Guru_Purnima_Buddha_2020

Giáo dục con người về cuộc đời (tiếp theo)

Lý tưởng mà nói, giáo dục phải chuẩn bị cho con người đi vào cuộc đời. Nhưng thông thường người ta chỉ nhìn giáo dục như một quá trình dạy cho học sinh biết đọc và biết viết. Mục đích của giáo dục thường chỉ là dạy học sinh học hành, thi cử đỗ đạt, kiếm được việc làm, và làm ra tiền rất sớm. Ngoài ra, nó không chuẩn bị con người khả năng đối diện với tuổi già hay thất nghiệp. Trong chừng mực nào đó, giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của nhiều người vì nó không chuẩn bị cho họ gì hết ngoại trừ tìm được việc làm.

Nhưng có được việc làm chỉ là một phần của cuộc sống. Chúng ta chỉ làm việc một số giờ nào đó trong ngày, và một số năm tháng nào đó trong đời. Và hiện này, xã hội đang phát triển theo hướng là sẽ giảm số giờ và số năm làm việc của con người; hiện này, người ta có khả năng về hưu sớm. Nhưng cũng chính khả năng này lại làm cho nhiều người lo sợ. Họ than vãn, “Tôi sẽ phải làm gì với thời giờ còn lại nếu phải về hưu lúc năm mươi lăm tuổi?” Các tu sĩ Phật giáo không thể nghỉ hưu lúc năm mươi lăm tuổi. Lúc năm mươi lăm tuổi, tôi xin phép về hưu nhưng Giáo hội đã từ chối. Tuy nhiên, đối với những người không phải là tu sĩ, khả năng không phải làm việc suốt đời là có. Đây là khả năng có thật.

Tuy nhiên, chúng ta luôn xem thất nghiệp là con bệnh của xã hội. Chúng ta thường nói, “Nạn thất nghiệp thật là kinh khủng”, chứ không bao giờ nói, “Thất nghiệp là điều tốt và đáng mừng vì công nhân sẽ không phải làm việc trong những hãng xưởng hay văn phòng buồn bã và tẻ nhạt nữa, không phải lập đi lập lại những công việc nhàm chán, thiếu hứng thú và chỉ mang lại bực bội và phiền não.” Chúng ta không cho thất nghiệp là điều đáng hoan hỷ; chúng ta cho đó là cái gì rất kinh khủng. Khi có thất nghiệp, chúng ta tự trách là đã không làm tròn trách nhiệm đối với giới trẻ vì đã không tạo cho họ những việc làm mà thực chất là nhàm chán, lập đi lập lại, và không hứng thú chút nào, và qua đó đã không giúp họ kiếm ra tiền. Nền giáo dục hiện đại làm cho chúng ta tin rằng nếu không làm ra tiền, thì về thực chất, chúng ta không làm gì cả. Trong mức độ nào đó, nhân phẩm chúng ta sẽ bị hạ thấp hoặc chúng ta sẽ mất hẳn giá trị làm người.

Nền giáo dục hiện đại không giúp chúng ta tìm hiểu những giới hạn của đời sống con người. Nó không nêu những vấn đề như, “Đời sống là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Ý nghĩa của con người sống trên trái đất này là gì?” Những câu hỏi đại loại như trên đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và quán tưởng; Chúng ta phải mở rộng tâm thức để tiếp nhận và ý thức về những tình cảm, tư duy, kinh nghiệm, và cảm giác của chúng ta — nói khác đi, để tiếp cận với những giới hạn của kiếp sống con người. Nếu không biết giới hạn của mình, chúng ta sẽ không tự lượng được sức và dễ đi đến chỗ quá đà. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ bị mặc cảm tự ti và co rút lại trong đời. Cả hai thái cực này đều dẫn con người đến những khó khăn tâm lý và tình cảm về sau này.

Trong con người thường có nhiều loại xung lực tâm lý, có loại tốt đáng được trân trọng; có loại xấu cần loại bỏ. Những xung lực tâm lý này nối kết với nhau thành một chuỗi liên tục từ cái cao thượng nhất đến cái hạ tiện nhất. Vì thế, trong khi hành thiền và thực hành giáo Pháp, chúng ta sẽ tiếp cận và làm quen với những xung lực tâm lý đáng được trân trọng bên trong chúng ta. Thấy được những xung lực tâm lý này trong nội tâm và tìm cách thể hiện chúng ra trong cuộc sống là điều rất quan trọng. Suy nghĩ và quán tưởng về những vấn đề như “Làm người trong xã hội này, tôi phải sống như thế nào? Như một người cha, mẹ, vợ, chồng, thầy giáo, luật sư, nhà kinh doanh, người buôn bán, thợ thủ công, hay bất cứ nghề nào đi nữa, tôi nên sống như thế nào? Làm sao tôi có thể hướng những khả năng và đức tính của mình đến những mục tiêu mà tôi hằng kính trọng?” là rất quan trọng. Khi nêu lên và tìm giải đáp cho những câu hỏi này, đó chính là lúc mà chúng ta đang “giáo dục” hay “hướng dẫn” chúng ta về cuộc đời và hướng cuộc đời chúng ta đến những mục tiêu cao cả; lúc đó nhận thức của chúng ta sẽ thống nhất và hòa làm một với Sự Thật và Sự Thánh Thiện.

Ngược lại, chúng ta có thể đưa một cá nhân hay cả một dân tộc vào con đường sai lầm. Tâm chúng ta có thể đầy ấp với những mê tín dị đoan hay với những niềm tin và nhận thức hoàn toàn sai lạc về cuộc đời.

Khác với những xã hội sơ khai, xã hội hiện đại dễ đi vào con đường sai lầm. Trong thế giới hiện đại, môi trường sống của con người ít nhiều rất giả tạo và có nguy cơ là sẽ cắt đứt chúng ta khỏi quá trình phát triển tự nhiên của cuộc sống; để cuối cùng chúng ta sẽ rơi vào những tháp ngà đầy ô nhiễm và ảo tưởng. Chúng ta có thể xem thường những bộ lạc sơ khai, cho thế giới của họ là đầy dị đoan và mê tín, nhưng chúng ta nên nhớ rằng họ vẫn sống gần gũi với thiên nhiên. Thế giới quan của họ có thể khác với chúng ta, nhưng họ rất ý thức, tỉnh giác và thường xuyên sống nhu thuận và hòa hợp với môi trường tự nhiên chung quanh.

Khi nền văn minh hiện đại phát triển và con người bị tác động bởi những hệ tư tưởng khác nhau, chúng ta có khuynh hướng bị lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi xem truyền hình, tâm chúng ta chỉ tiếp thu những loại tin tức rác rưởi và vô ích. Chúng ta sống một thế giới hoàn toàn giả tạo và quên hẳn đi những dòng vận động tự nhiên của trái đất này. Thậm chí, chúng ta mất hẳn liên hệ với thân thể vật chất của chính mình. Nếu không nhờ gia đình, truyền thống tôn giáo, hay nhà trường nhắc nhở, chúng ta sẽ mất hẳn ý niệm về sự thiêng liêng của cuộc sống; chúng ta sẽ bị chìm đắm trong những thú vui thô thiển của ngũ dục, những trò tiêu khiển giải trí, hay những cuộc phiêu lưu tình cảm. Và dĩ nhiên, sau khi đắm mình trong những dục lạc trên, chúng ta sẽ càng điên loạn và sụp đổ tinh thần. Tất cả những vấn đề của xã hội hiện đại đều bắt nguồn từ những ô nhiễm và ảo tưởng trong tâm chúng ta và từ việc chúng ta đã mù quáng chấp nhận những cái giả tạo mà xã hội này cung cấp.

Trở lại chuyện về Đức Phật, Ngài luôn khuyên các tu sĩ vừa thọ giới tỳ kheo nên vào rừng để sống. Ngài khuyên như thế với mục đích gì? Hãy tưởng tượng khi ngắm cảnh núi rừng, tâm bạn sẽ như thế nào? Kinh nghiệm của riêng tôi cho thấy là khi nhìn và tiếp cận với thiên nhiên chưa bị tàn phá, chưa bị hoen ố bởi dục vọng và lo sợ của con người, tôi thường cảm thấy bình an và thanh tịnh. Cùng thế ấy, nếu sống lâu trong rừng, bạn sẽ cảm thấy an tịnh. Cây cỏ và đời sống ở rừng không làm ô nhiễm tâm chúng ta. Chúng chỉ là chúng; chúng không giả vờ và ngụy tạo. Trong khi đó, rất nhiều điều mà con người tạo tác, xây dựng, hay tái tạo lại giả tạo và khó có thể mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn chúng ta.

Đức Ajahn Sumedho

Việt dịch: Liên Trí

Trích: Tâm và Đạo (Hiểu sâu tâm mình và Con đường tâm linh) – Nhà xuất bản Đà Nẵng