Jataka-Tales-Madras-Courier-04

Hướng về cảnh giới bất tử

Chúng ta thường nói đến việc Thực hành giáo Pháp, nhưng ý nghĩa thật sự của việc này là như thế nào? Thực hành giáo Pháp là quá trình quán tưởng liên tục và quá trình nhắc nhở chúng ta liên tục tỉnh giác và chánh niệm về sự thật như nó đang diễn biến và hiển lộ trong giây phút hiện tại. Thực hành giáo Pháp là mở rộng tâm thức để hướng đến và nhận chân được thực tại như nó đang phơi bày trong giây phút hiện tại. Thí dụ như bây giờ, nếu tôi bước vào phòng này với một thành kiến nào đó, thành kiến này có thể xuất phát từ sự sân hận nào đó, tôi sẽ không còn khả năng hiểu được thực tại. Tâm tôi sẽ mờ mịt và bị ám ảnh bởi sự giận dữ. Nhưng nếu tôi ý thức là tôi đang giận dữ, là tôi đang bị một tình cảm mãnh liệt chế ngự, thậm chí chỉ biết đến mức đó thôi, thì ngay lúc ấy, tôi đã nhận ra được là tâm giận dữ này chỉ là một điều kiện, một duyên, đang được thiết lập trong tâm tôi. Từ đó, sức mạnh của sự chấp trước và dính mắc trong tôi yếu đi; trong tôi đã có một chút ít buông bỏ. Và ngay cả nếu tôi lại tiếp tục giận dữ, ngay giây phút mà tôi biết rằng tôi bị cơn giận chi phối trở lại, cơn giận lại một lần nữa bị chọc thủng. Nói khác đi, khi tình cảm giận dữ không được tiếp sức và hỗ trợ, nó sẽ yếu đi. Do đó, khi tôi càng quán tưởng về cơn giận, xung lực giận dữ của tôi sẽ giảm và yếu dần.

Nếu chúng ta thành tâm cố gắng buông bỏ, ngay cả chỉ buông bỏ một phần rất nhỏ nhiệm, chúng ta sẽ ngày càng tự chủ hơn, không bị lệ thuộc vào hình thức bề ngoài, vào sức mạnh của thói quen, vào chu kỳ sinh tử, vào vòng luân hồi. Rồi chúng ta sẽ hướng về sự bất tử, về sự chứng ngộ Niết Bàn. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục chìm đắm trong phiền não và để cho phiền não làm chủ và sai khiến, chúng ta sẽ càng mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Khi trở thành nô lệ của phiền não, chúng ta sẽ bị trôi dạt và xô đẩy không ngừng, mãi cho đến khi chúng ta chợt nhận ra rằng chúng ta đang bị giam cầm trong nhà tù sinh tử. Giây phút nhận chân được thân phận trôi giạt trong luân hồi sinh tử cũng là giây phút mà tâm chúng ta hướng về cõi bất tử. Tâm chánh niệm và sự chứng ngộ sẽ bắt đầu xuất hiện. Và cho dù sự xuất hiện đó chỉ là một tia chớp lóe lên rồi tắt lịm, đó cũng là sự chứng ngộ Niết Bàn. Dĩ nhiên, tham ái dục lạc ngũ trần trong chúng ta vẫn còn rất mạnh và sẽ tiếp tục chế ngự chúng ta và chúng ta sẽ lại cảm thấy tội lỗi, bực bội, chán nản, phiền muộn. Tình trạng phiền não này sẽ tiếp tục và tiếp tục cho đến một lúc nào đó, chúng ta chợt nhận ra là mình vẫn còn trôi lăn trong luân hồi sinh tử, và lúc đó, chúng ta lại một lần nữa chứng ngộ được giây phút tự do và giải thoát. Sở dĩ chúng ta bị phiền não chế ngự là vì chúng ta cho rằng phiền não, cùng với những hệ quả của nó, là có thật và thường hằng. Và khi chúng ta càng muốn chống lại và xóa bỏ những phiền não cùng với những mặc cảm tội lỗi, thì những phiền não của chúng ta lại càng trở nên trầm trọng và nhân lên gấp bội. Thế là một chu kỳ sinh tử trầm luân mới lại bắt đầu.

Sau khi đã trải qua bao năm tháng sống trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta có cảm tưởng là chúng ta đã không thành đạt được gì cả hay thậm chí chẳng thay đổi chút nào. Nhưng rồi, chúng ta chợt nhận ra rằng, ngay cả những lúc bị chìm đắm trong đau khổ, bằng cách nào đó, chúng ta cũng đã vượt qua khổ đau và ngày càng vượt qua khổ đau một cách hữu hiệu hơn. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã không bị giam hãm, tối mắt, và hoàn toàn bất lực trước sự công phá của tham ái và sợ hãi. Dần dần, chúng ta thấy rằng, Samsara, hay luân hồi sinh tử, hay ý thức của giác quan (sensory consciousness), chỉ là một sự chuyển động, sự vận hành, sự rung động, là một cái gì đó luôn thay đổi không có thực chất và bản chất của nó là vô thường. Chúng ta không thể nắm bắt nó và nói, “Nó đây rồi,” nhưng chúng ta có thể quán sát nó.

Chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi vật đều diễn biến theo cách của nó. Nó không có tên gọi ngoại trừ cái tên mà chúng ta đặt cho nó. Chúng ta chính là người đặt tên cho nó; chúng ta cho nó một giá trị. Chúng ta cho cái này là tốt, cái kia là xấu, nhưng tự nó, sự vật chỉ là sự vật như chính nó. Nó không phải là cái gì tuyệt đối; nó chỉ là nó. Con người chỉ là con người, thế thôi. Chúng ta có thể đặt tên và mô tả con người. Chúng ta có thể lấy quyết định là thích hay không thích, chạy theo hay chống lại con người. Đó là những gì mà chúng ta thêm vào hay dự phóng dựa trên những thói quen, lo âu sợ hãi, và khát vọng của chúng ta. Chính vì thế mà việc quan sát mọi vật như chính nó ngay trong giây phút hiện tại là cực kỳ quan trọng. Chính nhờ kinh nghiệm quán sát này mà chúng ta có thể thấy và biết được những gì mà chúng ta đặt tên hay áp đặt cái nhìn của chúng ta trên đó.

Thân thể vật chất này của tôi là như thế đó. Sau khi được sinh ra và qua một thời gian sống mấy chục năm, nó trở thành già nua như thế đó. Nhưng tôi lại bắt đầu suy ngẫm về nó và này ra những tư tưởng như tôi không thích nó, tôi thích nó, tôi mong nó khác đi, tôi mong nó trẻ hơn một chút… Tôi có thể tạo đủ loại quan điểm và ý kiến về thân thể vật chất của tôi, nhưng thân thể này vẫn cứ là nó. Nó có những cảm giác như vậy. Nó có dáng dấp như vậy. Đó chính là thực tại, là chân như. Điều này không có nghĩa là chúng ta không ý thức về cái đẹp và cái xấu của cơ thể; nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ không tác động trên cơ thể của chúng ta hay tạo tác một cái gì đó về nó. Chúng ta có thể ý thức, thấy và biết cơ thể này là không hoàn hảo nhưng chúng ta không biến sự không hoàn hảo này thành một vấn đề. Tóm lại, tâm chúng ta sẵn sàng mở rộng, từ ái đón chào, tiếp thu và chấp nhận nó như chính nó mà thôi.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng