ðại Thừa đi theo Tiểu Thừa là vi phạm giới nguyện này.

Nếu nói với một người tu tập Ðại Thừa rằng người đó không có khả năng thực hành sáu ba-la-mật, sẽ không thể chứng ngộ, và do đó nên theo con đường Tiểu Thừa mới dễ dàng đi tới giãi thoát, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

13.Làm cho người khác từ bỏ giải thoát cá nhân

Không được làm cho người khác từ bỏ giới nguyện giải thoát cá nhân của họ, dù là giới nguyện của Tỳ kheo, của sa-di hay của cư sĩ, hoặc thập thiện giới. Không nên nói với họ rằng đó là giáo lý Tiểu Thừa, không quan trọng đối với hành giả Ðại Thừa. Cũng không nên bảo người khác từ bỏ giới nguyện của họ như giới nguyện không uống rượu chẳng hạn hay những điều khác, vì cho rằng những giới nguyện đó thấp hơn giới nguyện bồ đề tâm, và do đó không quan trọng. Nếu làm cho người khác từ bỏ những giới nguyện giải thoát cá nhân của họ, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

14.Huỷ báng Tiểu Thừa

Nếu nói xúc phạm Tiểu Thừa với ác ý, đặc biệt là khi có sự hiện diện của hành giả Tiểu Thừa, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

Có người nói:” Tiểu Thừa là thừa thấp kém, lại mất nhiều thời gian tu tập. Nên thực hành Ðại Thừa cao hơn, và Kim Cương Thừa chóng thành tựu hơn.” Ý kiến này không đúng vì đạo pháp Thanh Văn, Duyên Giác là tu hạnh xả ly dẫn tới giải thoát, vốn là điều căn bản của đạo pháp Ðại Thừa.

15.Nói dối là mình đã chứng ngộ Tánh Không

Dối rằng mình đã chứng ngộ sự vô tự tánh của các pháp là vi phạm giới nguyện chính này. Ðây là một lời nói dối đặc biệt, làm cho người khác tin rằng mình đã đạt sự thành tựu đặc biệt. Không cần phải nói rõ là mình đã đạt chứng nghiệm cao mới vi phạm giới nghiệm này, chỉ cần nói bóng gió là mình chứng ngộ cũng đủ vi phạm rồi. Ví dụ như nói với người khác rằng nếu họ thực hành theo lời hướng dẫn của mình thì họ cũng sẽ có đắc thần thông hay đại thành tựu.

Dù không hẳn thuộc về giới nguyện này, đức Phật từng dạy rằng ngay cả khi đạt tri kiến vô thượng bồ đề hay giải thoát cũng không nên tiết lộ với người khác là mình đã chứng ngộ hay đạt thành tựu. Vì nói như vậy chỉ gây hiểu lầm và nghi ngờ. Người nghi ngờ sẽ cho là mình nói dối để được tiếng tốt, còn kẻ dễ tin thì mù quáng làm theo không suy xét phẩm chất những giáo lý của mình.

Nói dối như vậy là việc làm nguy hại. Người Tây Tạng xem thường những kẻ khoe khoang về quyền năng hay thành tựu của mình. Họ chỉ kính trọng những hành giả thực sự khiêm cung về những thành tựu của mình, sống đời an tĩnh, đơn sơ, và tinh tấn thực hành giáo pháp.

16.Thu giữ tài vật của Tam Bảo

Nếu thu giữ những tài vật đã được cúng dường cho Tam Bảo, hoặc bị mất cắp hoặc bị lấy đi để đưa cho mình thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Giới nguyện này cũng bao gồm cả việc vua, chúa, quan viên dùng địa vị và quyền lực để chiếm đoạt tài vật của Tam Bảo rồi đem cho một phần hay thu vén hết cả về cho mình. Thu nhận những tài vật như vậy là một hình thức kiếm sống không chân chính.

17.Ðem cho vật cúng dường thuộc về một hành giả

Nếu lấy vật cúng dường dành cho một hành giả ẩn tu thiền định, và do sân hận, đem vật đó cho người khác thực hành một pháp kém hơn, thí dụ như tụng niệm, làm cho thiền giả phải ngừng nhập thất vì không có sự trợ giúp bằng tài vật thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này.

18.Thoái chuyển bồ đề tâm

Nếu từ bỏ ý nguyện gỉai thoát hay ý nguyện làm lợi ích cho tất cả chúng hữu tình hoặc ý nguyện làm lợi ích cho một chúng sinh nào đó, thì như vậy là vi phạm giới nguyện chính này. Một khi đã phát nguyện cứu độ chúng sinh mà lại từ bỏ ý nguyện đó thì như vậy là bỏ rơi chúng sinh và đánh lừa chúng sinh. Thoái chuyển bồ đề tâm là phá huỷ nền tảng của việc tu tập Ðại Thừa của mình.

Nếu vi phạm giới nguyện thứ chín “tà kiến” hay giới nguyện thứ mười tám thoái chuyển bồ đề tâm”, hành giả hoàn toàn vi phạm bồ đề tâm nguyện. Còn khi vi phạm một trong những giới nguyện chính khác thì phải có bốn nhân tố để cấu thành sự vi phạm bồ đề tâm nguyện. Bốn yếu tố này không thuộc riêng giới nguyện bồ đề tâm. Nếu không có một trong bốn yếu tố này thì không có sự vi phạm hoàn toàn và cũng không có hành động xấu hoàn toàn. Bốn yếu tố này góp phần vào việc tạo nghiệp xấu. Ác nghiệp càng nặng hơn khi càng có nhiều nhân tố này, và sẽ trở thành nặng nhất khi cả bốn nhân tố đó đều có mặt cùng lúc. Bốn nhân tố ấy là:

1.Không thấy hành động là tội lỗi.

2.Không từ bỏ ý định thực hiện hành động xấu đó.

3.Hài lòng và vui thú với hành động xấu đó.

4.Không hổ thẹn vì hành động xấu đó.

Nếu vi phạm một trong mười tám giới nguyện chính, trừ giới nguyện thứ chín và thứ mười tám, người phạm lỗi có thể thành tâm sám hối, hay đảo ngược bốn nhân tố, thì bồ đề tâm nguyện không bị vi phạm hoàn toàn. Khi đã phát bồ đề tâm, hành giả nên giữ trọn những giới nguyện này. Nếu lỡ phạm, nên sám hối và tác pháp tịnh hoá ngay. Như vậy,việc trưởng dưỡng bồ đề tâm không bị gián đoạn.

Mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ là phương tiện để phát bồ đề tâm và tránh thoái chuyển Bồ Tát Ðạo. Vì vậy những giới nguyện này là nguồn gốc của hạnh phúc và là cách tránh những hành động gây tổn hại cho chúng sinh.

Bốn mươi sáu giới nguyện phụ

Bốn mươi sáu giới nguyện phụ đòi hỏi hành giả phải từ bỏ những hành động sau đây:

1.Không tác pháp quy y Tam Bảo mỗi ngày

Sau khi thọ bồ đề tâm giới ,hành giả cần phải lập công đức, trong đó có việc quy y Tam Bảo, dâng cúng và phục lạy, tán thán, cầu nguyện và làm lễ trong tâm (mental homage) mỗi ngày.

2.Nuông theo tâm ái dục

Nếu không kềm chế những hành động nảy sinh do phiền não, chiều theo ái dục và không biết thoả mãn thì sẽ chấp thủ những tiện nghi vật chất, hưởng thụ những thú vui luân hồi, và như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

3.Không kính trọng người trên

Hành giả phải kính trọng những Bồ Tát trưởng thượng, tức là những người đã thọ bồ đề tâm giới trước mình. Nếu không kính trọng và cúng dường thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

4.Không trả lời thích đáng những câu hỏi

Khi có người đặt niềm tin nơi mình và thành tâm hỏi mình, nếu do sân hận hay lười biếng không trả lời thích đáng thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Mỗi lần lẩn tránh trả lời đầy đủ hay thích đáng về giáo pháp hay về điều gì khác thì đó vi phạm giới nguyện phụ này. Thí dụ,một người hỏi về pháp quán vô thường mà mình lại nói về bồ đề tâm thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Dù trả lời về đề mục vô thường nhưng không thích đáng hay không đầy đủ thì cũng vi phạm giới nguyện này.

5.Không nhận lời mời

Không nhận lời mời mà không có lý do chính đáng thì như vậy là vi phạm giới nguyện này. Ðây là trường hợp nói về việc từ chối lời mời vì sân hận, ganh tị, lười nhác hay những nguyên nhân xấu khác. Chỉ từ chối lời mời khi có lý do chính đáng, thí dụ như vì bệnh tật, vì quá bận việc hay vì đang nhập thất. Trong những trường hợp khác, việc nhận lời mời có thể gây chướng ngại cho việc thực hành giáo pháp của mình, hay làm cho người khác không vui lòng hoặc ganh tị. Trong những trường hợp đó, hành giả có thể không nhận lời mời. Khi có người mời đến nhà họ dự tiệc để tỏ tình thân ,nếu hành giả không nhận lời mời, họ sẽ phiền lòng. Vì vậy, nói chung thì nên nhận lời mời, nhưng trước đó, nên xem xét để biết chắc việc nhận lời mời đó sẽ không dẫn tới việc tạo nghiệp xấu hay vi phạm giới nguyện nào đó. Ví dụ đã phát nguyện không uống rượu mà lại được mời dự một bữa tiệc rượu và có khả năng bị bạn bè ép uống thì nên từ chối lời mời đó một cách lịch sự và nhẹ nhàng.

6.Không nhận vàng bạc và những thứ khác

Khi một thí chủ thành tâm cúng dường vàng, bạc, hay những món quí giá khác mà hành giả lại từ chối những vật cúng dường này do ác ý, sân hận hay giải đãi thì như vậy là vi phạm giới nguyện này.

7.Không bố thí pháp cho những người có ý nguyện tu học

Do sân hận, ganh tị hay giải đãi, không dạy giáo pháp cho những người thành tâm muốn tu học thì như vậy là vi phạm giới nguyện này. Cũng có những lý do chính đáng khiến không thể dạy giáo lý, thí dụ như quá bận việc, không biết rõ về đề mục được thỉnh cầu dạy, hay không phải là lúc thích hợp để dạy hoặc người học không có tín tâm. Trong những trường hợp này, hành giả có thể không dạy, nhưng nếu do giải đãi hay những lý do không chính đáng khác mà từ chối dạy giáo pháp thì là vi phạm giới nguyện phụ này.

Bảy giới nguyện nêu trên liên quan tới việc thực hành hạnh bố thí Ba-la-Mật.

8.Bỏ rơi những người đã vi phạm giới nguyện của họ

Bỏ rơi những người phạm tội ngũ nghịch hay vi phạm giới nguyện chính của họ thì như vậy là vi phạm giới nguyện này. Khi phạm những trọng tội này, người ta sẽ cảm thấy tội lỗi và u uất. Một hành giả đã phát bồ đề tâm phải tiếp tục giúp đỡ những người này vì không có ai khác giúp đỡ họ. Những người tự coi mình là đạo đức sẽ buộc tội họ và xa lánh họ, vì vậy hành giả cần phải giúp đỡ những người phạm trọng tội như thế.

9.Không thực hành các pháp Tiểu Thừa

Nếu hành giả không thực hành các giới luật của Luận Tạng giống như các hành giả Tiểu Thừa thì người ta sẽ khó tin tưởng những hành giả Ðại Thừa. Hành giả luôn nên có hành vi thanh tịnh, trong sạch không sai lầm để người khác tin tưởng mình. Thí dụ, nếu hành giả do phiền não mà uống rượu hay làm một điều gì trái với giới luật, rồi lại biện minh, nói rằng mình là đại hành giả Mật Giáo thực hành bồ đề tâm thì như vậy là vi phạm giới nguyện này. Hành vi đó làm cho người khác hoang mang mất niềm tin vào Ðại Thừa. Giới nguyện phụ này áp dụng cho hành giả thọ cụ túc giới hay thọ giới cư sĩ, và cũng liên quan tới thập thiện giới.

10.Ít làm công việc lợi ích cho chúng sinh

Các Bồ Tát không cần phải thực hành giới luật giống như các hành giả Tiểu Thừa. Ví dụ, điều luật tu sĩ đã thọ giới không giữ áo mới lâu hơn mười ngày mà không làm nghi thức gia hộ không phải là hành vi xấu tự nhiên mà là hành vi phạm lỗi do giới luật qui định đối với tu sĩ thọ giới. Quá coi trọng những điều luật nhỏ như vậy mà quên những cơ hội làm lợi ích cho chúng sinh thì vi phạm giới nguyện phụ này. Hành giả phải xem xét việc làm nào đem lại nhiều lợi ích hơn cho chúng sinh. Khi gặp cơ hội có thể giúp đỡ người khác nhưng làm như vậy thì vi phạm một điều luật của Luật Tạng, nếu hành giả không làm bổn phận giúp đỡ để tránh làm trái điều luật đó thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

11.Không hiểu biết trọn vẹn mục đích của từ bi

Khi cần kíp phải cứu nạn cho chúng sinh, Bồ Tát có thể làm bảy việc xấu về thân, khẩu và ý. Nếu gặp lúc cần cứu giúp cho nhiều chúng sinh mà lại không làm thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Nói chung, nên tránh các việc xấu nhưng khi cần thiết độ sanh, hành gỉa có thể làm bảy việc xấu ác. Ví dụ như một hành giả đang sống trong rừng, chợt có người thợ săn đến hỏi hành giả ấy có thấy con nai nào không. Nếu hành giả ấy đã trông thấy đàn nai,và quyết định không nói dối để giữ giới luật và tôn trọng bảy cấm giới về thân, khẩu, thì đàn nai sẽ bị giết chết. Trong trường hợp này, hành giả nên nói dối hơn là làm theo giới luật. Nếu nói sự thật thì là vi phạm giới nguyện bồ đề tâm. Tương tự như vậy, thông thường hành giả không được phép trộm cắp nhưng nếu gặp hoàn cảnh cần phải trộm cắp để nuôi sống nhiều người thì một Bồ Tát cao cấp cũng nên làm.

12.Thủ đắc bằng cách thức không chân chính

Nếu do vị kỷ, hành giả thủ đắc tài vật, địa vị, danh tiếng hay những thứ khác, bằng một trong năm cách thức không chân chính như dưới đây thì là vi phạm giới nguyện này.

a)Ðạo đức giả

Ví dụ như phô trương mình như một tu sĩ phạm hạnh, đầy từ bi và trí huệ để được người khác tôn kính và cúng dường. Trong kỳ nhập thất, vào ngày sẽ có đại thí chủ đến thăm, Geshe Ben Kangyel tranh thủ quét dọn, lau chùi và bày biện những món đồ cúng đẹp đẽ. Chợt nhận ra những công việc mình đang làm, ngài nghĩ:” Ðây chính là tám pháp thế gian” (bát phong). Ðoạn ngài lấy bùn đất ném tung toé khắp nhà, và nói:” Liệng bùn vào tám điều quan tâm của thế gian như thế này mới là lễ cúng tuyệt hảo.”

b)Nịnh bợ

Ca tụng người khác với động lực xấu, ví dụ như ca tụng người khác để người ta cúng dường mình.

c)Nói bóng gió

Dùng lối hỏi gián tiếp để đạt mục đích nào đó. Ví dụ như một người nào đó nói với thí chủ: “Năm ngoái thí chủ đã cúng dường tiền bạc và hỗ trợ nhiều cho việc tôi nhập thất tu tập vì lợi ích của chúng sinh. Năm nay tôi lại sắp đến kỳ nhập thất đặc biệt…” hoặc:” Ông là người thành đạt, giàu có, rất có thiện tâm và rất hào phóng với tôi…”

d)Thủ đắc bằng mánh khoé

Làm lợi cho mình bằng những cách thức không chân chính. Ví dụ như gây áp lực với người khác, chê họ keo kiệt, vong ân không nghĩ tới người đáng được giúp đỡ là mình đây.

e)Mong cầu được đền đáp

Cho một tặng phẩm nhỏ rồi mong cầu người ta cho lại mình một thứ lớn hơn.

13.Làm những chuyện phù phiếm

Khi phấn khích, phiền não, mất chánh niệm hay thiếu ý thức, người ta thường đùa cợt nhau, cười nói lớn tiếng, gây ồn ào. Và như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Những trò phù phiếm gây chướng ngại cho việc định tâm và thực hành giáo pháp. Có thể hát, nghe nhạc, cười nói hay vui chơi với mục đích tốt, lành mạnh, phát xuất từ lòng từ bi muốn vui vẻ cùng mọi người . Giới nguyện này liên quan tới việc làm những chuyện phù phiếm không ích lợi phát xuất từ phiền não hay bị kích động.

14.Cho rằng các Bồ Tát nên trụ trong luân hồi

Nếu nghĩ rằng các Bồ Tát không nên cầu thoát luân hồi, không nên sợ và tránh phiền não, mà nên chứng nghiệm luân hồi trong ba đại a-tăng-kỳ kiếp trong khi tu tập đạt giác ngộ, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Lối suy nghĩ như vậy chứng tỏ không hiểu biết đúng tính chất của luân hồi, phiền não và Bồ Tát Ðạo.

15.Không tránh tiếng xấu

Khi người khác phê bình hay nói xấu mình, hành giả nên cố gắng thanh minh cho bản thân.

16.Không dùng phương cách giãi trừ việc xấu của người khác

Nếu có thể khắc phục hành động xấu về thân và khẩu của người khác bằng những phương cách mạnh mẽ, nhưng lại nịnh bợ và giúp họ cứu vãn danh dự, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Hành giả nên cố gắng dùng mọi cách để giúp đỡ những người đã tạo nghiệp xấu, đã vi phạm giới nguyện của mình, làm hại người khác. Nếu có thể, nên hướng dẫn họ các pháp tịnh hoá nghiệp xấu và cũng tự thực hành những pháp đó để làm gương. Chín giới nguyện phụ ở trên liên quan tới việc thực hành hạnh Trì Giới Ba-la-Mật.

17.Không thực hành bốn pháp

Ðây là bốn sự nhẫn nhục không đáp trả khi người khác làm bốn diều này với mình: (1)nhục mạ mình, (2)phê bình mình, (3)đánh mình, (4)Kể những lỗi của mình. Nếu hành giả đáp trả một trong bốn điều kể trên thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

18.Không cần biết tới những người sân hận mình

Nếu gây rắc rối với người khác hay đoán là họ đang tìm cách hại mình, và rồi do kiêu hãnh, giải đãi, ác ý hay những phiền não khác, làm lơ họ chớ không hoà giải bằng cách tạ lỗi khi có cơ hội, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

19.Không nhận lời xin lỗi của người khác

Nếu người khác hại mình, và rồi xin lỗi và sám hối theo đúng Giáo Pháp, nhưng do ác ý hay sân hận, hành giả không nhận lời tạ lỗi của họ , thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Giới nguyện này giống giới nguyện chính thứ ba nhưng không cần phải có bốn điều kiện để vi phạm.

20.Không kềm chế tâm sân hận

Khi tâm sân hận nổi lên và không kềm chế sân hận, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Bốn giới nguyện phụ ở trên liên quan tới việc thực hành hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật.

21.Thu phục đệ tử vì ham muốn của cải và danh vọng

Nếu thu phục tín đồ, đệ tử và những người khác vì mục đích vị kỷ nhằm đạt lợi lộc, danh tiếng hay sự an toàn cho bản thân mình, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

22.Không từ bỏ tánh giải đãi và những việc xấu khác

Nếu do lười nhác ham ngủ, thức dậy trễ , và không cố gắng từ bỏ tánh giải đãi cũng như những tật xấu khác, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

23.Nói chuyện phù phiếm do sở thích

Nếu để mất thời gian chỉ vì ham nói những chuyện phù phiếm, vô nghĩa như luận bàn về những nhân vật nổi tiếng, chính trị, chiến tranh, hôn nhân, ly dị, tội phạm và những chuyện khác, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

Ba giới nguyện phụ nói trên liên quan tới việc thực hành hạnh Tinh Tấn Ba-la-mật.

24.Không tìm hiểu ý nghĩa của thiền định

Muốn tu tập thiền định, nhưng nếu do ác ý hay giải đãi không chịu tìm hiểu và nghe dạy về cách hành thiền thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này, hành giả nên cố gắng thính pháp, văn kinh, suy ngẫm và quán niệm về việc phát triển thiền định.

25.Không giải trừ những chướng ngại của thiền định

Có năm loại chướng ngại cản trở thiền định: (1)trạo hối, (2)ác ý, (3)hôn trầm, (4)tham dục, (5)nghi ngờ. Nếu không nỗ lực giải trừ những chướng ngại này khi chúng xuất hiện, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

26.Coi “vị” của thiền định là mục đích chính

“Vị” của thiền định là hoan lạc và tinh tấn phát sinh từ việc hành thiền. Phẩm chất chính hay mục đích thật sự của thiền định là chuẩn bị cho tâm thức tiếp cận hay hợp nhất với đối tượng rất vi tế, Tánh Không, tức Thật Tánh của các pháp hay sự vô tự tánh của chúng. Nếu hành giả chấp giữ vị hoan lạc và sự tinh tấn này, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ. Các Thanh Văn, Duyên Giác có thể hưởng sự an lạc của thiền định trong thời gian dài, nhưng vì Bồ Tát còn phải cứu độ chúng sinh nên không thể lãng phí thời gian như vậy, mà phải tiếp tục tu tập để chứng ngộ tánh không.

Ba giới nguyện phụ ở trên liên quan tới sự thực hành Thiền Ðịnh Ba-la-Mật.

27.Từ bỏ Tiểu Thừa

Nếu cho rằng việc tu học đạo pháp Tiểu Thừa chỉ dành cho các hành giả Tiểu Thừa và không cần thiết cho các Bồ tát, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Một Bồ Tát phải trải qua những pháp môn thấp và trung cùng với Thanh Văn, Duyên Giác của Tiểu Thừa để làm nền tảng cho các pháp tu tập Ðại Thừa cao hơn. Ngoài ra, một Bồ Tát cũng phải có khả năng thuyết pháp độ chúng mà nhiều người trong bọn họ có căn cơ Tiểu Thừa, vì vậy cần phải biết về các pháp Tiểu Thừa.

28.Thực hành các pháp Tiểu Thừa trong khi theo Ðại Thừa

Khi đã hoàn toàn tu tập hạnh Bồ Tát, mà hành giả lại dẹp các pháp này để thực hành các pháp Tiểu Thừa, hoặc quá thiên về các pháp Tiểu Thừa, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Ðể có thể làm lợi ích cho chúng sinh, hành giả cần phải dùng cơ hội qúy báu này để thực hành các pháp Ðại Thừa.

29.Thực hành giáo lý ngoại đạo trong khi theo học Phật Pháp

Khi đang theo học Phật Pháp, nếu hành giả dẹp bỏ các pháp này để thực hành giáo lý ngoại đạo, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Nói chung thì việc học những giáo lý ngoại đạo sẽ cũng cố tà kiến ngã chấp. Còn như  có lý do chính đáng, ví dụ như để có thể truyền thông với những người thuộc các tôn giáo khác thì việc nghiên cứu giáo lý của những tôn giáo đó có thể chấp nhận được.

30.Ham mê nghiên cứu các đề mục ngoại đạo

Nếu vì một lý do đặc biệt nào đó, đôi khi hành giả buộc phải nghiên cứu kinh sách ngoại đạo, nhưng nếu để cho mình bị thu hút bởi những giáo lý ngoại đạo, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

31.Từ bỏ Ðại Thừa

Huỷ báng một giáo lý Ðại Thừa, và cho rằng giáo lý đó không có ích lợi cho ai, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

32.Tự khen mình và chê bai người khác

Nếu do kiêu ngạo hay sân hận mà tự khen mình và chê bai người khác thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Giới nguyện này giống như giới nguyện chính thứ nhất, chỉ khác ở chỗ không cần bốn điều kiện để vi phạm.

33.Không tinh tấn học Giáo Pháp

Nếu do kiêu ngạo hay giải đãi mà không đi học Giáp Pháp hay tham dự các cuộc thảo luận về Giáo Pháp thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

34.Giễu cợt vị thầy và dựa vào lời hơn là vào ý nghĩa

Nếu không tôn kính bổn sư của mình như Phật, và không cúng dường ngài, nếu cố ý giễu cợt và thay vì dựa vào ý chỉ dựa vào lời thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

Tám giới nguyện phụ ở trên liên quan tới việc thực hành Trí Huệ Ba-la-mật.

5.Không giúp đỡ kẻ khốn khó

Nếu không giúp đỡ những người cần được hỗ trợ, cần được hướng dẫn, cần được dạy giáo lý, cần có sự bảo vệ và có chỗ nương tựa khi hành giả có cơ hội và khả năng giúp đỡ nhưng do sân hận, giải đãi hay những điều khác mà không giúp đỡ thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

36.Không chăm sóc người bệnh tật

Khi có cơ hội chăm sóc người hay vật bị bệnh mà lại không làm vì sân hận, giải đãi hay phiền não khác thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

37.Không giải khổ

Nếu không giải khổ hay cứu giúp người mù, điếc hay tàn tật, những người yếu đuối, những người có năm chướng ngại, những người có tà kiến và mê tín, những người bị người khác chê cười, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

38.Không hướng dẫn người lầm lạc

Nếu do ác ý hay giãi đãi không dùng khả năng của mình để hướng dẫn những người lầm lạc tạo nghiệp xấu thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

39.Không trả ơn

Nếu do ác ý hay giải đãi không trả ơn những người đã giúp đỡ mình thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

40.Không an ủi người khác

Nếu do ác ý hay giải đãi không an ủi người thân, bạn bè và những người khác khi họ gặp chuyện không may hoặc nghèo túng thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

41.Không bố thí cho người túng thiếu

Nếu có người xin được bố thí mà do ác ý hay giải đãi hành giả từ chối, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Còn nếu có lý do chính đáng để không cho người xin một thứ gì đó có thể gây tổn hại cho họ thì như vậy không vi phạm.

42.Không chăm sóc đệ tử

Nếu do sân hận hay giải đãi, hành giả không dạy dỗ và hướng dẫn đệ tử của mình hay không trông coi về phúc lợi của họ, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

43.Không quan tâm tới ý nguyện của người khác

Nếu không có hành vi hoà hợp với người khác do giải đãi hay ác ý thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Hành giả nên tránh tranh chấp ý kiến hay làm hại người thân, bạn bè, và những người mình giao tiếp. Nên quan tâm và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của họ.

44.Không hoan hỷ tán thán việc làm tốt của người khác

Nếu do ác ý hay giải đãi không khen ngợi tri thức hay đức hạnh cũng như những phẩm chất tốt của người khác, thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

45.Không dùng lực khi cần thiết

Nếu do giải đãi hay ác ý mà không giãi trừ sự kiêu ngạo của đệ tử, không trục xuất hay không trừng phạt người phạm lỗi thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này.

46.Không dùng quyền năng hay không răng đe

Nên dùng phương tiện răn đe hay quyền năng tâm linh mình có để làm lợi ích cho kẻ khác. Nếu cần thiết mà không dùng những phương tiện này thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này. Tuy nhiên, hành giả nên cẩn thận không phô diễn quyền năng nếu việc này không mang lại ích lợi lớn.

Mục đích của việc giữ mười tám giới nguyện chính và bốn mươi sáu giới nguyện phụ là giữ cho bồ đề        tâm không thoái chuyển và ngày càng tinh tấn thêm. Hành giả nên cố gắng giữ trọn giới nguyện bồ đề tâm. Giới nguyện bồ đề tâm là phương tiện giúp đỡ chúng sinh, phương tiện tránh làm hại họ, và là cách lập công đức. Mọi ý nghĩ và hành vi tốt đều được bao gồm trong những giới nguyện chính và phụ của Bồ Ðề Tâm.

Hành giả phát bồ đề tâm với ý định giác ngộ để có khả năng làm lợi ích cho chúng sinh.Có thể phải trãi qua nhiều kiếp tu tập mới giác ngộ,vì vậy hành giả nên cẩn thận không để thoái bồ đề tâm trong kiếp này,nổ lực gieo trồng công đức hầu có thể tiếp tục thực hành giới nguyện bồ đề tâm trong các kiếp hậu lai.

Giữ cho bồ đề tâm không bị thoái chuyển trong hiện kiếp

Hãy ghi nhớ bốn điều sau đây để bồ đề tâm không bị thoái chuyển:

1.Luôn luôn quán niệm những lợi ích của Bồ Ðề Tâm.

2.Trưởng dưỡng Bồ Ðề Tâm bằng cách tụng bài kệ Phát Bồ Ðề Tâm ở đầu chương này ba lần vào hai        thời công phu sáng và tối.

3.Từ bỏ những hành vi gây chướng ngại khiến hành giả thoái thác việc làm lợi ích cho chúng sinh, đặc biệt là không giúp đỡ những người tội lỗi. Khi có kẻ chỉ trích hay làm hại mình, hành giả có thể không muốn quan hệ gì tới người đó nữa vì không ưa hay không muốn giúp đỡ một kẻ tồi tệ như vậy. Lối suy nghĩ như vậy có hại cho Bồ Ðề Tâm. Hành giả nên cố gắng từ bỏ lối suy nghĩ này và hãy coi đây là phương tiện để mình tu tập Hạnh Nhẫn Nhục. Là một Bồ Tát, không thể từ chối giúp đỡ kẻ tội lỗi mà phải có lòng từ bi đối với mọi người. Vì vậy, hành giả cũng không thể bỏ rơi những người được coi là kẻ thâm thù với mình.

4.Tinh tấn tích luỹ công đức và trí huệ để cho Bồ Ðề Tâm luôn tăng trưởng.

Làm cho Bồ Ðề Tâm không bị thoái chuyển trong kiếp vị lai

Ðể Bồ Ðề Tâm không suy thoái trong các kiếp sau, hành giả phải cẩn thận không tạo nghiệp xấu để rồi gặp hoàn cảnh không thuận lợi trong các kiếp sau, không có cơ may phát triển Bồ Ðề Tâm. Hành giả nên ra sức vun trồng thiện nghiệp để đời sau được hưởng thuận duyên cho việc tăng trưởng Bồ Ðề Tâm. Sau đây là bốn việc xấu nên tránh để bảo vệ Bồ Ðề Tâm nguyện của mình trong các kiếp vị lai, và bốn việc lành nên làm để tạo nhân duyên tốt cho việc phát triển Bồ Ðề Tâm trong các kiếp vị lai.

Bốn việc xấu cần phải tránh

1.Nói dối với đạo sư của mình hay các bậc trưởng thượng khác,đặc biệt là với vị thầy làm lễ phát nguyện bồ đề tâm cho mình.

2.Không hoan hỷ tuỳ thuận công đức. Hành giả nên tuỳ thuận hoan hỷ với đức hạnh, công đức và hạnh phúc của người khác. Không vui mừng khi thấy người khác có những điều tốt thì như vậy là vi phạm giới nguyện phụ này, đó là ganh tị.

3.Báng bổ các Bồ Tát hay những người khác do sân hận.

4.Giả dối trong lời nói và việc làm,không có ý nghĩ trong sạch.

Bốn việc nên làm.

1.Không nói dối.

2.Thành thật với người khác.

3.Coi các Bồ Tát đều là Phật và tán thán phẩm hạnh của các ngài.

4.Giúp đỡ đệ tử của mình và những người khác nêu cao Bồ Ðề Tâm. Việc này gồm dạy về Bồ Ðề Tâm, về các giới nguyện Bồ Ðề Tâm và các pháp chuyển hoá tư tưởng cho những người muốn thực hành đạo pháp Ðại Thừa.

Phục hồi giới nguyện bị vi phạm.

Bốn việc nên làm là phương tiện tịnh hoá mọi vi phạm giới nguyện Bồ Ðề Tâm. Các pháp tịnh hoá trong kinh sách cũng có thể được sử dụng ở đây. Hai giới nguyện chính thứ chín và thứ mười tám, về tà kiến và thoái chuyển Bồ Ðề Tâm, không thể được phục hồi chỉ bằng các pháp tịnh hoá không thôi, mà chỉ có thể được phục hồi bằng cách thọ lại Bồ Ðề Tâm Giới một lần nữa.

Thọ Bồ Ðề Tâm Giới là việc làm mang lại ích lợi lớn, cho dù hành giả có thể sẽ vi phạm một đôi lần. Ðó là vì khi đã phát nguyện, Bồ Ðề Tâm của hành giả phát triển quá nhanh, quá mạnh một cách liên tục. Nếu vi phạm giới nguyện ,hành giả có thể sám hối và tịnh hoá lỗi lầm của mình. Việc này rất có hiệu quả vì hành giả sẽ chỉ vi phạm rất ít những giới nguyện.

Đức Geshe Acharya Thubten Loden

Biển phương tiện và trí huệ bất khả phân

Việt dịch: Lục Thạch

Hiệu đính: Lê Trung Hưng