59717224_2279359055613871_4697989933086801920_n

Luân hồi và Niết bàn

Nhóm Trung Quán lại tiếp tục đưa ra một luận cứ khác cho rằng nếu căn cứ vào chủ thuyết Tánh Không thì giữa luân hồi và niết bàn cũng sẽ chẳng có gì khác biệt cả.

Tiết13b – 15b. (quan điểm Tiểu Thừa) Nếu quý vị cho rằng trong lĩnh vực của sự thật tuyệt đối tất cả sẽ là niết bàn, và cõi luân hồi thì lại thuộc vào lĩnh vực của sự thật tương đối, và nếu đúng như thế thì Đức Phật cũng lại bị vướng mắc trở lại trong cõi luân hồi hay sao (đối với sự thật tuyệt đối thì luân hồi và niết bàn đều là Tánh Không, do đó cả hai cũng đều là niết bàn. Vậy nếu Đức Phật hòa nhập vào Tánh Không tức cũng có nghĩa là hòa nhập với cả luân hồi. Thật ra đây chỉ là một cách lập luận dựa vào cách “chơi chữ” của nhóm Duy Thực); vậy thì hành trình đến Giác Ngộ để làm gì?

(quan điểm Trung Quán) Cho đến khi nào các nguyên nhân của ảo giác chưa bị tiêu trừ thì ảo giác vẫn còn nguyên là ảo giác; thế nhưng khi nào các nguyên nhân đã bị loại bỏ thì ảo giác cũng sẽ ngưng tạo tác, điều đó cũng đúng cả trong lĩnh vực của sự thật tương đối (trong cuộc sống thường nhật tức là trong lĩnh vực tương đối và quy ước, đôi khi chúng ta cũng trông thấy ảo giác, chẳng hạn như những gì hiện ra trong giấc mơ hoặc ảo ảnh trên mặt đường cái tương tự như là có nước, nếu các nguyên nhân tạo ra các ảo giác ấy bị loại bỏ – khi tỉnh giấc, hoặc hơi nước bốc lên từ mặt đường nóng dưới ánh nắng biến mất – thì các ảo ảnh ấy cũng sẽ tan biến hết).

Nhóm Duy Thực phát biểu như sau: Nếu dựa vào quan điểm Trung Quán của quý vị thì tất cả mọi hiện tượng không hàm chứa một sự hiện hữu nội tại nào và chính sự vắng mặt ấy là niết bàn; thế thì nếu quý vị cho rằng sự vắng mặt đó là niết bàn thì niết bàn cũng sẽ là một thứ với luân hồi hay sao, bởi vì cõi luân hồi cũng không có sự hiện hữu nội tại? Tóm lại theo quý vị thì luân hồi cũng có thể trở thành niết bàn, thế nhưng điều này không thể nào xảy ra được, bởi vì luân hồi và niết bàn là hai thứ khác hẳn nhau, trên thực tế chúng hoàn toàn tương khắc với nhau. Hơn nữa nếu chấp nhận luân hồi và niết bàn cũng chỉ là một thứ thì đương nhiên cũng sẽ phải chấp nhận chư Phật vẫn còn bị vướng mắc trong cõi luân hồi. Vậy thì tại sao những người tu tập bắt buộc phải bước vào con đường mới có thể đạt được Phật Tính và sự giải thoát?

Tịch Thiên đáp lại rằng những người Duy Thực nhầm lẫn giữa thể dạng chấm dứt của sự hiện hữu nội tại – tức có nghĩa là cảnh giới niết bàn tự nhiên – và cảnh giới niết bàn thực hiện được bằng sự tu tập tâm linh. Hơn nữa sự chấm dứt đó không phải chỉ đơn giản là sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại mà còn là sự chấm dứt của tất cả những gì khiến cho chúng ta bị “u mê” – đấy là những thứ xúc cảm bấn loạn và các xu hướng sẵn có nơi mỗi người trong chúng ta (tức là các tác động sâu kín của nghiệp nơi mỗi cá thể). Vì thế cần phải phân biệt giữa niết bàn tự nhiên (một thể dạng an bình và thanh thản khi quán thấy được bản chất vô-thực-thể của mọi hiện tượng) – tức là Tánh Không – và niết bàn mà chúng ta chỉ có thể đạt được bằng thiền định (loại bỏ được các thứ xúc cảm bấn loạn, xoá bỏ hẳn được tấm màn vô minh tạo ra bởi nghiệp lực). Hai thể dạng đó hoàn toàn khác nhau. Một khi chuỗi dài níu kéo giữa nguyên nhân và hậu quả buộc chặt một cá thể vào vòng luân hồi bất tận chưa bị cắt đứt thì cá thể ấy vẫn còn vướng mắc trong cảnh đọa đày của cảnh giới luân hồi. Chỉ khi nào chu kỳ hiện hữu (tức là vòng luân hồi) chấm dứt thì khi đó cá thể ấy mới có thể thường trú chẳng những trong thể dạng niết bàn tự nhiên (sự an lạc và thanh thản mà chúng ta có thể cảm nhận được trong hiện tại nhờ vào sự Giác Ngộ) mà cả trong cảnh giới niết bàn tối thượng nữa, một thể dạng vượt thoát khỏi mọi khổ đau và đọa đày (một thể dạng đã tháo gỡ và hóa giải được tất cả các quy luật chi phối thế giới luân hồi, chẳng hạn như quy luật nguyên nhân hậu quả, quy luật tương liên, tương tác và tương tạo của mọi hiện tượng, có nghĩa là thoát ra khỏi mọi sự hủy hoại và tạo tác liên tục dưới các thể dạng hình tướng, hoặc nói cách khác thì đấy là một thể dạng “thường trú” trong một cảnh giới phi-hiện-tượng).

Những người Duy Thực bài bác rằng nếu không chấp nhận một thực thể tự tại và khách quan về mọi sự vật thì quy luật nguyên nhân hậu quả cũng sẽ không còn hiệu lực nữa, và nếu đúng như thế thì các hiện tượng cũng sẽ không còn biết phải dựa vào nguyên tắc nào để mà vận hành. Những người Trung Quán đáp lại rằng: mặc dù vẫn xem các sự vật và biến cố là ảo giác và không hàm chứa một thực thể tự tại và độc lập nào, thế nhưng họ vẫn công nhận sự vững chắc của quy luật nguyên nhân hậu quả và cả các chức năng khác của thế giới tương đối; sự thực tại của thế giới quy ước không hề bị loại bỏ bởi sự vững chắc của Tánh Không; thế giới đó vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.

Vì thế sau khi phủ nhận sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng thì thật hết sức quan trọng phải duy trì được sự vững chắc của thế giới sự thật tương đối. Nếu nhận thấy mình có đủ khả năng thì nên bước thẳng vào “Con đường Trung Quán”, bởi vì con đường ấy sẽ giúp chúng ta tránh được cả hai thái cực là chủ nghĩa tuyệt đối (absolutism) và hư vô (nihilism). Lý do là Trung Quán không bác bỏ hiện thực mà cũng không phủ nhận sự vững chắc của thế giới quy ước cũng như sự vận hành của nó – tức có nghĩa là vẫn chấp nhận quy luật nguyên nhân hậu quả, tính cách nhị nguyên của chủ thể và đối tượng, và v.v… Nếu cảm thấy mình chưa hội đủ khả năng để bước vào con đường đó thì đấy cũng có nghĩa là quan điểm triết học của mình vẫn còn thuộc vào một trong hai thái cực: hoặc không chấp nhận thực tại của thế giới quy ước và tự để mình rơi vào từng chút một quan điểm của chủ nghĩa hư vô (chết là hết chẳng còn gì cả), hoặc tôn thờ chủ nghĩa tuyệt đối (absolutism) nhằm tìm cách bám víu vào một thứ gì đó mang tính cách tuyệt đối hay vĩnh hằng (thiên đường, cực lạc…). Tóm lại theo quan điểm của Tịch Thiên và những người Trung Quán thì cách tu tập tốt nhất là con đường Trung Quán.

Đức Dalai Lama 14

Việt dịch: Hoàng Phong

Trích: Tu Tuệ  – Nhà xuất bản Phương Đông