SOGYAL RINPOCHE

Guru Yoga: Hòa nhập với trí tuệ minh triết của Bậc Thầy

Tất cả các chư Phật, Bồ tát, và các vị đã được khai sáng lúc nào cũng xuất hiện để giúp đỡ chúng ta, điều này xảy ra thông qua sự hiện diện của người thầy để mọi ân phúc của các vị được trực tiếp tập trung vào chúng ta. Những ai biết về Đức Padmasambhava đều biết sự thật sống động trong lời hứa ngài đã phát nguyện hơn một ngàn năm về trước: “Ta không bao giờ xa cách những ai có niềm tin, hoặc kể cả những người không có lòng tin, mặc dù họ không thể trông thấy ta. Các con của ta sẽ và luôn luôn được che chở do lòng từ bi của ta.”

Tất cả những điều chúng ta cần phải làm để nhận được sự giúp đỡ trực tiếp là cầu xin. Phải chăng chúa Kitô cũng nói rằng: “Hãy xin, người sẽ được, hãy tìm, người sẽ thấy, hãy gõ, cửa sẽ mở cho ngươi. Kẻ nào xin sẽ nhận được, kẻ nào tìm sẽ tìm thấy.” Tuy vậy, cầu xin chính là điều khó khăn nhất. Tôi cảm thấy rất nhiều người trong chúng ta không biết cách xin. Đôi khi do kiêu ngạo, đôi khi do không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, đôi khi lười biếng, hoặc tư duy của chúng ta quá bận bịu với những câu hỏi, những bối rối, lộn xộn mà điều đơn giản nhất là cầu xin thì lại không nghĩ tới. Bước ngoặt trong việc cai rượu hoặc ma túy, là khi nào con người nhận thức được chứng bệnh của họ và yêu cầu giúp đỡ. Dưới mọi hình thức, chúng ta đều là những kẻ mắc nghiện trong vòng luân hồi sinh tử, thời điểm để hỗ trợ có thể đến được chỉ sảy ra khi nào con người thừa nhận mình bị nghiện ngập, và cầu xin giúp đỡ.

Điều mà phần lớn chúng ta cần, hơn những thứ khác, là lòng can đảm và tính khiêm nhường xuất phát từ đáy tâm hồn, để xin giúp đỡ: cầu xin lòng từ bi của các đấng đã khai sáng, cầu xin được thanh lọc, phục hồi, cầu xin có sức mạnh để hiểu được ý nghĩa nỗi đau và chuyển hóa chúng. Ở mức độ tương đối, hãy cầu xin có được mức tăng trưởng của sự thanh khiết, bình an, sáng suốt trong cuộc đời chúng ta, và cầu xin cho sự giác ngộ được bản chất tuyệt đối của tư duy nảy sinh trong quá trình hợp nhất với trí tuệ minh triết bất tử của vị thầy.

Để triệu thỉnh sự trợ giúp của những đấng đã giác ngộ khai sáng, để thức tỉnh lòng sùng kính, và nhận thức được bản chát tư duy, không có một thực hành nào nhanh chóng, linh hoạt, oai lực hơn bằng thực hành Guru Yoga. Ngài Dilgo Khyentse Rinpoche viết: Cụm từ Guru Yoga có nghĩa là “Hợp nhất với bản chất của Guru” và trong thực hành này chúng ta được học những phương pháp để có thể hoà trộn tư duy của chúng ta với tư duy đã được khai sáng của vị thầy.” Hãy nhớ rằng vị thầy, Guru, là hiện thân tinh hoa ân phúc của chư Phật, của các vị thầy và đấng đã được khai sáng. Do đó, triệu thỉnh vị thầy là triệu thỉnh tất cả các bậc thầy, và hòa nhập tư duy, tâm hồn của bạn với tư duy trí tuệ của vị thầy chính là hòa nhập tư duy của bạn với sự thật, với hiện thân khai sáng.

Vị thầy bên ngoài trực tiếp dẫn dắt bạn tới sự thật chân lý của vị thầy nội tâm. Chân lý vị thầy nội tâm càng được bộc lộ nhiều qua giáo lý, qua cảm hứng, thì bạn lại càng thấy rằng vị thầy bên ngoài và vị thầy nội tâm không thể chia cắt được. Một khi bạn dần dần tìm ra chân lý này bằng cách gợi nhớ liên tục chân lý đó trong phương pháp tập luyện Guru Yoga; một niềm tin sâu sắc, biết ơn, niềm vui và lòng sùng kính phát sinh trong bạn, qua đó tư duy của bạn và tư duy trí tuệ của vị thầy trở nên không thể chia cắt được. Theo yêu cầu của tôi trong việc soạn lại phương pháp tập luyện Guru Yoga, Dilgo Khyentse Rinpoche viết:

 Yếu tố để hoàn thành tiến trình thanh lọc vĩ đại mọi nhận thức.

Là niềm sùng kính, hào quang của Rigpa.

Hãy nhận thức và ghi nhớ rằng Rigpa của con chính là vị thầy.

Qua niềm sùng kính, cầu xin cho tư duy của người và của con hợp nhất làm một thể.

Đó là lý do tất cả những dòng truyền thống trí tuệ của Tây Tạng đều đặt tầm quan trọng lớn vào thực hành Guru Yoga, tất cả các bậc đại sư giỏi nhất ở Tây Tạng đều coi thực hành này như một phương pháp tu tập trọng tâm và uyên thâm. Ngài Dudjom Rinpoche viết:

Điểm thiết yếu là đưa toàn bộ năng lượng của bạn vào trong phương pháp Guru Yoga, gìn giữ nó như là cuộc đời và trọng tâm công trình tụ tập. Nếu không làm như vậy, tiến trình thiền của bạn sẽ rất mờ đục, kể cả bạn có được đôi chút tiến bộ, thì những trở ngại sẽ không bao giờ hết, không có khả năng để trạng thái thức ngộ nguyên bản, đúng đắn phát sinh trong tư duy. Do vậy, bằng cách cầu nguyện nhiệt thành với một lòng sùng kính chân thật, sau một thời gian, ân phúc trực tiếp từ tư duy minh triết của vị thày sẽ truyền tải, sẽ tiếp năng lượng cho bạn bằng một nhận thức độc đáo phát sinh sâu sắc trong tư duy bạn, nhận thức này vượt hẳn ra ngoài hàng rào ngôn ngữ.

Điều mà tôi muốn giành cho các bạn bây giờ là một phương pháp tập luyện Guru Yoga đơn giản mà bất kỳ mọi người mọi dòng tôn giáo, đức tin tâm linh, đều có thể thực hành được.

Đây là phương pháp tập luyện chính yếu, là trọng tâm, nguồn cảm hứng toàn bộ cuộc đời tôi, bất kỳ lúc nào tôi thực hành Guru Yoga, Đức Padmasambhava chính là đấng tôi tập trung vào đó. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, ngài tiên tri rằng Đức Padmasambhava sẽ xuất thế sau đó không lâu để truyền bá rộng rãi giáo lý Mật tông. Như tôi đã nói, Đức Padmasambhava sáng lập ra Phật giáo ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Với người Tây Tạng chúng tôi, Đức Padmasambhava, Guru Rinpoche, là hiện thân của một nguyên lý vũ trụ không thời gian, là bậc thầy của vũ trụ. Ngài đã xuất hiện nhiều lần với các đại sư Tây Tạng, những cuộc gặp gỡ, chứng kiến linh ảnh được ghi lại một cách chính xác: ngày, tháng, địa điểm, phong cách xuất hiện, cùng với các giáo lý, các điều tiên tri ngài cho biết. Guru Rinpoche cũng để lại hàng ngàn giáo lý uyên thâm cho thế hệ tương lai, sau này được bộc lộ do một số vị đại sư bắt nguồn từ ngài. Một trong những kho báu vượt thời gian ấy, Terma, đó là cuốn Tây Tạng Tử Thư.

Tôi luôn luôn hướng tới Đức Padmasambhava trong những lúc khó khăn, khủng hoảng, và ân phúc cùng oai lực của ngài không bao giờ bỏ rơi tôi. Khi nghĩ về ngài, toàn bộ các vị thày đều hiện thân trong ngài. Với tôi, ngài lúc nào cũng còn tại thế, toàn bộ vũ trụ từng lúc từng lúc, ánh lên với vẻ đẹp, sức mạnh và sự hiện hữu của ngài.

 Thưa Guru Rinpoche, đấng quý báu nhất.

Ngài là hiện thân lòng bác ái, từ bi, ân phúc chư Phật.

Là vị hộ pháp duy nhất của chúng sinh.

Thân thể, sở hữu, trái tim và tâm hồn con,

Xin dâng nộp cho người không hề do dự,

Từ nay cho tới khi con đạt được khai sáng,

Trong niềm vui, nỗi buồn, hoàn cảnh tốt, xấu, địa vị cao, thấp.

Con hoàn toàn nương tựa vào ngài, thưa Đức Padmasambhava,

Ngài là đấng thấu hiểu con: nghĩ tới, truyền cảm, hướng dẫn, để con hợp nhất với ngài làm một.

Tôi coi Đức Padmasabhava là hiện thân của các vị thầy tôi, vì thế khi thực hành Guru Yoga hợp nhất tư duy của tôi với ngài, tất cả các vị thầy tôi đều bao gồm trong ngài. Tuy nhiên bạn có thể viện dẫn bất kỳ một đấng khai sáng, một vị thánh, một vị thầy của một truyền thống tôn giáo cổ truyền hoặc một dòng huyền mồn mà bạn sùng kính, dù cho các vị còn tại thế hay đã viên tịch.

Thực hành Guru Yoga gồm 4 phần chính: 1- Triệu thỉnh, 2- Hòa nhập tư duy của bạn với vị thầy qua tinh hoa cốt lõi của ngài là các câu chú, 3- Tiếp nhận ân phúc hoặc tiếp nhận năng lượng, 4- Hợp nhất tư duy của bạn với vị thầy rồi nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của Rigpa.

1- TRIỆU THỈNH

Ngồi yên lặng. Tận đáy tâm hồn, triệu thỉnh trong bầu trời xanh trước mặt bạn đấng hiện thân của chân lý dưới dạng vị thầy bạn, hoặc một vị thánh, một đấng khai sáng.

Hãy hình dung vị thầy hoặc Đức Phật như đang sống, tỏa sáng mờ mờ như một chiếc cầu vồng. Hãy tuyệt đối tin rằng tất cả mọi ân đức, phẩm chất trí tuệ, từ bi, sức mạnh của chư Phật, các đấng khai sáng, được thể hiện trong vị đó.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc quán tưởng vị thầy, hãy hình dung đấng hiện thân chân lý ấy như một thực thể ánh sáng, hoặc cố gắng cảm nhận được sự hiện diện hoàn hảo của vị đó ngay trong bầu trời trước mặt bạn: sự hiện diện của toàn thể chư Phật hoặc các bậc thầy. Sau đó, để những nguồn cảm hứng, niềm vui, sự tôn kính bạn cảm nhận chiếm một vị trí trong quán tưởng. Hãy tin một cách thật đơn giản là vị mà bạn triệu thỉnh đang thực sự ở đó. Chính Đức Phật đã dạy: “Bất kỳ một ai nghĩ về ta, ta đã đang ở trước mặt người đó.” Thầy tôi Dudjom Rinpoche thường nói rằng nếu lúc đầu bạn không thể quán tưởng, hình dung nổi thì cũng không sao, điều quan trọng là phải cảm nhận đấng hiện hữu đó ở trong tâm mình, và hiểu được rằng hiện hữu đó là hiện thân của mọi ân đức, từ bi, năng lượng và trí tuệ của chư Phật.

Sau đó, hãy thoải mái để sự hiện diện của vị thầy tràn ngập trong tâm hồn bạn, rồi nhiệt thành toàn tâm toàn ý triệu thỉnh ngài với tất cả niềm tin, kêu gọi ngài trong tâm trí: “Xin hãy giúp con, khích lệ con thanh lọc tất cả những nghiệp quả và xúc cảm tiêu cực, để con nhận thức được bản thể tự nhiên của tư duy con.”

Rồi, với lòng sùng kính thiết tha, hãy hợp nhất tư duy của bạn với vị thầy, để tư duy của bạn nghỉ ngơi trong tư duy trí tuệ của vị thầy. Làm như vậy, bạn đã hoàn toàn phó mặc cho vị thầy và nói với mình những điều tương tự như sau: “Bây giờ xin hãy giúp con, quan tâm tới con. Hãy rót cho con niềm vui, năng lượng, trí tuệ và lòng từ bi của ngài. Hãy tập hợp con vào trong trái tim yêu thương của tư duy trí tuệ ngài. Xin ban phúc cho tư duy của con, truyền cảm hứng cho những hiểu biết của con.” Sau đó ngài Dilgo Khyentse Rinpoche nói: “Chắc chắn ân đức của các vị đã đi vào trong tâm bạn.”

Khi áp dụng thực hành này, đây chính là con đường trực tiếp, khéo léo và giàu năng lượng đưa tư duy chúng ta vượt xa lối tư duy thông thường, để đi vào trong vương quốc tinh khiết trí tuệ Rigpa. Ở đó ta sẽ nhận thức, khám phá, và hiểu được các vị Phật đều đang hiện diện.

Do vậy, cảm nhận được sự hiện hữu sống động của chư Phật, của Đức Padmasambhava, của vị thầy bạn, và chỉ cần bằng cách rộng mở tâm trí bạn hướng về hiện thân của chân lý, điều này thực sự sẽ ban phúc, chuyển hóa tư duy của bạn. Khi cầu khẩn Đức Phật, Phật tính trong bạn sẽ được khích lệ để bừng tỉnh và tỏa hương, tự nhiên như đóa hoa nở dưới ánh mặt trời.

2 – TĂNG TRƯỞNG VÀ LÀM GIÀU ÂN PHÚC.

Lúc tiến hành phần này, tôi hòa nhập tư duy của tôi với vị thày bằng một câu chú, tôi đọc câu chú: “OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM (đọc theo tiếng Tây Tạng là Om Ah Hung Benza Guru Péma Siddhi Hung) với niềm tin rằng câu chú chính là thực thể của ngài Padmasambhava và ân phúc của các vị thầy được thể hiện dưới dạng âm thanh. Tôi hình dung ngài tràn ngập trong con người tôi, và khi đọc câu chú, tinh hoa của ngài, câu chú này rung động, tỏa khắp trong tôi, giống như hàng trăm vị Padmasambhava dưới dạng âm thanh đang tuần hoàn trong cơ thể, đang chuyển hóa con người tôi.

Do đó, việc sử dụng câu chú tạo ra trong tâm trí bạn sự nhiệt thành và sùng kính cao độ, hợp nhất tư duy của bạn với Đức Padmasambhava hoặc vị thầy. Từng bước một, bạn có cảm giác mình gần gũi Đức Padmasambhava hơn, khoảng cách giữa bạn và tư duy trí tuệ của ngài thu hẹp dần. Dần dần, qua ân phúc và oai lực phương pháp luyện tập này, bạn sẽ thực nghiệm được tư duy của mình chuyển hóa vào trong trí tuệ minh triết của Đức Padmasambhava và của vị thầy; bạn bắt đầu thức ngộ sự nhất quán không thể chia cắt được. Giống như khi nhúng ngón tay vào trong nước, nó sẽ bị ướt, đưa vào lửa, nó sẽ bị bỏng, vậy nếu bạn đầu tư tư duy bạn vào trí tuệ minh triết của chư Phật, tư duy bạn sẽ được chuyển vào trong bản chất trí tuệ của Phật. Điều xảy ra là dần dần tư duy của bạn tự nó thấy nó ở trong trạng thái Rigpa, bản chất thâm sâu nhất của tư duy, đó chính là tư duy trí tuệ minh triết chư Phật. Điều này tựa như tư duy thông thường của bạn dần dần chết đi rồi tan rã, và hiểu biết tinh khiết, Phật tính tự nhiên, vị thầy nội tâm của bạn được bộc lộ. Đó là ý nghĩa đích thực của “ân phúc,” ý nghĩa của quá trình chuyển hóa, trong đó tư duy của bạn vươn tới trạng thái tuyệt đối.

Sự “tăng trưởng ân phúc” này là trọng tâm, là phần chính của thực hành, vì thế bạn nên dành phần lớn thời gian cho phần này khi thực hành Guru Yoga.

3 – TIẾP NHẬN NĂNG LƯỢNG

Bây giờ hãy hình dung từ vị thầy, hàng ngàn tia hào quang rực rỡ chảy thẳng tới bạn, thâm nhập, thanh lọc, phục hồi, ban phúc, tiếp năng lượng và gieo những hạt giống khai sáng trong con người bạn.

Để cho phần thực hành này được phong phú và truyền cảm tới mức tối đa, bạn có thể hình dung phần này được chia ra làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn một: ánh sáng pha lê rực rỡ trong suốt từ vầng trán vị thầy chiếu thẳng vào trung tâm năng lượng trên trán bạn, tràn ngập toàn bộ cơ thể. Luồng ánh sáng này tiêu biểu cho ân phúc thân thể chư Phật: thanh lọc toàn bộ nghiệp quả tiêu cực mà bạn đã tích lũy bởi hành động tiêu cực của thân thể, thanh lọc những đường kinh lạc vi tế trong hệ thống tâm-sinh lý (psycho-physical system), mang lại ân phúc của thân thể chư Phật, tiếp năng lượng trong việc thực hành quán tưởng, mở cho bạn khả năng thức ngộ được năng lượng từ bi của Rigpa, bản thể tự nhiên của tư duy, bản chất này được hiển thị trong vạn vật.

Thứ hai: một dòng ánh sáng màu hồng ngọc từ yết hầu vị thầy chiếu thẳng vào trung tâm năng lượng ở yết hầu bạn, tràn ngập toàn bộ cơ thể. Luồng ánh sáng đỏ này tiêu biểu cho ân phúc ngôn từ của chư Phật: thanh lọc toàn bộ nghiệp quả tiêu cực mà bạn đã tích lũy thông qua lời ăn tiếng nói, thanh lọc nội khí của hệ thống tâm – sinh lý, mang lại ân phúc của ngôn ngữ chư Phật, tiếp năng lượng trong việc đọc chú, và mở cho bạn khả năng thức ngộ được ánh sáng thuộc bản chất Rigpa.

Thứ ba: một dòng ánh sáng màu xanh lam lung linh, màu đá Lapi lazuli (đá màu xanh da trời) từ trái tim vị thầy chiếu thẳng vào trung tâm năng lượng ở trái tim bạn, tràn ngập toàn bộ cơ thể. Luồng ánh sáng xanh này tiêu biểu cho ân phúc của tư duy trí tuệ chư Phật: thanh lọc toàn bộ nghiệp quả tiêu cực mà bạn đã tích lũy qua những hoạt động tiêu cực của tư duy, thanh lọc tinh hoa sáng tạo, hoặc năng lượng bên trong hệ thống tâm sinh lý của bạn, mang lại ân phúc của tư duy trí tuệ chư Phật, tiếp năng lượng cho những thực hành cao cấp, mở cho bạn khả năng nhận thức được trạng thái tinh khiết nguyên thủy của tinh hoa Rigpa.

Bây giờ, qua ân phúc, bạn biết và cảm thấy mình đang được tiếp nhận Thân, Khẩu, Ý bất hoại của Đức Padmasambhava và của chư Phật.

4- NGHỈ NGƠI TRONG TRẠNG THÁI RIGPA.

Sau đó, hãy để vị thày tan vào trong ánh sáng và hợp nhất với bạn thành một thể trong bản thể tư duy tự nhiên của bạn. Hãy nhận ra rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, bản chất thoáng đãng giống như bầu trời này của tư duy bạn, chính là vị thày tuyệt đối. Mọi đấng khai sáng còn ở đâu nếu không ở trong trạng thái Rigpa, trong bản thể tư duy tự nhiên của bạn?

An toàn trong thức ngộ này,  bạn nghỉ ngơi trong trạng thái bao la, dễ chịu thoải mái, bản chất tự nhiên tuyệt đối của mình, ấm áp, vinh quang, phúc lạc. Bạn đã tới được nền tảng nguyên bản: sự tinh khiết nguyên thủy mộc mạc tự nhiên. Khi an nghỉ trong trạng thái Rigpa này, bạn nhận ra ngay chân lý của lời Đức Padmasambhava: “Tự bản thân tư duy là Padmasambhava, không có phương pháp tu tập hoặc phương pháp thiền nào tách rời khỏi điều đó.”

Tôi đưa ra phương pháp tập luyện này như là một phần thuộc Bardo tự nhiên của cuộc đời này, vì đây là một phương pháp tập luyện quan trọng nhất trong cuộc sống, đồng thời cũng là một thực hành quan trọng nhất tại lúc chết. Như bạn sẽ thấy ở chương 13, phần “Hỗ Trợ Tâm Linh Cho Người Sắp Chết,” Guru Yoga hình thành nền tảng của thực hành Phowa: thực hành chuyển dịch ý thức tại thời điểm chết. Vì nếu như khi chết, bạn có thể hợp nhất tư duy của bạn với tư duy trí tuệ của vị thày một cách tự tin, và chết trong trạng thái bình an đó, thì tôi xin hứa và cam đoan với bạn, mọi chuyện sẽ hết sức tốt đẹp.

Do đó, mục tiêu của chúng ta trong cuộc đời này là luôn luôn tập luyện thực hành hợp nhất với tư duy trí tuệ của vị thày, để nó trở thành một phản ứng hết sức tự nhiên mà mọi hoạt động như: đi, đứng, ngồi, ăn uống, ngủ, mơ mộng, thức tỉnh, tất cả đều thấm nhuần và lan tỏa bởi sự hiện diện sống động của vị thầy. Dần dần, qua hàng năm trời tập trung, gia cố lòng sùng kính, bạn bắt đầu hiểu và thức ngộ được những gì xuất hiện bên ngoài là biểu hiện trí tuệ của vị thầy. Mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, kể cả những lúc dường như là bi đát hoặc vô nghĩa, hãi hùng, chúng càng ngày càng tự bộc lộ một cách rõ ràng, rằng đó là sự dạy dỗ trực tiếp, là ân phúc của vị thầy, và cả của vị thầy nội tâm, như Dilgo Khyentse Rinpoche nói:

Sự sùng kính là tinh hoa của con đường (Đạo), nếu trong tư duy chúng ta chỉ có Guru và lòng sùng kính nhiệt thành, thì bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng đều được coi là ân phúc của người. Nếu duy nhất thực hành với lòng sùng kính hiện tại liên tục này, thì bản thân thực hành đó chính là sự cầu nguyện.

Khi tất cả mọi ý nghĩ đều được thấm nhuần với lòng sùng kính dành cho Guru, đó chính là một niềm tin tự nhiên, niềm tin này sẽ săn sóc bất kỳ mọi tình huống xảy ra. Mọi hình thức đều là đại sư, mọi âm thanh đều là lời cầu nguyện, mọi ý nghĩ hoặc thô thiển hoặc tinh tế phát sinh, đều là sự sùng kính. Vạn vật được giải phóng một cách tự phát trong bản chất tự nhiên tuyệt đối, giống như những cái nút thắt được cởi ra trong bầu trời”.

Đức Sogyal Rinpoche

TÂY TẠNG SINH TỬ THƯ

THE TIBETAN BOOK OF LIVING AND DYING

Người dịch:  Tống Ngọc Đức