16601599_1232180150164045_8539087230828023985_o

Trì giới siêu việt

Nếu thiếu đi sự trì giới, người ta không thể đạt được điều gì tốt đẹp cho bản thân, thật đáng cười khi nghĩ về việc làm lợi lạc cho người khác. Vì thế, quán sát giới luật không có động cơ luân hồi là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Trì giới là nền tảng của mọi thực hành Pháp. Nó cung cấp nền tảng mà từ đó tất cả các phẩm tánh tốt đẹp được vun bồi. Giống như tất cả đại dương và núi non được hỗ trợ bởi mặt đất phía dưới, mọi thực hành Tiểu Thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa đều được hỗ trợ bởi xương sống trì giới.

Trì giới trong mỗi thừa này được định nghĩa bởi ba cấp độ giới nguyện tương ứng: Biệt giới giải thoát[1], Bồ Tát giới và Mật giới [samaya giới]. Bộ ba giới nguyện này nên được giữ gìn hài hòa với nhau.

Khi thực hành của bạn tiến bộ dần dần qua ba thừa, các giới nguyện của các thừa trước không bị bỏ đi mà chuyển hóa, giống như sắt thành vàng. Biệt giới giải thoát bắt đầu khi bạn quy y và bước vào con đường Pháp. Một người với ý chí mạnh mẽ muốn thoát khỏi luân hồi sẽ từ bỏ các vấn đề thế tục và giữ gìn giới nguyện của một đệ tử cư sĩ, giới nguyện của sa di/sa di ni hay Cụ túc giới.

Với nền tảng này, sự trì giới của Đại thừa thêm vào Bồ đề tâm, sự hứa nguyện mang chúng sinh đến giác ngộ hoàn hảo. Vì thế các hành giả Đại thừa giữ gìn giới nguyện cư sĩ hay tu sĩ của họ, cộng thêm ước nguyện mọi chúng sinh có thể trì giới hoàn hảo để thoát khỏi luân hồi và áp dụng các giới nguyện khác nhau của Bồ đề tâm. Bởi thế được truyền động cơ của Bồ đề tâm, sự trì giới phát triển sức mạnh lớn lao. Nó đạt đến trì giới Kim cương thừa, tức là việc duy trì các samaya giới, sợi dây linh thiêng giữa đạo sư tâm linh và đệ tử – nguồn mạch của Kim Cương thừa.

Không có trì giới, sẽ không có cách nào đạt được hạnh phúc tạm thời của giải thoát khỏi các khổ đau hay hạnh phúc tuyệt đối của giác ngộ. Bất cứ giới nguyện nào mà bạn thọ nhận – dù là hai trăm năm mươi ba giới Tiểu thừa, mười tám giới chính và phụ của chư Bồ Tát hay một trăm nghìn samaya giới của Kim Cương thừa – chúng đều cần được quán sát một cách cẩn thận, giống như người nông dân làm mọi điều để bảo vệ mùa màng khỏi lũ vật hoang, trộm cướp, mưa đá và mọi sự việc gây hại khác.

Hãy trông chừng sự trì giới của bạn, một cách cẩn thận như bạn bảo vệ đôi mắt. Vì trì giới là suối nguồn của hỷ lạc nếu bạn gìn giữ nó; nhưng nếu bạn phá hỏng nó, nó sẽ trở thành suối nguồn của khổ đau.

Có ba kiểu trì giới cần phải thực hành. Đầu tiên là từ bỏ mọi hành động làm hại bản thân và người khác. Thứ hai là thực hiện các hành động tốt lành bằng cách thực hiện các hành động tốt lành bằng cách thực hiện sáu Ba la mật. Thứ ba là làm mọi điều có thể để chúng sinh lợi lạc trong hiện tại và tương lai.

Không có trì giới, bạn sẽ không bao giờ có thể thành tựu bất kỳ mục tiêu cá nhân nào, chứ đừng nói gì đến việc giúp đỡ người khác. Giữ gìn giới nguyện thanh tịnh giúp bạn giành thời gian với những thiện tri thức. Hãy từ bỏ mọi bám chấp và tham luyến, hãy nhớ đến sự chắc chắn của luật nhân quả, hãy quán chiếu về khổ đau của luân hồi, và giữ gìn ba kiểu giới nguyện. Người ta nói rằng những người giữ gìn giới luật tu sĩ hoàn hảo sẽ được kính trọng bởi con người và chư thiên, và chư thiên sẽ mang y áo của họ khi chết và đặt chúng trong bảo tháp ở các cõi giới linh thiêng của họ. Như Đức Phật từng dạy:

Trong thời đại suy đồi này, duy trì một giới nguyện tu sĩ trong một ngày cũng mang đến công đức lớn hơn việc cúng dường một triệu vị Phật lượng thức ăn, nước uống, lọng báu, đèn và vòng hoa nhiều như số hạt cát trên sông Hằng.

Trì giới hoàn hảo là việc giữ gìn giới nguyện theo cách thanh tịnh với sự tỉnh thức không ngừng, thoát khỏi sự tự kiêu và tự hào. Về bản chất, trì giới là việc có tâm an bình, tự kiểm soát và vị tha.

[1] Pratimoksha, “tự giải thoát”. Mục tiêu của việc trì giới này là giải thoát bản thân khỏi vòng luân hồi.

Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche
Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi