69419847_969119563427920_1747980315705475072_n

Hai nền văn hóa về sự hiểu biết mang hai khuynh hướng khác nhau

Một cách tổng quát và trong lĩnh vực hiểu biết trí thức, chúng ta có thể cho rằng các triết gia Đông Phương quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu bản chất của thế giới nội tâm – nhất là đối với tín ngưỡng Phật Giáo – trong khi đó nền văn hóa Tây Phương lại có vẻ chú trọng đến việc tìm hiểu thế giới bên ngoài nhiều hơn. Do đó chúng ta có thể nghĩ rằng Đông Phương và Tây Phương có hai nền văn hóa khác biệt nhau, và đặt những tầm quan trọng khác nhau về thế giới nội tâm cũng như thế giới bên ngoài. Nếu đã là con người thì chúng ta cũng nên tìm hiểu cả hai.

Ở thế giới Đông Phương khoa học và kỹ thuật không được phát triển đúng mức. Trái lại ở Phương Tây nền văn hoá trí thức hướng vào việc khám phá thế giới bên ngoài lại được chú trọng hơn, và cũng chính vì thế nên các ngành tâm lý học và khoa học nhân văn của Phương Tây còn ở vào tình trạng mới mở mang (ngành tâm lý học hiện đại của Tây Phương chỉ mới bắt đầu được hình thành vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với Sigmund Freud và Carl Jung, trong khi đó các khía cạnh tâm lý học và phân tâm học trong giáo lý Phật Giáo đã được Đức Phật nói đến hơn hai ngàn năm trăm năm trước, và Vô Trước cũng đã thiết lập học phái Duy Thức từ thế kỷ thứ IV). Tóm lại Đông Phương phải cố gắng hơn về khoa học và kỹ thuật (chẳng hạn như trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc), thế giới Tây Phương ngược lại cần phải phát triển thêm về sự hiểu biết tâm linh, tức là phải tìm hiểu tri thức và khái niệm về “cái tôi” (tức “cái ngã”) là gì (tiếc thay có một số quốc gia Đông Phương vẫn chưa nhìn thấy điều đó, có nghĩa là thay vì một mặt phải biết khai thác gia tài có sẵn của mình là những sự hiểu biết thuộc lĩnh vực tâm linh tức là cũng có nghĩa là những gì liên hệ đến tín ngưỡng và đạo đức, và một mặt phải dồn mọi nỗ lực vào việc bắt kịp Tây Phương trên phương diện khoa học và kỹ thuật, thì lại cứ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề thiển cận, thấp kém, không mang một giá trị đạo đức cũng như tinh thần nào cả, hầu giúp xứ sở bắt kịp đà tiến hóa chung của nhân loại).

Điều này cho thấy tại sao lại có rất nhiều người Tây Phương quan tâm đến các tôn giáo Đông Phương đến thế. Sự quan tâm đó không nhất thiết chỉ nhằm vào mục đích tìm kiếm một con đường tâm linh cho cá nhân mình mà thật ra đã được thúc đẩy bởi sự tò mò mang tính cách trí thức (nhiều học giả và triết gia Tây Phương không phải là người Phật Giáo thế nhưng họ rất say mê trong việc nghiên cứu và tìm hiểu Phật Giáo). Theo tôi thì điều này rất chính đáng, bởi vì khi nghiên cứu những gì khác hơn với các quan điểm có sẵn của mình sẽ giúp mình khám phá ra những tầm nhìn mới góp phần tái tạo lại thế giới – và cả cuộc đời của chính mình nữa (khi nhìn vào sự hăng say đó của người Tây Phương thì chúng ta, những người Á Châu trong một số quốc gia, nên ý thức rằng không nên khư khư ôm lấy quan điểm của mình mà phải nhìn vào những đường hướng tiến bộ chung của cả thế giới hầu giúp mình nhận thấy những sai lầm của mình nhằm đưa dân tộc và quê hương mình không đi ngược lại đà tiến hóa chung của nhân loại).

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông